Đi ăn cưới ở Bù Gia Mập xong, ông
nội cu Bi được người quen tặng hai con trống tre “rừng lai”, nói mang về làm
quà cho cháu nội. Gà che thì thích đấy, nhưng nhà phố nhỏ quá, làm sao nuôi?
Thằng cháu 10 tuổi nhảy cẫng lên ôm lấy giỏ bàng khi ông nội lên
tiếng cho mình. Ngay chiều hôm đó, Bi đã đập ống heo nhờ mẹ ra phố chim kiểng
mua ngày một chiếc lồng to, bằng lưới mắt cáo đàng hoàng, cho cặp gà trống ở,
chứ không là cái giỏ bàng tum húm bé tẹo nữa. Mua xong, mẹ Bi chậc chậc… “Cái
lồng trăm ngàn, chẳng biết nên cơm nên cháo gì hay vài bữa đi tong là phí của”.
Bi như không nghe lời phàn nàn của mẹ, chỉ săm soi cặp gà, rằng mỗi bữa con sẽ
ăn bớt một chén cơm để nuôi gà; rằng sáng con sẽ dọn chuồng gà trước khi đi
học; rằng gà biết gáy sẽ mua một cặp gà mái về cho chúng đẻ gà con. Mẹ cười
ruồi “Gà chứ không phải cá bống đâu cu cậu! Mà chẳng biết chúng có sống tới
ngày mua gà mái về đẻ con hay nay mai bay mất về rừng để hai ông cháu tức chết
vì tiếc”.
Ông nội cười rung rinh hàm răng còn độc nhất một chiếc rồi lui cui
tìm giấy cạc tông lót chuồng gà với Bi. Ông bảo Bi, chẳng phải mẹ cháu không
yêu gà, nhưng vì ngày xưa bao nhiêu vốn liếng mẹ đầu tư vào gà hết, vậy mà chỉ
trong một ngày đêm, gần trăm con đã bỏ mẹ Bi mà đi. Mẹ cháu buồn và bệnh đến
mấy tháng nên từ đó về sau không nuôi gà nữa. “Ủa mà gần trăm con gà rủ nhau đi
đâu nhanh vậy nội?”. Bi ngây ngô. Ông nội kể:
“Hồi đó nhà ta ở quê. Không giàu có nhưng đủ sống. Nội có hai người con trai. Là ba con và chú Út. Ba con nghỉ học sớm, ở nhà
làm nông với 2 công đất xen canh rau màu, bầu bí, hành, hẹ… Ước mơ đại học
nhường cho chú Út. Chú 18 tuổi, lên Sài Gòn học thì ba con cũng 24 tuổi. Trai
nông thôn lấy vợ sớm. Khi chú Út học năm 2 thì ba con cưới mẹ con. Có vợ phụ
gánh vác việc đồng áng nên ba con đi làm thêm ở bến ghe. Thu nhập nhà ta khá
hẳn. Mẹ con siêng năng và yêu thương, kính trọng nhà chồng hết mực. Hai công
đất lúc nào cũng ngập màu xanh của hoa màu thì trong chuồng nhà lúc nào cũng có
vài chục gà mái tơ để tăng thêm thu nhập. Lâu lâu chú Út kéo bè bạn về thì mẹ
con không ngại làm thịt mấy cặp gà đãi bạn của em chồng. Khi đi, còn cho theo
mấy con dự bị. Gà nhà ta lúc ấy rất dễ nuôi. Lúa có lúa đồng, rau thì rau
muống, lá cải quăn, lá hành… gì chúng cũng ăn. Hành lặt lá chân là gà mê nhất.
Ăn lớn như thổi vậy. Thịt gà mẹ con nuôi thơm và ngọt không thịt gì ngon hơn.
Năm đó được mùa hành. Mẹ cháu nuôi càng nhiều gà mái. Tính để dành
bán tết cho xôm tụ. Nhưng cũng dịp ấy, chú Út kéo bạn về, tuổi trẻ thiếu suy
nghĩ, cả chục tên câu trộm cá người hàng xóm mà ông đi ăn tiệc vắng nhà không
biết. Khi chú đi lên trường thì chủ ao “trả thù” bằng cách trộn thuốc độc vào
lúa quăng qua vườn nhà ta. Gà của mẹ con ăn phải. Một đêm thôi mà sáu mươi con
gà mái tơ đã chết sạch. Mẹ con buồn quyết không nuôi gà nữa. Sau đó quê nhà bị
quy hoạch, gia đình ta chuyển lên phố như cháu biết đấy”.
Thắm thoát mà hai con gà trống bằng cườm tay ngày nào nay đã biết
gáy té te. Sáng chưa hửng nắng, dư âm buổi tối thức khuya “dọn” giùm mẹ nồi bún
riêu cua còn ậm ạch bụng nên Bi còn cố nướng, mà cặp gà thì không cho ngủ. Chúng
cứ gáy riết, như bảo rằng sáng rồi cậu chủ ơi, dậy đi học cậu chủ à, và cho bọn
tui ăn nữa, đói quá…
Tiếng gáy cứ riết róng găm vài tai khiến Bi không thể trùm mền
tiếp. Vậy là dậy. Thấy cậu chủ đến bên cửa chuồng là hai chú gà thi nhau gáy. Được
thả ra thì không chạy đi ngày mà còn nán lại mổ mổ vào bàn chân cậu chủ ra
chiều ‘thăm hỏi” nhìn rất là cưng. Trong khi hai chú gà ra ngoài vươn vai thể
dục rồi mổ lia mấy hạt thóc vàng thì cu Bi dọn chuồng. Mẹ đã phân công rõ ràng.
Tiền tiêu vặt hàng tuần của Bi mẹ vẫn cho, nhưng tiền mua thóc cho gà thì Bi
phải tự lo. Để tiết kiệm tiền mua thóc, cu cậu “ăn gian” mẹ bằng cách hôm nào
mẹ nhờ nấu cơm là nấu thêm một tí gạo. Cơm dư ra, sáng mai cho gà chứ con nít
tuổi mới lớn “ăn như pháp” làm sao mà “ăn bớt một chén cơm để nuôi gà” như dự
tính. Có cơm nguội của mẹ rồi mà mỗi tuần Bi vẫn mất mười ngàn tiền lúa. Tuy
hơi hao hụt “tư quỹ” nhưng Bi yêu hai con gà lắm. Chúng có hai cái mào lá và
màu dâu khác nhau nên Bi đặt tên theo mào.
Sáng nay sắp đi học nhưng Bi thấy hai con gà đánh nhau lạ quá. Con
Mào Lá rượt con Mào Dâu chạy vòng vòng, rồi khi bắt được Mào Dâu thì Mào Lá
trèo lên lưng Mào Dâu. Mỏ Mào Lá cắn đầu Mào Dâu, đuôi thì lắc lắc. Sau khi Mào
Lá thả Mào Dâu ra thì Mào Dâu quay lại rượt Mào Lá và quay lại những hành động
như ban nãy Mào Lá làm với mình. Bi khóc rống, chạy vào phòng gọi ông nội:
- Nội ơi! Hai con gà của con bị bệnh gà điên!
Ông nội còn lùng nhùng trong mớ chăn mền cũng bật cười đáp:
- Làm gì có bệnh gà điên? Cháu thấy gà làm sao mà nói chúng điên?
- Thì con nghe ti vi nói có bệnh bò điên, chắc phải có bệnh gà
điên chứ! Mà hai con gà làm gì kỳ lắm nội ơi!
Bi kéo tay nội thiếu điều muốn té để ra sân sau mà “mục sở thị”
cảnh “gà điên”. Nội cười hà hà khoe hàm răng sún, bảo rằng gà của con đã muốn
tìm gà mái để đẻ con rồi đấy. Để chiều con đi học về, ông cháu mình ra phố chim
kiểng, tìm con gà mái che nào đẹp đẹp về làm bạn với chúng.
Bi yên tâm đi học nhưng vẫn còn thắc mắc.
Nó thắc mắc là phải. Vì từ ngày sinh
ra tới giờ, chung quanh nó chỉ là bốn bức tường. Đi học nội trú cũng trong bốn
bức tường, về nhà từ chiều tối tới sáng ra cũng bốn bức tường. Thời gian để nói
chuyện, tiếp cận với thiên nhiên ngoài ba mươi phút đi xe mỗi sáng chiều với
nghìn nghịt con người và khói bụi, kèn xe, tiếng quát tháo, chửi tục… ở ngoài
đường thì chỉ còn cái tivi là dắt nó “hòa nhập” vào thiên nhiên hữu hiệu nhất.
Thì làm sao nó biết, hai con gà rượt nhau… cái mỏ cắn lên đầu… cái đuôi lắc
lắc… là hành vi của việc “đòi quyền lợi” được sinh con đẻ cái của bọn gà.
Phố chim kiểng không biết cơn man nào là chim. Đủ màu vàng, xanh
đó, tím…biết nhảy múa ca hát lung tung chứ không chỉ có màu nâu như màu chim sẻ
với tiếng kêu chíp chíp. Gà cũng có, nhưng là gà Ri, gà Sao, gà Mã Lại. Còn
“Một con mái che đẹp đẹp khoảng trăm ngoài” thì chủ cửa hàng bảo hôm nào mới
có. Ông để số điện thoại lại, có tụi cháu sẽ a lô. Nội Bi dặn, có hai con càng
tốt, nhà có hai chú trống che lai rừng. Hình như mắt ông chủ cửa hàng chim
kiểng sáng lên hơn. Gà rừng lai hả? Bán cho cháu đi, năm trăm, một triệu gì
cũng "quất”. Bi nghe số tiền mà chóng mặt. Hai con gà, là hai triệu ư? Từ
nào giờ Bi chỉ được lì xì tết cao nhất là triệu hai thôi. Ủa mà chú ấy nói
“quất” là sao? Mua về rồi ăn thịt à?
Bi giật giật áo ông nội nói nhỏ “Con không bán”. Tai ông chủ cửa
hàng chim kiểng thính lạ lùng, ông bảo:
- Bán đi cu. Hai con gà trống đá nhau đến chết chứ đạp mái mẹ gì?
- Tụi nó là hai anh em mà? Bi cố cãi
- Anh em con người còn “quất” nhau,
anh em gà mà nói gì?
Lại “quất”. Chú này bị hội chứng từ “quất” hay sao ấy? Mà “quất” có nghĩa là gì vậy ta?
Ông nội nói nước đôi:
- Để qua về bàn lại với thằng nhỏ coi coi. Quả
thật hai con gà trống ở với nhau thì không hợp lắm.
***
Chú chủ tiệm chim kiểng lật qua lật lại con Mào Dâu:
- Bố ạ, con Mào Lá bố để làm giống con cũng tiếc. Còn con Mào Dâu
này ức to, đòn dài, cựa gồ, được đấy! Nhưng mào “cắm nhang”, dáng hơi nhỏ, bố
bớt cho con nhé!
- Cắm nhang là sao vậy chú?
- Đây nè, giữa mào tự nhiên có cái lỗ, gà này đá xui lắm, mau
chết, lỗ để “cắm nhang” là vậy đó bố!
- Trời sinh nó vậy, chứ qua có sinh đâu mà chú
bảo xui với chả không?
- Dạ. Thì trời sinh. Cây nhà lá vườn. Í lộn gà nhà
nuôi vườn, không mất tiền mua đi bán lại. Con xin biếu bố năm chai,
thêm con thị mẹt đang kêu ổ đất để lấy con “cắm nhang” này!
- Sao chú nói nó đá không được? Bữa hổm nói triệu bạc?
- Đá không được nhưng đạp mái được. Nhờ nó có tai trắng, đúng
giống rừng lai nên mới mua vậy. Bố bán giá đó thì ô kê, không thì con ô -rờ
-lui chứ gà “cắm nhang” thì không có giá một triệu đâu bố già.
Cu Bi không nói gì. Nó cứ săm soi con gà mái đang kêu cót… cót…
trong chiếc lồng chim chú khách vừa mang tới. Con Mào Lá thì chạy chung quanh
lồng kêu túc… túc…
Mới hơn hai tháng kể từ ngày cô mái che về nhà mà đàn gà con đã
bằng nắm tay chạy lăng quăng mảnh sân nhỏ. Chỉ có 5 con thôi, nhưng Bi năn nỉ
lắm mẹ mới gật đầu cho nuôi. Mẹ bảo, nuôi gà thì ráng mà lo khâu vệ sinh, nó
bốc mùi sân sau là mẹtém dẹp hết. Nhà ở phố chứ không phải ở quê
đâu.
Có bầy gà con, thời gian Bi “xài ké” điện thoại ba với mấy trò
game hầu như vắng hẳn. Nhờ ông nội nói giúp, Bi đã xin được cơm dư của quán ăn
cô Tám đầu ngõ. Cứ sáng đi học thì mang xô ra để đó. Tầm 10 giờ ông nội ra nhận
xô về. Bầy gà có cơm ăn thỏa thuê mà Bi cũng không tốn tiền mua lúa. Ông nội
bàn với Bi, bầy gà con đến tuổi “lẻ mẹ” thì bán đi, Bi sẽ có một số tiền bỏ
ống, mà gà mẹ đi đẻ trứng khác. Hai ba lứa gà góp lại, Bi đủ sức mua một chiếc
xe đạp Inox xịn như mong ước. Bi tính thêm, mấy lứa gà sau nữa, sẽ mua một
chiếc máy tập thể dục cho ông nội tập như trong tivi vậy đó, để “Người già
khỏe, người trẻ khỏe, trung niên khỏe, lao động khỏe…”. Nội cười rung hàm răng
chỉ còn độc nhất một “tiền đạo” rằng “Bộ cháu tưởng cái máy thể dục có mấy trăm
ngàn sao? Lương của ba mẹ cháu ba tháng cộng lại, nhà mình thì treo niêu không
nấu ăn, chắc sẽ mua được… nửa cái máy”. Bi cười theo.
Sáng nay Bi gọi mãi mẹ cũng không dậy đi làm. Ba làm ca ba vẫn
chưa về kịp, mà Bi thì tới giờ đi học rồi. Bà nội đã đi làm từ năm giờ sáng. Bi
sờ trán mẹ, thấy mẹ nóng như lửa. Đập cửa phòng ông nội, Bi la ầm mẹ bệnh. Ông
luýnh quýnh bấm số gọi con trai và bảo Bi lên xe ông đưa đi học, mọi việc đã có
ba Bi về.
Học bán trú nên mãi chiều Bi mới về nhà. Mẹ không còn nóng sốt,
cũng không nằm im lìm như lúc sáng. Mẹ ngoắc tay gọi Bi lại, hôn lên vầng trán
lấm tấm mồ hôi nói “Cảm ơn con và đàn gà của con nhé!” trong âm giọng khàn
khàn. Bi không biết vì sao hôm nay mẹ lại dễ chịu với bầy gà như vậy.
Nhưng đến khi Bi ra thăm đàn gà thì cu cậu đã hiểu tất cả. Năm chú
gà con bằng cườm tay buổi sáng còn chạy quấn chân Bi, giờ chỉ còn ba mống!
Ba đứng nơi ngạch cửa nói với Bi “Cháo gà tre đậu xanh rất thích
hợp cho người cảm nắng con trai ạ! Đừng buồn khi ba chưa hỏi ý con đã làm thịt
gà nhé!”.
Bi yêu bầy gà tre lắm, nhưng làm sao bằng sức khỏe mẹ mình. Bi
muốn nói như vậy với ba mà nỗi buồn cứ nghèn nghẹn trong cổ không thốt được nên
lời.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét