Minh họa: P.V
Vy ở phố đã tròn
mười năm trời. Đó là quãng thời gian đủ dài để chiếm trọn tuổi thanh xuân của
một đời người. Mọi đam mê, mất mát đều được phố gói ghém vứt trong một chiếc
kho đầy ứ hự nào đó, lẫn lộn trong số phận của nhiều người trẻ khác. Giống như
một quy luật của sự trưởng thành, qua quãng đời ồn ào con người ta bắt đầu sống
lặng lẽ trong suy tư chiêm nghiệm. Vào một buổi sáng nào đó thức dậy Vy thấy
mình rơi tõm vào cái khoảng lặng đó mà không vùng vẫy hay căng cựa. Thôi những
buổi chiều cuối tuần mê đắm trôi đi trong điệu nhạc Rumba cùng anh bạn nhảy có
nụ cười hoang dại. Thôi những đêm khuya la cà phố xá nhậu nhẹt cùng đám bạn học
cũ. Thôi hò hét điên rồ trong quán bar “Cây sồi già” có tông màu lạnh. Vy thấy
yêu những thứ ở xung quanh mình hơn. Lặng lẽ quan sát nó và tự hỏi những điều
này đã tồn tại bên đời mình suốt mười năm qua sao bây giờ mình mới thấy? Chỉ có
tiếng gió luồn qua bức tường rào đáp trả, gió mang theo mùi rêu ngai ngái, mùi
dầu gió của cụ bà quện với mùi nước sơn hăng hắc. Cái thứ mùi đặc trưng mà mỗi
năm Vy đều phải ngửi một lần. Mùi của lớp vỏ bọc không hoàn hảo…
Có dịp đứng từ
trên cao nhìn xuống Vy thấy thành phố giống như một bức tranh chắp vá, lộn xộn
đến tủn mủn. Xen kẽ giữa những ngôi nhà rộng lớn thò ra, thụt vào là vài dãy
trọ bị kẹt cứng trong khoảng không gian bức bí. Nói đúng hơn thành phố cũng
biết cách tạo cho mình cái vỏ bọc đoàng hoàng thanh lịch. Trông thì gọn gàng
tươm tất đấy nhưng bên trong thì lôi thôi, nhếch nhác như một cái kho cũ với đủ
thứ hỗn tạp mà từng ấy con người thi nhau đút nhét. Ấy vậy mà lòng phố vẫn đủ
rộng để bao bọc những phận người nổi trôi tứ xứ quy tụ về đây. Chẳng khác nào
người mẹ nghèo với đàn con nheo nhếch, nên làm sao có đủ bộ cánh đẹp cho tất
cả. Đứa nào khôn ranh thì có tất, đứa nào chậm chạm thì chẳng có gì, nhà nào
chẳng có đứa khôn đứa dại. Bọn bạn vẫn bảo Vy dại lắm, bao nhiêu năm bon chen ở
chốn này mà không có nổi một chỗ trú chân tử tế. Vy cũng xinh đẹp, thông minh
có thua kém gì ai mà sao giờ vẫn ở nhà thuê, vẫn ăn cơm hộp. Ừ thì Vy tồ tệch,
chẳng biết toan tính điều gì nhưng suy cho cùng chỗ trú ngụ trong tâm hồn mỗi
con người mới là thứ đáng lo. Cũng may Vy chẳng đánh đổi thứ gì cho cái vẻ hào
nhoáng giàu sang, nếu không bây giờ chắc là ân hận lắm. Phụ nữ khi bước sang
ngưỡng cửa tuổi ba mươi đôi khi thấy mọi giá trị đều thay đổi. Nhiều thứ phải
đánh đổi tuổi trẻ để nắm chặt trong tay giờ lại muốn buông. Thứ từng ruỗng rẫy buông
bỏ giờ bỗng nhiên tha thiết. Để rồi nhận ra phần lớn thì chúng ta chỉ có cái vỏ
bọc của hạnh phúc mà thôi.
* * *
Thành phố dành
cho Vy một chỗ đi về trong xóm nhỏ chật chội, như thế cũng là quá bao dung. Nhà
ông bà chủ nằm kế bên, cũng khá rộng rãi nhưng vẫn không đáp ứng được một vài
thú vui của hai con người đang ở tuối gần đất xa trời. Ngăn cách giữa nhà chủ
với xóm trọ là bờ tường và hàng rào sắt. Những nhánh cây ngâu mọc thò ra, xe cộ
đi qua quệt vào cành lá xác xơ. Trên hàng rào thường treo vài chiếc lồng chim.
Thỉnh thoảng có một con chết đi mang theo cả tiếng hót lảnh lót và bộ lông óng
mượt, chỉ để lại vài ánh nhìn nuối tiếc trong cái lồng trống rỗng. Đôi chim mới
nhất ông chủ mới mua về là loài cu gáy, chúng được tách ra mỗi con một lồng. Vy
thường ngó ra nhìn chúng gọi đàn khản giọng như muốn phá tan chiếc lồng mắc
trên hàng rào có những thanh sắt nhọn nhô lên đâm nát hoàng hôn màu huyết dụ. Ông
chủ cũng ngồi đó nhưng không phải để ngắm lũ chim, ánh mắt già nua ấy lúc nào
cũng gắn chặt vào bức tường rào. Đã bao năm sống ở đây Vy đều thấy cứ đến gần
tết là nhà chủ sẽ quét vôi lại tường và sơn lại hàng rào. Mùi vôi vữa nồng nặc
quện với mùi sơn hăng hắc khiến đầu óc Vy quay cuồng. Hàng rào xanh lè và tường
vôi trắng toát. Đã có lúc Vy nhìn bức tường mà mường tượng ngôi nhà ấy giống
như một nấm mồ.
Vy ở trọ nơi đây
cũng đã được bốn năm. Khi mới chuyển đến, nhà chủ có ba thế hệ sống cùng nhau.
Những người trẻ đi kiếm tiền còn ông bà già ở nhà chợ búa cơm nước ngày ba bữa.
Nhưng qua vài năm, từng thành viên trong nhà cứ rơi rụng đi dần. Không cãi vã,
không tranh chấp, cũng không thấy cuộc tiễn đưa mùi mẫn, bi lụy hay ồn ã nào. Họ
cứ lặng lẽ biến mất như chưa từng tồn tại. Năm xưa, cũng vào dịp cuối năm, Vy tỉnh
dậy sau một giấc trưa ngột ngạt như chú dế bị cầm tù. Ngó qua kẽ hở cửa sổ,
thấy người cháu trai nhà chủ đang bặm môi nhấc từng chậu cây cảnh xếp gọn vào
một góc để lấy lối dắt xe. Lúc sau, hai ông bà lại ra ì ạch bê cây xếp vào chỗ
cũ, tràn ra lấn cả lối đi. Cảnh tượng này diễn ra thường xuyên suốt thời gian
dài sau đó, một ngày không biết bao nhiêu lần kê đi xếp lại. Nhiều hôm người
cháu đi chơi về khuya va phải chậu cây ngã dúi dụi, lũ chó tỉnh giấc sủa dấm
dẳng cả đêm. Rồi một sớm, Vy nhìn qua khe cửa thấy cây lá ngổn ngang, rũ rượi,
chết tức tưởi. Từ đó ông bà chủ không trồng cây nữa mà chuyển sang chăm cá cảnh,
nuôi gà tre. Tết đó nhà chủ vắng đi một tiếng người.
Những chú gà tre
nhỏ xíu nhảy loi choi trong lồng chật hẹp được ông chế ra từ cái giàn bát cũ
xin được ở nhà bên. Chiều đến ông thả gà ra cho chúng nhặt thóc và nhảy lên bể
cá cảnh bằng xi măng soi bóng. Hai người già ấy có vẻ thích đàn gà lắm, nhưng
với người ở trọ như Vy thì ngán ngẩm mùi phân gà bốc lên tanh nồng nhức óc
trong những buổi trưa nắng gắt. Xóm trọ lụp xụp càng chật chội tù túng hơn
nhiều. Ban ngày nghe lũ gà gáy đôi ba bận cũng vui tai. Nhưng đêm đến nghe
tiếng gà gáy ráo riết sắc lạnh như xé toạc cả màn đêm yên tĩnh thật là một nỗi
ám ảnh với nhiều người, nhất là cô con dâu nhà bà chủ. Mờ sáng khi tiếng gà
chưa dứt đã thấy tiếng dép loẹt quẹt như cố mài mạnh xuống đất, tiếng chổi quét
đầy hằn học, tiếng vung xoong rơi loảng xoảng. Được vài tháng, bỗng một hôm
thấy cô con dâu sang phòng Vy xin nắm muối. Cô bảo để làm bộ lòng gà mua ở chợ
cho thật sạch xào dứa mới ngon nhưng tiện tay xúc đầy cả bát muối. Mấy ngày sau
thấy đàn gà tre đứng lù rù xung quanh bể cá cảnh thi nhau uống nước. Rồi thì
không bao giờ còn nghe thấy tiếng gà báo canh giữa đêm khuya nữa. Tết năm
ngoái, thấy nhà chỉ còn hai ông bà lụi cụi với tường rào. Ông quét vôi vàng, bà
quét lại bằng vôi trắng. Tường rêu cũ mốc bao năm có quét lại vài lớp vôi trắng
bóc đi nữa thì chỉ cần gió khua vài hôm là bong tróc từng mảng nhỏ. Hàng rào
sắt cũng vậy, nước sơn mới nhưng sắt đã cũ rỉ, giòn như chiếc bỏng gạo, vịn hờ
tay cũng gãy.
* * *
Năm nay ông cụ
yếu hẳn, không còn thấy ông ra hiên nữa. Nhà không còn nuôi gà, không trồng
cây, không cá cảnh thành ra rộng rãi lọt thỏm có một mình bà. Cuối năm bà lại
lụi cụi với công việc sơn rào, quét tường. Thứ mùi hỗn độn đáng sợ ấy đã lôi Vy
ra khỏi xóm trọ, trôi trên đường phố. Chiếc xe bỗng nhiên dở chứng, đã giảm ga
mà vẫn lồng lên phi như ngựa khiến Vy suýt mấy lần lao vào xe phía trước. Vy
vừa bò đi chậm chạp trên đường vừa đưa mắt kiếm tìm một quán sửa xe. Vy dừng
lại bên chiếc biển “sửa xe” bằng sơn đỏ viết cẩu thả lên bìa carton dựng ở lề
đường. Vy đưa mắt tìm kiếm, thấy tút hút trong ngõ nhỏ có chiếc quán sửa xe nằm
kẹt cứng. Buổi chiều lang thang dạo phố của Vy thành ra cũng mắc kẹt ở nơi này.
Quán sửa xe chắc
tầm bảy mét vuông. Vừa là chỗ bầy đồ nghề sửa chữa, kê thêm cái tủ bán chè Thái
Nguyên vừa là chỗ ăn ở của cả một gia đình. Mùi dầu mỡ bốc lên, dưới sàn nhà
vương vãi các loại ốc vít, giấy kẹo, đầu mẩu thuốc lá. Hai đứa con nhỏ, một đứa
chừng ba tuổi tay lăm lăm cái tô vít khua khoắng liên hồi, mặt nẻ toác vì lạnh.
Còn một bé gái chừng chín tuổi, cổ đeo chiếc thẻ có dòng chữ “Học sinh không ăn
bán trú”, vừa trông em vừa phụ bố bóc ni lông của mấy chiếc yếm xe, khách mang
đến thuê dán lại. Căn phòng tanh nồng mùi cá, đám ruồi nhặng bay vo ve bên đống
mâm bát ăn xong chưa kịp dọn. Dưới đất, chỗ nào cũng thấy toàn rác và rẻ lau
đầy dầu mỡ. Vy nhìn theo dáng chị vợ khom lưng leo lên mấy bậc thang tự chế bắc
tạm bợ vào tường để leo lên chiếc gác nhỏ chất đầy xăm lốp và đống quần áo nhăn
nhúm vứt lung tung.
Vy ngồi co người
lại để tiết kiệm diện tích. Chị vợ nhìn khách cười chữa ngượng khi thấy thằng
con trai ba tuổi hồn nhiên đứng vạch quần tè ngay góc nhà, cạnh đó là bàn thờ ông địa lem nhem
bụi. Anh chồng tay còn dính đầy dầu mỡ lục túi áo đưa cho thằng nhỏ tờ mười
ngàn giục “qua nhà bà Hạnh mua bánh rán con cá”. Đứa lớn nghe tiếng chuông đồng
hồ quả lắc vọng ra từ ngôi nhà to lớn đối diện vội đứng dậy lôi từ gậm giường
ra một đôi giày để đến trường. Tâm trí Vy bị hút vào đôi giày đó, nó trắng tinh
tươm, trắng như cổ tích giữa một căn phòng chật nhội và nhem nhuốc. Đứa bé gái
lôi từ túi mình ra một chiếc khăn nhỏ, lau sạch sẽ hai bàn chân rồi cẩn thận đi
vào từng chiếc giày, nâng niu như một thứ nghi lễ, như là hoàng tử ướm giày vào
chân cô bé Lọ Lem.
Vy rời quán trôi
về xóm trọ, đổ đầy lòng mình một nỗi buồn khó tả về thành phố và những kiếp trọ
mưu sinh. Mở cửa khe khẽ, không dám chạm vào bức tường vôi trắng toát và lạnh
lẽo. Ngoảnh sang, thấy bà cụ ngồi ngắm tường rào mê đắm như một thứ nghi lễ. Vy
không sao gạt bỏ được ý nghĩ, ngôi nhà đó nhìn như một nấm mồ.
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét