Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Tôi đưa
tay ra phía trước, đôi cánh trắng lấp lánh ánh mặt trời, căng thẳng như một
mảnh lụa. Bàn tay phải của tôi nắm chặt chiếc gậy bạc có đính một ngôi sao ở
đỉnh. Chiếc khăn quàng đỏ lộng lẫy nổi bật trên cổ áo kiểu dạ hội màu thiên
thanh dài phết gót. Tôi đã trở thành tiên nữ. Một cô tiên nho nhỏ!
Tôi hân
hoan vỗ cánh. Người chợt nhẹ hẩng đi rồi bay vụt lên không. Ngôi nhà thân yêu
của tôi nằm lại dưới kia, nhỏ dần rồi khuất hẳn trong tầm mắt. Lũy tre xanh
ngắt hiện ra. Cây lá rì rào như chào đón. Xa xa, có tiếng trống trường vọng
lại. Những cái bóng nhỏ bay túa ra. Tôi reo lên:
- Các
bạn! Các bạn đã đến rồi!
Thủy,
Hạnh, Hằng, Thông… Các bạn học chung một lớp với tôi cũng mọc cánh. Các bạn đã
biến thành đàn tiên nhỏ. Chúng tôi chụm đầu vào nhau. Thúy hỏi:
- Đi
đâu đây?
- Bay
ra vùng nước nổi! Hằng bảo.
Cả nhóm
nhao nhao lên:
- Đúng
rồi! Đồng Tháp! Bay ra Đồng Tháp!
Thông,
người bạn trai mang đôi cánh xám chen vào:
- Cô
dặn bọn mình mang quà tặng đến đó rồi về ngay. Thời tiết còn xấu lắm.
Một
vùng đất Đồng Tháp điêu tàn, đổ nát. Nước đã rút nhưng hơi ẩm dầy đặc. Tôi cảm
thấy mỏi rã rời vì đôi cánh ướt đẩm sương mù. Các bạn tôi cũng thế. Chúng tôi
đành đáp xuống một ngôi trường gần đó. Chiếc cổng gãy gục. Mái trường đã trôi
mất. Vách đỗ, cột xiêu!
Bàn
ghế, bảng lớp bị nước lũ cuốn đi nơi nào mất biệt. Chỉ còn lại khoảng nền gạch
trơ vơ, loang lổ bùn đất. Chung quanh vắng lặng. Hằng thương cảm sụt sùi. Thủy
mủi lòng nức nở. Bạn Thông nóng nảy đưa cao chiếc gậy thần. Một ánh chớp lóe
lên. Khói bốc mịt mù. Một cái bàn học hiện ra. Nhưng cây gậy thần của Thông
không còn nữa. Tôi kinh ngạc hỏi:
- Ủa,
bửu bối của bạn đâu rồi?
Thông
giải thích:
- Bạn
quên lời cô nói rồi sao? Khi đã dùng hết phép thần thì gậy sẽ không còn.
Tôi nhớ
lại lời cô chủ nhiệm:
- Mỗi
đóng góp của các em như một chiếc gậy thần. Đóng góp càng nhiều. Hiệu quả càng
cao, mức mầu nhiệm của phép tiên càng phong phú. Qua việc làm tốt là giúp đỡ
học sinh tỉnh Đồng Tháp đang bị lũ lụt, các em đã trở thành những thiên thần,
những tiên đồng, ngọc nữ giàu lòng nhân ái, luôn cứu giúp người khổ sở, không
may như trong truyện cổ tích.
Tôi
nhìn cây gậy nhỏ bé của mình. Phải chi tôi bổ con heo đất của mình ra để đóng
góp thì cây gậy nầy chắc sẽ mầu nhiệm hơn. Còn bây giờ, nó chỉ có thể biến
thành một tấm bảng con mà thôi. Tôi xấu hổ nhớ lại thái độ của mình khi rút tờ
giấy bạc mười nghìn nhưng xin cô thối lại chín nghìn để ăn quà bánh. Cô nhìn tôi ánh mắt buồn bã
nhưng tôi vẫn thản nhiên cất tiền vào túi. Tôi ân hận khóc nức nở…
Tiếng
mẹ trầm ấm:
- Nga,
Nga… dậy đi con!
Tôi
choàng tỉnh. Mẹ nhìn tôi mỉm cười:
- Học
bài như con thì không mau giỏi mà lại mau mập đó nghen!
Thay vì
ngồi nghiêm chỉnh ở góc học tập, tôi lại nằm trên giường đắp mền để học bài.
Gió mát, gối êm. Thế là tôi đánh một giấc ngon lành. Tôi bẽn lẽn đến bên mẹ. Mẹ
cú nhẹ vào đầu tôi, âu yếm hỏi:
- Con
nằm mơ thấy gì mà la khóc dữ vậy?
Tôi kể
lại giấc mơ vừa đẹp vừa buồn cho mẹ nghe. Mẹ kéo tôi ngồi xuống bên cạnh rồi
nói:
- Cô
giáo nói đúng! Khi đau khổ hay gặp tai nạn người ta thường mong mỏi được thần
thánh, tiên, bụt… hiện ra cứu giúp. Vì thế, những cánh chim bồ câu, ông bụt hiền
hòa, bà tiên hạnh phúc… là những nhân vật được dân gian dựng nên để nói lên mơ
ước có người phò trợ. Con làm việc thiện thì chính con đã là một cô tiên rồi đó. Một nàng tiên đã
thật sự giúp ích cho mọi người. Dĩ nhiên, nếu con là một đứa trẻ ngoan, biết
suy nghĩ sau này, mẹ tin con sẽ có cử chỉ đẹp hơn nhiều.
Tôi
sung sướng ôm chầm mẹ và thầm nghĩ: cô chủ nhiệm và mẹ là những bà tiên hiền
dịu, đã ban cho tôi biết bao ý nghĩ đẹp đẽ, biến đời sống của tôi thành những
ngày ấu thơ đầy hạnh phúc.
N.T.M (Trà Vinh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét