Ông ngồi im lặng. Trước mặt ông là
di ảnh người phụ nữ trên bàn thờ, người mà hơn 55 năm trước, đã đưa ông qua nhánh
phía nam của sông Côn trong tình huống không kém phần nguy hiểm trên chiếc sõng
câu để về hầm bí mật được đào ngay trong buồng nhà chị. Lỗ thông hơi nằm giữa
bụi tre rất rộng cách nhà chị khoảng 10 mét, nên địch không thể phát hiện được.
Căn hầm này được đội công tác của xã đào
với sự cảnh giới của chị.
Khi những người thả lưới, soi đèn
bắt cá làm rộn một khúc sông, ông đứng dậy bước đến bàn thờ, thò tay rút tờ
giấy học trò được xếp cẩn thận dưới lư hương. Ông lật qua lật lại rất nhiều
lần, vì ông không tin, những chiến công của chị chỉ là những dòng chữ được viết
nắn nót trên hai mặt của một tờ giấy học trò thôi sao? Bất chợt, ông ngồi xuống,
vai ông rung lên không ngừng… Ông nhớ, ngày ấy, cơ sở chuyển cho ông cái hộp
quẹt diêm, trong đó có 100 đồng và mảnh giấy chị ghi có đôi chỗ dính máu: “Chị gửi
chú H. và đội công tác chút ít để mua gạo”. Sau này ông mới biết, khi bị tra
tấn đến chết đi sống lại nhiều lần, chị nghĩ mình khó có thể sống được nhưng
chị vẫn nghĩ anh em đội công tác sẽ khó khăn, nên chị lần vào chiếc áo ngực lấy
cái hộp quẹt diêm được chuẩn bị sẵn trao cho một cơ sở cách mạng đóng vai người
thăm nuôi, để đến được tay ông…
55 năm trước, ngày ông về miền Nam
theo Nghị quyết của Trung ương, và trở lại quê hương xây dựng các cơ sở cách
mạng, theo sự phân công của Tỉnh ủy chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang với địch. Ròng rã trên đường Trường Sơn hơn
một tháng, ông dò dẫm xuống căn cứ cách mạng V.C, lần theo đường rừng ông về
lại A.T, nơi ngày xưa, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đơn vị ông đã
từng đóng quân. Và thông qua những người
kháng chiến cũ, ông đã gặp chị, được chị đưa về căn hầm bí mật trong nhà mình
nuôi giấu ông. Do điều kiện thiếu thốn cũng như sự khắc nghiệt của nước độc
rừng sâu trong một thời gian dài, ông bị sốt liên tục. Làm thế nào để chữa bệnh
mà tránh được tai mắt của địch, không bị lộ là điều vô cùng khó khăn. Cũng may,
chị có người anh con ông bác ruột là đông y sĩ hành nghề hốt thuốc Bắc ở phố
chợ xóm trên nên việc chữa bệnh cho ông được xuôi thuyền mát mái. Chỉ có một
việc là chị phải đóng vai người bệnh để che mắt thiên hạ. Hết bệnh, chị hốt
thêm thuốc bổ, và sẵn gà có ở nhà, năm ba bữa, chị nấu cháo bồi
dưỡng cho ông…
Những thước phim của một thời quá
khứ lại hiện về trong ông như chỉ mới xảy ra hôm qua. Nó lại dắt ông về một
thời ác liệt của cuộc chiến tranh, chia nhau từng nắm cơm vắt của chị, cái đòn
bánh tét, vài chiếc bánh in đêm giao thừa, và những đêm cõng gạo về căn cứ nuôi
quân, chuẩn bị bước vào chiến dịch diệt cứ, phá đồn, cùng những thời khắc chôn
vội những đồng đội hy sinh…
Cây cừa nước như già đi với thời
gian. Ông bước tới, sờ thật nhẹ, cứ như sợ nó sẽ biến mất theo dòng nước. Ông
không còn nhớ là bao nhiêu lần, nhưng ông biết rất rõ, đây là nơi chị cột chiếc
sõng đưa ông, đội công tác và bộ đội qua sông.
Hòa bình đã bốn mươi năm, thế nhưng
không năm nào là ông không về nơi đây để thăm chị mỗi khi địa phương tổ chức kỷ
niệm ngày giải phóng quê hương. Nhưng lần này thì chị đã không còn. Tra tấn của
địch không giết được chị ngay, tuy nhiên hậu quả của nó thật hiểm độc. Chị đã
chết một cách dần mòn vì suy nhược toàn thân. Khi ở độ tuổi xuân xanh, chị cống
hiến sức trẻ cho sự nghiệp cách mạng. Khi nước nhà thống nhất, chị chẳng còn
trẻ và mang nhiều bệnh tật nên vẫn sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 bên bờ
sông Côn. Nơi đó, chị đã cưu mang nhiều con người góp phần giải phóng quê
hương. Có người hằng năm còn về thăm chị, nhưng có người mãi mãi nằm lại với
Đất Mẹ chỉ ở tuổi 18, đôi mươi. Trong chiến tranh, ông là đứa em kết nghĩa được
chị nuôi nấng cưu mang. Những gì ông có được hôm nay đều có bóng dáng của chị.
Và nếu không có chị và những người như chị thì làm sao ông và nhiều đồng chí
của ông qua được những đợt càn quét, truy sát của địch… Quê hương được giải phóng, ông làm lãnh đạo
huyện, đi công tác có xe đưa đón, có lương, có chế độ tem phiếu, có đường sữa,
có thịt… Những khi đi công tác xuống xã, gặp chị, ông thường nhắc chị đi làm sổ
thương binh, làm báo cáo thành tích để nhận huân chương kháng chiến, thì chị
chỉ cười và bảo: “Công chị có là bao mà làm báo cáo thành tích. Bao nhiêu người
nằm xuống cho vùng đất này có đòi hỏi gì đâu”. Rồi, chị hỏi ông, vết thương cũ
của cậu độ này có ổn không? Chị lảng sang chuyện khác, ông bực lắm, nhưng ông không còn lạ gì tính khí của chị. Sống im lặng. Không đòi hỏi. Chẳng kể công
nuôi ông nọ bà kia. Và cũng chẳng hề trách cứ ai quên căn hầm ngày xưa đã từng
chắt chiu nuôi nấng mình. Ông nói: “Em được khám, chữa bệnh theo định kỳ nên
cũng đỡ. Em chỉ lo cho chị”. Chị thì vẫn ở nhà cấp 4, vẫn trồng rau, nuôi gà,
trỉa bắp, trỉa đỗ ven sông… như ngày còn chiến tranh. Chị đâu có gì khác. Tiền
bạc, ngày xưa chị dồn hết để mua thuốc tây, thuốc hút, gạo, mắm, vải bô lo cho
bộ đội, du kích. Giờ chị sống chừng ấy. Chị sinh ra và lớn lên ở đây. Cha mẹ
chị chết sớm, để lại chị và đứa em trai. Trận đánh ác liệt năm 1972 tại cứ điểm
cầu P.N, đứa em trai cũng hy sinh khi chưa đến tuổi 30. Những ngày còn chiến
tranh, chị lại không cô đơn. Lúc nào trong căn hầm bí mật cũng có người. Bộ não
chị luôn hoạt động, cảnh giới cho anh em, rồi lo cháo, lo rau. Chị bận bịu cả
ngày. Khi đất nước hòa bình, ngó trước ngó sau chỉ có mình chị. Nửa đêm tối lửa
tắt đèn cũng chỉ mình chị. Khi chị qua đời, bà con làng xóm tổ chức chôn cất, ma
chay.
Trước đây nhiều phóng viên báo, đài
đến gặp chị để viết về một thời chị làm cơ sở cách mạng, và những trận đòn tra
tấn dã man của địch đối với chị thì chị chỉ đưa một tờ giấy học trò, trên đầu
có ghi dòng chữ: Tôi tên Huỳnh Thị Ng… sinh năm 19… và trên hai vách tường chưa
kịp tô láng, chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi tên người em trai duy nhất
của chị.
Đứng lặng trước di ảnh của chị, cầm
trên tay tờ giấy chị tự khai thành tích trong kháng chiến, ông thấy mình như có
lỗi với chị, dù chị chưa bao giờ trách cứ ông, kể cả thời gian ông làm lãnh đạo
ở địa phương. Lẽ ra, với quyền lực được phân công, ngày ấy ông có thể giúp chị
được nhiều hơn, từ việc sửa sang lại cái nhà, đến việc làm hồ sơ chứng nhận
thương binh, hồ sơ đề nghị khen thưởng huân huy chương kháng chiến… Ông lao vào
vòng xoáy công việc của những năm sau
ngày giải phóng. Ông lo được cho nhiều người, nhưng…
Rồi ông lại ngồi xuống chiếc ghế
được làm bằng mây rừng ở căn cứ A.T hồi anh em tặng chị thời chiến tranh. Những
hình ảnh của quá khứ đè nặng lấy ông, nhất là những đêm cõng gạo, chuyển vũ khí, tải thương
binh qua sông Côn về căn cứ A.T, và quang cảnh ngôi nhà đơn sơ của chị, nơi một
thời nuôi dưỡng, bảo vệ anh và đồng đội anh từng ngày, từng giờ.
55 năm từ ngày ông đến đây, và 40
năm sau kết thúc cuộc chiến tranh. Kẻ còn người mất. Kẻ nhớ người quên. Nhưng
với chị thì ông không bao giờ quên. Bởi tấm lòng của chị thấm đẫm tình yêu xứ
sở. Tình yêu đó được đánh đổi bằng xương máu của bao người vì sự nghiệp giải
phóng quê hương.
Và bây giờ ở trong ngôi nhà của chị
sau 40 năm, ông lại tự thấy mình xấu hổ, thật đáng trách. Trên bàn thờ, chị vẫn
một nụ cười nhân hậu, và đẹp, như ánh trăng 16 lấp lánh trên dòng sông Côn phía
sau nhà.
N.H.D
Ân và Nghĩa. Truyện như một lời nhắc nhở. Chợt nhớ câu thơ "ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm". Vui khỏe nha D.
Trả lờiXóaChào anh Tài,
XóaCảm ơn anh đã đọc và chia sẻ về những người mẹ vĩ đại, bao dung và nhân hậu... Mong anh sức khỏe!