Tôi thức dậy, khi ấy khoảng
sáu giờ sáng. Thành phố biển giờ này đang trong trạng thái vặn mình ngái ngủ.
Vài chiếc xe đi xuyên đêm giờ mệt nhoài nằm tựa bên gốc cây phượng già ngày hoa
tàn. Vắt trên yên xe là những chiếc bao tải cũ đã nhem nhuốc và bốc mùi sau một
đêm chở đủ thứ hàng hóa tươi sống từ chợ đầu mối về phố nhỏ. Những người đàn
ông đi xuyên đêm cũng đã kịp dựa tạm vào tường đánh một giấc ngon lành, thỉnh
thoảng giật mình vì tiếng còi xe xé óc. Đàn bà lụi cụi vừa bày hàng vừa nhẩm
tính, sẽ có vài loại rau giá cao hơn hôm qua, vài loại củ không được tươi ngon
như mọi khi chắc là khó bán. Người thì hớn hở vì có mối nhập hàng hời, người
thì chậc lưỡi xót xa chỗ hoa quả bị dập trong quá trình vận chuyển. Thành phố
như mới mở một mắt, mắt còn lại vẫn say giấc trong những ô cửa kín rèm. Nếu mười
năm trước tôi chọn một người đàn ông khác làm chồng thì giờ chắc đã thức dậy ở
một miền đất khác, ngắm một vùng trời khác, hít những hơi thở khác. Đó là giả
thiết đầu tiên trong ngày khi tôi ngoảnh lại nhìn người đàn ông của mình đang
ngủ mớ. Tôi định thử đoán xem anh ấy đang gọi tên ai? Biết đâu là một cô tình
nhân cũ. Như cách tôi thường gọi tên những giả thiết của mình…
Người chồng hiện tại của tôi tên Du (phải nói rõ ràng như vậy bởi
biết đâu mười năm sau chúng tôi không còn là vợ chồng của nhau nữa thì sao). Anh
ấy là người đàn ông thế nào? Tôi không biết dù sáng nào câu hỏi ấy cũng vang
lên trong mạch suy nghĩ của tôi. Tôi chẳng rõ Du là người đơn giản hay phức tạp.
Chúng tôi sống bên nhau mười năm chẳng làm gì phiền lòng nhau cũng chẳng có gì
thắm thiết. Tôi có cuộc sống mà mình hằng ước muốn, mọi sự luôn nằm trong biên
độ an toàn. Khi các con còn nhỏ tôi gần như không có thời gian để nghĩ ngợi vẩn
vơ. Hàng ngày vợ chồng chỉ cần nhìn thấy nhau là ổn. Có bao sức lực, tình thương
đều dồn cả cho con cái. Chỉ mong chúng ăn ngon ngủ ngon là cả hai đã thở phào
nhẹ nhõm. Hết đứa lớn lại đứa nhỏ ra đời. Ngót nghét mười năm của cuộc đời
chúng tôi đã thương yêu nhau rất vội. Để đến một hôm con cái về quê với ông bà,
bỗng nhiên tôi thấy chân tay nhàn rỗi, lòng trống rỗng và hoang hoải. Chúng tôi
đã làm gì cho nhau suốt những tháng năm dài? Những cuộc làm tình vừa rón rén vừa
vội vã chỉ vì bọn trẻ có thể tỉnh giấc và khóc thét lên bất cứ lúc nào. Những
ngày lễ không có hoa hay quà vì tôi không có thời gian để gặm nhấm niềm vui. Không
một chuyến đi xa, không một bữa cơm vì khẩu vị của nhau mà nấu. Lúc nhìn lại
tôi thấy mình già đi nhiều và anh cũng qua thời trai trẻ đã lâu. Liệu có khi
nào anh thảnh thơi ngồi nghĩ lại như tôi, chắc hẳn anh sẽ nuối tiếc nhiều…
Hôm qua tôi nhận được điện thoại của cô bạn thân hồi đại học. Dễ
chừng cả năm nay chúng tôi mới liên lạc với nhau. Cũng là dịp hiếm hoi rảnh rỗi
để kể lể với nhau nhiều chuyện. Cuộc sống thế nào? Con cái ra sao? Nhan sắc liệu
có còn như xưa hay là nhàu nhĩ? Rồi như chợt nhớ ra Ly hỏi:
- Dạo này cậu có còn liên lạc với anh Vĩ không?
- Nghe nói anh ấy thành đạt lắm. Hôm nọ có nhìn thấy anh ấy trên
ti vi trong buổi lễ vinh danh các doanh nhân. Lúc quay dưới hàng ghế khán giả
còn nhìn thấy cả vợ anh ấy nữa. Cô ấy vẫn xinh đẹp trẻ trung như ngày nào. Chẳng
như tụi mình đâu.
- Ngày ấy nếu cậu lấy Vĩ…
Tôi bật cười, hình như trong giọng cười có chút tiếc nuối đúng kiểu
đàn bà:
- Thì bây giờ đã sung sướng sống đời phu nhân quyền quý đúng không
nào?
Đầu dây bên kia thở dài. Tôi nghe rõ tiếng cơ thể Ly vừa thả rơi
xuống nệm. Ở tuổi chúng tôi xương khớp đã bắt đầu rệu rã, lúc nào cũng thèm được
ngả lưng, duỗi dài trên nệm êm mà ngủ một giấc dài. Im lặng vài giây, Ly bảo:
- Ông trời có bao giờ cho ai mọi thứ đâu. Tròn cái này thì khuyết
thiếu cái kia. Vĩ giỏi vậy nhưng lại chẳng thể có con. Nhờ khoa học can thiệp
nhiều lần nhưng cũng chịu. Nếu cậu lấy Vĩ thì chắc gì đã hạnh phúc đúng không?
Câu chuyện kết thúc ở đó vì người đàn bà ở đầu dây bên kia phải vội
về đón con và cơm nước cho chồng. Du đi công tác, các con lại vắng nhà nên tôi
được thể ngồi lục tìm kí ức. Trước khi gật đầu làm vợ Du, tôi có trải qua hai
cuộc tình. Vĩ là mối tình đầu của tôi kéo dài gần bốn năm. Đó là người đàn ông
nhiều tham vọng. Ở bên anh ấy dù không hề có sự chen chân của người đàn bà nào
khác nhưng tôi từng bị lãng quên. Những lúc đơn độc nhất không có Vĩ kề bên tôi
đã tự hỏi hóa ra tình yêu là như thế này sao? Bạn có chọn một người đàn ông nhiều
tham vọng làm chồng không khi mà biết chắc mình sẽ luôn là người phải ngóng đợi?
Tôi từng nghĩ đến những bữa cơm nguội ngắt, những lời hò hẹn bị lãng quên, những
đứa con lớn lên thỉnh thoảng ngơ ngác nhìn cha như người xa lạ. Và biết đâu có
một hôm nào đó tôi sẽ trượt chân khi bắc ghế cố với tay thay cái bóng đèn bị
cháy. Thậm chí trong những tháng năm yêu Vĩ, tôi thường mơ thấy mình ốm nằm một
mình trong căn phòng trắng toát mà tưởng đời là hoang đảo. Chỉ ngồi mường tượng
thôi cũng đủ đau tim, khiến nhiều lần tôi lặng lẽ lau nước mắt. Để rồi dứt
khoát kết thúc tình yêu với Vĩ.
* * *
Du đi công tác vẫn chưa về. Ngày anh điện thoại hai lần hỏi thăm
chuyện nhà cửa có ổn không, nhắc tôi nhớ uống thuốc bổ não và đừng quên vận động
cho xương khớp đỡ đau. Du vẫn vậy, đúng mực làm chồng, thật khó mà chê trách. Nhưng
Du lại không biết cách làm một tình nhân nên tôi lúc nào cũng phải trở về với
đúng số tuổi của mình. Gần bốn mươi tuổi mà còn mong làm tình nhân của chồng hẳn
là phù phiếm. Nhưng biết sao được vì tôi sinh ra vốn là người lãng mạn, hơn nữa
còn học chuyên văn suốt nhiều năm trời. Ngày ấy có bao giờ tôi mường tượng ra
cuộc đời mình của những năm ba bảy tuổi. Cái độ tuổi mà mỗi sớm thức dậy đều
không có gì thú vị để làm nhưng cũng chẳng muốn nằm dài trong chăn ấm đệm êm. Cũng
là lúc hay nhớ chuyện ngày xưa, về cái thời mình còn trẻ trung xinh đẹp nhất khối,
bao nhiêu người thầm yêu trộm nhớ. Cái thời buồn vui đôi khi phụ thuộc vào mưa
nắng hay chỉ vì một hôm anh nhà thơ trẻ tên Huy nói từ lâu đã coi mình là nàng
thơ của riêng anh. Ừ nhỉ, nếu như ngày đó tôi gật đầu lấy một nhà thơ thì bây
giờ sẽ ra sao nhỉ? Có lẽ đang sống trong một ngôi nhà trọ chật chội nào đó. Quà
sinh nhật, quà kỉ niệm ngày cưới, quà ngày 8-3… dĩ nhiên sẽ được tặng thơ. Biết
đâu tâm hồn tôi luôn dừng lại mãi mãi ở tuổi đôi mươi trẻ trung, bay bổng.
Tôi chưa từng thấy ai sống chậm như Huy, mặc kệ cuộc đời xô bồ
ngoài kia anh cứ việc yêu thương theo cách của riêng mình. Nhưng Huy lại nói thực
ra anh đang sống gấp gáp mỗi ngày, từng giây từng phút đều tha thiết vắt kiệt để
yêu mình và yêu người. Yêu một người như Huy sao tôi lại chia tay? Hơn mười năm
trôi qua giờ cảm xúc không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ đã từng thương
mình đến thế nào khi đi chơi với Huy mọi chi tiêu đều là tôi bỏ tiền ra trả. Vì
Huy nghèo quá, tôi không lỡ moi những đồng tiền phòng thân cuối cùng trong ví một
nhà thơ. Hồi đó tôi bỗng nghĩ mình đâu thể thương Huy được cả đời để mà gồng
gánh như vợ của nhà thơ Tú Xương đâu. Nghĩ đến Huy tôi lại nhớ anh đã chuyển về
cùng một thành phố với tôi, vậy mà bao nhiêu tháng năm dài không một lần gặp lại.
Vớ lấy chiếc điện thoại nằm nguội lạnh trong hộc bàn, tôi lướt nhanh danh bạ, dừng
lại ở kí hiệu A.H. Có nên thực hiện một cuộc gọi hay không? Để làm gì nhỉ? Hỏi
han, chuyện trò cho khuây khỏa trong một ngày xa chồng con mà chẳng biết làm gì
sao? Tôi bật cười trách mình rảnh rỗi sinh nông nổi, định cất máy vào ngăn tủ
nhưng tay chân quờ quặng thế nào lại ấn nhầm nút gọi. Tôi vội vàng tắt máy mà
không biết rằng chỉ vài giây thế thôi cũng đủ hiện ở máy Huy một cuộc gọi nhỡ từ
số máy của tôi.
Buổi chiều Huy gọi lại. Vài câu hỏi han qua lại đã cảm thấy mười
năm đâu có gì dài. Huy hẹn cafe trong ngõ nhỏ, nghe những tiếng rao đặc quánh cả
tâm tư. Huy khác xưa nhiều quá, tôi không còn nhận ra vẻ phong trần bẩm sinh từ
môi mắt một nhà thơ nữa. Có bao nhiêu khắc nghiệt của cuộc sống dường như dồn cả
vào đáy mắt. Tôi toan định hỏi anh chuyện vợ con thì chiếc loa phường từ đâu
vang lên bản tin tìm người thân bị lạc. Đó là một người mẹ già nhắn tìm đứa con
gái hai mươi tuổi.
- Hai mươi tuổi người ta còn có thể đi lạc được sao em?
- Có điều gì đáng ngạc nhiên đâu anh. Em đôi lúc cũng ngược xuôi
trên đường rồi đi lạc một cách vô thức. Cũng may còn có thể tìm đường về được
nhà với con.
-Ừ! Mà biết đâu một ngày nào đó vợ anh cũng đi lạc như em rồi
không tìm được đường về. Không lẽ anh cũng nhờ phường đọc bản tin tìm vợ lạc.
- Cô ấy cao bao nhiêu?
- Thấp hơn em một chút. 1m60. Cô ấy không mua sắm nhiều quần áo như
những phụ nữ khác. Nếu đi lạc có thể cô ấy sẽ mặc chiếc áo màu huyết dụ. Chiếc
áo ấy chỉ cần gió lùa nhẹ cũng nhăn nhúm mà chẳng hiểu sao cô ấy thích.
- Anh thấy màu áo em mặc hôm nay thế nào? Nó nhiều màu sắc quá
đúng không? Nếu phải đọc trên bản tin phường có lẽ chồng em sẽ không biết được
em đã mặc áo màu gì. Vì hôm nay anh ấy đi công tác và nếu lục tủ đồ anh ấy cũng
không nhớ nổi đã thiếu chiếc áo nào. Nhưng hôm nay không thích hợp cho một ngày
đi lạc nên anh đừng rầu rĩ thế. Chỉ tí nữa thôi, khi rời khỏi quán này trở về
nhà anh sẽ thấy vợ mình đang ngồi đợi cơm chiều.
- Lâu rồi cô ấy không cười. Hình như trong lòng buồn bã lắm. Thú
thực anh chẳng mang lại một cuộc sống như cô ấy muốn. Bọn anh từng dày vò nhau
nhiều. Cô ấy từng nhiều lần định bỏ đi. Ngày ấy… cũng may mà em thoát khỏi anh.
Tôi cảm nhận rất rõ vai mình như trũng xuống, một nỗi cảm thương đồng
loại nhen đầy ứ đặc trong tôi. Đúng là tôi may mắn thật nhưng tôi không muốn phải
xót xa anh như thế này. Thà anh cứ như xưa, nghèo mà lúc nào cũng vui còn hơn
đã chẳng thay đổi được gì lại đầy đọa bản thân tàn tạ. Thực ra anh mới là người
đi lạc, ít ra là trong một buổi chiều u buồn này. Lạc vào nhân gian này, quán
cafe ngõ nhỏ này rồi trút bỏ lòng kiêu hãnh của một tâm hồn luôn yêu thương cái
đẹp trước mặt người tình cũ. Nên tôi viện cớ đòi về, sợ ngồi thêm lúc nữa biết
đâu sẽ khóc. Nhìn dáng anh lẫn trong dòng người tan tầm đông đúc bỗng thấy thương
cả chiếc áo màu huyết dụ mà người đàn bà của anh thường mặc. Giả thiết nếu ngày
xưa tôi lấy anh thì màu áo mà tôi mặc chắc gì đã rực rỡ thế này? Nhưng rực rỡ
cũng chắc gì đã là hạnh phúc.
Ngày mai Du về rồi. Bữa cơm đoàn tụ nhẽ
ra có nhiều chuyện để nói với nhau nhưng hình như chúng tôi đã quên mất thói
quen chia sẻ. Bỗng nhiên tôi muốn biết có khi nào Du cũng thích đặt giả thiết
như tôi. Rằng nếu ngày xưa mình không lấy người đàn bà này liệu cuộc đời mình
có khác nhiều không? Để rồi nhận ra những tháng năm có nhau trong đời là nhân
duyên tốt đẹp. Như là cách tôi đã chọn Du và chọn được thức dậy mỗi sáng
tinh mơ bên thành phố biển vẫn còn đang ngái ngủ này…
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét