Em ngã phịch
xuống đất vì cái xô quá mạnh của người ông, rồi chợt thấy tôi, em ngại ngùng
đứng dậy chạy ra sau nhà, mang theo đôi mắt hãy còn rướm lệ mà tôi không rõ vì
đau hay vì tủi. Đứng bên kia rào, tôi ngoái nhìn qua hiên nhà đầy nắng của em,
tôi tìm em nhưng thứ tôi làm được chỉ là kiễng chân nhìn vô vọng qua nhà hàng
xóm. Ừ thì chắc ông lại đánh em, còn tôi, tôi chỉ là kẻ chòm xóm không hơn,
biết làm gì cho được…
Làng quê tôi
nghèo quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nhà tôi cũng nghèo, nghề
nông là nghề chính, từ thuở bé tôi vẫn hay cùng ba ra đông làm lúa, lâu dần
cũng quen với cuộc sống của “thằng nông dân bé” nên cũng thấm cực. Nhà tôi và
nhà em cách nhau một bờ rào dâm bụt đỏ thắm. Em ở trên huyện xuống quê tôi ở, ngày
đâu gặp em là khi cả 2 cùng lên 13, và dường như buổi gặp gỡ đầu tiên nếu thực
sự có ấn tượng tốt thì sau này cái đẹp ấy sẽ rất khó mà phai nhạt. Một thằng
nông dân bé cả người như run lẩy bẩy cả lên khi đương trưa nắng dắt trâu vô nhà
thấy một cô bé đang mím chặt bờ môi, đầu hơi cúi cúi không nhìn ai nấp sau lưng
ba. Tôi đứng ngẩn tò te nhìn em bởi tôi thấy lạ. Ở em như có cái gì đó cam
chịu, có gì đó uất ức khi ba để cho ông nuôi em rồi bỏ đi ngay tắp lự, ánh mắt
dõi theo chiếc xe máy của ba em làm tôi đượm buồn, nó như muốn chạy theo nhưng
không thể, em biết là không thể, nên hai tay em nắm chặt lại, và môi cũng cắn
lại như muốn bật máu sao cho không ra thành tiếng, rồi em vào nhà.
Lần thứ 2 gặp em
là lúc còn rất sớm, tờ mờ sáng tôi đã nghe tiếng loạt soạt của chổi quét sân. Tôi
cũng hay dậy sớm đi chăn trâu nên tôi mới gặp được em. Em đang lúi húi quét
mảnh sân nhỏ trước nhà, lúc này tôi mới nhìn kĩ em. Người em be bé (mà mãi sau
này khi biết tuổi em tôi vẫn không tin chúng tôi cùng tuổi), múp múp tròn tròn
trông rất dễ thương. Em quay lưng nhìn thấy tôi rồi nở nụ cười rạng rõ tựa ánh
nắng ban mai làm tôi… hơi xao động. Trời ạ! Đúng thật nụ cười ấy hệt như ánh
nắng ban mai vậy, nó rạng rỡ vô cùng và đẹp đến tinh khôi, có gì đó dịu hiền mà
ấm áp. Em cười nhưng em không cất lời,tôi đành hỏi trước:
- Em về chơi à?
- Dạ không ạ, em ở đây với ông
luôn, anh giúp đỡ em nhé?
Em có gì đó hơi lí nhí, rụt rè khi nói chuyện với tôi, có lẽ vì tôi
là người lạ, cũng có lẽ vì tôi là… con trai nên em… ngại chăng? Tôi mỉm cười, đó là
những câu đầu tiên chúng tôi nói với nhau...
Ông rất khó tính. Dẫu tôi là hàng xóm nhưng ông cũng rất ít khi cho em ra ngoài chơi với tôi. Ông
không cho bất cứ thằng “ranh con” nào trong xóm tiếp xúc với em nên dẫu đã hai năm trôi qua trên mảnh đất này em vẫn có rất ít bạn, cả con gái và con trai. Em
hiền, lại ít nói, dường như trong bất cứ điều gì em cũng giữ ý, đôi lúc khiền
tôi phát bực. Lên lớp 10 em và tôi cùng lên phố học, em học chuyên còn tôi cũng
học một trường công có tiếng trên phố. Tụi tôi tiếp tục quấn quýt bên nhau như
những người cùng quê sợ chốn thành thị xa lạ đầy cạm bẫy. Hai năm em ở quê chúng
tôi dường như đã thân hơn bởi những lần ông giao em đi chăn vịt ven sông, thì
tôi, tôi cũng cố tình thả bò đi gặm cỏ gần đấy. Tuổi thơ của em thật trắng
trong, và em hoàn toàn trái ngược tôi, hầu như cái gì em thích thì tôi không và
ngược lại. Có điều cả hai cùng thích trứng, điểm chung ít ỏi, hiếm hoi và duy
nhất. Chúng tôi hay bày những trò nghịch cùng nhau rồi cùng nhau chạy thả diều
theo những triền đê (con diều giấy tôi tự làm, xấu lắm nhưng em luôn tỏ ra thích
thú và cười thật tươi mỗi khi cùng tôi thả). Tôi tự cho phép mình có cái quyền
chỉ riêng tôi được chơi với em nên không cho bất cứ ai lại gần em và viện lí do
ông em khó tính. Còn em, mặc nhiên cũng chỉ chơi với tôi vì tình em hay ngại, không
quen từ chối và có rất nhiều lí do khiến em chơi với tôi như nhiều lúc cùng tôi
đi về vì cạnh nhà chẳng hạn.
Ba năm ở phố em vẫn không thay đổi, tôi hay đùa: - Nhìn bé (chẳng
hiểu từ lúc nào tôi đổi cách xưng hô như vậy) vẫn có chiều cao lí tưởng quá ha,
vẫn 1m49 hả?
Và em lại cười tươi tinh nghịch nhìn tôi:
- Thì cứ nói
1m50 cho cao đi mà!
Và chúng tôi lại
cười nắc nẻ. Vì em bé nhỏ nên tôi muốn bảo vệ. Vì em ngây thơ nên tôi không
muốn em mất đi hình ảnh đẹp ấy. Đôi lúc tôi thầm cảm ơn ông của em đã không cho
em đi đâu nên em toàn ở nhà và rồi lại thầm cảm ơn ba mẹ tôi khi… xây nhà sát
cạnh nhà em để tôi có dịp quan tâm và bên em nhiều hơn.
Trong tôi em sẽ
mãi giản đơn như thế nếu chúng tôi không lớn dần lên qua năm tháng. Năm chúng
tôi lên 11, quê tôi mất mùa, tiền học chúng tôi không đủ cả hai lại phải chuyển
về làng học trường làng. Việc xa trường lớp cũng khiến chúng tôi buồn nhưng
cũng chớm vui vì lại được về quê hơn là ở nơi đất khách. Chúng tôi lại quay lại
nhịp điệu cuộc sống như trước kia, Ông em khó, coi tivi còn không được, còn em, em
có tính hay ngại, đôi khi là cả với những người trong gia đình. ”Có lẽ bởi từ
nhỏ em được chuyển qua quá nhiều nhà nên lâu dần em thấy hơi xa lạ với tất cả”.
Bởi hay ngại nên em chu toàn tất cả .Công việc hàng ngày của em là nội trợ
chính trong gia đình, đôi lúc tôi bật cười bởi tâm tư một cô bé 17 tuổi mà lúc
nào cũng “về nhà nấu cơm”, ”đi chợ mua gì”, chăm sóc heo gà rồi thậm chí cân đo
đong đếm từng đồng tiền do đi bán rau ngoài chợ. Em ít đi chơi mà ở nhà cũng
thành thú vui, thú vui hình thành bởi thói quen. Em chu toàn mọi thứ bỏi em
thương người thân trong gia đình, cũng bởi em không muốn em trở thành gánh
nặng. Nhiều lúc tôi thây em mất đi sự tự do lại lân la hỏi:
- Bé không thấy
buồn khi không ra ngoài chơi à?
- Không anh, em
chỉ muốn ở nhà nấu cơm rồi chăm sóc mấy con heo thôi, hì hì
Em cười và nụ
cười ấy chân thật. Em ít khi nói những câu triết lý nhưng hành động và cuộc
sống, và nỗ lực của em khi gọi điện cho ba khoe em lại được loại giỏi làm tôi
hiểu em nhớ thương ba và muốn ba thấy em cố gắng đến nhường nào. Tôi rất ít khi
thấy em khóc trừ những lúc em không chịu đựng nỗi, em luôn cười, ”vì em muốn
tất cả mọi người vui, em chỉ nghĩ đơn giản được như thế hì hì”. Và mỗi lần thấy
nụ cười ấy tôi lại yêu tha thiết, tình cảm tôi có lúc nào không hay.
Em lên đại học, tôi
và em lại qay về phố, chúng tôi chung lớp. Nhiều người hay lầm tưởng chúng tôi
là tình nhân nhưng thực ra giữa hai đứa có một mối quan hệ không thể nào gọi
tên. Có lúc lại giận hờn, gây tổn thương nhau rồi xa nhau như người yêu. Lại có
những lúc kề vai sát cánh chia sẻ cùng nhau những nỗi buồn cuộc sống, những môn
học khó, thú vui này, phim kia hệt như những người bạn. Nhưng tôi bằng lòng với
quan hệ đó. Vì tôi hạnh phúc khi bên em.
Suốt những năm
tháng bên nhau bằng những mối quan hệ không thể gọi tên cả tôi và em đều ràng
buộc bởi mĩ từ hạnh phúc. Chúng tôi bằng lòng với thực tại, biết chúng tôi quan
trọng trong nhau nhưng chưa bao giờ hỏi tình cảm dành cho nhau nồng ấm như thế
nào. Em ra ngoài là vì tôi, khóc nhiều nhất là cho tôi. Còn tôi, tôi dành tất
cả cho em. Nhưng rồi 2 đứa trưởng thành, học xong thì lại về quê, cái vòng đời
lẩn quẩn quê-phố-quê-phố-quê không làm chúng tôi nghĩ sẽ có ngày tôi và em xa
cách.
Tôi và em cãi
nhau khi thấy nhà em độ rày có anh nhỏ hay ghé thăm, chơi với ông. Tôi giận hờn
vu vơ dẫu tôi biết tôi sai, ừ mà tôi và em có là gì đâu để mà hờn mà giận. Tôi
giận vì em bị ép gả mà em vẫn chẳng nói nên lời. Con gái ở quê lấy chồng sớm. Nhiều
đêm lén nhìn qua hàng rào dâm bụt thấy mắt em hoe đỏ nhưng không đủ dũng cảm an
ủi em và níu giữ em vì những gì tôi đang có thực chẳng có giá trị gì cả. Chỉ là
mảnh kí ức với những giá trị vô bờ. Tới ngày em đi lấy chồng tôi vẫn không đủ
dũng cảm nói được một tiếng thương em, người ta đưa dâu ngang ngõ tôi thấy em
vãn ngoái nhìn tôi, miệng nở nụ cười tươi thắm nhưng rất buổn. Kể từ ngày đó
tôi không còn gặp em nữa, mỗi lần nhìn qua hàng rào dâm bụt tôi lại thẫn thờ
tìm kiếm kí ức đã mất của tôi, hối hận khi không đưa tay giữ lấy yêu thương rồi
đau nhói nhìn những bông hoa đỏ tươi màu máu…
L.H.H.T (Quy Nhơn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét