Đào Phạm Thùy Trang
Chị vừa nhanh tay lăn lăn
mấy cái đùi gà trong thau cốm để chiên nhanh cho mấy cô cậu học trò đang hối
thúc vừa bảo, mình mới đi một vòng tròn với đường kính dài bằng nửa cuộc đời để
rồi cũng quay về chỗ cũ. Lại bảo ở đời không có cái dại nào giống cái dại nào.
Đừng nghĩ rằng thấy người ta như vậy, mình giống người ta thì sẽ rút được “kinh
nghiệm”. Trên đời này sẽ không có kinh nghiệm nào là bản sao của nhau.
Tôi bảo, hồi đó thấy không
dám nói chứ cái cảnh sáng bốn giờ vợ đã dậy tay dao tay thớt, tay mổ bánh mì,
tay bật lửa ốp- la trứng mà ông chồng còn nằm ngáy ngủ để rồi sáng bảnh mắt mới
ra ngồi ngáp chờ vợ bưng cho tô hủ tiếu đầy tú nụ là thấy không êm rồi. Chị
bảo, chị cũng thấy chứ, bất đồng từ khi sắp sinh đứa con thứ nhất lận. Nhưng
chẳng lẽ vì chồng… làm biếng mà ly hôn? Ly hôn rồi có “ở vậy” được không, hay
lại lấy chồng khác? Con mình gặp cảnh cha này- mẹ nọ có khi còn khổ hơn bây
giờ. Thôi thì mình làm mẹ, ráng nhịn nhục cho con mình bớt nhọc nhằn.
Ừ, mình chịu nhục được nhưng
nhục riết rồi… như con cá nục luôn mà người ta có hiểu cho đâu?
Hồi đó… đang yên đang lành
với vị trí là bà chủ cửa hàng nhôm nhựa thu chi đủ sống cả gia đình; anh là
công nhân kỹ thuật điện xí nghiệp, sáng dậy chờ vợ hai tay dâng lên cho tô hủ
tiếu mới đi làm, nhưng thu nhập “để dành làm việc lớn lớn” chứ không hề đưa vợ
một đồng nào. Hai con, đứa vào cấp 2, đứa giữa cấp 1 ngoan ngoãn siêng năng.
Gia đình chị đã hơn một lần được lên sóng chương trình “chào buổi sáng” của đài
truyền hình tỉnh nhà về việc chia sẻ bí quyết hạnh phúc của gia đình trẻ.
Vậy mà… rầm một phát, tan vỡ
hết. Chỉ vì anh có vợ nhí!
Sự tan vỡ này, người ta nói
một phần rất to là tại chị. Với đàn ông, phải buột họ vào tình yêu và trách
nhiệm với gia đình, thậm chí phải “bóc lột” họ một chút càng tốt. Chứ ỷ y mình
cáng đáng đủ kinh tế rồi thả họ “bơi tự do” với túi tiền ắp lẵm mỗi cuối tháng
thì họ biết làm gì mà không… sinh tật? Anh ơi tuần trước bà nội bé không khỏe;
tuần sau nghe đâu ông ngoại bé dự định đi du lịch đất Sin; tháng sau dì Út nó
đi... sửa sắc đẹp để thi hoa hậu; mới hồi sáng thì chú Út hỏi “mượn” mớ tiền để
đi lao động nước ngoài… Rồi cô giáo của con bé Na đang đòi tăng tiền học phí
thể dục nhịp điệu; thầy giáo âm nhạc của thằng cu Bin cũng đòi nghỉ dạy vì thù
lao quá ít. Mà anh muốn con gái thành hoa hậu; con trai thành thiên tài cỡ
Mo-rát đệ nhị đúng không? Thì tăng tiền cho thầy cô của con nhé?!
Đó là hằng hà sa số lý do để
người làm vợ nạy tiền chồng. Chứ sao lại để mình “nuôi trai” mà không chờ ngày
lấy ngọc như vậy? Thế rồi lại đi trách người ta dư tiền rững mỡ. Sai. Sai hết. Vạn
sự nên hư của chồng ngày nay đều tại kẻ
làm vợ ấy!
Chị nóng mặt. Đóng cửa sạp
hàng, bắt đầu chuỗi ngày vây ráp, quần thảo, “bắt tận tay day tận mặt” hai kẻ
khốn kiếp kia. “Quần hùng” theo các trận đánh ghen của chị không chỉ là chị em
ruột mà còn cả đoàn tàu anh chị, em út,
chú, cô… bên họ nhà chồng. Vì với họ, chị thật là một người dâu hiền dâu thảo.
Sạp hàng của chị đã giúp nuôi hai cô em của chồng học hành xong, có việc làm.
Từ những rổ, thau, bình đá, ly nhựa… mà chị đã xây cho ba mẹ chồng căn nhà tinh
tươm. Chị cũng đã dùng uy tín của mình đứng mũi chịu sào cho bà thím chồng và
người cô chồng có tiếp hai sạp hàng be bé khác. Nhà chồng xem chị như “cứu
tinh” nhưng chị chưa một lần lên mặt, vẫn cúc cung mỗi khi họ cần; vẫn lễ phép
trong từng lời nói. Thì bây giờ, chị gặp “nguy” sao họ nỡ trơ mắt nhìn?
Vậy là các cuộc chiến đấu với
rầm rập cấu xé, xởn tóc, “tiễn” vài bộ quần áo tình địch “lên đường” đã diễn
ra. Vài người tử tế khuyên chị đừng nên làm vậy, không khéo mình đang là người
phải lại thành kẻ có tội vì “cố ý gây thương tích". Mà không chừng còn đẩy
chồng ra xa. Chị cãi già, thương tích trên cơ thể “nó” thì pháp luật bắt chị
được; còn thương tích tâm hồn chị do "nó” mang đến, sao không ai xử giùm? Còn
chồng hả, bây giờ linh hồn chả đã xa
chị mấy ngàn cây số rồi, mong gì kéo về mà không quậy cho biết mặt? Bởi vậy nên
chị phải đánh ghen cho hả dạ, “Nai vạt móng thì chó cũng le lưỡi” chứ có mất
mát gì!
Nhưng làm dữ như thế vẫn
không kéo chồng về được mà đã đẩy anh đi du lịch không hẹn khứ hồi với mái gia
đình. Ngoài mặt chị nói, cứ để anh đi đi, kẻ theo bồ nhí với bộ dạng “trên răng
dưới… dép” thì xem sẽ đi được mấy ngày. Nhưng chồng lặn bấy lâu rồi vẫn chưa
sủi tăm khiến chị càng uất dữ.
Nhắm “đánh hội đồng” không
xong, chị “đánh lẻ” một mình sau khi bán dần tài sản làm lộ phí đi truy tìm
chồng. Tài sản gầy dựng cả chục năm mà trong một năm đã sạch nhẵn. Nhưng chồng
thì vẫn là một “người bí ẩn” để chị chị tiếp tục tìm. Cho đến một ngày chị phát
hiện tiền không còn đủ một chuyến xe đêm, bản thân mình xơ xác như người bệnh
sau cơn đại phẫu và hai đứa con không còn là đứa trẻ hồn nhiên vui tươi, học
hành chăm chỉ như xưa nữa thì chị… dừng lại. Bắt đầu là đưa con đi mua sắm vài
bộ quần áo, ba mẹ con ghé vào quán ăn, ăn một bữa thật ngon. Tụi nhóc hì hục
húp đến muỗng nước súp cuối cùng của tô phở mà vẫn còn thèm sau khi “kính gởi”
đến kẻ làm mẹ lời nói như muối xát “Tụi con tưởng không bao giờ còn được mẹ dắt
đi ăn phở nữa”. Ghé qua nhà sách, sắm bộ truyện cho con đọc rồi cùng nhau về
quét dọn nhà cửa. Con trai lớn lớp 4 còn biết sang hàng xóm xin ít hoa mười giờ
về trồng trước ngõ “cho đẹp nhà mình để mẹ ngắm”. Tối, con trai còn biết khóa
cổng nhà, biết nấu nước cho mẹ và em tắm, nhắc em đi đánh răng buổi tối… Ba mẹ
con bình an với ý niệm người đàn ông trụ… rỗng của gia đình đã biến mất khỏi
thế gian này.
Bây giờ chị “làm lại cuộc
đời” bằng việc sáng bán hàng xôn, chiều bán gà rán, thuê mặt bằng ngày. Hai
mươi ngàn tiền thuê chỗ một buổi, mặt hàng nhựa gia dụng này bán buôn nhanh tay
lẹ chân chút xíu, tiền lời được hai trăm là xem như ba mẹ con chị sống đủ.
Bạn hàng thương chị cho “gối
đầu” vốn, người thương hơn còn cho mượn vốn không lấy lãi. Tiền lời buổi sáng
để dành trả nợ, tiền bán gà rán mẹ con an nhiên với cơm áo hàng ngày.
Kẻ cười cợt thì bảo ai biểu
ham vớt trăng đáy giếng, “nó” đi thì cho đi, đêm đêm khỏi thức gật gù chờ cổng
rồi còn “hầu hạ” nọ kia. Đánh ghen ì xèo như phim Hồng Kông để tán gia bại sản.
Ở đời, ghen làm sao để còn chồng, còn tài sản, mới là cao tay ấn, chứ ghen
huỵch toẹt rồi mất trắng như chị thì non nghề lắm, chỉ phí công.
Tốp khách học trò với ríu ra
ríu rít thúc hối đã đi xa. Bán được một lèo những tám phần gà, mỗi phần 10 ngàn
là vui lắm. Chị bật mí “gà rán một lời một đó cưng”. Tay
không ngớt bào thau củ cải, chị nói đời biết đâu là khôn là dại. Nói vậy chứ
chị sau một vòng đi cũng thu thập được khá nhiều điều. Ngoài việc chăm sóc,
nuôi dưỡng núm ruột của mình còn phải biết trân trọng bản thân mình chứ… chồng
là vật ngoài thân, cứ mắt nhắm mắt mở mà nghĩ “Ở nhà là chồng mình, ra khỏi ngõ
là chồng kẻ khác” thì cuộc đời lúc nào cũng hẫng nhẹ.
Vậy mà mấy ngày nay thấy một
bóng dáng đàn ông lăng xoăn phụ chị lúc nhặt rau răm, khi mua tương cà. Còn
nghe chị í ới “Nhớ hai bịch bột giòn nghen anh”. Mái tóc người ấy sùm sụp che
cả mắt, dáng gầy gầy lanh lẹ.
- Kép mới à?
- Mới cái gì? Ba bé Hoa đó!
Đi một năm rưỡi, về mất 13kg thịt nhưng “lời” được mái tóc dài, che mắt đời cho
đỡ quê.
- Chừng nào đi nữa? Chắc còn
da bọc xương?
- Chắc ‘tu” rồi. Đã quỳ
trước mặt cha mẹ chị hứa là không bỏ vợ con nữa. Nói có đi mới có biết, đời đâu
là khôn dại.
- Chả vẫn làm việc ở chỗ cũ à?
- Nghỉ từ ngày theo “con đó”
rồi. Nhưng không sao, về là tốt rồi. Việc từ từ kiếm, hay ở nhà phụ vợ cũng
được. Đời đừng hi vọng chuyện gì nhiều, để khỏi thất vọng em ạ! Kinh nghiệm
xương máu chị rút ra bằng nửa cuộc đời đấy!
Lời nói nhẹ bâng mà mắt ngân
ngấn nước.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét