Vừa qua, BBT Hương Quê Nhà nhận được bài nhận
định và phê bình của thầy Hồ Sĩ Duy, người thầy dạy Văn trung học đệ nhị cấp ở
Bình Định những năm trước 1975, tựa đề: Mang Viên Long, cây bút truyện ngắn của
những mảnh đời hẩm hiu và những tình yêu dang dở.
Bài viết được chia làm 5 phần, chúng tôi xin
lần lượt chuyển đến các bạn.
PHẦN MỘT
Mang Viên Long đã đi vào làng văn từ những năm cuối của
thập niên 60 thuộc thế kỷ XX vừa qua. Tác phẩm của ông hầu hết là truyện ngắn,
được viết trong bối cảnh của lịch sử Việt Nam từ giai đoạn kháng chiến chống
Pháp, rồi gần mươi mốt năm chiến tranh, và kể cả thời hậu chiến sau 1975, thời
kỳ của bao cấp. Gần đây, “Tuyển Tập
Truyện Ngắn” của ông, (tập 1) do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, ghi dấu một
chặng đường cầm bút trong nhiều chục năm, nội dung phần lớn, thể hiện những
mảnh đời hẩm hiu cùng những tình yêu dang dở…
Mang Viên Long đã xây dựng tác phẩm của mình mang tình tự
tư duy hiện thực xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Và trong bối
cảnh ấy, người đọc cũng cảm nhận được những thân phận của nhân vật trong những
mảnh đời hẩm hiu trước thời cuộc, cùng những tình yêu sâu lắng, đậm tính nhân
văn nhưng cũng chịu nhiều bất hạnh, dang dở.
Ông đã gợi lên “Một thời thương yêu và một thời tưởng nhớ ” mà dẫn dắt người đọc đi
vào một mối tình đầy thơ mộng giữa Quyên và Tưởng. Họ đã yêu nhau trong khung
cảnh của quê hương Bình Định, một quê hương thuộc liên khu 5 trong thời kháng
chiến chống Pháp. Người con trai tên Tưởng , có cha chết trận Kon Tum: “Ngày sinh con Quy vừa đầy tháng, má Tưởng
được tin chồng chết trận ở Kon Tum, má Tưởng như bị dĩ vãng vây hãm, khóc rấm rứt cả ngày trong hầm trú ẩn”.
Trong khung cảnh của một căn nhà xưa cũ, có tàn cây che khuất máy bay địch, có
những dây bầu, dây bí sản xuất tăng gia và có “chiếc bồ sơn trắng bất đầu treo ở cuối xóm, báo hiệu những trận càn quét của Tây, bất ngờ đi
xuyên qua sớm ”… Rồi những trận oanh tạc của máy bay mỗi lúc một nhiều, làm
cháy dần những căn nhà còn sót lại, làm cho con xóm trở nên vắng vẻ lạ thường!
Má Tưởng giao nhà cho bà Bốn, người u già như sinh ra để sống cho gia đình
Tưởng, lấy gia đình Tưởng làm gia đình mình. Má Tưởng đi buôn tận vùng bị chiếm
Tam Kỳ và lần cuối cùng bị kẹt ở Tourane không
về nữa. Còn Quyên, người yêu của Tưởng cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha Quyên đi
dân công tiếp vận chiến trường về, bị sốt rét, “được đưa đi chữa bệnh, rồi bặt tăm”! Mẹ Quyên cũng chết vì “bệnh ho ra máu”, bà đã trối lại “phải giữ lấy căn nhà và lo
cho Trung ”… Quyên và Tưởng đã yêu nhau trong hoàn cảnh cả hai đều không
còn cha mẹ, chỉ còn những căn nhà cũ của cha
mẹ họ để lại với khuôn vườn nhỏ và Trung, em trai của Quyên. Ở đó, còn
có bà Bốn, một u già trung thành của gia đình Tưởng. Tất cả họ đã sống trong
không gian và thời gian của chiến tranh, của tản cư, của cảnh vườn không nhà
trống, của những đợt oanh tạc với lựu đạn, với bom xăng của giặc Pháp, cùng với
những trận đổ bộ rập rình đe dọa của quân thù. Tuy vậy, tình yêu của họ rất đẹp
và cũng không kém vẻ thơ mộng: “Ánh trăng
chiếu xuống thật chậm, những ô sáng xuyên từ các kẽ hở cây lá từng ô trắng rõ
nét trên gương mặt Quyên. Cái im vắng của buổi sáng sau những lần báo động của
tản cư, chạy giặc, đọng khô trên từng
ngôi nhà, từng hàng rào, từng hàng cây, con đường…”. Quyên tìm đến với
Tưởng trong khu vườn khép kín, tĩnh lặng, ngồi yên trên võng bên Tưởng. Quyên
đã đem tiếng cười làm cho Tưởng vơi đi bao nỗi ưu phiều. Và trong một cử chỉ âu yếm thật lãng mạn: “Tưởng ngã người bên bờ vai Quyên – Chim én là mùa xuân, em cũng là
mùa xuân của anh ” (Trang 13 sđd). Đối với Tưởng, “mùa xuân được nhắc đến như một tên gọi đã bỏ quên từ lâu lắm ”. Tưởng nhớ đến mùa xuân như nhớ về một hoài niệm
với thời gian, và tâm tư chàng như ướm lên cả một niềm khát vọng: khát vọng hòa
bình từ những đau thương của cuộc sống mà chàng đã và đang đối diện: “Từ những đêm mưa dai dẳng, lạnh cóng, không
có chăn ấm, phải chui vào bồ lúa, phải đốt lửa giữa nhà ngồi chờ sáng. Rồi mùa
xuân đến với một ngày hai bữa cơm ghé củ, ghé bắp, và mùa xuân nằm mãi trong
hầm trú ẩn với những căn nhà cháy thui vì bom xăng, mùa xuân của những hớt hãi
bay đi theo từng hồi kiểng thúc,
những lần bỏ nhà tản cư lên núi ”. (trang 13 sđd).
Trong bối cảnh của cuộc sống như thế, đã làm cho Tưởng thấy
yêu Quyên hơn, vì những bất hạnh của nàng, vì giữa cuộc sống và nỗi chết, chia
xa, có thể đến bất cứ lúc nào, trong một buổi, một ngày ngắn ngủi… Ý tưởng ấy
đã đến dần dần đêm Quyên đến gần Tưởng hơn. Hạnh phúc đích thực của đôi tình
nhân này chính là “mơ ước một ngày bình
yên, không nghe tiếng kiểng, một ngày
bên nhau không nhìn thấy chiếc bồ trắng kéo lên quá đọt tre, đã là một hạnh phúc cho
cả hai như buổi sáng hôm nay ”. (trang 14sđd).
Tình yêu của Tưởng và Quyên được nhen nhóm từ hoàn cảnh của
một quê hương trong thời chiến, một quê hương thật thơ mộng và thật đậm tình
quê cha đất tổ, đậm tình của nơi cắt rốn chôn nhau; một quê hương đầy ắp những
kỷ niệm tuổi thơ, với dòng sông, với bến nước, với những lần “Tưởng trốn má, bỏ ngủ trưa, chạy ra đây tắm,
chạy ra đây cút bắt, chạy ra đây
tạt nước thi với lũ thằng Thu, thằng Quyến, thằng Minh… ” (trang 21 sđd).
Nơi quê hướng ấy, còn có căn nhà của ba má Tưởng, có bóng cây xanh che chở cho
căn nhà còn nguyên sau mấy lần bị máy
bay oanh tạc. Nơi đó có khoản sân gạch được giỡ ra để tăng gia sản xuất, để
trồng đu đủ, bí, bầu và vài luống mì, luống bắp… Nơi quê hương ấy cũng có căn
nhà của cha mẹ Quyên, mà trước khi mẹ Quyên chết bà đã trối lại là “phải giữ
lấy căn nhà và lo cho Trung… ” - đứa em trai của nàng. Những căn nhà ấy, đã
từng là không gian cư ngụ êm đẹp nhất của hai gia đình Tưởng và Quyên và cũng
là nơi ấp yêu bao kỷ niệm của họ, những con người đã được sinh ra và lớn lên từ
nơi ấy.
Nhưng rồi, chiến tranh đã xóa nhòa tất cả những hình ảnh êm
đẹp và yêu thương của con người với nhà cửa, xóm làng, với sinh hoạt thường
ngày, với kỷ niệm tuổi thơ, với khung trời thanh bình của mộng mơ ngày cũ. Ngày
Tưởng bỏ học trở về cùng với hình ảnh điêu tàn nhất của xóm: “Không nhìn thấy bóng người sau những rặng
tre, không một chuyến xe ngựa, không nghe tiếng cối xay, tiếng giã gạo. Tưởng
có cảm giác như trở về một miền đất chết xa lạ. Dấu bom cày sâu từng vùng, vật
ngã những thân cây cổ thụ chắn lối đi, mùi tro than bốc khét trong hơi gió thốc
ngược ”. (Trang 17 sđd).
Tưởng tìm lối vào nhà, căn nhà của Tưởng bây giờ đã bị
thủng nhiều lỗ, ngói văng vãi xuống thềm, những cành cây xác xơ, lá bay nằm
trên mái nhà, những hàng cây ăn trái, những dây bầu, dây bí từng nụ hoa mới
chớm đều bị cháy sém cả. Còn căn nhà của Quyên, nằm trong xóm cũng chỉ còn “chong trơ vơ những bức tường loang lổ,
những cột nhà cháy đen”. Con xóm
vắng tênh, nhưng “Tưởng vẫn ngỡ có rất
nhiều tiếng khóc nuối tiếc, có rất
nhiều lời than van thì thầm…”. Ý tưởng mà mẹ Quyên đã trăng trối “Con hãy
giữ lấy căn nhà” lúc nầy không còn là một mệnh lệnh bắt buộc được nữa, mà nó đã
trở thành một hiện thực đau thuơng, một âm vang não nùng trong tâm hồn của con
người như Quyên, như Tưởng khi họ đứng trước một thực trạng “những căn nhà trống trơn, đổ nát, chênh vênh”
mà họ không khỏi toát ra một cảm giác đớn đau, rờn rợn trước những khu vườn xơ
xác lá đổ, nhẫn nhục, buồn hiu ấy. Đó là cảnh của “tiêu khổ kháng chiến” cảnh
tang thương của “vườn không nhà trống”, mà một thời dân tộc Việt Nam phải chịu
đựng, phải đau xót và phải nuốt lệ trong tâm hồn! Đó cũng là những tình huống
tương phản giữa cuộc sống và tâm thức con người như Quyên, như Tưởng phải trải
qua và đau khổ chịu đựng. Họ yêu nhau với những tình cảm đẹp, họ nhìn đời dưới một lăng kính mộng mơ, với
những kỷ niệm êm đềm thơ mộng như những lần đi câu cá bên dòng sông, hoặc những chiều Tưởng cùng Quyên lên gò bẫy én,
họ “cùng ngồi bên nhau dưới chân con đê để chờ tiếng kêu của những con
chim én bị mắc bẫy…” - “Tình thương
bắt đầu từ Quyên và ở lại mãi phảng phất hoài như sự luyến nhớ nụ hôn trên môi,
trên tóc…”.
Tuy nhiên, cuộc sống thực tế trong thời kháng chiến, không
phải chỉ là những kỷ niệm êm đẹp và mộng mơ của đôi tâm hồm kẻ yêu nhau, mà con
người thực tế đang phải đương đầu với sự cơ cực vì chiến tranh, phải: “quanh năm trốn trong hầm trú ẩn, hầm bí mật,
chờ nghe tiếng máy bay, trông chừng
từng mức bồ kéo lên…” ( trang 20 sđd ).
Trong kháng chiến chống Pháp, cái bồ, không chỉ là dụng cụ
để người nông dân đựng thóc, lúa, mà còn có một công dụng thiết thực là để làm
tín hiệu, báo động cho nhân dân biết những khi giặc Pháp đi càn quét đốt phá
xóm làng… Cuộc sống của những người trong xóm vắng dần, nhà cửa, ruộng vườn tan
hoang, phố xá cũng tiêu điều vì máy bay oanh tạc hằng ngày. Chợ búa, trường
học, ruộng đồng… ban ngày cũng vắng vẻ, chỉ sinh hoạt vào ban đêm. Mọi người
đều xa lánh phố xá hoặc nhà ở của mình để tránh sự oanh tạc của phi cơ địch, họ
đã làm lều, làm trại để tạm trú vào những nơi hoang vắng. Câu nói: “Khôn ở lều
ở trại, dại ở phố ở nhà”, đã được truyền tụng như nhắc nhở mọi người trong thời
kháng chiến đã phải sống như thế. Quyên cũng làm một chòi tranh dựa lưng vào
hàng tre rợp bóng mát, nằm dọc theo sông để ẩn trú, tránh máy bay địch. “Tiếng kẻng đánh thức từng hồi vang lên từ
cuối xóm, chạy dài theo cánh đồng. Tưởng chui ra khỏi căn chòi nghe ngóng tiếng
máy bay, nhìn lơ lửng trên nền trời vắng
ngắt… Buổi chiều xuống nhẹ trên cánh đồng, ánh sáng mềm mại, mát dịu. Con đê
cao còn vướng chút tia nắng nặng nề đọng lại của một buổi chiều cuối năm ”. Hình ảnh “cái chòi”
vừa là nơi để Quyên ẩn trú, tránh máy bay, nhưng cũng là một không gian thơ
mộng khi Tưởng đến tìm Quyên trong một buổi chiều, “buổi chiều xuống nhẹ trên cánh đồng” với “Con đê cao còn vướng chút
tia nắng nặng nề đọng lại… ”. Hình ảnh ấy, thật thơ mộng, êm đềm để cho đôi tình nhân Quyên, Tưởng gặp
nhau. Không gian tình yêu của Quyên và Tưởng là một không gian thật tương phản,
một không gian vừa tĩnh, vừa động, vừa thanh bình êm ả cũng vừa bất ổn vì những
hồi kẻng báo động máy bay, hoặc vì chiếc bồ trắng ở đầu xóm kéo lên cao, báo
hiệu sắp có trận càn của địch. Tuy nhiên, trong cái cảnh bấp bênh, bất định,
cái cảnh vừa tĩnh vừa động ấy, ta vẫn thấy có một thăng hoa của thanh bình
tuyệt đối, đó là tình yêu tràn ngập
trong tâm hồn của Quyên và Tưởng.
Tình yêu ấy đã được nhen nhuốm và vươn lên từ quê hương đổ
nát vì chiến tranh, nhưng vẫn đẹp, vẫn trầm lắng trong nét lãng mạn của kháng
chiến. Đó là những khổ nhọc và đau thương, là những ấn tượng trực tiếp về cuộc
đời thực tại và đó cũng là sự siêu thăng trong tâm linh con người.
“Quyên kéo tay Tưởng
rẽ xuống ngã tư, muốn đi len trong những hàng cây rậm. Lâu lắm, Quyên mới tỏ ý
chọn lựa khi tay nàng trong tay Tưởng. Hai người rẽ các bụi cây dày lá, mát
sạch, dìu nhau từng bước nhỏ. Trừ khu vườn hai người vẫn thường có những lần rủ
nhau đi rong chơi trong sự vắng vẻ của buổi chiều chờ cơm, chờ quảy hàng ra
chợ. Cũng nhiều lúc thật rỗi, Tưởng và chị em Quyên lên thăm cái chòi nằm sát
dòng sông, dưới hàng trẻ rũ bóng mát. Cái chòi, trở thành một nơi khó bỏ như
căn nhà, vì nơi đó, Tưởng đã sống trọn vẹn cho Quyên, cho tình yêu một đời
những buổi trưa đắm đuối yêu đương…”.
Cái khung cảnh như luôn luôn đan xen giữa sướng vui và khổ
cực, giữa náo động và thanh bình, giữa
những chập chờn âu lo vì cuộc sống bất an luôn đe dọa và niềm ước mơ hạnh phúc
miên viễn của tình yêu… Với một không gian tình yêu từ bụi cây khóm lá, từ
những buổi tối chập chờn trên cao, từ những cơn gió chao chát trên cành lá, từ những tiếng chim xao xác gọi nhau về tổ… “Quyên cảm thấy lòng lâng lâng niềm vui, nỗi thanh thản hiếm hoi của một ngày không nghe tiếng
máy bay”. Còn Tưởng thì nghĩ rằng “không
ngờ trong nỗi khốn khổ này, anh vẫn có quá nhiều niềm hạnh phúc, quá nhiều an
ủi vì anh đã có tình yêu của Quyên”. Anh “cúi xuống trên bàn tay Quyên, cúi xuống trên nỗi hạnh phúc tràn đầy.
Quyên bàng hoàng trong niềm khoái cảm tuyệt diệu vì tình yêu đã đến, đến gần,
không phải ở những câu nói, không bắt đầu từ lúc nào, nó tự nhiên và âm thầm
như những nụ hôn, những lần ôm ấp bên nhau trong chiếc chòi tranh, hay trong hầm trú ẩn sau nhà”. Chiếc
chòi tranh, chiếc hầm trú ẩn đều là những không gian của thời chiến để cho con
người tránh hiểm nguy của bom đạn, của địch truy lùng tàn sát, nhưng chính nơi
ấy cũng là không gian ấm cúng của tình yêu, của ôm ấp và của những nụ hôn giữa
Quyên và Tưởng. Cảnh sinh hoạt trong thời chiến, khi con người phải lấy đêm làm
ngày và lấy ngày làm đêm, nghĩa là ban ngày mỗi hoạt động sinh hoạt đều như co
lại, chỉ có ban đêm, mọi hoạt động thường ngày mới được mở ra, từ chợ búa,
ruộng đồng, học hành, đi lại… nhất nhất đều diễn ra vào ban đêm. Tuy vậy, ban
đêm, người ta còn phải hạn chế ánh đèn để tranh sự dò xét của máy bay địch…
Cùng với tinh thần cảnh giác ấy, cùng với nỗi lo toan ấy,
trong sự thầm lặng với “những bữa ăn âm thầm dưới hầm”, “ngoài vườn”, hoặc
“trong bụi cây ”, đã trở thành thói quen làm việc trong đêm của con người thời
kháng chiến. Trong sự thầm lặng đó, Tưởng có những kỷ niệm với Quyên, nhất là
lúc con trăng bắt đầu hiện: “Dưới ánh
trăng, trong sự yên lặng của cây, lá, hoa cỏ chung quanh, cả hai đã thấy gần
nhau như cành với lá. Tưởng đến ngồi trên chiếc cầu tre bắc ra giữa dòng sông
trông xuống bến nước xao xuyến ánh
trăng, Quyên đang giúp bà Bốn rửa chén bát…” (trang 27).
Và một cảnh thật lãng mãn và đầy thơ mộng lại hiện ra:
- “Trăng đẹp không
anh Tưởng?”.
Nàng bắt đầu
có những câu nói thật tươi mát của tuổi thơ, trở về với sự bình yên bên Tưởng.
Rời bến nước trắng bạc ánh trăng phẳng lặng như dát lớp bạc mỏng, Quyên đến gần
Tưởng, kéo một cành tre sà xuống trước mặt. Bóng đêm in đậm nét trên dòng nước,
dáng Quyên và cành tre trông y như một bức
tranh tàu. (Trang 28 sđd). Ở đây ta thấy thấp thoáng những hình ảnh lãng
mạn, tình tứ của đôi tình nhân mang tính tiểu tư sản của một thời trong tiểu
thuyết Tự lực Văn đoàn. Mang Viên Long, đã có lúc làm cho người đọc không khỏi
không liên tưởng đến khung cảnh và nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh trong
“Đôi Bạn”, “Bướm trắng”, hoặc của Thạch Lam trong “Gió đầu mùa”, “Nắng trong
vườn”… Mặt dù bối cảnh tình yêu của của Tưởng và Quyên được đặt trong khung
cảnh của thời kháng chiến chống Pháp tại quê hương Bình Định, nhưng không gian
tình yêu của họ lại là một không gian cực kỳ lãng mạn, một không gian trong
lành êm ả của đôi tình nhân Quyên Tưởng như vượt thoát hẳn cái không khí chiến
tranh vẫn đục, u ám và nặng nề của quê hương thuở ấy: “Tưởng nhớ những kỷ niệm thời còn nhỏ. Thật xưa và thật đẹp. Như chiếc
lọ cắm hoa cổ, có hoa đẹp như có tiếng cười
”. Với Tưởng, tiếng cười là tuyệt diệu nhất, vì nó có thể xoa diệu và giải
quyết được tất cả. Tiếng cười của Quyên đã đưa Tưởng trở về kỷ niệm đầu tiên
Tưởng gặp nàng, dẫn nàng lên gò bẩy én. Chính tiếng cười và những con chim én
đã buộc chặt cả những gặp gỡ sau này của hai người. (Trang 28 sđd). Và từ “cái
thuở ban đầu lưu luyến ấy” (1) nên đã đưa họ đến một khung cảnh bên nhau thật
tuyệt với trên một thảm cỏ xanh. “Bãi cỏ
có màu xanh đậm, đều. Cảm giác truyền từ gót chân, vẻ tươi mát của thảm cỏ
sạch, dày, được quạt bằng hơi gió, khiến Tưởng thèm nằm. Đi từ đầu bãi đến cuối
bãi, Tưởng trở lại chỗ Quyên ngồi, thả người nằm xuống và bắt đầu nhận ra mùi
hoa lý của khu vườn bỏ hoang của gia đình người dượng, quyện dìu dặt trong gió.
Gió vẫn thổi miệt mài trên bãi cỏ… Tưởng nhìn lên những cụm mây trắng xóa, trắng đục, bồng bềnh trên
nền trời xanh…” (trang 28 – 29 sđd).
Với bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, với thảm cỏ mịn màng,
với người yêu bên cạnh; tình yêu giữa Tưởng và Quyên, tưởng chừng như đang
thoát ly thực tại, một thực tại không phải là những nụ hôn, hoặc cái nhìn âu
yếm của đôi tình nhân, nhưng họ muốn thoát ly cái thực tại, của thực tại ấy, để cho tình yêu thăng hoa
vào một thế giới thần tiên mộng mơ miên viễn nào đó…
Tuy nhiên, lại một thực tại trước mắt đã níu kéo họ về
trong cái nhìn đau khổ của cuộc đời: “Cảnh
tượng hiện ra trước mắt, đơn giản và ghê rợn”. Cái cảnh “ông Hương Nhâm đang quì trên tảng đá ong”
với thân hình “già sọm gầy gò”, “chao đi chực ngã”. Cái cảnh của “người con trai nằm dài, úp mặt xuống đất bên người vợ cũng bị trói
và hai đứa con ”. Cái cảnh “Ông Năm
Lé cầm roi nhịp nhịp” điều khiển toán nông dân lục lạo… Rồi tiếng ông Nam
Lé quát tháo… Rồi tiếng khóc sụt sùi, “tiếng khóc đã quá khàn” của ông Hương
Nhâm, trộn lẫn tiếng ồn của đám người chung quanh… Tiếp đến là hình ảnh của ông
Hương Nhâm: “Chợt lảo đảo, ngã lăn xuống khỏi tảng đá ong, nằm có quắp… ”
tiếng người con dâu thét lên, tiếng ngọn roi của Năm Lé quất xuống, tiếng ông
Hương khóc khàn hẳn…”
Bỗng một tiếng kêu
thương tâm, từ đám đông bên ngoài:
- “Trời ơi! Tội
nghiệp!” Rồi tiếp theo là mệnh lệnh của Năm Lé vang lên: - “Ai nói tội nghiệp
đó? Anh em ra bắt đêm vô xử tội mau, lẹ lên!”... (trang 30 – 31 sđd ).
Có thể nói từ đầu đến cuối câu truyện “Một thời…”, Mang
Viên Long đã dẫn dắt người đọc vào một tình yêu thật đẹp giữa Quyên và Tưởng,
mà ông gọi là “Một thời để yêu ”,
nhưng tình yêu ấy, đã trải qua một chặng hành trình dài, nối tiếp giữa những
tương phản của tối và sáng, giữa thực và mộng, giữa hạnh phúc và đau thương,
giữa êm đềm lãng mạn và kể cả giữa những xót xa ray rứt của thân phận nhân vật
trong truyện. Hình ảnh đấu tố ông Hương Nhâm ở xóm Thạch Tĩnh, chính nơi quê
hương của tác giả, là một hình ảnh có thật, không một chút hư cấu. Và đó cũng
là một cảnh tượng “ghê rợn” hiện ra trước mắt như một màng đen hãi hùng làm xóa
đi vầng sáng của một tình yêu lãng mạn giữa Quyên và Tưởng. Tình yêu của họ đã
đi vào dang dở, chia xa, khi Tưởng ra đi tập kết miền Bắc, bỏ lại Quyên nơi quê
hương cũ đầy ngổn ngang và đổ vỡ… Khi mà hình ảnh của bà Bốn, người u già đảm
đang, trung hậu và nghĩa tình với gia đình Tưởng, một chứng nhân trước bao hoàn
cảnh đổi thay của gia đình và thời cuộc, một nguồn an ủi cho cuộc đời của Tưởng
và Quyên cũng đã không còn nữa! Cuộc sống đạm bạc, giản đơn với những bữa cơm “Bốn cái chén, bốn đôi đũa, một đĩa rau dền,
một tô mắm cua, một nồi canh rau má, một rổ khoai mì, một xoong cơm ghé bắp…”. Cuộc sống như thế, tưởng chừng như đã
yên phận cho Quyên khi nàng không muốn biết thêm bất cứ một điều gì nữa, vì nó
sẽ làm cho nàng lo lắng, khổ tâm. Những ước muốn ấy cũng bỗng dưng tan biến
trong tiếng kêu thương: “Trời ơi tội nghiệp!”… Tội nghiệp không chỉ cho một
thân hình “già sọm”, gầy gò, chao đi, chao lại khi đang bị quì trên tảng đá ong
rồi chợt chao đảo, ngã lăn, “nằm co quắp”… mà
“tội nghiệp” còn là tiếng kêu cho số phận tình yêu dang dở của Quyên và
Tưởng!
“Một thời để yêu…
” giữa Quyên và Tưởng nếu càng đẹp bao nhiêu, thì “Một thời để nhớ… ” giữa họ cũng không kém xót xa đau đớn. Và Tưởng
đã ra đi, và Quyên vẫn sống trong cảnh
cô đơn, lạnh lùng: “Tất cả như còn phảng
phất những vui buồn từ một dĩ vãng mười mấy năm trở lại. Mười mấy năm xa Tưởng,
xa bà Bốn, xa ngôi nhà của mẹ, xa ngôi nhà cổ của Tưởng, xa cái chòi”. (trang 32 sđd) Mang Viên
Long rõ ràng đã nêu lên một bức tranh hiện thực, hiện thực từ nội tâm cho đến
ngoại cảnh của con người của một thời… Nhưng ta vẫn
thấy tác giả không hề phê phán hiện thực ấy bao giờ!
Sài Gòn,
tháng 10.2015
H.S.D
Rất cảm ơn Anh Hồ Sĩ Duy đã quan tâm chia sẻ dù đang bị bệnh tim nặng!
Trả lờiXóaCảm ơn HQN đã đăng để cùng chia sẻ với Bạn đọc!
Chúc Quý thân hữu HQN mọi điều An Lành!
MVL