(Tập thơ của Trịnh Bửu Hoài - Nxb Hội Nhà văn, 2015)
Trịnh Bửu Hoài là một tên tuổi quen thuộc
trong làng văn Việt Nam, nhất là đối với các tỉnh phía Nam. Anh sáng tác nhiều
thể loại, trong đó có thơ. Thơ Trịnh Bửu Hoài mang giọng điệu riêng, tha thiết,
nhuần nhụy, giàu triết luận nhưng cởi mở, nhập cuộc, sẵn sàng san sẻ mọi cung
bậc trong cuộc sống. Vẫn với chất riêng, Ngoài
em ra anh còn ai nữa nhất quán giọng điệu ấy. Có thêm chăng là sự hồn nhiên,
có đôi phần tinh nghịch, giễu nhại; một điều lạ và thú vị ở độ tuổi của anh.
Mở đầu bằng sê-ri thơ xuân: Chờ xuân; Dấu xuân; Ẩn xuân; Bên thềm xuân;
Tặng người một ánh rằm xuân; Đầu xuân; Nàng xuân; Ước vọng ngày xuân; Khúc
xuân… cho thấy Trịnh Bửu Hoài luôn hướng tới, khát khao cái mới. Chất xuân
tươi ròng luôn hấp dẫn ngòi bút của anh. Ngòi bút anh như quyến rũ, chín mọng
hơn với mùa xuân. Chữ nghĩa dường như đầy đặn, mẩy mang hơn:
Hình như cả trần gian nầy bịn rịn
Đón em về rực rỡ tuổi hồng xưa
(Bên thềm xuân)
Mở lòng hứng gió ban mai
Cảm thương hương sắc trên vai đất trời
(Tặng người một ánh rằm xuân)
Giọt tinh sương nào
Hóa kiếp ban mai
(Đầu xuân)
Xuân xanh
Hạ đỏ
Thu vàng
Ô hay
Đông trắng
Ngực nàng nở hoa
(Nàng xuân)
Hoa vẫn nở như đã từng đua nở
Sao hương thơm vời vợi ở bên trời…
Ta rùng mình biến thành tơ nhện
Giăng lưới tình huyễn hoặc cuộc chơi
(Ngẫu hứng đầu xuân)
Những giọt máu trăm năm không biết mỏi
Chảy qua tim nuôi mãi cội tình đầu
(Chờ xuân)
Đã rỡ ràng, miên man trùng điệp hương sắc xuân
đến thế mà nhiều bài Trịnh Bửu Hoài dành cho Em trong tập thơ vẫn rất đậm đà chất xuân. Thơ anh trẻ từ nội lực,
câu chữ cứ dắt nhau ra khá hồn nhiên, tạo nên vẻ đẹp thẩm mĩ tự nhiên, cho
người đọc dễ nhập cuộc, dễ đắm say và đắm say lúc nào không biết. Ở các bài: Chia nửa yêu thương; Phương có em; Mừng tuổi
vợ; Ngoài em ra anh còn ai nữa; Trăng tháng giêng… đã cho người đọc tâm
trạng như thế. Hãy xem nhà thơ tự reo lên:
Ta có em
Ồ ta có em
Mùa xuân trải áo mộng bên thềm
Bàn
tay ấm áp bàn tay nhỏ
Đủ kéo ta về phương có em
(Phương có em)
Và đây, nhà thơ tự đúc kết:
Tình yêu là sợi dây mềm
Đi qua dông bão bện thêm nuột nà
Mai này cũng chỉ đôi ta
Dắt nhau tận cõi ngàn hoa cuộc đời
(Mừng tuổi vợ)
Còn đây, nhà thơ thảng thốt:
Mùa xuân nữa mùa xuân đang tới
Ta giật mình đếm tuổi ở sau lưng
(Chia nửa yêu thương)
Trong Ngoài
em ra anh còn ai nữa, nhà thơ dường như có sự phân thân khá rõ ràng. Khi
đối diện với vấn đề khác, một con người khác hiện ra. Điều này dường như là thế
mạnh của những cây bút giàu kinh nghiệm. Thông qua các lăng kính khác nhau, vấn
đề muốn nói tới sẽ mới hơn, khách quan hơn, để từ đó ý tứ bài thơ, câu thơ đa
nghĩa hơn, cái rất cần cho thơ, đặc biệt là thơ hiện đại.
Mở đầu phần hai của tập thơ, Trịnh Bửu Hoài
chân thành, thẳng thắn:
Tôi
có những tình bạn
Nở nhiều đóa hoa kỷ niệm
Tôi có một quê hương
Nối với bao miền đất nước…
Chính sự thẳng thắn này khiến người đọc
không chút nghi ngại khi chạm vào những câu thơ đượm buồn đau, mất mát của anh:
Tôi trôi vào sương gió
Những nẻo đường bể dâu
Em hồn nhiên gót nhỏ
Đi về đâu về đâu
(Khúc hạ buồn)
Chim vừa ôm núi. Rồi xa núi
Hồn quê nhỏ máu những trang văn
Bao dấu chân xưa giờ hóa cỏ
Nụ cười vẫn sáng những đêm trăng
(Cánh chim xa)
Đường chẳng còn xa nhưng cánh mỏi
Quê nhà đau đáu những trang văn
Bạn viết cả đời chưa hết nổi
Một góc bể dâu ở cuối làng
(Bạn đến thăm nhà)
Trịnh Bửu Hoài trong Ngoài em ra anh còn ai nữa không ít lúc khá ngang tàng, nhất là ở
những bài thơ ngắn. Cái chất ngang tàng của kẻ sĩ đã cho sắc thái thơ anh thêm
phong vị cứng cỏi, một điều rất cần không riêng ở trong thơ:
Chọc thủng mây trời đứng thẳng
Dang tay phạt gió bạt ngàn
Trái tim ngậm đầy sương trắng
Trông hoa nở giữa điện vàng
(Thiên Cấm sơn)
Đội đất lên với người
Giữa cánh đồng dâu bể
Ngàn năm chưa khô lệ
Chảy hoài giọt tang thương
(Ngũ Hồ sơn)
Ung dung xòe đôi cánh rộng
Nhẹ nhàng đón hạt sương bay
Thu cả ngàn tinh túy mộng
Một đời ngửa mặt cùng mây
(Phụng Hoàng sơn)
Góp lên một tiếng nói, một thanh âm hữu
ích, Ngoài em ra anh còn ai nữa đã
mang đến cho người yêu thơ thêm một tia nắng mới ấm áp trong cuộc sống sôi động
và phức tạp hôm nay.
P.V.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét