Có thể nói không ở nơi đâu có nhiều loại bánh và nhiều cách chế biến bánh tết như vùng đất Quảng Nam. Trong số đó, ấn tượng nhất vẫn là chiếc bánh tổ mà ý nghĩa đúng như tên gọi: dâng lên đấng bề trên, tưởng nhớ cha ông, tri ân cội nguồn. Ở đây tôi xin được đi sâu hơn về chiếc bánh tổ có xuất xứ từ Quảng Nam, để nói về cái thú thích ăn đồ ngọt và chế biến bánh ngọt trong tâm thức người Quảng. Nói về nguồn gốc bánh tổ, có nhiều giai thoại, quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, lúc chia tay 50 người con để lên non, tổ mẫu Âu Cơ đã làm ra chiếc bánh tổ để phân phát cho các con thay lương khô lót dạ trên đường đi. Theo tôi quan điểm này dựa theo truyền thuyết nên không có nhiều sự chính xác. Lại có ý kiến cho rằng, khi anh hùng áo vải Quang Trung dấy binh khởi nghĩa vào cuối thế kỷ XVII, nhà vua lo lắng trong cuộc hành quân xa không đủ lương thực đi đường. Biết được điều đó, người dân xứ Quảng muốn góp sức đánh giặc nên đã sáng tạo ra loại bánh này để dâng lên vua. Đây là sự giải thích của nhiều bậc cao niên về nguồn gốc xuất hiện của chiếc bánh tổ, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa có nhiều tài liệu chứng minh được điều đó. Có thể đây cũng là một sự giải thích hợp lý khi bánh tổ được sản sinh từ vùng đất giàu bản sắc văn hóa, kho tàng ẩm thực phong phú và có truyền thống yêu nước như Quảng Nam.
Ở một khía cạnh khác, theo nhiều nhà nghiên cứu, chiếc bánh tổ có nguồn gốc từ loại bánh lùng kú mà người Hoa khi đến và định cư ở Hội An khoảng thế XVI - XVII vẫn làm để cúng ông bà trong dịp tết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng phân tích: “Lùng là cái lồng, kú là hấp. Bánh lùng kú là một trong những phẩm vật đặt trên bàn người Hoa, đặc biệt có những chấm đỏ lỗ chỗ trên đó để lấy hên đầu năm mới”. Nhiều tài liệu cũng cho rằng đây là loại bánh do người Trung Hoa gốc Minh Hương sáng tạo ra, sau đó người Quảng học tập rồi dần chế biến theo cách riêng của mình. Có lẽ đây là quan niệm hoàn toàn có căn cứ, bởi “nói theo tiếng Quảng Đông, lùng kú có nghĩa là cái lồng hấp; và bánh tổ vốn được đặt trong cái rọ nhỏ để hấp bằng lồng”. Người dân xứ Quảng đặt tên bánh theo hình dáng là “bánh ổ”, lâu dần đọc lệch thành “bánh tổ” và nay vẫn thường gọi “ổ bánh tổ” .
Có nhiều quan niệm về gốc gác của ổ bánh tổ nên vẫn chưa thể xác định một cách chính xác, chỉ biết rằng bánh tổ đã có mặt tại xứ Quảng hàng trăm năm nay và không thể thiếu trong mâm cúng của người dân dịp tết. Bánh tổ còn thể hiện cái thú ăn ngọt của người Quảng khi nguyên liệu làm bánh là bát đường đen, một đặc sản khác cũng gắn sâu vào đời sống ẩm thực của mỗi người. Nói đến bát đường đen mới nói đến một đặc sản rất đặc biệt vừa là nguyên liệu, vừa là gia vị trong rất nhiều món ngon, bánh trái của người dân nơi đây và dĩ nhiên bánh tổ mà thiếu đường đen là thiếu đi hồn cốt của ẩm thực xứ Quảng. Bởi vậy, bánh tổ của người Quảng luôn luôn đặc trưng, khác biệt với bánh tổ của người Hoa ở phương Nam. Bánh của người Hoa được làm từ đường thẻ hoặc đường cát nên có màu vàng hoặc trắng, ngoài ra không có rắc mè lên trên. Còn bánh tổ của người Quảng được làm từ đường đen nên có màu đen đặc trưng, được trang trí bằng những hạt mè lóng lánh phía trên mặt bánh. Người Hoa ở Đồng Nai trang trí chiếc bánh bằng giấy đỏ, trong khi đó bánh tổ của người Quảng được bọc bằng lá chuối trông thô và mộc mạc hơn.
Dẫu có khác nhau về hình thức, ổ bánh tổ đặt lên bàn thờ tổ tiên ngày tết đều chung ý nghĩa tưởng nhớ nguồn cội dân tộc đúng như tên gọi của bánh. Theo một số quan niệm, gạo nếp tượng trưng cho mạch sống và sự đoàn kết keo sơn của cộng đồng; màu đen hoặc vàng của bánh tổ tượng trưng cho sự vất vả của người dân lao động chân chất, mộc mạc, một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm để thu gạo nếp, nguyên liệu làm bánh. Vị ngọt của đường nhắc nhở trong tâm tưởng mỗi người phải sống tốt đẹp, hướng đến sự thanh tao, trong sạch trong tâm hồn, sống có ích cho đời, cho người. Bánh tổ được làm và chế biến không quá cầu kỳ và phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn trong từng công đoạn, muốn làm được chiếc bánh thì dễ nhưng muốn bánh ngon và đạt đến độ dẻo ngọt vừa ăn thì không dễ chút nào. Trong các bước, công đoạn quan trọng nhất được người dân Hội An gọi là “lấy trùng”, tức là tính toán để bột đường trở thành bánh không quá khô rất khó ăn, hoặc quá lỏng bánh sẽ bị hỏng. Đây là khâu cho bột nếp vào trộn đều với đường “thắng” đã để nguội để tạo thành bánh. Khi bánh đường đã xong, chỉ cần chọn khuôn, đặt lá và đổ bánh vào khuôn. Sau khi hấp liên tục trong 3 giờ để bánh chín, phơi khoảng một đến hai nắng là sẽ có những ổ bánh tổ đậm đà phong vị quê hương.
Ngày tết bây giờ được tinh gọn đi rất nhiều, việc sắm sửa cũng tiết kiệm hơn, nhưng trong tâm thức người Quảng, bánh tết chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong mâm cúng, và ổ bánh tổ là phẩm lễ không thể thiếu dâng lên đất trời, tiên tổ. Bánh tổ được bày lên đĩa trông rất bắt mắt khi được cắt ra từng lát và xếp theo hình cánh phượng tượng trưng cho sự may mắn, phát đạt, tấn tới trong năm mới. Người Quảng có câu ca “Nem chả Hòa Vang/ Bánh tổ Hội An/ Khoai lang Trà Kiệu/ Thơm rượu Tam Kỳ” chứng tỏ sự phong phú trong kho tàng ẩm thực của vùng đất này và chiếc bánh tổ sống mãi với đất trời như tâm niệm của dân tộc ta: chim có tổ, người có tông.
Nguồn: Báo Quảng Nam
P.N
(Tiên Phước, Quảng Nam)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét