Nguyễn Thành Công
Ông sinh ở đâu, đã từng làm gì, và bây giờ có vợ con hay không… là một ẩn số, vì không nghe ông nói, mà thực ra ông rất ít nói.
Ông dầm mưa dãi nắng trên đường khi thì với xấp vé số trên tay, khi thì với cần xé bánh mì, và thùng cà rem với chiếc chuông leng keng len lỏi vào các xóm nhỏ là hình ảnh quen thuộc nhất, và ông gắn bó với nghề nghiệp này lâu nhất, cho đến khi vào một ngôi miếu.
Miếu ở ven đường, tất nhiên, xung quanh đầy cỏ dại. Vùng nước mặn và đồng bằng phù sa, nên hình ảnh cố hữu về một mái ngói cong vút uy nghi vươn lên trên một triền đồi, hay nhìn xuống một dòng sông uốn khúc, bên này đình miếu, bên kia trẻ nhỏ vắt vẻo trên lưng trâu… là không có. Miếu mà ông vào tá túc những năm tháng cuối đời như ốc đảo trên sa mạc, chỉ có nhiều nắng và gió. Lúc nào cũng nóng hầm hập, ngay cả khi những cơn mưa vội vàng lướt qua, trút xuống cũng chỉ làm vơi đi ít nhiều cái nóng. Gọi là ốc đảo vì trong khuôn viên kín đáo của miếu, người ta trồng rất nhiều cây, toàn những cây quý, lạ. Dân miền này làm gì biết đến những loại thực vật chỉ được nghe nhiều, đọc nhiều thôi: liễu, trúc quân tử… Vậy mà ở đấy người ta trồng toàn những thứ đấy, tạo nên một chốn khác thường giữa một vùng nghèo túng, xác xơ xung quanh. Chánh điện xây trên một nền cao, nguy nga, theo kiến trúc cổ. Trong ấy, nội thất chạm chỗ cầu kỳ, tinh xảo dễ gây cho khách hành hương lần đầu một cảm giác choáng ngợp. Và người ta tạo nên suối nhân tạo với tiếng suối róc rách hòa lẫn trong tiếng nhạc Phật giáo ngân vang…
Còn nữa, bên này là Đông lang, bên kia Tây lang, và sau rốt là hậu liêu, sau hậu liêu là một cái ao to với cá vàng lững lờ …
Đấy, ông vào chốn ấy cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Sáng quét dọn cái sân rộng, chiều quét dọn chính cái sân ấy, và tưới tẩm các loại cây cảnh trong sân. Vệ sinh các kham thờ, việc thiêng liêng này ông làm khi đã xong các việc kia, ngoài sân.
Miếu rộng thế, một không gian mênh mông mà chỉ có một mình nên lạnh vắng một chút. Tiếng niệm Phật từ chiếc máy nhỏ vang vang suốt ngày đêm khiến ông tìm được chút hơi ấm, thấy bằng an rất nhiều.
Và như thế, như thế, nhiều năm, những gió bụi cuộc đời lặng lại, lắng lại, ông đã tịnh tâm, nhớ ra, nghĩ tới nhiều điều. Như một tảng băng vỡ, ông bỗng nói và nói nhiều về những gì đã qua, người ta ngạc nhiên nghe, rồi dần dần thích nghe ông kể. Từ chỗ lặng thinh, ông nói đầy đủ và rõ ràng về mọi sự đã đến với mình trong bao nhiêu năm gió bụi. Ông sinh ra ở đâu, nhà nghèo như thế nào, tại sao lại lang thang như thế… Câu chuyện hấp dẫn được thuật lại của chính người trong cuộc, khiến ai nấy cũng bị cuốn vào. Chiều tối, người ta tụ lại nghe ông nói. Rồi có người mua trà, uống để thức mà nghe. Ông kể về cái nghèo của hơn bảy mươi năm trước, phải lấy vải tang mà mặc. Ông đi học, ừ, ông cũng được đi học, với chiếc quần cộc. Và người cha tội nghiệp đứng ngoài đường nhìn vào, tựa gốc cây. Đấy là khi ông vào một kỳ thi. Ông học, và ông là người duy nhất được học trong một gia đình đông anh em. Ông mơ được làm thầy thông thầy ký…
Chiến tranh, một cuộc chiến dài như không dứt. Ông lăn lộn trong ấy. Một cái chân khập khiễng là kỷ niệm của chiến tranh để lại, cho ông.
Ông làm nhiều nghề để sống, có những nghề cao quý và những nghề ngược lại. Có nhiều vợ, có người vợ cao quý và ngược lại. Khi thì ông là tài xế xuôi ngược trên đường thiên lý, khi thì bán buôn hàng lâm sản tận cao nguyên. Có khi có rất nhiều tiền, có lúc không một đồng xu, thấy người ta hút thuốc mà thèm lắm. Như vậy đấy, một cuộc sống vô định cuốn ông vào. Làm ăn thất bại, rời thành phố, ông về nông thôn cày cuốc, khi có chút gì đấy, ông lại ra thành thị, rồi lại về nông thôn khi trắng tay… Cuộc đời ông rốt cuộc không có thu hoạch gì, về mọi thứ. Vợ con tứ tán, còn ông, một mảnh giấy tùy thân lộn lưng cũng không có. Già rồi, ông thả xuôi theo dòng chảy và cũng là một vận may khi ông được “cuốn” vào miếu, một chốn thanh tịnh. Trí nhớ không buông tha ông, ông tự nhiên học và thấm lời Phật khi quán tưởng lại tất cả, thấy hình như Phật nói đến mình ở chuyện này chuyện này. Người ít học như ông lại học Phật nhanh đến thế. Ông có thể nói vanh vách về nghiệp, về luân hồi, về lý nhân quả… và hấp dẫn người nghe ở chỗ ông lấy chính dẫn chứng của cuộc đời minh ra để chứng minh lời Phật. Một ông lão như thế, trong một ngôi miếu như thế, nói lời Phật bằng chính cuộc đời mình, sao mà không nghe? Và người ta nghe ông, thấm lời ông cho dù ông chẳng phải là tỳ kheo, cũng không qua một trường lớp Phật pháp nào.
Mười năm cuối đời ông lão bán cà rem ở đấy, yên ổn, hạnh phúc, đủ đầy. Người ta thương đem trái cây cho ông ăn, người ta cúng Phật, cúng Thần song để hết lại cho ông gọi là lộc, người cho ông quần áo… Nói chung, cũng là sự công bằng. Một bài văn ngổn ngang chữ nghĩa không đọc nổi, cuối cùng cũng có một cái kết an bài.
Ông ra đi vào một ngày mưa (sao lại là ngày mưa?). Đoàn người dài dằng dặc tiễn ông. Lạ là không có nghi thức Phật giáo, vì chỉ là cái miếu, và như đã nói, ông cũng chẳng tu tập bài bản ngày nào… Người ta thuê một đội kèn Tây đông đúc từ… nhà thờ Công giáo, và họ đến trong trang phục trắng tuyệt đẹp như trong một nghi thức ngoại giao trọng đại nào đấy. Ước nguyện cuối cùng của ông được đáp ứng: đội kèn tây tấu lên bản nhạc bất hủ của Trịnh Công Sơn “Một cõi đi về”.
Vâng, ông lão đã kết thúc cuộc chơi vào một ngày như thế, có mưa và có kèn tây. Những người quen biết ông, từng nghe ông kể chuyện đời mình như thuyết pháp, đã khóc khi nghe những giai điệu thê thiết của nhạc sĩ họ Trịnh.
Vâng, “Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi đâu, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhựt nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”…
Vâng, chuyện là thế, về một ông Từ…
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét