Cây bút trẻ Vĩnh Thông
Có
bài viết được đăng báo từ năm lớp 8, đến năm lớp 11 Vĩnh Thông đã xuất bản tập
thơ đầu tay. Từ đó đến nay anh bạn sinh viên khoa Văn hóa học trường ĐH
KHXH&NV TP.HCM đã liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm và được xem là một
cây bút 9X đầy tiềm năng.
XUẤT BẢN SÁCH… TỪ NĂM LỚP 11
Vĩnh
Thông bày tỏ: “Mình viết là để viết, để chia sẻ cảm xúc, trải lòng mình đến với
những tâm hồn đồng điệu”. Bộc lộ năng khiếu văn chương từ bé, Vĩnh Thông say mê
đọc nhiều tác phẩm văn thơ và bắt đầu tập tành sáng tác. Thoạt tiên là viết cho
vui, để thử sức mình, không ngờ được bạn bè đón nhận rất nhiệt tình, từ đó anh
bạn có thêm nhiều cảm hứng để tiếp tục con đường văn chương.
Đến
nay, Vĩnh Thông đã có bốn tập sách được xuất bản, gồm hai tập thơ, một cuốn du
khảo và một tập truyện ngắn: “Và quá khứ thấy ta” (thơ, năm 2012), “Trạng thái
yêu” (thơ), “Trở về và chào nhau” (truyện ngắn), “An Giang núi rộng sông dài”
(du lịch) đều cùng xuất bản năm 2015.
Tập
thơ Và quá khứ thấy ta được xuất bản khi anh chàng chỉ mới 16 tuổi, đang học
lớp 11 tại một trường THPT tại tỉnh An Giang. Nhiều người nhận xét văn thơ của
Vĩnh Thông “già dặn trước tuổi”, và khi tiếp xúc với Vĩnh Thông ngoài đời, anh
bạn cũng có vẻ khá nghiêm nghị và lạnh lùng. Tuy nhiên, nếu thân rồi, chàng ta
mới bộc lộ hết cá tính: chơi hết mình, học hết sức và cũng “quậy” không hề thua
kém ai.
ĐEM QUÊ HƯƠNG VÀO TÁC PHẨM
Sinh
ra ở mảnh đất An Giang hiền hòa tươi đẹp, Vĩnh Thông luôn mơ ước sẽ được giới
thiệu những cảnh đẹp của quê hương đến bạn bè ở các vùng miền khác. Và cuốn
sách du lịch “An Giang núi rộng sông dài” ra đời.
Đây
là thành quả của những năm tháng trung học, Vĩnh Thông đã rong ruổi khắp các
xã, huyện… trong tỉnh để vừa viết vừa chụp ảnh. Anh bạn kể: “An Giang núi rộng
sông dài được mình viết liên tục trong khoảng một tháng, tức là không viết khi
có cảm hứng như những tác phẩm khác, mà viết như một công việc cụ thể với thời
gian được bố trí rõ ràng. Khi mới bắt đầu cũng cảm thấy mình hơi mạo hiểm, vì
không biết có viết được thành một quyển sách hoàn chỉnh không, nhưng trong quá
trình thực hiện lại thấy thú vị, hấp dẫn”.
Không
chỉ đơn giản là giới thiệu về những thắng cảnh, địa điểm đẹp ở An Giang, trong
cuốn sách này anh bạn còn bổ sung những thông tin hữu ích như nguồn gốc của địa
điểm, những thắng cảnh, đặc sản… gắn liền với các sự kiện, nhân vật để du khách
khi đến thăm sẽ biết được tường tận về những danh thắng ấy. Tham vọng của Vĩnh
Thông là viết những cuốn sách về du lịch để góp phần phổ biến loại hình du lịch
gắn với tri thức đến với mọi người.
Chàng
trai sinh năm 1996 này không chọn riêng một loại hình văn học cụ thể nào, mà
“múa đủ món” như nhiều cây bút đàn anh nhận xét. Vĩnh Thông thử sức với cả
truyện ngắn, tùy bút, thơ, biên khảo, du lịch… Lựa chọn ngành Văn hóa học của trường
ĐH KHXH&NV, Vĩnh Thông đang mong muốn phát triển năng khiếu trời cho cũng
như theo đuổi đam mê tìm hiểu về văn hóa, con người, địa phương không chỉ ở quê
hương mình mà còn ở mọi miền Tổ quốc.
CON TRAI VIẾT VĂN SẼ ĐA SẦU, ĐA CẢM?
Tự
nhận mình là một người khá khó tính trong việc sử dụng từ ngữ, thích gọt giũa
câu cho chỉnh chu, cô đọng nên Vĩnh Thông đã đầu tư nghiêm túc cho từng tác
phẩm. Việc viết văn thơ cũng không làm cho Vĩnh Thông trở nên ủy mị, sướt mướt
đâu nhé! Anh chàng tỏ ra sâu sắc, tinh tế và trưởng thành hơn qua từng tập thơ
được xuất bản.
Trong
khi nhiều bạn trẻ chọn các ngành nghề “hot” như Kinh tế, Quản trị kinh doanh
hay Công nghệ kỹ thuật thì Vĩnh Thông lại thích gắn mình với các con chữ. Anh
bạn lý giải: “Các bạn bè cùng trang lứa thường xem văn chương như một công
việc. Còn mình thì không như vậy. Văn chương hay nghệ thuật nói chung là sự
rung động của tâm hồn. Những bạn thích công nghệ kỹ thuật chắc chắn không thể
từ bỏ đời sống tinh thần, nên cũng nghe nhạc, xem phim, đọc truyện… Và những
người viết lách như mình nếu thích thì vẫn có thể tìm hiểu về công nghệ kỹ
thuật đó thôi”.
Những
khi thấy mệt mỏi, không muốn viết lách, Vĩnh Thông lại xách máy ảnh lên và tìm
đến những địa danh mình yêu thích. Viết để trải lòng, để chia sẻ nên anh bạn
không hề gượng ép, “Khi không muốn viết nữa thì mình nghỉ, nhưng bất cứ lúc nào
muốn viết lại vẫn có thể, không ai ép buộc hay cấm cản, không ai “đuổi việc”
cả. Mệt thì dừng lại, dừng bao lâu cũng được, khi muốn đi tiếp thì đứng dậy và
đi thôi!”, Vĩnh Thông bày tỏ.
Không
chỉ viết sách, anh bạn 9X còn biết cách quảng bá, đưa tác phẩm của mình đến tay
người đọc thông qua mạng xã hội, blog và các kênh thông tin được thiết kế khá
bài bản. Vĩnh Thông cho biết giới thiệu tác phẩm chính là cách mình trân trọng
và tự hào với thành quả của bản thân, bên cạnh đó, càng nhiều người biết sẽ
càng có nhiều đóng góp giúp tác giả thêm hoàn thiện bản thân hơn.
Vĩnh
Thông chia sẻ tâm sự với những bạn trẻ có đam mê viết lách nhưng phụ huynh của
họ lại không muốn: “Những bạn trẻ thích sáng tác không nên khởi đầu từ ý nghĩ
“muốn trở thành nhà văn”, mà viết là để trải lòng. Có niềm đam mê sáng tạo, bạn
hãy tự tin thử sức mình, nhưng đừng quá đặt nặng như một công việc mang tính
bắt buộc. Nếu cha mẹ thấy văn chương là lành mạnh, tao nhã, văn hóa hơn những
trò chơi vô bổ khác, giúp chúng ta xây dựng tâm hồn, tình cảm và nhân cách tốt
đẹp, thì chắc chắn sẽ không phản đối”.
T.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét