Tôi không nghĩ mình phải đi ở trọ
vì nhà cha mẹ rộng rinh. Nhưng làm sao có thể đón người yêu về ở chung? Vậy là
đành đi ở trọ, chỉ ở ban ngày thôi. Làm việc hợp đồng cho một công ty truyền
thông, công việc cũng “mưa nắng thất thường” so với nhiều việc khác. Viết lời
bình hoặc PR cho các clip quảng cáo. Công đoạn quay sẽ do nhóm khác thực hiện,
tôi chỉ việc xem clip và viết lời. Cần ngắn gọn xúc tích để tiết kiệm thời
lượng cho công ty nhưng cũng cần quảng cáo sinh động cho đối tác. Vậy là tôi
xung phong theo luôn nhóm quay để “thực tế”, có khi bưng được ly trà miếng bánh
cho anh em tăng tình đồng nghiệp. Nhà trọ tôi tìm được cho người yêu cũng trong
dịp này với câu slogan đầy ấn tượng “Không nhỏ, không to nhưng bạn sẽ thích
ngay vì an toàn, sạch sẽ”.
Người yêu tôi là sinh viên
tập sự ngành địa chất. Quỷ tha ma bắt cái tin đồn từ đâu rằng: dưới bụng trái
núi ngàn năm tuổi quê tôi là cả kho vàng. Vậy là người ta ào ào nhào đến. Dân
đào vàng. Các nhà khảo sát khoáng sản chính hiệu. Sinh viên sắp ra trường cũng
chọn đề tài này mà thực nghiệm. Người yêu tôi bảo, thì cứ chọn đại, hên thì
được điểm cao và còn được tự mình khẳng định rằng nơi đây là cả kho vàng tha hồ
mà… làm giàu. Xui thì… cũng được ở chung nhau vài tháng. “Chỉ ở chung, ăn chung
ban ngày thôi chứ không được gì nữa đâu mà ham!”. “Ối trời!? Không biết ai ham
khi mà có người sắp có chồng là kỹ sư… phát minh ra vàng đấy!? “Phát minh hay
phát hiện? Chỉ mong là đừng phát sinh tình cảm mới với cô nào”. “Cũng muốn có
thêm cô nào đấy… nhưng chắc không có cô nào “chằn lửa” hơn cô này nên đành chấp
nhận thương đau”.
Nhà trọ của người yêu tôi gồm dãy nhà tám phòng hình chữ C. trong
vuông đất. Các phòng đều có cửa nhìn ra một hướng. Đó là cổng vào mà cũng là
sân, là hồ nước, nơi giặt giũ của vài “nhà” đông thành viên. Phòng tôi hai
người, sáng anh đã đóng cửa đi, trưa hai đứa cùng về với lỉnh kỉnh những túi
nilon, bọc bị. Mùi thức ăn loạn xà ngầu của không gian hẹp. “Nhà” mắm kho,
“nhà” trứng chiên, “nhà” thịt kho củ cải… tổng hợp các mùi thì cả dãy y như rằng
đang ăn bữa đại tiệc. Hôm nay nhà số 1 chiên cá khô, hình như là khô mắc mưa
nên có mùi thum thủm rất “gợi”. Người yêu tôi bảo, quê anh ở miền biển nên mùi
này anh rành lắm. Nhưng đó cũng là cái ngon của cá khô, mà ngon nhất là những
“hoàng tử lưng gù” to bằng đầu đũa từ con khô bò ra. Vừa mềm vừa béo. Tôi bụm
miệng chạy ào vào khu vực vệ sinh. Người yêu nhìn theo cười sằng sặc “Vậy mà
cũng đòi làm con dâu miền biển”. “Trời ơi, ai mà ăn được mấy con đó mà biết mềm
với béo?”. “Anh chứ ai! Mấy anh em của anh ăn hoài. Nhà nghèo, ba đi biển quanh
năm. Mẹ đi bán tối mịt mới về. Lấy gì ăn cơm mà không ăn cá khô ủng?”. “Thì…
thì bỏ mấy con hoàng tử đó ra. Sao… sao lại ăn thấy ghê?”. “Bỏ sao được? Nó ăn
nát nhừ con khô rồi. Rửa qua nước, chiên lên nóng hổi vi trùng nào hổng chết?”.
“Nhưng… chắc là mấy anh em ăn lúc năm, mười tuổi thôi chứ?”. “Mới tháng trước
về nhà vẫn còn ăn chứ mười tuổi gì?”. “Ọe… sao không bỏ đi?”. “Đã nói rồi, bỏ
thì lấy gì ăn? Bỏ hôm nay rồi ngày mai, ngày mốt, ngày kia có bỏ được không?”. “Sao…
sao nói dân biển giàu lắm? Rừng vàng biển bạc… nhà cao tầng quá trời trên
tivi?”. “Mai mốt em vác máy về quay cảnh nhà lều nhà tạm, con nít vùng biển mà
không có cá tươi để ăn, không có sách học nhé… Anh xung phong làm hướng dẫn
viên không công!”. Tôi cầm chặt tay người yêu mà nói không nên lời.
Người yêu tôi ở phòng số 2. Phòng số 3 là cặp vợ chồng có hai đứa
con gái “đầu năm cuối năm” luôn khóc nhì nhằng. Trưa ở nhà có hai tiếng đồng
hồ, mong được nghỉ ngơi tí xíu nhưng tôi không nghe chúng nín hôm nào. Phàn nàn
bà chủ nhà trọ bảo thông cảm giùm, tụi nó đói quá phải khóc. Sao mẹ chúng không
cho con ăn? Cô hỏi… ngu thiệt, không có tiền làm sao mua đồ ăn? Tiền nhà trọ mà
còn tháng trả, tháng không nữa kìa. Vậy… ba chúng làm gì? Làm thợ hồ. Cái nghề
quái quỉ bay khô tiền ráo mà tuần nào cũng nhậu. Nhậu về, hổng
còn mấy đồng. Nhậu về, ói tùm lum vợ phải tốn tiền mua xà bông giặt. Nhậu về,
mất cả ngày công vì hôm sau có đi làm nỗi đâu. Vậy… đừng nhậu? Cô lại… ngu nữa.
Ai không muốn đừng nhậu, nhưng thời buổi bây giờ là “làm việc trên bàn nhậu/
nhậu trên bàn làm việc”. Hổng nhậu, thầu chịu trả tiền ha? À… hôm nay là thứ
bảy, ngày lãnh lương, bây giờ mới trưa, mãi tối anh ta còn chưa được về vì phải
nhậu! Bà chủ nhà nói câu khẳng định. Tôi bước về phòng mình lòng trĩu nặng. Ai
lấy chồng, lấy vợ, sinh con cũng khổ như vậy sao trời? Gia cảnh người yêu tôi.
Gia đình trẻ ở cạnh phòng tôi hay tất cả?
Hai đứa bé sẽ khóc từ bây giờ tới tối ư? Tôi bước nhanh qua phòng
số 3. Người mẹ nằm dưới nền nhà không nệm chiếu gì. Áo mở cúc toang hoác. Hai
đứa trẻ tuổi lên hai chúi mũi vào bầu ngực lép. Tôi không nhớ mình đã nói gì để
chị nhận tờ tiền. Chỉ biết tầm sau đó mươi phút hai đứa bé đã nín bặt.
Phòng số 4. Phòng số 5… Không có thời gian để quen. Duy có phòng
số 8 là tôi chú ý nhiều. Ngày một lượt, anh chồng xách bịch “nước mắt đàn ông”
khập khiễng qua cửa “nhà” tôi. Chị vợ đi phụ bếp cho một quán ăn từ sáng sớm
tới tầm xế chiều thì về.Tay mang lỉnh kỉnh những xà bần. Ngày nay kho cho
ngày mai ăn, ngày mai kho ngày mốt ăn… ắp lẳm như vậy không khi nào thiếu thức
ăn nhưng cũng không biết đang ăn món gì. Cả ngày ông chồng cứ ngủ. Hai đứa con
đi học bán trú. Ngủ để tối ông đẩy tiệm sửa xe di động ra góc đường. Bơm hơi,
vá ép, thay ruột, siết ốc vít… Chiếc xe đẩy của ông được cải tiến từ xe ba gác,
đầy những bình hơi, vỏ xe sida, thau nước đen sì sì… Cái đầu ông trọc lóc, thêm
hai cánh tay xăm hai chiếc đầu rồng rất “đại ca”.
Người yêu tôi đang chúi mũi vào chiếc máy vi tính, cửa chính “nhà”
đóng kín. Tôi bận làm mớ thức ăn buổi chiều cho anh thì nghe tiếng la rất gần:
- Sao ông đánh tui? Trời ơi… bớ người ta…
- Mày kêu đi… mẹ mày… sao bữa nay đi tới giờ mới về?
Tiếp theo đó là tiếng huỳnh huỵch… huỳnh huỵch… như đấm vào bị cát.
- Về sớm hơn mọi ngày hai tiếng đồng hồ mà!
- Hồi hôm mày nói với tao sáng nay chủ quán cho nghỉ?
- Nhưng bà già chị bạn làm chung chết, tui đi phụ đám. Nói với ông
rồi mà?
- Mẹ… đừng có lẻo lự nghen! Nói hồi nào? Tao có ừ không? Hả? Hả?
Hả?
Mỗi tiếng “hả” là tiếng huỵch kèm theo và giọng người phụ nữ yếu ớt
kêu “trời ơi”.
Người yêu tôi mở toang cửa phòng. Âm thanh ồn ào làm anh không tập
trung vào công việc được. Trước cửa là cảnh ông chồng “đại ca” mặt đỏ nhừ đang
vung nắm đấm lia lịa vào khắp mặt, mũi người vợ gầy gầy tóc tai sứt sổ. “Hiện
trường” cách cửa phòng chúng tôi không đầy hai mét. Khoảng cách đó rất tiện lợi
cho người yêu tôi lao ra, quất thẳng nấm đấm vào khuôn mặt đỏ nhàu của ông
chồng nọ. “Ông có giỏi thì đánh với tui nè! Đừng đánh vợ mình như vậy!”. Đôi
cánh tay anh có sức mạnh vô cùng. Anh bẻ ngoặt hai tay ông chồng “đại ca” nọ ra
phía sau, loay hoay mãi ông ta không tài nào thoát ra được. Sau này tôi mới
biết sự mạnh mẽ đó do mười tuổi anh đã cầm cây dầm ra biển cùng chiếc
thuyền thúng. Khách trọ nhô ra khỏi phòng như bầy ong nhoài ra khỏi tổ để xem
trận thư hùng của châu chấu và xe.
- Trời ơi… thằng… í … í lộn, anh sinh viên ở phòng số 2 có võ đầy
mình luôn!
- Ảnh đánh ông “đại ca” chồng bà Út Ròm bò lê bò càng kìa!
- Coi người ốm yếu vậy mà võ công thâm hậu ghê!
- Ừ, mai mốt thằng cha “đại ca” đó hết ăn hiếp vợ hà!
-…
-…
Mỗi người một câu còn hai cánh tay “đại ca” cứ oặt ra phía dù
người yêu tôi đã buông ra tự bao giờ.
- Chú… chú… mày sao đánh tao? Thả ra! Tay tao đau quá!?
- Ông biết đau sao đánh vợ dữ vậy?
- Tại tao… xỉn mà…
- Ông cũng coi như tôi xỉn nên đánh ông đi!
Anh định bỏ về phòng. Tôi níu tay anh, ánh mắt khẩn thiết. Anh
quay lại búng mạnh vào cùi chỏ “đại ca” tức thì đôi cánh tay ngúc ngoa ngúc
ngoắc dễ dàng. Hắn lách nhanh về phòng mà không giấu được ánh mắt lấm lét. Chị
vợ kẹp lại mái tóc nói lời cảm ơn nhỏ rí nhưng câu trách móc thì to ầm “Cậu có
bênh vực tui được cả đời đâu mà bày đặt!”
Bà chủ nhà trọ sau đận người yêu tôi làm “anh hùng” thì ra vẻ thân
thiện với chúng tôi lắm. Sự thân thiện ấy đôi khi đâm phiền. Trưa trưa chúng
tôi vừa tay xách tay mang về nhà thì bà cũng bước sang ngồi thù lù trong phòng
làm chúng tôi không nấu nướng, nghỉ ngơi gì được. Bà nhìn khắp lượt phòng, thấy
không có tư trang của con gái bèn hỏi:
- Hóa ra cô chỉ ở đây ban ngày thật à?
- Dạ.
- Vậy mà tôi tưởng cô nói cho vui.
- Dạ…
- Mà trưa cô làm đồ ăn cho cậu tới chiều luôn hả?
- Dạ.
- Thôi. Để mai mốt tôi làm cho. Nhà tôi ăn gì cậu ăn nấy cho nó
thân thiện. Chứ nấu từ trưa ăn tới chiều đâu có ngon!
- Dạ. Cảm ơn bà chủ.
- Chủ tớ gì? Gọi chị Tám đi. Tôi thứ Tám, khoái “tám” thiệt nhưng
mà ai “ma ma phật phật” là tôi hổng ưa. Cái thằng Út Ròm hôm bữa cậu đánh trặt
tay đó, cũng đáng tội. Nhưng mà khi tỉnh rượu thì đáng thương lắm. Nhà tôi hư
đường nước, chập đường điện, dột nóc nhà… gì gì nó cũng xăng xái lẹ làng làm
hết.
- Em hỏi có khi tò mò, chứ sao thấy ảnh chỉ đều đi làm, có hai đứa
con cũng ngoan mà phải đi ở trọ vậy chị Tám?
- Úy trời! Cô hỏi tôi mới nói đó nghen! Đó là tại bà già vợ nó hết!
- ???
- Vợ nó là con một. Nó mồ côi. Cưới
xong thì rước bà già vợ về ở chung nhà luôn. Bà già vợ thương nó lắm, đồ nhỏ đồ
lớn gì của con rể bả cũng giặt hết. Nhưng bà mê đề đóm quá. Nó can riết hổng
được, mấy lần đi “lãnh” bà ở trên phường riết nó “quê” nên bỏ nghề sửa xe ban
ngày, sợ gặp bạn bè. Chuyển qua sửa xe ban đêm rồi… bán nhà trả nợ lô đề cho bà
già vợ và đi ở trọ vầy nè! Hồi đó nó đâu có rượu trà gì, từ ngày bán nhà nên
bày đặt nhậu nhẹt vậy đó chứ!
- Bây giờ bà già vợ ảnh đâu chị Tám? Người yêu tôi có vẻ quan tâm
nhiều đến câu chuyện.
- Vô Trung tâm bảo trợ xã hội ở rồi! Tui với bả là bà con xa, hình
như bả là mợ của chồng tui. Thương bả lắm nhưng tật đề đóm thì không ai cứu
được. Thằng Út Ròm bán nhà trả nợ cho bả thì tui cho nó về đây ở trọ nhưng
không lấy tiền. Biểu nó dành tiền đó mai mốt mua đất khác cất nhà. Mà cậu coi,
thời buổi này làm bạc đầu có khi cũng chưa mua được cục đất chọi chim nữa là…
- Tội nghiệp quá…
- Tội nghiệp. Người yêu tôi cũng góp chuyện.
- Ừ, tội nghiệp thằng Út lắm. Cậu có rảnh qua nhà nó chơi, anh em
tâm sự chứ đừng đánh nó nữa nghen!
- Dà… em đâu có muốn vậy chị Tám?
- Ừ. Trong cuộc đời có nhiều chuyện con người ta hổng muốn nhưng
vẫn phải làm lắm.
Sau đợt thực tập, người yêu tôi trở lại trường. Căn phòng cũng có
người khác mướn. Nghe đâu dãy nhà kỷ niệm này sau đó chị Tám cũng sang lại cho
người khác vì công việc làm ăn. Tất nhiên gia đình anh Út Ròm không còn được
đặc cách “ở chùa” như hồi trước nữa. Còn tôi, trên bước đường công việc dun rủi
đêm hôm, mỗi lượt đi qua góc ngã tư nào đó tôi đều nhìn xem có bóng dáng tiệm
sửa xe di động của người con rể hiếu thảo Út Ròm hay không. Nhưng mấy năm rồi
trên bao nhiêu cung đường trong thị xã vẫn chưa tìm thấy.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét