Sông
Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định với chiều dài 171 km, khởi nguồn
từ miền núi phía Tây huyện An Lão và xuôi về đầm Thị Nại. Trải qua những
thăng trầm biến đổi nhưng dòng sông Côn vẫn rì rầm sóng biếc, đôi bờ trù phú đã
từng một thời chứng kiến những đổi thay thế cuộc. Từ thượng nguồn về biển
lớn, dấu tích ngàn xưa vẫn còn lưu lại, ta đi nhặt những mảnh vỡ thời gian của
nền văn hóa Champa (Chăm).
Từ phía thượng nguồn Tây Sơn, sông Côn chảy qua thị xã An Nhơn giao thủy
với một nhánh nhỏ từ hồ Núi Một chảy xuống và chia thành hai nhánh Bắc Phái và
Nam Phái ở hạ nguồn. Dòng Côn giang đã tạo nên nguồn cảm hứng để những nhà văn,
nhà thơ viết nên những tác phẩm trác tuyệt, sống mãi ngàn đời. Ta đã thấy một
“Sông Côn mùa lũ” tỉ mẫn tâm huyết của Nguyễn Mộng Giác, một Chế Lan Viên gào
khản những ước vọng về thời vàng son Champa đã quá vãng. Cho dù nền văn hóa
Chăm chỉ tồn tại 5 thế kỷ (cùng với sự tồn tại của thành cổ Đồ Bàn – PV) nhưng
đã để lại những dấu ấn rất riêng làm nên nét đặc sắc của Bình Định được cả thế
giới biết đến. Sau những biến cố lịch sử, có nhiều di tích đã bị phá hủy. Tuy
những gì còn sót lại không nhiều nhưng cũng đủ để nhìn nhận lại một nền văn hóa
Chăm đặc sắc, gói gọn trong ba chữ “thành, tháp, gốm”.
Thành cổ chỉ còn những nét hoang sơ
Các thư tịch cổ và những tác phẩm “Thiên Nam chí lộ đồ thư”; “Lịch triều hiến
chương loại chí”; “Đại Nam nhất thống chí”; “Đồ Bàn thành ký”cho
biết vùng đất Bình Định xưa có tổng cộng 4 tòa thành cổ, nhưng thực tế hiện tại
chỉ còn 3 tòa thành lưu lại dấu tích. Cả 3 tòa thành này đều phân bố dọc theo
lưu vực sông Côn và nằm cách nhau từ 10 đến 12 km. Đó là thành Chas (Nhơn
Lộc-An Nhơn), thành Đồ Bàn (Nhơn Hậu-An Nhơn) và thành Thị Nại (Phước Hòa-Tuy
Phước). Sự có mặt của 3 tòa thành cổ đã phần nào nói lên tầm quan trọng của
vùng đất Bình Định dưới thời vương quốc Chăm, đặc biệt là thành Đồ Bàn.
Năm 982 dưới
triều đại vua Yangpuku Vijaya (âm Hán-Việt là Ngô Nhật Hoan?) thành Đồ Bàn được
xây dựng. Thành này được các sử gia gọi đúng chức năng của nó là kinh đô
Vijaya. Đây cũng là kinh đô cuối cùng của vương quốc Champa, các vua Chăm đã đóng đô ở đây đến thế
kỷ XV.
Từ khi xây dựng kinh đô bên dòng sông Côn
đất đai trù phú, đời sống phồn thịnh, dệt vải, điêu khắc mang đậm dấu ấn Chăm,
những điệu múa của các thiếu nữ Chăm dưới ngọn lửa đêm trong tiếng chiêng đồng
làm say lòng kẻ khác.
Theo dòng lịch sử, sau hơn 3 thế kỷ bỏ
hoang, đến cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn đã xây
dựng thành mới trên nền cũ thành Đồ Bàn để làm kinh đô, lấy tên là
thành Hoàng Đế. Năm 1799 quân chúa Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm thành Hoàng
Đế và đổi tên là thành Bình Định. Sang triều Gia Long năm 1816,
nhà vua cho phá bỏ thành Bình Định và chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.
Qua những biến đổi thăng trầm, di tích Đồ Bàn hiện nay chỉ còn sót lại lớp
tường lũy bằng đá ong không lành lặn, phía trong thành là lối đi lát đá
hoa cương, một thửa giếng vuông, tượng voi đá, và bên cửa hậu là gò Thập
Tháp.
Tháp cổ Champa – Hạt ngọc giữa trời
Tháp là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chăm,
theo các sử liệu thì người Champa đã xây dựng khá nhiều đền đài. Nhưng trải qua
những cuộc chiến tranh liên miên, cộng với sự tàn phá của thiên nhiên, con
người, cho đến nay trên vùng cư trú xưa của họ chỉ còn lại một số ít dạng kiến
trúc đền đài ấy. So với một số địa phương khác trong dải đất miền Trung, Bình
Định là một trong những nơi còn để lại khá nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm
với 8 cụm di tích tháp trên tổng số 14 tháp phân bố bên đôi bờ sông Côn.
Tháp Chăm trong Ấn Độ giáo người ta gọi là Sikhara, một dạng kiến trúc tiêu
biểu cho đạo Bà-la-môn. Các tháp đều được xây dựng theo một tín ngưỡng thống
nhất thờ thần Shiva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà-la-môn. Shiva tượng
trưng cho sự sáng tạo và hủy diệt, hai vị thần kia là Visnu tượng trưng cho sự
bảo tồn và Brahma tượng trưng cho sự sinh thành, cả ba nằm trong vòng luân
chuyển không ngừng. Người Chăm thờ thần Shiva là chính, tín ngưỡng này được kết
hợp với tục thờ cúng tổ tiên tạo thành bản sắc riêng trong đời sống tinh thần
của họ.
Kỹ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn đối
với các nhà nghiên cứu. Làm thế nào để ghép tất cả những viên gạch nâu sẫm một
cách chính xác và tinh xảo thành những tháp, tượng hoành tráng đến vậy? Cái gì
đã tạo thành sự kết dính của những viên gạch ấy khiến nó có thể đứng vững hơn
một ngàn năm nay? Đã có nhiều cuộc khảo nghiệm và hội thảo diễn ra nhưng vẫn
chưa có kết luận cuối cùng. Chính điều đó cũng đã gây không ít khó khăn trong
quá trình trùng tu và giữ gìn di sản.
Tồn tại trong 5 thế kỷ, trên vùng đất Bình Định xưa người Champa đã xây
biết bao những kiến trúc tôn giáo. Những gì còn sót lại hôm nay chỉ là một phần
nhỏ trong những di sản mà người Chăm làm ra. Những tháp Chăm còn lại hôm nay là
những viên ngọc quý của nền kiến trúc cổ Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam và
Đông Nam Á. Khi định niên đại cho các tháp Chăm thuộc phong cách Bình
Định, các nhà sử học và khảo cổ học đã đưa ra một giả định như sau: Phong cách
bắt đầu từ tháp Bánh Ít hay còn gọi là tháp Bạc (nửa đầu thế kỷ XII), tháp
Dương Long (đầu thế kỷ XIII), tháp Hưng Thạnh (nửa đầu thế kỷ XII), nở rộ ở các
tháp Thủ Thiện, Cánh Tiên (hay tháp Đồng), Phú Lốc (hay tháp Vàng) thuộc thế kỷ
XIII.
Trong đó, tháp Cánh Tiên ở thị xã An Nhơn được xây dựng vào thế kỷ thứ
XII, dưới đời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III). Tương truyền, đây là ngôi
tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân công chúa, người
con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi dân tộc mình lên trên hết, cùng vua Chế
Mân kết mối lương duyên lịch sử.
Đặc biệt, khi đi qua đoạn cầu Đề Gi (nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 19
– PV) nhìn về phía Đông - Bắc tầm 500m, ta sẽ thấy chon von những ngọn tháp cao
trên đỉnh đồi in nền trên nhánh sông Côn, đó chính là cụm tháp Bánh Ít gồm 4
tháp: tháp
Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính. Di tích được xếp hạng vào cấp quốc gia
ngày 24/12/1982. Tháp này đã được đưa vào cuốn sách “1.001 công
trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác
giả người Anh. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của
Việt Nam lọt vào cuốn sách này.
Cuốn sách là một công trình của nhiều tác giả đến từ nhiều nơi trên thế giới,
do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm Tổng Chủ biên,
Quintessence (Anh) xuất bản, được những giáo sư, kiến trúc sư, nghiên
cứu sinh đầu ngành chuyên viết về kiến trúc biên soạn. Trong đó, phần viết về
tháp Bánh Ít do Stephen Anthony Murphy, một nhà khảo cổ học từng làm việc tại
nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Thái Lan, Ireland, Singapore và Nhật Bản, đã nhận
bằng Tiến sĩ về khảo cổ học Đông Nam Á tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và
Châu Phi, Đại học London, Anh, chắp bút. Đây không những là niềm tự hào của
người dân Bình Định mà còn là niềm vui lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn lại cụm tháp Bánh Ít hiện nay, dù đã qua không ít lần trùng tu
sửa chữa nhưng vẫn đang trong tình trạng “chắp vá” theo kiểu xây dựng thông
thường bằng… xi măng và gạch nung nguyên khối, làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của
tháp. Mặc khác, nhiều chỗ gạch còn vị vỡ ra, khuyết một mảng lớn trong lòng
tháp. Việc lát đá hộp dựng đường để chiếm lĩnh độ cao của tháp, làm xe ô tô
cũng có thể lên được đỉnh đồi đã làm “nhòa” đi vẻ huyền bí linh thiêng của tháp
cổ. Gần đây, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp khảo sát tháp. Ông
nhấn mạnh: “Tháp Bánh Ít là một công trình kiến trúc quý, hiếm, có giá trị nghệ
thuật lớn cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy xứng tầm. Đồng thời, phải có
kế hoạch quảng bá vẻ đẹp của tháp Bánh Ít nói riêng cũng như không gian văn hóa
Chăm Bình Định nói chung một cách thật bài bản, hiệu quả”.
Gốm cổ, nét văn hóa tinh xảo của
người Chăm (?)
Các khu lò gốm Bình Định tính đến nay có 5 nhóm. Riêng ở thị xã An Nhơn có đã
có 3 nhóm gồm: Gò Sành, Gò Cây Ké, Gò Hời. Tất cả các
khu di tích này đều nằm dọc hai bờ sông Côn chảy vào vịnh Thị Nại (cảng Quy
Nhơn ngày nay), một vị trí thuận lợi để vận chuyển bằng đường thủy. Trong đó,
gốm cổ Gò Sành tại Phụ Quang được các nhà nghiên cứu quan tâm nhất.
Tháng 3/1974, một đoàn khảo cổ học từ Sài Gòn đã đến Phụ Quang (thuộc Nhơn Hòa,
An Nhơn, Bình Định) để tìm hiểu nghiên cứu. Tuy chưa có cuộc khai quật nào
nhưng họ đã đưa ra giả thuyết về chủ nhân những đồ gốm nơi đây là người Chăm. Hơn
10 năm sau, dựa vào những hiện vật gốm có nguồn gốc từ Gò Sành trong bộ sưu tập
của Hà Thúc Cần, trong luận văn tiến sĩ của mình, Rosana Brown - một chuyên gia
nghiên cứu gốm cổ Đông Nam Á đã giành một chương viết về đồ gốm và khu lò gốm
Gò Sành. Từ những thông tin trên, Viện khảo cổ học Hà Nội, Bảo tàng Tổng hợp
Bình Định đã hoạch định một chương trình nghiên cứu lâu dài tại Gò Sành và toàn
bộ di tích gốm cổ trên đất Bình Định.
Năm 1987-1990, cùng với Viện Khảo
cổ học, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định đã tiến hành điều tra tổng thể các
loại hình di tích văn hóa Chămpa, lập hồ sơ khoa học và bản đồ khảo cổ học các
di tích phế tích trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Đáng chú ý là từ những năm
1990-1994, Viện Khảo cổ cùng phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định điều
tra, khảo sát, khai quật một số địa điểm thuộc trung tâm sản xuất gốm Gò Sành
(Nhơn Hòa - An Nhơn - Bình Định) và xác định một số di tích lò gốm khác thuộc
An Nhơn và Tây Sơn.
“Từ cách đây 20 năm, đã có rất nhiều người tìm đến Gò Sành để mua các loại
chén, đĩa, bình cũ. Họ sẵn sàng đổi nguyên bộ chén bát mới để lấy một cái đĩa
cũ có chạm khắc hoa văn. Nhiều người dân đã bán hoặc đổi, về sau họ mới biết
những món đồ cũ kia giá trị hơn nhiều. Dọc bờ sông Côn, vẫn còn nổi lên những
mảnh sành sứ đã vỡ. Có người đã nhặt được những cái bát cũ còn nguyên, khi búng
ngón tay vào kêu rất thanh”, ông Nguyễn Văn Lâm, chủ của thửa đất khai quật lò
Cây Mận chia sẻ.
Đến năm 1994 bên cạnh các nhà khoa học Việt Nam,
có thêm sự hợp tác của các học giả Nhật Bản. Trong số các di chỉ lò đã được xác
định ở 5 vị trí thuộc phạm vi vùng Vijaya trước đây, lò Cây Mận, lò Cây Quăng
và lò Hời nằm ở khu lò gốm Gò Sành.
Hiện nay, sản phẩm gốm Gò Sành được lưu giữ khá nhiều
trong Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định. Xem xét và nghiên cứu bộ sưu tập này có
thể giúp ta hình dung rõ nét hơn về vai trò của di tích khu lò gốm này trong
lịch sử. Những sản phẩm được sản xuất ở Gò Sành phần lớn xương có màu xám mực,
đỏ nhạt, kỹ thuật giai đoạn sớm dùng con kê, men tráng gần sát đáy, giai đoạn
muộn dùng kỹ thuật ve lòng. Men gốm dày đều và màu men không ổn định đã tạo ra
một sắc thái riêng cho gốm Gò Sành.
Những thông tin gần đây cho biết, gốm Gò Sành Bình Định sản xuất ra không
chỉ để phục vụ đời sống người Chăm đôi dòng sông Côn mà còn tham gia vào thị
trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn là Ai Cập. Trong
số những hiện vật tìm thấy trên con tàu đắm ở quần đảo Calatagan ngoài khơi đảo
Pantanan thuộc Philipphines có tới hàng ngàn đồ gốm có xuất xứ Gò Sành.
Cho đến nay chưa có đủ tư liệu để khẳng định một cách chắc chắn niên khởi đầu
cho việc sản xuất đồ sành xứ ở Gò Sành nói riêng và của người Chăm nói chung,
nhưng qua những kết quả khai quật khảo cổ tại Gò Sành và ở nước ngoài có thể
thấy rằng giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghề sản xuất sành sứ ở đây nằm
trong khoảng thế kỷ XV-XVI. Có một số chuyên gia Việt Nam cho rằng khởi điểm
của việc sản xuất gốm Bình Định có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ
XV, chậm lắm là đến thế kỷ XVI.
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển
vùng đất Bình Định, phân tích loại hình các sản phẩm được sản xuất ra, so sánh
những mô típ trang trí trên các hiện vật với những tư liệu điều tra dân tộc học
có thể đi tới kết luận: chủ nhân lò gốm Gò Sành và các khu lò gốm cổ khác ở
Bình Định không ai khác ngoài người Champa cổ.
Như vậy, gốm cổ kết hợp với kiến trúc xây dựng độc đáo của những ngọn tháp đặc
sắc, tinh tế và những vết tích lưu lại của thành cổ Champa đã tạo nên một văn
hóa Chăm bên dòng thủy lưu Côn giang sẽ còn lưu truyền mãi đến tận muôn đời./.
V.P (Bình Định)
Trong "Bài viết" chi tiết..."tháp Cánh Tiên ở thị xã An Nhơn được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới thời vua Chế Mân..."; hình như có chút lầm lẫn ở vế sau chăng?
Trả lờiXóaTheo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên- Nhà Trần(Đại Việt) soán ngôi Nhà Lý(Lý Chiêu Hoàng) ở nửa đầu TKXIII(1224): Còn Huyền Trân Công chúa theo chồng, Chế Mân(Jaya SinhavarmanIII, trị vì Chiêm Thành(1288-1307); về Đồ Bàn(1306) thuộc đầu Thế kỷ XIV, thì lấy đâu mà có Chế Mân xây tháp Cánh Tiên tặng hoàng hậu Paramecvari-Huyền Trân Công chúa(1287-1340).
-Vài thiển ý, xin chân thành góp ý cùng tác giả Vân Phi và bạn đọc huongquenha.com!