Trâm bất ngờ gặp Huân
ở cổng bệnh viện thành phố. Anh già đi nhiều. Mái tóc đã lốm đốm những sợi bạc.
Vẻ mặt vẫn còn nguyên nét khắc khổ. Đôi mắt sáng của ngày xưa giờ thêm nét tươi
vui khi thấy Trâm. Cái áo rộng lùng thùng bỏ ngoài quần và đôi dép sandal gài
quai cũ kỹ khiến Huân thêm luộm thuộm, xộc xệch. Anh đang vội ra bến xe đón
người quen để nhận tiền con gởi vào, anh đang sợ lỡ hẹn. Hai người chỉ kịp hỏi
thăm nhau và trao số điện thoại hẹn gặp rồi chia tay. Dáng đi tập tễnh của Huân
khiến Trâm nhói lòng.
Ngày ấy, Huân với
Trâm cùng đơn vị. Đấy là cách nói bây giờ chứ hồi xưa chỉ gọi chung chung là du
kích hay bộ đội địa phương, nhiệm vụ chủ yếu là tiêu hao sinh lực địch và bí
mật vận động tuyên truyền bà con giác ngộ ủng hộ cuộc kháng chiến nhằm thu hẹp phạm vi chiếm đóng của
địch. Vùng hoạt động là một vùng cài răng lược, đan xen vùng tự do và vùng tạm
chiếm nên có một số cán bộ được bà con che giấu trong hầm bí mật để hoạt động. Hai
người cùng thôn và cùng tham gia cách mạng nhưng Trâm thoát ly làm y tá của đơn
vị bộ đội kiêm chị nuôi… đôi khi có đêm văn nghệ cũng lên sân khấu hát mấy bài
như một văn công thực thụ.
Còn Huân là một cơ sở hoạt
động công khai nắm tình hình chung, liên lạc với các bộ phận nên các hoạt động
của ta Huân đều nắm rất rõ. Một lần vừa rời khỏi căn cứ thì bị trực thăng bao
vây, Huân bị bắt trong lần ấy. Ngay trong ngày, mọi cơ sở bí mật đã bí mật
chuyển chỗ. Ai cũng tin sự kiên định của Huân nhưng biết đâu được phút yếu mềm
nào đó… nhưng suốt một thời gian dài các
cơ sở vẫn bình yên. Huân bị bắt gần một năm thì được thả về. Một lần nữa, các
cơ sở lại chuyển đổi, một vài cán bộ gặp lại Huân thăm dò… Huân cũng muốn tiếp
tục hoạt động nhưng trong thời gian bị bắt không có tin tức gì nên chưa thể tin
tưởng được. Sống ở quê chừng ít tháng, Huân có vợ ở xã bên, một người bạn tù.
Huân sống hẳn ở quê vợ, cất quán buôn bán trước một đồn lính. Nghe đâu cuộc
sống khá giả lắm… Khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì bặt tin nhau.
Đang nghĩ lan man
thì Huân đã trở lại khoe là đã nhận được tiền để tiếp tục nuôi người vợ đang
nằm viện. Thoa, vợ Huân, là một phụ nữa nhỏ nhắn tóc cũng đã nhiều sợi bạc,
khóe mắt đã có vết chân chim nắm lấy bàn tay Trâm khi nghe Huân giới thiệu là
bạn chiến đấu cũ. Giọng Huân buồn buồn:
- Những ngày bị tra
tấn trong tù đã không làm quỵ ngã Thoa khi còn trẻ, nhưng đến lúc tuổi già đến
thì thường xuyên bị hành hạ - rồi giọng
Huân lại có vẻ đùa cợt – Hình như những đòn tra tấn cũ tái phát để nhắc nhở
rằng mình đã từng có một thời luôn kề cận với cái chết…
Trâm bồi hồi:
- Đã gần bốn mươi
năm rồi chúng ta mới gặp lại nhau… anh khác trước nhiều quá!
- Thời gian làm cho
người khỏe mạnh cũng phải yếu dần, huống chi là kẻ bị đánh thương từ khi còn
trẻ!
- Anh chị đã làm gì
và sống như thế nào suốt thời gian qua?
- À, như chị thấy
đấy… vẫn còn khó khăn nhưng đã ổn rồi, chỉ còn mỗi vết thương cũ hành hạ.
Trâm hiểu Huân muốn
nói vết thương cũ này với cả nghĩa ẩn dụ của nó. Từ những mẫu chuyện rời rạc,
chắp vá, Trâm cũng đã hình dung được một đoạn đời của Huân. Vừa vượt qua con
suối nhỏ, chỉ còn một khoảng đồng trống thì vào đến làng, Huân bỗng nghe tiếng
máy bay trực thăng quần ngay phía trên đầu. Chỉ kịp vùi vội tài liệu đang mang theo vào mép bờ ruộng thì
đã bị bắt đưa lên máy bay rồi. Suốt mấy tháng trong tù, bị tra tấn đủ kiểu
nhưng giặc không thể khai thác được ở Huân điều gì. Trước sau Huân chỉ nhận là
mình đi thăm đồng, thăm các nơi đơm cá… bằng chứng là khi bị bắt trên người
Huân còn một giỏ đựng cá. Không làm tội được, chúng phải thả nhưng cũng đủ làm
cho Huân mang nhiều vết thương trong người. Đến khi được về, những ngỡ sẽ tiếp
tục cùng đồng đội hoạt động, có thể thoát ly… nhưng gặp sự nghi ngờ của bạn
chiến đấu cũ khiến Huân đau khổ. Thoa cũng từng bị bắt vì trong đôi gánh thăm
rẫy có cả gạo và mắm… bị địch quy tội tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cộng
sản. Chúng không thể khai thác gì thêm ngoài thông tin là thực phẩm ấy đem theo
để nấu ăn cho những buổi làm trên rẫy. Và Thoa cũng được thả ra sau khi tra tấn
đủ mọi cách. Ra tù, Thoa tiếp tục hoạt động công khai nắm tin tức của địch báo
lại cho cơ sở. Còn Huân được cơ sở cách mạng trong tù móc nối giới thiệu hoạt
động trong một cơ sở công khai ở xã khác, anh tìm đến, đó là Thoa. Hai người có
chung một cảnh ngộ đã sống với nhau nhằm che mắt bọn địch bằng cách chung mở
một cái quán ngay trước đồn địch!
- Thì ra vậy! Anh đi
khỏi nơi đã từng hoạt động và đến sống gần với đồn địch nên cơ sở cũ nghi ngờ…
- Vâng, tôi đã sống
không dễ dàng gì! Đồng đội cũ nghi ngờ, dân ghét bỏ… nhưng nhiệm vụ nên không
thể giải thích cho ai được!
- Thế những trận
công đồn…
- À, khi bọn lính đã
tin tưởng và có những nợ nần… Vợ chồng tôi đều có thể vào đồn để đòi nợ! Đó là
những dịp tốt để nắm tình hình… tất cả được ghi nhớ trong đầu và về báo lại.
- Bây giờ tôi mới
hiểu vì sao xã bạn thường xuyên được tuyên dương thành tích diệt giặc trong
toàn huyện.
- Đôi khi chúng tôi
cũng nắm được kế hoạch đi càn của giặc thông qua những lúc nhậu nhẹt của bọn
chúng. Nhờ vậy mà ta ít bị tổn thất…
- Đến năm bảy lăm…?
Khi đất nước ngây
ngất trong niềm vui chiến thắng, ăn mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì gia
đình Huân và Thoa lại gặp những cặp mắt kỳ thị của mọi người. Chính quyền mới
phải sàng lọc lại những người có công, có tội với nhân dân. Huân và Thoa trở
thành người sống nhờ vào buôn bán với bọn lính thuộc chế độ Sài Gòn, tiếp xúc
nhiều với chúng; ắt hẳn không phải là người của cách mạng rồi! Dẫu rằng trước
đó có tham gia hoạt động bí mật nhưng người trực tiếp giao việc đã hy sinh,
Huân và Thoa không thể chứng minh được một quãng thời gian dài ở gần đồn giặc
là do được phân công… Chắc chắn sẽ còn một ai đó biết việc làm của vợ chồng
Huân nhưng làm cho cách mạng không phải để kể công, nên Huân đã chọn cách im
lặng! Nhưng im lặng cũng không yên thân. Thỉnh thoảng, vợ chồng Huân được gọi
đến xã khai báo những việc làm trước ngày giải phóng. Và lần nào cũng được nhắc
nhở là chưa thành khẩn, khai man… Không thể có hoạt động cách mạng mà sống sát
đồn địch, tiếp xúc, giao tiếp thân thiết… cùng chúng. Nói chung chính quyền
cách mạng cũng không tin vợ chồng Huân, nghi ngờ có gì khuất tất trong suốt
thời gian cả nước sôi sục ý chí quyết chiến đấu, trong khi ấy vợ chồng Huân lại
chọn cách sống yên thân, no đủ! Rồi đến khi cải tạo công thương nghiệp thì sức
chịu đựng của Huân không còn nữa. Một thời phải sống hai mặt, dối trá với kẻ
thù mà hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn thấy mình không có tội. Bây giờ muốn sống
thật để tiếp tục cống hiến thì không thể…
- Vậy là anh bỏ xứ
ra đi?
- Vâng… Nhưng đi
theo diện kinh tế mới.
- Đã mấy mươi năm
rồi anh không về quê…
- Có về chứ! Nhưng
chỉ trong những ngày giỗ chạp… rồi đi ngay.
- Không gặp lại ai…
chắc anh hận lắm!
- Không đâu! Vì cuộc
sống cả thôi. Thoa và tôi bị đánh đập nhiều trong tù, càng lớn tuổi càng đau ốm
triền miên, còn phải bươn chải để kiếm sống… nên vội vội vàng vàng. Những ngày
đầu của cách mạng, tất cả còn mới, đâu dễ dàng ai tin ai. Tôi thì nửa sáng nửa
tối nên càng dễ bị nghi ngờ! Cái số của tôi nó thế, nếm trải đủ đắng cay mặn
ngọt…
- Nơi ở mới có dễ
sống?
- Ở đâu cũng phải
làm mới có cái ăn, và kẻ hay lam hay làm không thể nào chết đói được…
- Anh vẫn lạc quan
như xưa…
Đến vùng đất mới, nơi
bạt ngàn núi rừng, khỉ ho có gáy, vợ chồng Huân khởi đầu một cuộc sống mới, tất
cả đều làm lại từ đầu nhưng lần hồi cuộc sống cũng đi dần vào ổn định. Đến nay,
nhiều công cà phê và hồ tiêu làm thay đổi cuộc sống khốn khó mà hai vợ chồng đã
trải. Kí ức một thời chiến tranh và một khoảng thời bình lùi xa vào dĩ vãng.
Nhưng không phải đã mất hẳn mà đôi khi bùng lên rất thật, hiện hữu. Lúc trái
gió trở trời, vết thương cũ khi bị tù đày luôn hành hạ Thoa phải thường xuyên
nhập viện. Và trong một lần như thế Huân đã gặp Quang.
- Có phải Quang,
Trần Quang, phó Hội đồng xã của chính quyền Sài Gòn?
- Vâng, đó chỉ là
cái vỏ bọc ngoài. Anh là một cơ sở cách mạng công khai của ta. Anh đã tự làm
các thủ tục cần thiết để vợ chồng tôi được công nhận là có tham gia kháng
chiến…
- Sao ngày vừa giải
phóng anh Quang không xác nhận?
- Trước năm bảy lăm,
anh Quang đã bị nghi ngờ nên phải rút về căn cứ. Rồi anh bị cuốn hút vào những
sự kiện long trời lở đất với những công việc mới níu chân. Khi gặp nhau, anh đã
là một cán bộ có cỡ của một tỉnh phía nam… Phần tôi, cũng được an ủi để mà mạnh
dạn tham gia vào các hoạt động xã hội, quên đi những mặc cảm bị xem là kẻ đào
ngũ, phản bội!
- Anh cứ nói quá…
- Thật đấy! Vì có
cảm giác bị bỏ rơi, tôi đã lãng tránh tất cả, hì hụi làm việc như điên… Nhưng
sản xuất hàng nông nghiệp đâu dễ làm giàu. May, khi cà phê, hồ tiêu được giá,
gia đình tôi mới qua đận khó khăn và phát triển.
Trâm thấy vui cùng
niềm vui của người bạn cũ đang xới tung hồi ức của mình để trải lòng với bạn
bè. Trâm đùa với bạn:
- Anh để con ở nhà
làm hậu phương tiếp tế cho hai vợ chồng anh chiến đấu với bệnh tật ở tiền tuyến
à?
Huân cũng hóm hỉnh
không kém:
- À, tôi chấp hành
đúng cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là mỗi gia đình chỉ sinh có hai con… Hai
vợ chồng tôi có đủ hai con… gái. Chúng đã hoàn thành chương trình đại học, công
tác và lập gia đình riêng rồi. Mỗi lần Thoa nằm bệnh viện, tôi giành phần chăm
sóc, chúng cứ gởi thêm tiền tuy biết rằng vợ chồng tôi cũng thừa sức lo chi
phí… Thôi thì đó cũng là tấm lòng thơm thảo của con cái.
Khi được xác nhận
là đã tham gia hoạt động cách mạng, vợ chồng Huân bớt đi phần nào mặc cảm phản bội lại kháng
chiến mà tham gia vào công ở địa phương. Ở vùng đất mới khai phá, người dân tứ
xứ đổ về kéo theo nhiều tệ nạn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều khả năng phát triển và
xây dựng. Một số vì hoàn cảnh éo le như vợ chồng Huân; có người vì tìm nơi mới
để sinh sống; có người phải trốn tránh… nói chung, mỗi người là một hoàn cảnh,
mà những hoàn cảnh đó rất khó gắn kết với nhau. Cuộc sống khó khăn nên gia đình
nào cũng con cái nheo nhóc, thất học; một số hộ chí thú trong công việc nhưng
vẫn còn nhiều người mỗi chiều đều tụ tập vào quán rượu giải sầu, nghiện ngập.
Đến những năm cuối thập kỷ chín mươi, Hội Làm vườn và chính sách dân số kế
hoạch hóa gia đình ra đời, vợ chồng Huân thật sự đi vào cuộc chiến thầm lặng
mới. Thoa cùng với Hội Phụ nữ kiên trì đến từng nhà vận động chị em về chính
sách lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng dễ dàng nghe theo. Do nhận
thức còn hạn chế và bảo thủ nên buổi ban đầu việc tuyên truyền công tác dân số
đến người dân gặp không ít trở ngại. Tâm lý chung của người phụ nữ là muốn có
nhiều con để cho vui cửa vui nhà hoặc phải có con trai để nối dõi tông đường,
có người tham gia lao động… Thoa thấy rằng đây cũng là một cuộc chiến không
tiếng súng, cuộc chiến với đói nghèo và lạc hậu! Nhờ sự đồng bộ của những ban
ngành, đoàn thể ở địa phương chính sách lớn của Nhà nước được triển khai hiệu
quả, đồng bộ. Thoa thường nói đùa với Huân:
- Mỗi trận đánh phải
biết vận dụng kết hợp, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong
công tác tuyên truyền, kịp thời định hướng tư tưởng về những vấn đề mới trong
quan điểm, chủ trương… mới có thể thắng được!
Huân cười:
- Ngày trước em làm
công tác địch vận, bọn lính còn lén giấu súng đạn cho em nữa huống hồ hôm nay
chính sách đã rõ ràng và được xã hội chấp nhận, ủng hộ…
- Quan trọng nhất là
có anh ủng hộ thì việc gì em chẳng làm được.
Chắc chắn trong
công việc được thông suốt của Thoa có một phần rất lớn vào sự ủng hộ của Huân
và chính cuộc sống hạnh phúc bên hai cô con gái mà hai vợ chồng đã xây đắp. Huân
vẫn như ngày nào không chịu bộc lộ việc làm bản thân. Nhưng Trâm vẫn biết được
Huân là một cán bộ năng nổ của Hội Làm vườn ở địa phương vận động những hộ gia
đình tự nguyện hợp tác với nhau phát triển kinh tế Vườn Ao Chuồng. Mô hình kinh
tế tiến bộ này góp phần phá bỏ thói quen ngồi quán lê la uống rượu mỗi chiều
của mọi người. Xóm làng đùa vui hai vợ chồng Huân là một cặp ăn cơm nhà vác tù
và hàng tổng. Huân chỉ biết cười:
- Mình giúp người
khác cũng chính là giúp mình.
Huân tâm sự với
Trâm:
- Mình làm gì được
có ích thì làm thôi. So hơn tính thiệt làm gì… Mọi thứ đều có cái giá của nó.
Bọc quà kia là chòm xóm gởi đến đấy. Tôi từ chối không được vì đó là tấm lòng.
Ngày tôi bị ngã, nằm viện, cũng được nhiều người chăm sóc. Bây giờ cái chân đi
khập khiểng như để nhắc nhở tôi một điều là xã hội ta còn nhiều người tốt lắm.
Hồi ức của tôi giờ chỉ còn những hình ảnh tốt đẹp; bao muộn phiền buồn bực, khó
khăn… đã như cơn gió thoảng. Nhớ đến chúng làm gì.
Thì ra vậy. Chỉ
nghe lời của Huân thì tưởng như cuộc sống tròn vẹn, thông suốt lắm. Nhưng chắc
trong từng ấy năm gia đình Huân đã chịu bao nỗi bất công, kỳ thị, nghi ngờ… mà
không biết tỏ cùng ai.
Chia tay với Huân,
Trâm dặn lòng khi có dịp sẽ đến tận nơi ở mới của vợ chồng Huân để xem Huân hư
cấu đến độ nào và cũng bị cuốn hút bởi một thực tế, một hiện thực không thể
tưởng tượng trong đời sống với những số phận những con người đang gánh chịu hậu
quả từ cuộc chiến tranh.
N.V.C (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét