Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Chẳng biết đây có phải là
loại cây cuối cùng chưa? Nhưng tôi vẫn không thể nào ngăn cản cha được bởi
không biết đây là lần thứ mấy cha tôi thay đổi cây trồng trên mảnh đất hai ngàn
mét vuông này. Sáu mươi lăm năm đời người có thể gọi là quá dài không khi đã
hơn chục loại cây cha tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng dòng đời luôn luân
chuyển.
Những năm đầu của thập niên
90. Nhãn tiêu quế đang thịnh hành, cha nô nức viễn cảnh nhãn chín, thương lái
dập dìu trả giá và sau khi bán xong, cả cọc tiền đó cha sẽ làm cái nhà tắm có
bồn nước, thêm cái máy nước nóng để những buổi mệt nhoài ngoài đồng vô có nơi
tắm cho sảng khoái. Rồi trong bếp, sẽ lắp một cái bếp gas âm tường cho mẹ khỏi
tù mù mắt mũi vì khói than khói củi. À… cán cái sân nữa chứ! Để phơi nông sản
sạch sẽ đẹp đẽ hơn mà con cháu chạy chơi cũng dạn chân. Vậy là cha cùng mẹ cất
công về Tiền Giang – nhà cậu tôi- xin cây nhãn giống chứ nếu mua thì “mắc chảy
máu con mắt luôn”. Nhưng rồi trời không chiều lòng người. Chỉ được mùa được giá
4 năm đầu, mùa thứ 5 thì nhãn chín rụng đầy gốc mà kêu hoài lái không thèm tới.
Từ 1.200 đồng/kg xuống riết còn 450 đồng/kg nhưng cũng không ai mua. Vì lúc ấy
chưa có cơ sở thu mua nhãn sấy như bây giờ, chuyện hàng vào siêu thị, xuất đi
nước ngoài cũng chưa có nên nhãn ế nhệ vậy đó.
Cả gia đình rớt từng bụm
nước mắt mà đốn nhãn đi, để thay vào đó là vườn chanh giấy- loại trái có lái
tới đặt hàng, đưa tiền trước dù cây chưa trồng. Rồi canh cũng lớn, có điều là
chị em không chơi trốn tìm trong vườn chanh như vườn nhãn, không thể hái chanh
ăn rau ráu như ăn nhãn và cũng không thể lượm củi từ cây chanh. Nhưng bù lại
chanh dễ hái hơn, vì cây thấp và bán chanh thì đắt như tôm tươi. Mùa nắng- là
mùa giáp tết và sau tết- chanh bán mớ chứ không bán ký, đắt như… vàng. Thế rồi
thời vàng son của cây chanh giấy cũng qua đi khi cây chanh… trái nhiều hơn lá.
Từng cành oằn xuống mặt đất rụng đầy mà thương lái đi du lịch mất tiêu. Mẹ tôi
hái từng giỏ chanh giấy ra chợ huyện “tìm thị trường” mới hay chanh núm bây giờ
tràn lan nên chanh giấy ế là đúng nhịp.
Tôi bắt đầu “sự nghiệp” mới
là muối chanh để bán cho những quán giải khát. Nào lu, nào khạp, nào thùng
nhựa, xô mủ… thứ gì có thể dựng từ 2kg trở lên là mẹ con tôi nhặt chanh bỏ vào
muối. Xoay dần từng lu chanh tháng trước muối, tháng sau bán rồi tiếp tục muối…
Những cái vại đựng nước từ thời ông ba bị còn hù con nít tới giờ dù bị bong nứt
vài đường cũng mua xi măng về trét kín lại mà đựng chanh muối. Chanh tươi vẫn
nhiều vô số kể, mà đã nói rồi, lái không mua. Vậy là mang đi cho tặng ở các nhà
dưỡng lão, công trình chùa chiềng nào đó đang có nhiều người làm công quả nhờ
họ uống phụ.
Cha tôi nản thật sự vào mùa
chanh thứ 4 khi chanh muối bây giờ cũng chẳng mấy ai mua.
Vườn chanh đốn đi, tôi không
biết vì thương tiếc công sức hay vì gai cào mà nước mắt cứ rơi khi vác từng
cành chanh cho vào đống lửa đang ngùn ngụt cháy. Sau chanh là tre lai, là ổi
Đài Loan, là tắc, là sơ ri và bây giờ sắp có gấc hiện diện trên cục đất này.
Có lẽ tôi thích sơ ri nhất
dù hái trái rất cực. Đợt nào cây sai trái, cha tôi mừng ư ử hát nhưng chị em
tôi thì ngán việc hái đến tận cổ. Tấm bạt trải dưới gốc, kế bên là cái xô cái
rổ gì đó. Người đứng thì dùng cây sào trúc nho nhỏ móc vào từng chùm trái chín
giật xuống; người ngồi dưới gốc chỉ xoay qua xoay lại mà lượm thôi. Nhưng trái
nhiều lắm, mỗi ngày có thể một cây cho chục ký trái. Vậy là khi lượm hết sơ ri
của hai ngàn mét vuông đất là đôi bắp giò tê cứng, đứng dậy khó khăn như bà già
chín chục.
Mà coi vậy chứ trồng sơ ri
cũng không lời lóm gì đâu. Chỉ là “lấy công làm lời” thôi. Nếu để được cây có
trái nhiều như vậy thì lượng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ rệp sáp,
thuốc bóng mọng trái… cũng khá nhiều, chưa kể diêm tro bỏ vào gốc. Vậy là dù
thích sơ ri nhưng phải dành riêng một cây không xịt thuốc gì cả để mà ăn, ăn
lấy no và phun hạt vèo vèo vào mặt nhau rồi cười hăng hắc. Đó là niềm vui của
chị em tôi.
Vậy mà sơri cứ tuột giá mãi.
Từ 12 ngàn xuống 10 ngàn, rồi 8- 6 ngàn và cuối cùng là 3,5 ngàn đồng/kg. Cha
tôi quyết định bỏ sơ ri khi người bạn nào đó cho ông giống gấc siêu trái, trồng
ăn một mùa thì cắt dây rồi bón phân cho nó lên đợt dây mới và có trái khác. Đó
là cách cho dây luôn bánh tẻ và trái to. Gấc trồng sát gốc sơ ri, lớn lên thì
bò trùm lên ngọn sơ si… cha làm kiểu này là để “dò thị trường” xem nếu gấc phát
triển tốt, thị trường hút hàng thì sẽ đổ trụ xi măng căng dây kẽm cho gấc bò.
Mà gấc thì… chậc, dễ trồng phải biết. Cứ tro bếp, tro un mà quăng vô. Lâu lâu
cưng cưng thì cho ít 16-16-8. Vậy mà trái lớn không ngờ! Trái nhỏ nhất là
800gr. To nhất là 2,5kg! Gấc siêu trái đã cho năng suất gấp bốn lần so với gấc
thuần chủng.
Những buổi trưa nồng nực cha
ngồi nhìn từng trái gấc lúc lỉu dày đặc trên khắp cây sơ ri thì cười thích chí
run run cả mấy chiếc răng xếu xáo. Rằng ông sẽ nhờ gấc mà làm giàu, sẽ mở quán
cà phê sân vườn dưới giàn gấc, khách uống cà phê sẽ được khuyến mãi xôi gấc.
Hạt gấc là một vị thuốc chữa bệnh thấp khớp, ông sẽ ngâm cả mấy bình rượu mà
cho từ thiện…
Mùa đầu, trái chiếng nên
không nhiều, nhưng cũng được dăm trái trên 2kg, giá 10 ngàn/kg. Bán được đâu
chục ký thì xuống dần đến 6 ngàn/kg là… hết gấc. Cha cười run vầng trán hói,
bảo như thế vẫn lời chán. Chỉ cần sang mùa thứ 2, thứ 3… trái lúc lỉu đầy nhà.
Chắc phải mua một chiếc xe tải 2,5 tấn mới chở hết! Chừng đó cha sẽ không bán cho
chợ nữa, vì cảnh "đắt đồng ế chợ” vẫn xảy ra hà rầm. Cha sẽ chở tới tận đại lý
thu mua, sẽ ký hợp đồng trồng gấc sạch. Không chừng vườn gấc của cha sẽ thành
mô hình kinh tế hộ gia đình bậc nhất xã, huyện. Nhà báo, nhà đài tới quay phim
chụp ảnh hàng ngày. Cha sẽ lên ti vi phổ biến kinh nghiệm trồng gấc chứ chẳng
chơi! Ái chà chà… chừng đó phải ăn mặc như thế nào ta? Quần áo sao cũng được
nhưng đừng bắt cha mang giày nhé, vì bàn chân mấy mươi năm lội đất ngón chẻ hoa
hết rồi, không giày nào lọt chân đâu!
Gấc mùa thứ hai…
Trái vẫn đu như bầy heo con
bám vú mẹ. Những cây sơ ri mùa trước thả gấc bây giờ đã muốn sụm bà chè dưới
sức nặng của trái. Giá gấc mùa này kém mùa trước không mấy đồng.
Gấc mùa thứ ba…
Giàn trụ xi măng cha đang
làm ngày làm đêm, tiết kiệm bằng cách không mua trụ sẵn mà tự đổ trụ. Trụ cha
làm chắc chắm đến trăm năm, với cốt sắt phi 8, hồ già trộn đá 1x2. Để hình
thành được cây trụ thì đôi bàn tay gầy gầy đang vào độ yếu bẻ từng tấm vĩ đến
run rẩy. Gấc chờ trụ bò qua bám đầy dây điện, hàng rào B40 hàng xóm. Cha bảo
mùa này bao nhiêu tiền bán được đều mở rộng đầu tư bằng cách thuê luôn miếng
đất kế bên và sắm thêm nhiều trụ, kẽm chì cho giàn thật chắc chắn.
Nhưng khi gấc ươm vỏ đợt đầu
thì đại lý quen thuộc nói nhà máy ngưng thu mua để… nâng công suất. Nhưng không
thể nào bảo trái ngưng chín. Vậy là gấc ra chợ dạo chơi. Cứ 3 giờ sáng là bốn,
năm chục ký gấc theo mẹ ra chợ đầu mối. Mà có đi rồi mới biết, không phải chỉ
mình mình, mà gấc nhiều đến nỗi có thể đè bẹp chục bạn hàng cùng lúc. Gấc bây
giờ được gọi là “hàng tuyển” và “hàng thường”. Tuyển là mỗi trái từ 1,2kg trở
lên. Giá 6 ngàn/kg. thường là số còn lại, 4 ngàn/kg. Bán thì bán, không bán thì
mang về… ăn. Ăn không được, đành bán thôi. Nhưng cha bảo, không thể chịu “chết”
lãng nhách như vậy. Phải “vạch đường máu thoát thân”. Không bán gấc trái có giá
được thì ta bán màng gấc khô. Vậy là bao nhiêu bàn, rổ, nia, sàn… đều mang ra.
Người bổ đôi quả gấc, người tách hạt bỏ ra. Đôi bàn tay đỏ nhừ màu gấc như
những tia máu vằn lên vì thất vọng từ mắt cha.
Màng gấc khô cũng có giá.
150 ngàn, rồi 120 ngàn, 100 ngàn và bây giờ là 80 ngàn/kg mà lại nói “mua giùm
bác thôi; từ từ hãy mang tới nữa”. Là nói vậy thôi chứ 20kg gấc tươi, bỏ vỏ và
hạt rồi còn lại một kg màng khô thì… chẳng bõ bèn gì. Ấy là chưa kể vì chưa
biết “bí kíp” phơi gấc nên chuyến đầu bị trừ hai mươi phần trăm do cháy nắng và
mỏng cơm. À… thì ra, gấc bổ xong hãy phơi 1-2 nắng, chừng nó “rút mình” hãy
tách hạt. Khi ấy thịt gấc không dính tay và cơm gấc không bị mỏng, bị mất tinh
dầu. Cha lúc lắc mái đầu còn loe hoe vài sợi đen “bảy mươi chưa gọi là khôn con
ạ”.
Bây giờ… Giá gấc tươi ở chợ
trời sa cạ 5 ngàn/kg
Ở siêu thị treo bảng “Gấc
ngon 4000 đồng/trái”
Màng gấc khô đại lý thu mua
nói "vì lý do kỹ thuật tạm dừng trong giây lát”
Cha bảo gấc đỏ như máu và
nước mắt người nông dân đang bạc đầu vì hi vọng. Chắc phải thay đổi cây trồng
con ạ, mày nghe không, tết vừa rồi bưởi da xanh ruột hồng tại vườn 60 ngàn/kg.
Mà có trái bưởi nào một kg hả con? Biết đâu nông dân mình lại làm giàu nhờ giống
bưởi này? Và cha đang bắt đầu cắt bỏ dây gấc. Những trái xanh, trái ươm vàng to
nhỏ nằm xếp lớp dưới đất cứ như bầy heo con mất mẹ. Tôi chép miệng định phát âm
ý nghĩ thành lời “Sau bưởi biết trồng cây gì nữa hả cha?”. Nhưng thấy lưng áo
cha ướt đẫm mồ hôi, có lẽ một ly chanh muối cho ông bây giờ là thích hợp nhất.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét