1. Những ngày cuối năm, ai nấy cũng tất tả hoàn thành những công việc cuối cùng để đón xuân về, Tết đến. Lễ tổng kết, họp mặt tại cơ quan hay tổ chức nơi làm việc là hết sức quan trọng. Trên bàn tiệc tất niên những chuyện vui buồn, trà dư tửu hậu dường như được trao trọn cho nhau trong buổi tiệc trà cuối cùng của năm.
Ngày nay, tất niên theo phong cách Tây cũng được người Việt áp dụng theo phương thức hội họp, gặp mặt cuối năm, được tổ chức như một sự kiện để tổng kết, đánh giá những thành tích đã làm được trong năm. Thường thì tất niên tại các cơn quan thường diễn ra sớm, trong không khí thân mật, ấm áp, không gian rộng với sự tham gia của nhiều người, có nhiều món ăn, đồ uống được dọn ra thịnh soạn.
Các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… đều tổ chức tất niên để gặp gỡ đồng nghiệp, giao lưu gặp mặt, đồng thời cạn chén nâng ly chúc mùa xuân mới, chúc thành công hạnh phúc trong năm mới và bỏ qua những điều chưa may mắn gặp phải trong năm. Có thể hiểu tất niên ở đây có nghĩa là bữa tiệc, buổi liên hoan, chiêu đãi… do cơ quan đứng ra tổ chức theo dạng hội họp, sự kiện. Đây là hình thức tổ chức theo kiểu phương Tây mà bây giờ chúng ta cũng quen gọi là tất niên.
Trong buổi tất niên còn diễn ra các hoạt động trao thưởng cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác, lĩnh vực đảm nhận. Ngoài việc trà rượu thoải mái thì những niềm vui cuối năm như thế cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Ngày nay tất niên “lớn” thường được sự chào đón của cả tập thể nên được tổ chức khá long trọng, phần thưởng ngoài giấy khen còn kèm theo hiền kim, hiện vật. Tất niên đúng chất của một buổi gặp mặt công việc và vui chơi, tất niên của hạnh phúc, của niềm vui và cho cả những phấn đấu để đạt được nhiều thành công hơn nữa trong năm mới.
Tất niên tổ chức theo gia đình thường diễn ra gần giáp Tết, quy mô cũng nhỏ hơn nhiều. Và chuyện hội họp bạn bè tất niên là dịp để xua tan đi những muộn phiền của năm cũ, nâng ly rượu thay lời cuối năm. Ngoài chuyện tất niên tại cơ quan tổ chức thì tất niên tại gia đình bây giờ cũng rất được chú trọng theo hình thức bữa tiệc tại gia. Tất niên của các gia đình hiện đại tổ chức theo hình thức thường này khá phóng khoáng, vui vẻ.
Mọi người thường làm theo phong cách bữa tiệc “tự phục vụ” với các món nướng, món lẩu hoặc hình thức bàn tròn, bày thức ăn ra đĩa như ngày giỗ cưới. Khi đời sống phát triển, con người luôn có nhu cầu làm phong phú hơn các hoạt động để củng cố các mối quan hệ, nhất là tiệc tùng để gặp mặt anh em, bạn bè để chia sẻ mọi tâm tư nỗi buồn trong cuộc sống và cũng như là lời cám ơn sự giúp đỡ, tiếp sức của mọi người đối với gia chủ. Tiệc tất niên theo gia đình thường diễn ra khá muộn khi mọi công việc hầu như cơ bản đã được hoàn tất, hầu như là vào những ngày cuối cùng của năm.
Khách mời tất niên gia đình thường là rất thân quen, có mối quan hệ đặc biệt với gia chủ nên tất niên cũng được làm rất tươm tất, khá đầy đủ với nhiều sự chuẩn bị. Ở thôn quê tất niên theo hình thức này rất ít khi diễn ra vì có một lễ nghi quan trọng hơn là “chạp mã” hay “dẩy mã”. Nói chung là vào dịp cuối năm, người dân quê sẽ tranh thủ “thăm và sửa lại mồ mã tổ tiên” để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên. Sau đó sẽ là tiệc nhẹ của gia chủ, khách mời là họ hàng và bà con lối xóm…
2. Có lẽ bây giờ có thể hiểu tất niên là tiệc, hội hộp cuối năm nhưng theo lễ nghi, phong tục truyền thống của dân tộc thì cúng tất niên diễn ra vào ngày cuối cùng của năm, tức là vào ngày 30 đối với năm đủ, ngày 29 đối với năm thiếu.
Theo tư liệu trên wikipedia: “Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày
Mồng 1 tháng Giêng,
giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ.
Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà”. Hầu hết những công việc chuẩn bị cho mâm cùng tất niên thường phải xong từ chiều, hương khói nghi ngút chuẩn bị cho việc cúng bái.
Thời khắc cuối năm là thời khắc quan trọng và linh thiêng nên cúng tất niên được bàn thờ cúng trời, đất (một số nơi gọi là “cúng cô bác”) đặt vào một vị trí mặt tiền, thường là trước hiên nhà, bàn thờ tổ tiên cũng được chăm chút cẩn thận, được đặt mâm ngũ quả và hương đèn đầy đủ. Một số người tâm niệm rằng cúng tất niên là “rước ông bà” về xum vầy cùng con cháu trong ba ngày Tết nên lễ cúng phải trang nghiêm, chu đáo.
Vì vậy, bàn thờ tổ tiên và tục thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn luôn được khắc sâu trong tâm thức của người Việt. Cũng theo một số quan niệm thì “hương và đèn, hương tượng trưng cho tinh tú, sự nối kết giữa âm và dương, đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời”. Nhang khói ngày Tết thực sự không thể thiếu trong phong tục thờ cúng của người Việt. Việc bày biện vàng mã cũng hết sức tinh gọn, chủ yếu nhìn đẹp mắt và thể hiện lòng tôn kính đối với những người bề trên.
Tóm lại, ngày Tết cổ truyền của dân tộc luôn có những lễ nghi, phong tục tập quán, ngày hội… tốt đẹp của dân tộc. Ngày tất niên dù được tổ chức theo phương thức nào cũng cần tránh mê tín dị đoan, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân tộc. Lễ tiết cần đề cao sự hướng thiện, tưởng nhớ cội nguồn, phát huy bản sắc văn hóa, say mê những việc làm thiết thực.
Những sự hồ hởi, mong ngóng, an nhiên trong lòng mỗi người sẽ được cầu phúc trong mùa xuân mới, nhang khói là hư vô nhưng luôn ẩn chứa bao hoài vọng lớn lao. Xin kết bài viết bằng khúc thơ trong bài thơ “Tết này mời bạn ghé thăm” trong chiều tất niên của nhà thơ Lê Huy Mậu (Vũng Tàu): Vợ tôi lục tung cả tháng/ Muối dưa, làm kiệu, cuốn nem/ (Mách nhỏ bạn điều này nhé/ Cứ nhằm dưa kiệu mà khen!)...
Quê nhà Tiên Phước (Quảng Nam) đêm 27.1.2015
P.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét