“Ai cũng bảo mưa buồn. Tôi lại thấy nó đẹp, vì một lý do muốn
giữ khư khư cho riêng mình không chia sẻ. Chuyến đi lần này thì đầy nắng và
gió. Nắng cho thơ và nắng cho lòng. Nắng va vào mắt, chảy tan chút lạnh lẽo những
ngày qua. Khúc nhạc Trịnh của Du Nguyên ru ấm lòng. Chợt muốn làm một người
khách vãng lai, đi đâu đó xin đời một chút nắng, để làm gì hay chẳng để làm gì,
thì cứ đi thế thôi. Những nàng thơ dệt con chữ cho tâm hồn, xao xuyến… Hơn bao
giờ hết, tôi khát khao viết, khát khao được trải lòng với con chữ. Tôi khát
khao hòa bình. Vì lâu nay, con người tôi đang “chiến tranh” dữ dội. Có lúc muốn
hóa thành một làn mây hờ hững trôi khỏi cuộc đời. Có khi muốn nổ tung ký ức để
không còn vẹn nguyên nữa nỗi đau. Tôi trệu trạo nhai quá khứ. Trệu trạo nhai
bóng đêm và thinh lặng…” Những dòng chữ ấy của em cứ trở đi trở lại trong đầu
tôi. Nhiều lần cứ gấp cuốn sách rồi lại mở ra, đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn
văn ấy, muốn tìm ra nguyên nhân, diễn biến và cả kết quả của cuộc “chiến tranh”
mà em nói. Câu trả lời chỉ là một dấu chấm hỏi uốn cong hai đầu nỗi nhớ và nỗi
khát khao chạm vào thế giới bí ẩn của em….
***
Trằn trọc mãi, tôi vẫn không sao nhắm mắt. Cảnh tượng nhìn
thấy sáng nay cứ hiện rõ mồn một trước mắt. Tôi bật dậy pha tách café, châm điếu
thuốc và mở cửa sổ ra ngoài ban công ngồi. Sài Gòn về đêm không có nhiều sao. Ánh
trăng len lỏi bên dưới mấy khóm mây bồng bềnh. Thi thoảng, tiếng gầm rú của xe
cộ như xé toạc màn đêm yên tĩnh. Hình ảnh em lại hiện lên trong đầu. Tôi vẫn
không tìm được một lời giải thích. Tôi đã đứng chết lặng. Lần đầu tiên tôi thấy
cảnh tượng ấy. Sau cánh cửa, em đang lôi từ trong giỏ rác ra những mẩu bánh mì
và cả bánh ướt trong những chiếc hộp có lẽ người ta ăn không hết nên vứt đi,
bày ngay ngắn vào chiếc đĩa trên bàn. Xong, em rửa tay và ngồi ăn một cách ngon
lành. Cái đầu em gục gặc ra chừng ngon lắm. Lúc đó, tôi thấy hơi ghê ghê. Có ai
lại đi ăn những thức ăn thừa người ta đã vứt trong giỏ rác bao giờ! Càng nghĩ,
càng khó hiểu. Khi tôi định mở cửa bước vào lấy nước, em đang cúi lom khom bên
cái giỏ rác, tay em cầm mẩu bánh mì vừa lượm từ trong đó ra, tôi khựng lại. Rồi
để thỏa trí tò mò, tôi quan sát em sau cánh cửa ấy. Và cho đến giờ, vẫn không
sao hiểu được…
***
Tôi đến công ty sớm và bắt đầu lục lọi tủ hồ sơ nhân viên. Cả
công ty có hai người thiết kế, một nam và một nữ nên không quá khó để tìm ra hồ
sơ của em. Đây rồi, Lê Băng Vân, bộ phận Design. Em có một cái tên thật đẹp. Hiện
lên trên phông nền màu xanh dương trong tấm hình 3x4 dán ở góc trái, là một gương
mặt e lệ, đôi mắt to tròn không nhìn vào ống kính, mà đang nhìn về xa xăm. Đôi
mắt em màu nâu sẫm, ánh nhìn có gì đó buồn buồn và khắc khoải. Lòng tôi quặn
lên chút gì đó thương cảm khi xem đến tờ sơ yếu lý lịch. Phần thông tin của ba
mẹ được bỏ trống. Chỉ có hai đứa em, một trai một gái đang đi học.
Tôi mở máy xem lại những bản thiết kế của em cho website và
các sản phẩm của công ty. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy muốn xem, muốn tìm hiểu tất
cả những gì liên quan đến em. Những mẫu thiết kế khá đa dạng. Có khi đơn giản,
có khi cầu kỳ, cũng có khi cực tinh tế và hài hòa. Tôi cảm thấy hài lòng với
chúng. Bàn làm việc của em và người thiết kế kia đối diện với bàn làm việc của
tôi. Thi thoảng, tôi lại nhìn em, mắt đang say sưa hướng lên màn hình máy tính.
Tôi đọc được sự tập trung và niềm đam mê trong đôi mắt ấy. Trước đó, tôi ít để
ý đến em thế này, chỉ đưa mắt nhìn qua một lượt toàn công ty xem mọi người làm
việc thế nào, ai chăm chỉ và ai chểnh mảng, ai tập trung và ai làm việc riêng.
Em khá gầy, nhỏ con và baby so với tuổi hai mươi sáu.
Đến 12 giờ, công ty nghỉ ăn trưa. Em thường là người ăn sau
cùng. Khi mọi người ăn xong và tìm chỗ để nghỉ trưa, em mới vào phòng ăn. Và
tôi bắt đầu quan sát em. Em lấy đồ ăn trong túi mang theo, bày lên bàn chiếc cặp
lồng ba ngăn, một ngăn cơm, một ngăn thức ăn và một ngăn canh. Sau khi đã xong
xuôi, em tiến lại về phía gần giỏ rác, đảo nhanh ánh mắt một lượt và cũng như lần
đầu tôi thấy, em bắt đầu lấy ra những mẫu thức ăn thừa vẫn còn dùng được, bỏ
vào một chiếc đĩa riêng trên bàn. Em rửa tay và ngồi vào bàn, ăn một cách ngon
lành. Trong lòng tôi lại nhói lên một cảm giác lạ, có gì đó xót xa và nao nao
khó tả. Tôi vẫn không thể nào lý giải một cách thuyết phục về hành động của em.
Thực ra thì vì em khó khăn, không đủ ăn nên em phải làm thế? Hay vì em thấy tiếc
của cho những thức ăn vương vãi một cách không nên? Hay, là vì một lý do nào
khác nữa? Càng lúc, tôi càng tò mò và muốn khám phá tới cùng. Tôi hỏi mọi người
nhiều hơn về những sở thích và bất cứ điều gì về em, nhưng đa số họ đều không
biết nhiều. Họ bảo em ít nói, ít cười, lúc nào cũng có vẻ trầm lặng, buồn buồn.
Từ đó, ngày nào tôi cũng quan sát em sau cánh cửa trong
phòng ăn. Em hay ngồi đối diện với phía cửa sổ và thường hướng ánh nhìn về phía
ấy. Có khi em cười, nụ cười hồn nhiên, nhưng cũng có khi ánh mắt em xa xăm và
buồn buồn sau tiếng thở dài và lắc đầu nhè nhẹ. Tôi quan sát em nhiều hơn cả
trong giờ làm. Không hiểu sao, mọi hành động và cả cử chỉ của em, tôi đều muốn
quan sát. Em uống café khá nhiều. Có khi, một ngày em pha café đến ba lần. Chắc
em phải biết là uống café quá nhiều sẽ không tốt, đặc biệt là đối với con gái?
Nhưng không hiểu sao em vẫn làm thế. Có những lúc, em ngước nhìn lên và bắt gặp
ánh mắt tôi đang nhìn em quá thẳng thừng khiến em bối rối, em vội cúi mặt và
hai má ửng hồng. Tôi hay lấy cớ trao đổi công việc để lại gần em và được nói
chuyện với em. Giọng nói của em thanh nhẹ, trong và đôi khi nghe giống giọng
con nít. Rồi như vô thức, tôi nghĩ đến tên em, nghĩ đến việc tại sao em lại học
nghề thiết kế. Tên em như một làn mây lạnh lùng, cô đơn và tinh khiết. Và… em tự
thiết kế cho đời mình. Tôi chợt thấy mình hào hứng khi khám phá được vì sao em
hay nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nơi có thể quan sát những đám mây lững lờ trôi
trên nền trời xanh ấy…
***
Mọi người trong công ty bắt đầu xì xào to nhỏ: giám đốc nhà
mình thích con bé thiết kế. Tôi và em bắt đầu bị quan sát và để ý nhiều hơn.
Tôi nhận thấy em vẫn lặng lẽ và như vô cảm trước những ánh mắt dòm ngó và dò
xét của mọi người. Em không giải thích và không có ý định giải thích gì cả. Một
số người bắt đầu tỏ ra ghét em, họ gán cho em những lời lẽ hơi khó nghe như: con
đó đang dùng vẻ ngây thơ để quyến rũ sếp, đừng tưởng bở, ngầm ngẫm mà đấm chết
voi chứ không phải chơi đâu… Tôi khó chịu và đôi lần muốn nói thẳng trước mặt mấy
người ấy, nhưng rồi tôi nhanh chóng bình tĩnh và kiềm chế mình, không muốn
trong công ty xẩy ra bất hòa và chia bè phái. Tôi gọi mấy quản lý và tổ trưởng
vào họp, đề nghị nhắc nhở họ và có phương pháp để phát huy sự đoàn kết, yêu thương
giữa mọi người trong công ty. Nội bộ có đoàn kết thì công ty mới phát triển ổn
định và lâu dài. Tôi muốn, mọi người xem công ty là ngôi nhà thứ hai của mình,
và tất cả đều là một đại gia đình, luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để không khí
làm việc luôn thoải mái, vui vẻ.
***
Hoàng Oanh, quản lý của em cho tôi biết thêm một số thông
tin quan trọng. Hôm đó, cô ấy mời tôi dùng cơm trưa và nói chuyện về em khá nhiều.
Hoàn cảnh của em tương đối khó khăn. Ba mẹ em mất sớm. Hoàng Oanh bảo buổi tối
em thường phải đi dạy kèm và làm thêm một số việc để nuôi hai đứa em đang ăn học.
Tôi ngạc nhiên hơn khi biết em còn là một nhà văn trẻ, hội viên hội nhà văn
thành phố và đã có vài tập truyện ngắn và tiểu thuyết xuất bản. Có ai ngờ, một
người thiết kế lại viết văn và là một nhà văn? Tôi nhờ Hoàng Oanh tìm mua giúp
các tập sách của em và cũng không khỏi thắc mắc sao cô ấy biết nhiều về em thế.
Cũng là tình cờ, em Hoàng Oanh học chung lớp với em gái của em, và cũng đôi lần
Hoàng Oanh gặp em trong đám cưới của mấy người bạn, không phải khách mời, mà là
nhân viên phục vụ nhà hàng. Em bảo ngày chủ nhật không làm gì nên tranh thủ đi
làm thêm. Trong công ty, em thân nhất với Hoàng Oanh, một phần vì Hoàng Oanh cũng
ít nói, có gì đó giống em, và một phần, vì cô ây biết nhiều về em và có em gái
học cùng với em gái em.
***
Cũng như mọi lần, trưa nay em lại ăn cơm sau cùng và lại tìm
kiếm vài thứ gì còn ăn được trong giỏ rác. Và tôi vẫn đứng sau cánh cửa ấy,
quan sát một phần thế giới của em. Trong lòng thấy xót xa và có gì đó ngậm
ngùi. Muốn chạy vào giằng những thứ thức ăn thừa ấy vứt đi và ôm lấy em. Muốn
được một lần dẫn em đi ăn vài thứ ngon ở một nhà hàng hay một quán cơm nào đó.
Hôm nay, trông gương mặt em hơi nhợt nhạt. Hai con mắt thâm quầng lộ vẻ mất ngủ
và mệt mỏi. Em nhìn lâu hơn về phía cửa sổ. Hôm nay, trời không có nắng và
không có những làn mây lững lờ trôi như mọi ngày. Bầu trời đen xám chuyển mưa
và có nhiều gió. Cơn gió làm tóc em bay bay và xõa xuống trước trán, che đi nửa
con mắt to tròn mỏi mệt. Một giọt nước rớt trên tay em, đỏ thẫm. Em nhìn giọt
máu trên tay rồi rút nhanh tờ khăn giấy trong hộp đưa lên mũi. Máu chảy loang.
Em rút thêm hai tờ khăn giấy thấm lên tay còn vết máu và đưa tiếp lên mũi. Em uể
oải đưa tờ khăn giấy xuống, uể oải nhìn, uể oải đứng dậy đi về phía giỏ rác, và
uể oải vứt nó vào trong. Tôi giật mình khi thấy tờ khăn giấy loang vết đỏ. Như
không tin vào mắt mình, tôi nhìn trân trân vào tờ khăn giấy sẫm đỏ ở giữa nằm lọt
thỏm trong giỏ rác. Em ôm ngực, tay vịn vào thanh cửa sổ một cách yếu ớt. Rồi
em khuỵu xuống, toàn thân đổ về một bên trước khi tôi kịp chạy vào. Tôi luống
cuống đỡ người em dậy, vừa lắc mạnh vừa gọi to tên em. Tôi bế em chạy nhanh về
phía cánh cửa mọi người đã mở toang, đầu óc mụ mị trong nỗi lo lắng và những điều
mới biết về em.
Tiếng xe cấp cứu nhỏ dần, nhỏ dần và mất hút trong tiếng xe
cộ và tiếng xì xào của mọi người trong công ty.
Hoàng Oanh và Hạ Vũ, trợ lý của tôi theo xe đi với em vào bệnh
viện, còn tôi ở lại ổn định mọi người vào làm việc. Đến tối, tôi gọi cho Hoàng
Oanh lấy địa chỉ bệnh viện và chạy xe đến đó. Em nhắm nghiền đôi mắt và nằm yên
trên chiếc giường trắng muốt, gương mặt tái nhợt. Tôi bảo Hoàng Oanh lấy điện
thoại em gọi về cho hai đứa em của em và bảo Hoàng Oanh giấu chúng kẻo chúng lại
lo lắng.
Để em ngủ một lúc, tôi cùng Hoàng Oanh thả bộ quanh sân. Trời
đêm hơi âm u. Mây đen nhuộm bầu trời một màu đen kịt. Trong ánh sáng nhờ nhờ của
dãy đèn cao áp, hương hoàng lan thoang thoảng khỏa lấp không gian, không phải một
cảm giác êm ái, dễ chịu mà có gì đó man mác, u buồn. Hoàng Oanh lấy trong túi
xách đưa cho tôi mấy cuốn sách, có vài tập truyện và một cuốn tiểu thuyết của
em.
Hoàng Oanh về rồi, một mình tôi rảo bước trên con đường dọc
sân bệnh viện vắng hoe. Vài giọt mưa lất phất rớt trên vai tôi. Rồi mưa bắt đầu
nặng hạt. Gió xô những giọt mưa cắt màn đêm thành những đường xiết ngang vội
vã. Tôi trở về bên giường bệnh. Em vẫn nằm đó, mắt nhắm và làn môi nhợt nhạt.
Tôi kéo chiếc chăn lên đến cổ em và ngồi vào chiếc ghế tựa, bắt đầu đọc cuốn
sách đầu tiên của em, xuất bản gần đây nhất, có tựa đề “Bóng ảo”. Thời gian như
ngưng đọng, tôi ngốn sạch hơn hai trăm trang sách không biết bao lâu. Thế giới
xung quanh không tồn tại, vì tôi đã bước vào một thế giới khác ngay từ những
dòng đầu tiên của cuốn sách. Đề tài của em khá đa dạng: gia đình, làng quê,
tình yêu, những đối tượng bé nhỏ trong xã hội như thằng nhỏ bán vé số, ô sin… Và
hầu như truyện nào của em cũng thấp thoáng hình ảnh mưa, hình ảnh bóng đêm và cả
nhân vật ăn mưa, ăn bóng đêm, sống trong một vỏ bọc cô đơn, vô cảm trước dòng đời
bon chen mỏi mệt. Tôi không muốn rời mắt khỏi đoạn văn em viết vào những trang
cuối cùng của câu chuyện cuối cùng. “Tôi không quá nghèo, không quá đói khát để
phải ngày ngày đi lượm những mẫu thức ăn thừa trong những cái giỏ rác “sạch sẽ”
ấy. Chỉ là… thấy xót xa và đắng lòng khi nhìn những thức ăn vẫn còn ngon lắm,
thơm lắm và nhiều người cần lắm, nằm ung dung ở đó. Tôi tự hỏi mình mọi người vứt
chúng đi mà không thấy tiếc, không thấy xót những đồng tiền mồ hôi nước mắt của
mình? Một thời, chị em tôi đã từng đói khát, đã từng mong lắm một mẩu bánh nhỏ
rơi rớt hay người ta cố tình ném chúng dọc đường để làm ấm chiếc dạ dày trống rỗng.
Ừ. Có lẽ khi có tiền, người ta có quyền làm tất cả, có quyền vứt chúng để tô hồng
sự sang trọng và đẳng cấp. Và tôi lượm, những thứ thừa thãi và vô ích với người
ta, những thứ rác rưởi, và ăn. Và thấy thơm ngon, ngậm ngùi. Sao cuộc đời những
người giàu thì ngày càng giàu thêm, còn những người nghèo lại càng khó khăn,
túng thiếu?...”. Hai con mắt và sống mũi tôi cay xè. Lòng hoang mang với những cảm
xúc lẫn lộn cào cấu. Tôi đưa hai tay vuốt mặt và vội vã đi vào bóng đêm bên
ngoài cánh cửa. Lần đầu tiên tôi khóc, vì những dòng chữ của người con gái bé
nhỏ, bệnh tật không phải viết cho mình. Ngoài trời, mưa vẫn rả rích. Tôi tạt
vào mái hiên nơi hành lang, nhìn những hạt mưa vỡ tan dưới nền sân, cảm nhận nỗi
buồn ăn sâu vào từng nhịp tim đập chậm chạp và lan sang những hạt mưa ngoài
kia. Tôi châm điếu thuốc, thấy lòng mình dần tê buốt. Những hạt mưa vẫn tí tách
rơi và vỡ nát khi chạm đất. Tôi giống mọi người và khác em, thấy mưa thật buồn
và não nề, lòng rộn rạo vì cái lý do mưa đẹp mà em muốn giữ khư khư cho riêng
mình. Phải chăng em thấy mưa đẹp vì mọi thứ trong cuộc sống đều u tối? Và…. Lại
thấy lòng đau nhói với những dòng chữ và hình ảnh cô gái ngày ngày nhặt thức ăn
thừa trong giỏ rác, và ăn.
***
Đã hai ngày rồi, em vẫn nằm mê man trên chiếc giường trắng
muốt và trong bộ đồ cũng trắng muốt. Em của em ngày nào cũng điện thoại, thút
thít. Tôi phải nhờ Hoàng Oanh đến phòng trọ, đưa tiền ăn uống cho hai đứa và bảo
rằng chị Vân phải đi công tác bên Hàn Quốc một thời gian.
Đến ngày thứ ba thì em tỉnh. Gương mặt nhợt nhạt nhưng trông
thản nhiên, không chút hốt hoảng hay lo lắng. Em khẽ mỉm cười với tôi và Hoàng
Oanh. Tôi đỡ em ngồi vào chiếc ghế và đẩy nó về phía cửa sổ, như ý muốn của em.
Hoàng Oanh theo bác sĩ đi lấy kết quả và quá trình theo dõi bệnh nhân. Em ngồi
yên trên chiếc ghế, nghiêng nghiêng mái đầu nhìn bên ngoài cửa sổ. Hoa hoàng
lan nở trắng đầy cành, thi thoảng lại có một vài cánh hoa rơi xuống, hờ hững đậu
trên nền sân và trên bờ cây kiểng bên cạnh. Ánh nắng rũ vàng khắp trời chiều
mênh mông gió.
- Giám đốc ngạc nhiên lắm khi thấy em ăn cơm phải không ạ? –
Em nói như thì thầm.
- Anh… Tôi…
- Em là thế đấy. Em thích ăn thức ăn thừa của mọi người. Em…
– Lần này, giọng em như vỡ đôi, có gì đó nghẹn lại nơi lồng ngực và cổ họng.
Tôi đưa tay bịt miệng không để em nói tiếp. – Anh đã biết tất
cả. Anh… - Lần đầu tiên tôi thấy tim mình đập rộn rạo và lạc nhịp. Tôi không biết
nên nói thế nào với em. Thấy lúc này, mọi lời nói đêu trở nên vô nghĩa và khập
khễnh với lòng.
Em nhìn tôi, như chờ đợi để nghe tiếp sự lấp lửng, rồi nhìn
nhanh về phía những cuốn sách nơi góc giường. Tôi đã đọc, không sót một chữ, và
có những đoạn cứ đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi hướng ánh mắt về phía ánh nhìn của
em, dừng lại ở nơi em đang dừng. Và… muốn vuốt nhẹ lên mái tóc hay vòng tay qua
vai em, nhưng rồi, tôi vội vàng rụt tay lại.
Hoàng Oanh bước vào. Nhìn gương mặt và nụ cười nhẹ nhõm của
cô ấy, tôi thở phào. Tôi bước lại gần Hoàng Oanh và vòng tay lấy tờ giấy đang
thu sau lưng cô ấy. Bên khung cửa sổ, những bông hoa hoàng lan trắng muốt khẽ
lung lay…
N.T.N (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét