Hắn đến từ một tỉnh trên cao nguyên. Hắn
thường tự giới thiệu là nhạc sĩ Tường Thế. Theo lời hắn nói là sẽ ở lại đây ba
ngày, trong đó có một ngày dự đám cưới con của một người cùng họ hàng. Ngày đầu
tiên, hắn đã có mặt tại nhà người bạn mà hắn quen từ thời còn dạy học để gặp gỡ
thêm vài người quen cũ. Hắn gọi chung những người này là kẻ đào ngũ; trong khi
hắn tự phong cho mình là người gieo mầm văn minh cho thế hệ mai sau. Nói trắng
ra là đi dự đám cưới chỉ là cái cớ; hắn đi gặp bè bạn là chính, bởi cứ có dịp
là hắn tìm đến. Có hai người bạn đã từng cùng sống với hắn sáu năm nơi chỉ có
nắng và gió là hào phóng. Dẫu đã lớn tuổi rồi nhưng họ vẫn ồn ào sôi nổi như
tuổi đôi mươi.
Người
thứ nhất là Tín, Nguyễn Tín, một giáo viên dạy văn được đào tạo cấp tốc trong
những ngày đầu đất nước được giải phóng, xung phong để được bổ sung vào đội ngũ
giáo viên đồng bằng phục vụ miền núi. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với lý
tưởng được trang bị nhanh nhưng thật kỹ lưỡng, chàng trai tuổi hai mươi này đâu
ngại ngần khoác ba lô lên đường, mà hành trang chỉ một vài bộ áo quần cùng với
kiến thức và khát vọng được phục vụ. Những ngày đầu, thực tế đã không như Tín
tưởng tượng. Căn nhà cất tạm che không đủ kín, ban đêm nghe rõ tiếng gió mang
âm thanh núi rừng mà nghe buồn tê tái; ban ngày có thể nhìn ra ngoài trời đón
cái nắng mà không cần mở cửa khiến nẫu cả ruột. Tất cả điều đó Tín chịu đựng
được. Duy chỉ không có học trò là điều làm băn khoăn, day dứt nhất. Sáng, khi
mấy thầy giáo trẻ thức giấc thì buôn làng đã vắng hoe, mọi người đã lên rẫy,
chỉ còn vài ba người già và đau yếu ngồi bên hiên nhà sàn nhìn ra. Tối, những
sinh hoạt cộng đồng lạ lẫm mà mấy thầy giáo trẻ chưa thể hòa nhập được. Cuốn vở
học trò của Tín dày kín những bài thơ đầy tâm trạng, ước mơ, khát vọng… Những
cuộc vận động học sinh đến lớp diễn ra bền bỉ để có thể mở lớp được diễn ra
hằng ngày. Đó là cách nói để báo cáo chứ thực tế giáo viên đã đến từng hộ dân,
có khi theo họ lên tận nương rẫy để tỉ tê, vẽ ra những lợi ích từ việc học mà
mỗi lớp học cũng lèo tèo năm bảy học sinh. Dẫu học sinh đến trường ít nhưng vẫn
tạo nên niềm vui được dạy học cho mấy giáo viên. Đến năm thứ tư thì lớp học đã
duy trì đều đặn, sĩ số học sinh đã ổn định; giáo viên đã quen với nếp sinh hoạt
thì Tín bỏ nghề, về quê cưới vợ. Vợ Tín là một nhân viên bán hàng ở cửa hàng
mậu dịch quốc doanh huyện. Tín bắt đầu với cuộc sống khá giả trong khi mọi
người chung quanh vẫn khó khăn, thiếu thốn. Đất nước đổi mới phương thức làm ăn
thì Tín đã có một cơ ngơi hoành tráng ở giữa cái thị trấn nhỏ này rồi. Nhiều
người khen Tín thức thời nhưng dưới con mắt của Tường Thế thì chỉ là kẻ đào
ngũ, cơ hội nhưng hắn vẫn chơi thân vì cái tình từ thời sống gian khổ với nhau.
Hắn tự hào vì cách sống đầy nghĩa tình này và Tín cũng mến bạn nên dành cho bạn
những ưu ái đặc biệt mỗi khi hắn tìm đến. Một cây đàn ghi ta chuẩn trong bọc da
treo trên tường chỉ đem xuống khi mỗi lần Tường Thế đến nhà chơi.
Người
bạn thứ hai của hắn là Hồ Lễ, người đã sống với hắn sáu năm ở cao nguyên đầy
nắng gió. Thật ra nơi công tác của những chàng trai cách thị xã chừng ba mươi
phút đi xe máy nhưng vì phương tiện đi lại không có nên mỗi tuần chỉ có thể một
lần rủ nhau đi phố. Ở lại với phố phường một đêm rồi ngày hôm sau mới lóc cóc
trở về nơi công tác. Thế cũng đủ vơi đi nỗi nhớ ánh đèn phố phường. Nhưng Lễ
cũng chỉ trụ lại thêm ít năm nữa rồi xin chuyển về công tác ở gần nhà và giữ
nghề cho đến ngày đủ tuổi hưu. Mỗi lần gặp Hồ Lễ hắn cứ thường đùa là nếu không
giữ chức hiệu trưởng của một trường thì Lễ cũng đã đào ngũ như Tín rồi! Vì cái
chức đứng đầu một cơ quan có thể có nhiều bổng lộc mà Lê bám trụ với ngành. Cách
ăn nói bổ bã của hắn nếu không thân tình dễ khiến mếch lòng bè bạn lắm.
Ba người
gặp nhau thì thường ngồi với chiếu rượu. Uống không nhiều nhưng lại mất nhiều
thời gian khi không ai chịu thua ai và vẫn thường châm chọc nhau; cười nhau;
thế mà thân nhau mới lạ. Tất cả đều ở cái tuổi mà người ta gọi đùa là đã quá
hạn sử dụng, vậy mà vẫn ồn ào, sôi nổi như tuổi đôi mươi. Chỉ khi ai đó nhắc
lại chuyện ngày xưa thì không khí như chùng xuống và những hoài niệm cũ lại
quay về. Hắn là người có nhiều chuyện để kể và làm mọi người xúc động nhất.
Tường
Thế vẫn bám trụ với nghề, với mảnh đất mới khi hai người bạn thân đã lần lượt
trở về quê nhà. Có những đồng nghiệp mới đến rồi đi… không để trong lòng hắn
một cảm xúc nào giống như Tín và Lê. Hắn vẫn cần mẫn với công việc, với những
buổi chiều buồn cùng với cây đàn ghi ta cũ kỹ. Hắn thường nói chỉ có cây đàn mới
chung thủy với hắn cả khi hắn tuyệt vọng nhất còn tất cả… vứt! Mà cũng đúng
thôi. Không chiều nào hắn không ôm cây đàn để chìm vào hồi ức, vào quá khứ, vào
cái cõi mê muội… của những bài hát trách móc giận hờn cuộc đời hay thương vay
khóc mướn những cuộc tình dang dở mà hắn chưa một lần trải nghiệm. Có lúc âm
thanh như hạt mưa xuân nhẹ nhàng, lả lơi, mơn trớn. Có lúc tiếng đàn hừng hực
khúc quân hành của đoàn quân tiến ra chiến trường. Có lúc cô đơn tiếng đàn trở
nên ai oán hòa cùng tiếng hát bi thương của hắn khiến nhiều người không ngăn
được nước mắt và hắn cố nén để khỏi vỡ tung lồng ngực đầy nhiệt huyết. Đó là
khi hắn tự sướng mà bộc lộ tình cảm. Và thường để chứng minh cho sức mạnh diệu
kỳ tiếng đàn của hắn là Loan, người vợ của hắn đã theo hắn sống đến tận giờ
cũng vì tiếng đàn.
Theo
cách nói của hắn thì Loan là người bản địa. Sắc và tài không có gì nổi bật nếu
đem so với những cô gái mà hắn đã từng để ý mà nhớ nhung, mơ mộng, nhưng
giữa những cô gái không phấn son, suốt ngày cặm cụi với nương rẫy thì Loan trội
hẳn. Là cô gái sinh và lớn lên trong một thị trấn nhỏ, chỉ biết ăn học cho đến
ngày nhận công tác ở vùng heo hút chỉ có vài người hiểu trọn vẹn suy nghĩ của
mình khi trò chuyện nên Loan chỉ có Thế để mà tâm sự, chia sẻ. Mà Thế lại cứ
tâm sự tình cảm của mình qua cây đàn. Rồi dần dần Loan mê mệt tiếng đàn của Thế
và hắn thấy mình không thể thiếu người tri âm; vậy là hai người thành đôi. Tường
Thế thường chua chát:
- Không
có Loan thì tiếng đàn của mình đã lịm tắt lâu rồi. Ở một nơi đầy ắp âm nhạc
nhưng thanh âm của mình cứ lạc lõng rơi vào hư không, thử hỏi sao không buồn
cho được. Mình đi gieo cái chữ mà cái chữ như không thể sống trên mảnh đất hàng
bao nhiêu năm rồi không hề hiện diện, làm sao không nản được. Nhiều người đến
rồi đi. May có Loan giữ mình lại.
- Cả khi Loan chỉ còn một tay?
- À, đó là một tai nạn. Khi lội qua con suối, Loan đã
trượt ngã, một hòn đá lớn đã làm dập mấy ngón tay. Nếu y học như bây giờ thì
Loan không thể mất cả bàn tay… Thôi thì cái thời ấy nó vậy mà.
Tín thường trêu chọc bạn:
- Mày
cũng hơi nhẫn tâm, vợ như thế mà mày cho Loan sinh đến năm lần. Rồi lúc nào
cũng than vợ bệnh tật, con đông; mình tài hèn sức mọn nên nheo nhóc!
Tường
Thế cũng hài hước với bạn:
- Thấy
vợ bệnh tật, đôi lúc mình cũng muốn nhờ người khác sinh giúp để vợ bớt khổ. Nhưng
như thế, sợ Loan cho rằng mình hết yêu thương vợ; và để thể hiện tình yêu và
nghĩa vụ thì vợ cứ đều đều sinh cho chồng những đứa con! Hồi đó chưa có kế
hoạch sinh đẻ nên khi hạt giống không nẩy mầm trên đất cằn được nữa thì mới thôi
mọc cây con. May là những cây con từ hạt giống của tao đã trưởng thành tốt,
không nhiễm sâu bệnh; bây giờ tao có thể tự hào về chúng.
Hồ Lễ
thì thường hỏi cắc cớ:
- Mày
thì cứ nhoen nhoẻn gọi bọn tao là đào ngũ. Nhưng khi đến tuổi về hưu thì tao
còn trong ngành còn mày cũng nửa chừng đã bỏ cái làng hẻo lánh và cái nghề đã
chọn để đến sống ở thành phố. Vậy gọi mày là phản bội với lý tưởng sống ban đầu
à?
- Không
đâu! Tao vẫn hướng đến cái đích đã chọn nhưng chỉ đi trên con đường khác. Đó là
gieo niềm tin vào cuộc sống, hướng mọi người đến chân thiện mỹ theo sức của
mình.
Tường
Thế lại chìm trong quá khứ, một quá khứ không dễ dàng gì đối với chàng trai đầy
hoài bảo nhưng khó thoát ra cái thực tế cuộc sống đầy khó khăn và nhiều ràng
buộc. Những ngày đất nước vừa được giải phóng, bây giờ được gọi là thời kỳ bao
cấp thật vô vàn khó khăn; gia đình hắn cũng không ngoại lệ. Nhiều hôm nhà không
còn một thứ gì có thể ăn được. Hàng xóm cũng không khá hơn. Một vài ký gạo hay
đậu tự sản xuất còn thừa đem ra chợ bán cũng thật nhiêu khê; nếu không được
chính quyền xác nhận thì đều được xem là buôn gian bán lậu; nên hắn chỉ bám vào
xuất lương thực của hai vợ chồng. Mười tám ký mỳ khô và tám ký gạo cho năm con
người sống trong một tháng. Ba đứa con nhỏ chưa làm được thủ tục mua gạo ở trạm
lương thực. Vợ hắn lại tai nạn trong thời gian này. Hắn nói chắc do đói quá mới
nông nổi như thế. Một người bạn gợi ý hắn làm đơn kể lể hoàn cảnh để xin mua
thêm ít ký lương thực mà qua cái đận khó khăn này. Hắn đã làm đơn. Cái đơn ấy
có đến bảy chữ ký cùng chừng ấy con dấu nhưng khi đến cửa hàng lương thực thì
bị từ chối, không có lương thực ngoài kế hoạch để bán. Đến nay, tờ giấy ấy, hắn
vẫn còn giữ. Mỗi khi những đứa con than nghèo, kể khổ thì hắn lại đưa ra cho
chúng xem và câu hỏi được đặt ra là đã nghèo khổ như thời này hay chưa. Hắn
cười, cái đơn ấy đến bây giờ vẫn còn tác dụng để những đứa con tự lập, tự vươn
lên mà thành người đáng sống. Rồi vợ hắn phải bỏ nghề. À, cái bàn tay bị mất
của Loan là bàn tay phải. Loan kiên trì tập viết tay trái nhưng quá khó khăn,
mà giáo viên không chỉ có giảng bài mà còn phải cầm bút, phấn nữa. Khó khăn
càng thêm chồng chất. Hắn làm thêm đủ nghề để có miếng ăn miễn là giữ được phẩm
chất của mình. Bước ngoặt cuộc đời hắn là khi hắn tham gia vào những đợt hội
diễn văn nghệ ở địa phương trong những dịp lễ lạt. Những tiết mục tự biên tự
diễn do hắn sáng tác được đánh giá cao nhưng quan trọng là có thêm thu nhập. Tiếng
đàn của hắn đã không còn sướt mướt, buồn thảm nữa. Vợ hắn gợi ý hắn thử sáng
tác nhạc. Và hắn làm thật. Hắn chưa qua trường lớp âm nhạc nhưng với kiến thức
học từ trường phổ thông cùng năng khiếu âm nhạc, tự trang bị thêm kiến thức,
hắn nhanh chóng có những tác phẩm riêng cho mình hát. Rồi nhạc của hắn được
đăng trên tờ báo văn nghệ địa phương. Dần dà hắn được chú ý, được vào hội văn
nghệ địa phương; chuyển ngành làm công tác ở hội. Hắn cùng gia đình về thành
phố vì lý do ấy. Hắn tự hào:
- Tao đã
sống bằng chính sức lực và tài năng của chính tao. Cũng chính vì thế mà đến giờ
này tao không giàu bằng hai đứa mày!
Hồ Lễ
chạm tự ái ngay:
- Như
vậy, mày cho rằng tao giàu không vì tài năng và sức lực?
- Mày
phải tự hỏi bản thân. Với đồng lương của hai vợ chồng mày, cùng với các khoản
phụ cấp khác, thử hỏi có đủ lo cho con ăn học? Nói chi đến việc xây nhà, sắm xe
con! Với thằng Tín thì người xưa đã khẳng định rồi, phi thương bất phú.
Thôi, mỗi người hãy tự biết mà điều chỉnh cách sống. Cái thời nó thế, mình khó
sống khác được.
Hắn đột
nhiên bảo mọi người im lặng để nghe hắn hát một bài hát hắn viết tặng cho hai
người bạn. Rồi hắn dong dài kể về những kỷ niệm mà ai cũng đã thuộc lòng khiến
Tín phải giục:
- Những
chuyện ấy ai cũng biết rồi, chỉ có bài hát là chưa biết! Hát đi!
Hắn so
dây đờn và hát:
- Tôi
đứng bên dòng sông
Nước
xanh trong như dòng sông quê tôi
Nước
chưa bao giờ ngừng chảy
Và
tuổi thơ tôi… đi về đâu? Về đâu?
Bạn
bè tôi như hoa rụng trên cầu…
Không
chỉ là tuổi thơ mà cả một quãng đời gian khó nhưng ăm ắp tình người hiện lên
trong bài hát qua cái giọng không thể nói là hay nhưng truyền cảm. Và tiếng đàn
ma mị hòa với giọng hát lôi cuốn mọi người. Mọi người như được thấy dòng sông
trong mát, ngọt ngào gợi nét trẻ trung, phơi phới, đầy sức sống nhưng pha chút
ngậm ngùi khi hắn bất chợt gõ mạnh vào thùng đàn chuyển nhịp điệu. Cuộc sống
đang vươn tới những điều cao đẹp bỗng gặp những âm thanh bất ngờ đổi hướng làm
người nghe chơi vơi trong cái dòng sông hiền hòa nhưng đầy bất trắc. Những âm
thanh khô đục gõ vào thùng đàn như những tiếng sét trong cơn mưa lũ lại càng
phù hợp với hoàn cảnh hơn tiếng nhạc để diễn tả sự dữ dội, điên cuồng của hỉ nộ
ái ố. Tất cả chìm đắm trong tiếng nhạc, dường như chết lặng đi. Chỉ còn tiếng
đàn. Tiếng hát cùng dòng sông không chảy nữa mà đông cứng lại và mọi người lại
trượt dài trên đó cùng với tiếng đàn của Tường Thế. Và, nó không ngừng vươn
lên, lan tỏa kể cả lúc hắn không ngăn nổi lòng mình để thể hiện sự đau xót hết
mực, thấm đượm một cảm giác xa vắng, bơ vơ. Rồi nó gieo niềm tin và hy vọng;
khơi dậy khao khát hướng về cái đẹp; nó thanh lọc tâm hồn để mọi người có được
tâm thế sống an nhiên giữa cuộc đời đầy xáo động; nó tồn tại như hơi thở, như
khí trời trong lúc nước mắt Tường Thế ràn rụa và tiếng đàn đã dứt từ lâu. Âm
thanh như còn thấm chạy vào cơ thể, vào tận tâm hồn người nghe. Có tiếng yêu
cầu:
- Anh
hát lại lần nữa nhé!
Thì ra,
người vợ của Nguyễn Tín và một số người hàng xóm cũng đã đến tự hồi nào để nghe
tiếng đàn của Tường Thế. Còn Tín thì ly rượu vẫn còn cầm trên tay nhấp nhứ như
nửa muốn uống, nửa muốn để lại mâm. Chiếc đũa trên tay Hồ Lễ không còn gõ nhịp
cho tiếng đàn nữa mà như đang oằn mình nâng đỡ cái thân hình đồ sộ của Lễ để
thốt ra những lời thật lòng:
- Mày
thật sự có tài.
- Tài gì
mà để vợ con nheo nhóc!
- Mấy
đứa con của mày cũng đã học đến nơi đến chốn…
- À, con
tao tự lớn như củ khoai ngọn cỏ, cũng may chúng học giỏi, biết chịu khó và đùm
bọc lẫn nhau. Thằng lớn vừa học vừa làm để dìu dắt đứa nhỏ, cứ thế mà cùng vượt
qua các cổng trường để đi vào đời… chứ để cho tao thì chúng chỉ có dốt nát mất!
Mà có học giỏi cũng khó tìm được việc làm lắm, nên bây giờ vẫn còn hai đứa công
việc chưa ổn định… tao chưa hết lo. Đấy, cả đời tao chỉ làm chỉ làm tốt có một
việc là cho ra đời năm đứa con… không hư hỏng.
Vợ của
Tín chen vào:
- Ba đứa
con của chúng tôi học hành bao lăm mà bây giờ đứa nào cũng cơ ngơi đồ sộ…
Câu nói
của vợ khiến Tín ngậm ngùi:
- Con
tao giàu thật nhưng chưa đứa nào đi hết đoạn đường học vấn trung học cơ sở. Chúng
nghỉ học sớm để đi theo con đường của mẹ chúng chọn. Tao bất lực nhìn bọn trọc
phú mọc ra từ trong nhà…
Hồ Lễ
chen vào:
- Đang
nghe nhạc lại nói đến chuyện gia đình; đi xa trọng tâm rồi…
- Không!
Âm nhạc cũng là thứ làm cho ta biết cảm thông, chia sẻ với người khác; nó làm
ta tự tin hơn khi sống trong cuộc đời này; nó diễn đạt được mọi cung bậc tình
cảm con người; sao lại đứng tách ra khỏi cuộc sống gia đình? Chính nó, âm nhạc
đã làm rõ từng bản chất của con người; nó soi vào mỗi tâm hồn riêng lẻ để ta
nhận ra lối sống của chính ta…
- Thôi!
Cái thời ấy nó thế… Chúng ta không thể khác được.
- Nhưng
dẫu sao ta cũng yêu lắm cuộc đời này!
- Cho
đến khi thế giới không còn âm thanh…
Và tiếng
đàn của Trường Thế lại vang lên nhè nhẹ như vỗ về mọi người không buồn nãn khi
ước mơ không thành hiện thực. Tiếng đàn nhẹ bước vào tâm hồn mọi người xua đi
những bực dọc, ưu tư của cuộc sống bộn bề… mọi người đồng hành với âm thanh để
giữ những khoảnh khắc dịu êm khác thường này vào tâm hồn. Rồi tiếng đàn của
Trường Thế cũng im bặt. Nhưng mỗi người lại có một tiếng đàn riêng cho mình. Tiếng
đàn lòng, vô âm, thăng hoa cùng với tâm trạng riêng tư từng người. Không gian
như đặc quánh lại. Hình như có tiếng chim chuyền cành làm vỡ òa những cảm xúc
của tiếng đàn mang đến; nhưng tuyệt nhiên không có một nỗi buồn nào len vào
không gian của mọi người. Thì ra ngoài kia trời đã chiều với cái nắng vàng còn
vướng trên cành cây xanh lá. Mọi người cẩn trọng rời khỏi cuộc rượu đã tàn mang
theo tiếng đàn riêng của mình cộng hưởng với tiếng đàn Trường Thế, nói như Hồ
Lễ, là tiếng đàn của tình thương và hy vọng.
N.V.C
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét