Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang
Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm
trên sân thượng Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước có
nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm
bẵm cho tổ ấm. Gật đầu đồng ý làm vợ Kha, chị chỉ nghĩ “ừ thôi cùng phận bèo
trôi bám nhau neo đậu biết đâu đỡ buồn”. Rồi về một nhà bằng mươi mâm cỗ bên
nhà gái. Đại diện nhà trai không có ai “cây cao bóng cả” mà chỉ có mấy ông bạn
công trình, tụi nhỏ phụ hồ và bà chủ quán cơm bụi chỗ tụi Kha hay ăn chịu.
Không vì thế mà đám cưới bớt vui, khách nhà trai nhậu tưng bừng mừng cho chú rể
đã có người nâng khăn sửa túi. Nhà cô dâu thở dài bảo nhau “cứ biết vui đi đã,
người tính chẳng bằng trời tính. Chuyện về sau thôi phó mặc trời”. Tụi nhỏ phụ
hồ lòng khấp khởi mừng thầm “hóa ra chuyện lấy vợ cũng đâu quá khó”. Trầm hôm
ấy cũng say, uống rượu như uống nước. Người ta thấy cô dâu chỉ có duy nhất một
nụ cười méo xệch. Hình ảnh chú rể cứ lập lòe, nhập nhoạng lẫn trong khuôn mặt
người mà Trầm suýt gọi là chồng. Mà thật ra thì giữa Trầm và người đàn ông đó
đã ăn ở như nghĩa vợ chồng. Đã toan có con, toan cưới xin, toan hứa với nhau
răng long đầu bạc. Thế rồi vợ người ta tìm đến, thị xé toạc tấm màn che sân
khấu. Vở kịch đời ngơ ngác, Trầm lặng lẽ thu dọn đời mình rút lui. Bẽ bàng phận
vợ hờ, lòng nuối tiếc có bao nhiêu vốn liếng hạnh phúc đều dồn vào đó hết. Trầm
không biết làm gì hơn quăng mình vào những chuyến đi vô định. Ông trời đưa đẩy
gặp Khang.
Ngôi nhà hai tầng này Khang thuê cho Trầm
quán xuyến. Tầng một là nơi đám thợ ngủ, thỉnh thoảng trở thành nơi hẹn hò chớp
nhoáng. Tầng hai ngăn làm đôi, một bên là phòng ngủ của vợ chồng Trầm còn một
bên là bếp. Trầm thích căn bếp nhỏ tuy chật chội nhưng đủ đầy. Gần chục con
người quây quần ngày ba bữa. Trầm chỉ việc đi chợ nấu ăn, coi sóc cửa nhà. Vừa
làm vợ của Khang vừa làm chị đám thợ hồ tuổi còn nhắng nhít. Bà chủ quán cơm
mỗi lần thấy Trầm đi chợ qua đều bảo “tại cô mà chị mất mối cơm thợ, tính ra
mỗi tháng thất thu vài triệu bạc”. Trầm cười bẽn lẽn lục trong chiếc làn nhựa
chia quà chợ, tiện thể khoe mua được món này món kia tươi ngon quá. Chỗ gân bò
về nấu sốt vang, món này Kha thích nhất, bữa nào có cũng ăn thêm lưng cơm. Rau
muống về luộc nhớ bỏ mấy quả sấu dầm chua. Hôm nào Trầm nấu mấy đứa nhỏ cũng
khen “húp bát canh mà mát đã đời”. Tụi nó chỉ bằng tuổi em út Trầm chứ mấy, cơ
cực mưu sinh mà vẫn không mất đi cái nét hồn nhiên. Bữa cơm nào cũng đẫm mồ
hôi, tay chân rửa qua loa còn nồng mùi vôi vữa. Thỉnh thoảng cũng có đứa đòi
hỏi như con nít “chị Trầm ơi em thèm ăn xôi sắn với hành phi. Từ hồi mẹ mất,
không ai xôi cho em ăn nữa”. Sắn thành phố không thiếu chỉ tội đắt mà củ nào
cũng sượng. Chắc không thể nào ngon bằng món ăn trong ký ức từ bàn tay mẹ.
Nhưng thằng nhỏ vừa ăn vừa khóc, nó bảo khi nào làm xong công trình sẽ dẫn Trầm
về quê xôi món này cúng mẹ. Em của Kha nhiều lắm, thỉnh thoảng lại thấy anh dẫn
về một đứa cười xòa bảo “lo cho nó giùm anh”. Toàn em rơi em vãi nhưng thương
thật thương. Trầm ngồi khâu lại từng cái áo rách, bốn cúc áo thì tuột đâu mất hai. Đứa nào mới về cũng đầu
tóc bơ phờ, bảo ra quán cắt thì ngại ngùng. Trầm lôi lên sân thượng tỉa tót làm
đẹp cho một lượt. Thằng nhỏ soi gương cười “trông em cũng sáng sủa bảnh trai
đấy chứ”. Có đứa xin theo Kha phụ hồ tuổi mới tròn mười bốn. Đêm ngủ gặp ác
mộng còn vùng dậy khóc. Thỉnh thoảng lại ôm gối chạy lên đòi ngủ với chị Trầm,
đêm nằm xoay tròn, đạp tứ tung, chen Khang ra một góc.
Thỉnh thoảng đám thợ choai choai ấy cũng
bắt nạt nhau. Trầm dọa “tụi bay hư chị không nấu cơm cho ăn nữa. Chị đuổi ra ở
riêng tha hồ choảnh chọe”. Tụi nó im, ngoan ngoãn chui vào bếp đứa nhặt rau,
đứa đong gạo cắm cơm, đứa nào khéo tay ngồi tỉa hoa cà rốt. Kha đọc báo thấy
hàng hóa bày bán ngoài chợ toàn tẩm thuốc độc hại nên kiếm đâu về hơn chục
chiếc thùng xốp trồng rau. Xem ra tụi nhỏ thích khu vườn trên cao hơn cả. Cứ
chiều đến thì thay nhau đi lấy đất tốt, vác hùng hục lên sân thượng. Mỗi đứa
đăng ký trông nom một thùng xốp. Đứa trồng cà chua ăn sống cho mát, đứa khoái
rau dền cơm, đứa trồng ớt chỉ thiên. Thằng nhỏ mười bốn tuổi xin đâu đó khóm
hoa nhài nhỏ, nó nói trồng để chị ướp hương cho tóc. Sáng nào cũng rầm rập bước
chân chạy lên sân thượng. Chúng tranh nhau tưới ướt đẫm cả đất. Trầm càu nhàu
“hạt rau không cần nhiều nước như tụi bay, tưới như vậy mấy mà úng ngập”. Nói
vậy chứ mấy nắm hạt rau cũng không muốn phụ lòng tụi nhỏ. Những hạt giống nảy
mầm rồi mơn mởn vươn nhanh. Bấy nhiêu con mắt ngó nghiêng đếm từng chiếc lá.
Chúng trồng rau như không phải để ăn, ngắm vậy thôi cũng xanh ruột mát lòng. Ớt
rồi cũng ra quả, nhài rồi cũng đơm hoa. Niềm vui ở nơi này bé nhỏ nhưng đầy ắp.
Khang ngồi nghĩ chừng nào đó sẽ thôi không rong ruổi chạy theo công trình. Sẽ
mua đất làm vườn, tụi nhỏ sẽ thao hồ trồng tất cả những loài cây mà chúng
thích. Trầm thì nghĩ cứ sống mãi thế này cũng đã sao. Trầm yêu thương tụi nó
như em, cứ có nhau đi đâu mà chẳng được. Nhưng Khang bảo rồi sẽ có em bé. Có em
bé thì không nên sống xê dịch . Trầm ngồi mường tượng vẩn vơ cảnh tụi nhỏ quây
quanh một đứa trẻ. Chúng tập làm anh, làm chú, làm bố. Nựng nịu và dọa nạt. Sẽ
có lúc cãi nhau ầm nhà vì một đứa trẻ ranh. Trầm sẽ bận rộn hơn và cũng hạnh
phúc hơn.
*
* *
Trầm mang bầu, thời gian đầu chị ốm nghén
xanh xao mệt rũ. Khang đi làm ngày nào cũng tạt về nhà vài ba bận hỏi han. Tụi
nhỏ tự biết bảo ban nhau, ít cãi cọ và cũng thôi tị nạnh. Thỉnh thoảng Trầm nằm
bệt một chỗ, mệt đến nỗi chỉ thèm ngủ một giấc thật dài. Mấy đứa bảo nhau làm
món gì thật ngon nhưng nấu cháo thì khê mà nấu cơm lại nhão. Trầm nhìn tụi nó
ăn uống qua loa mà không lỡ ốm lâu. Khang nói ước gì sinh con gái để trong nhà
thêm nét dịu dàng. Suốt ngày nhìn những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi sẽ cảm
thấy cuộc đời này ngột ngạt. Nên những lúc rảnh Khang thường ngồi một mình trên
sân thượng, nắm níu sự bình yên qua màu xanh hiếm hoi của những thùng rau. Trầm
biết Kha đang nghĩ những gì. Một căn nhà nhỏ bên khu vườn rộng lớn. Nơi những
khối bê tông, mùi vôi vữa không còn lẩn khuất trong cả những giấc mơ. Khang mồ
côi, cả cuộc đời lưu lạc mưu sinh từng làm đủ thứ nghề, nếm đủ mùi cay đắng.
Khang thương Trầm bằng thứ tình thương của tiếng vọng cô đơn. Nghe thấy lời kêu
cứu trong tim nhau mà biết mình sẽ thương suốt phần đời còn lại. Khang không
muốn mang Trầm theo hành trình rong ruổi. Người đàn bà nào cũng cần một bến bờ
để neo đậu những ước mơ bé nhỏ. Nên từ khi có Trầm thì Kha đã nuôi ước muốn
dừng chân.
Công trình đã gần xong, nhưng tụi nhỏ tránh
nói về điều đó. Chúng không biết làm cách nào để mang khu vườn nhỏ trên sân
thượng đi cùng. Vài đứa theo Kha đã lâu nên chẳng lạ gì những không gian tạm
bợ. Thứ hạnh phúc của dân công trình có hạn định ngắn ngủi, vài tháng hoặc vài
năm. Bởi vậy đâu dám thương một thứ gì dai dẳng. Lúc đến vài bộ quần áo thì lúc
đi cũng xơ xác vậy thôi. Đi là đi không một cái ngoái nhìn, không một giây
vướng bận. Chỉ có khi nào tình cờ đi qua nơi ấy, nhìn ngôi nhà mình xây giờ đầy
ắp tiếng cười thì mới thấy thứ mình còn để lại. Đời Kha vạ vật không biết bao nhiêu
quán cơm bụi, gặp lại họ hỏi “Ê! Dạo này sao rồi?”. “Ừ thì vẫn vậy. Đời thằng
làm công trình thì đến bao giờ khác được”. Ấy thế mà từ khi Trầm xuất hiện mọi
thứ đã khác dần. Những gã trai lộc ngộc lăn lộn với công trường quen sống khô
khan, gấp gáp. Giờ cũng biết sống chậm lại thương yêu từ những điều nhỏ nhặt.
Thèm được nâng niu thứ hạnh phúc bình yên như bao người khác. Thằng nhỏ mười
bốn tuổi có lần ngập ngừng thủ thỉ với Trầm:
- Chị cất giùm em tiền công hàng tháng.
Chừng nào được kha khá em gửi về phụ giúp bố nuôi các em ăn học. Mấy anh em tuy
không cùng mẹ đẻ ra nhưng thương nhau. Em không muốn chúng phải bỏ học giữa
chừng như em. Tội nghiệp.
- Để chị nói với anh Kha xong công trình này
sẽ chọn nơi có trường dạy nghề cho em theo học, ở đó họ cũng dạy bổ túc văn hóa
luôn. Em chịu khó vừa học vừa làm để sau này cuộc đời đỡ cực.
- Thật hả chị?
- Ừ thật. Thật chứ.
Trầm nói mấy câu đó mà lòng muốn khóc vì
thương thằng nhỏ. Thương luôn cả phần đời cơ cực mà Khang đã từng đơn độc trải
qua phận mồ côi. Gặp nhau phận bèo trôi giờ đã thành thương yêu sâu nặng. Đứa
con đang lớn dần trong bụng là món quà vô giá mà ông trời nào đâu chỉ ban tặng
mình Trầm. Tụi nhỏ cứ đi làm về đến nhà là chạy lại bảo “chị Trầm ơi cho em
chào bé con cái nào”. Một cái máy bụng, đạp chân cũng có thể khiến từng ấy con
người thích thú. Chỉ có Khang là bận rộn hơn cả, anh thường trở về muộn khi mà
cơn mệt mỏi đã kéo Trầm chìm vào giấc ngủ. Bao lo toan cứ bấu víu lấy Khang.
Hết công trình này lo tìm công trình khác. Lo sổ sách, giấy tờ thu chi lỗ lãi.
Trầm nghĩ cuộc đời Khang sẽ nhẹ nhàng hơn nếu không bao bọc tụi nhỏ. Nhưng Trầm
không trách Khang, người đàn ông như anh ấm áp từ trong ý nghĩ. Giờ Trầm chỉ lo
phải chuyển nhà trong lúc sắp sinh đẻ. Sợ tụi nhỏ xoay xở chật vật, cơm canh
qua loa thì tội. Đã mấy lần Trầm định nói với Khang chuyện đó nhưng cũng chẳng
biết phải nói thế nào. Khang trăm công ngàn việc, mà thật ra cũng chẳng biết
rời đây rồi sẽ chuyển đi đâu. Khang đọc được ý nghĩ của Trầm trong mỗi bữa
sáng, giữa tiếng húp mì tôm xì xụp, tiếng bát đũa va nhau lách cách. Khang cười
“Đừng lo. Đâu khác vào đó mà em”.
Một tối về muộn, Khang bảo:
- Mai anh dẫn mọi người đi xem đất. Tiện thể
dựng căn lều thay nhau trông vật liệu.
- Công trình mới ở đâu anh ơi?
- Không xa đây là mấy. Mà cũng không phải
xây cho ai mà là nhà của chúng mình.
Mấy câu “nhà của chúng mình” khiến tất cả
từng ấy khuôn mặt lặng đi, phải mất vài giây mới cùng nhau òa lên sung sướng.
Trầm không nhớ hết những câu hỏi liến thoáng. Nhưng nhớ rõ nét mừng vui trong
từng ánh mắt. Khang đưa mắt nhìn Trầm, chẳng cần đến ngôn từ cũng đủ đầy hạnh
phúc. Khẽ xoa bụng, Trầm như muốn nói với con về mái ấm. Tất cả đang bắt đầu để
chờ ngày đón con gái chào đời…
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét