
Lê Thị Xuyên, sinh năm 1983, quê Thanh Hóa, hiện đang sống và làm việc tại Bình Định
Những ai còn
mẹ đều cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Từ khi còn ẩn mình trong
hình hài là giọt máu đỏ hỏn, được nuôi dưỡng trong bào thai chín tháng mười
ngày, lúc cất tiếng khóc chào đời, được hiện diện trong thế giới của cuộc đời
biết bao tươi đẹp, rồi những bước đi đầu đời vụng dại, thành công và thất bại,
niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau… đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng
chẳng thể nào nói hết tình yêu của mẹ dành cho con. Chín chữ cao sâu vẫn vang
vọng như lời nhắc nhở của đấng sinh thành đối với mỗi chúng ta, những đứa con
của mẹ.
Tôi thầm cảm
ơn cuộc đời đã cho tôi được là con của mẹ, người đã mang lại sự sống, thành
công, hạnh phúc cho tôi như hiện tại. Những ngày còn thơ dại, tôi được đắm mình
trong lời ru à ơi ngọt ngào của mẹ trên cánh võng, nhoẻn miệng cười và bi bô
tập nói, tiếng nói đầu tiên không gì khác là “mẹ”, nhấm nháp miếng cơm mẹ nhai
búng, há miệng khóc đòi ăn khi mẹ chưa kịp đút cho mình. Lớn hơn một chút, mẹ lại
chăm lo cho mấy chị em tôi chuyện học hành. Mẹ thức khuya cùng chị em tôi và
nấu bát chè đậu xanh những ngày thi cuối cấp, mẹ ân cần nắm tay tôi căn dặn,
động viên khi tim tôi đập mạnh trước thềm thi đại học, mẹ dúi vào tay tôi những
đồng tiền mẹ kiếm được sau những ngày đi chạy gạch thuê cho người ta và thủ thỉ: “Con mua quà vặt ăn đỡ đói mỗi tối học khuya”. Có những hôm trời nắng nóng
như đổ lửa, mẹ vẫn cần mẫn như con ong chăm chỉ để có thêm vài đồng cho chúng
tôi mỗi tháng. Tôi không biết với mọi người, mẹ quan trọng như thế nào? Còn với
tôi, tất cả đều là mẹ. Bốn chị em tôi dần lớn lên trong sự tảo tần, thương yêu
của mẹ.
Bố tôi rất thương con, nhưng tình thương của bố thường gửi trong những
câu nói răn đe, những nguyên tắc bất di bất dịch của gia đình và những làn roi nhớ
đời sau những lần chúng tôi sai phạm. Còn mẹ, tình yêu mẹ dành cho chúng tôi là
những đêm không ngủ vì lo và nhớ khi chúng tôi học xa nhà, là những bánh, những
rau, những gaọ… được gói ghém cẩn thận đặt trong túi xách khi chúng tôi quay
lại trường học sau dịp về ăn tết ngắn ngủi, là những giọt nước mắt hạnh phúc của
mẹ khi chị em tôi học hành đỗ đạt, có công việc ổn định, có gia đình và con cái
đề huề.
Chúng tôi đã trưởng thành, mỗi người đều tự chọn cho mình một con đường và
đi theo tiếng gọi của hoài bão, lí tưởng, mang trong lòng quyết tâm phấn đấu để
đạt được sở nguyện. Thế nên, những tháng ngày được ở bên mẹ trở khiêm tốn và
thưa dần. Vì hoàn cảnh và công việc, chúng tôi được gặp mẹ qua những cuộc điện thoại
mỗi khi rảnh rỗi. Những lúc đó, mẹ lại khóc, mẹ nói vui vì được nói chuyện với
các con, nhưng tôi hiểu mẹ đang khóc vì nhớ thương chúng tôi. Bởi tôi biết dù
đã lớn khôn thì chúng tôi vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ, vẫn cần được mẹ vỗ về,
vẫn muốn gục đầu vào lòng mẹ, được mẹ chở che mỗi khi vấp ngã hay khi đứng trên
đỉnh cao của danh vọng.
Tháng ba về,
thời gian chảy trôi vô tình nhanh đến mức mái tóc mẹ mới ngày nào đen óng, mượt
mà giờ đã lấm tấm những sợi bạc. Mẹ tôi vẫn thế. Tảo tần hôm sớm với ruộng
đồng, với những luống rau xanh, với đàn lợn, gà kêu vang inh ỏi suốt cả ngày.
Hạnh phúc của mẹ đơn giản chỉ là được nấu những bữa cơm canh đạm bạc, hợp khẩu
vị cho bố, là nụ cười thoải mái khi trò chuyện với xóm giềng về chúng tôi,
những đứa con của mẹ giờ đã trưởng thành và có chỗ đứng trong xã hội, là sự bằng
lòng với những công việc sớm sớm, chiều chiều không tên lặp lại.
Khi nhìn thấy
những đứa bạn cùng trang lứa về sum họp gia đình, mẹ lại trông ngóng chúng tôi.
Mẹ gọi điện hỏi thăm chúng tôi. Mẹ vui mừng thông báo bố vừa nhờ mấy chú thợ
sửa sang lại cái sân gạch và nhà tắm, mấy chị em mày mà về thì tha hồ, thoải
mái tắm giặt. Mẹ khoe lúa nếp năm nay được mùa nhưng không bán mà để dành làm
giỗ ông nội, và bố nói sẽ làm bánh nếp thật nhiều (vì mẹ biết chị em tôi rất
thích ăn). Mẹ nói thật nhiều trong niềm vui mong đợi. Đã gần bốn năm, tôi chưa
được về quê cùng gia đình sum họp. Em trai tôi lấy vợ và sống trong miền Nam nên ít có
dịp về, chỉ có hai cô em gái chưa lập gia đình mới có thể về thường xuyên. Bố
mẹ tôi vui lắm nhưng tôi cảm nhận được niềm vui tuôn chảy trong giọt nước mắt
lăn dài nơi khóe mắt đã nhiều nếp nhăn của mẹ chưa thể nào trọn vẹn vì thiếu
vắng tôi và em trai.
Trên đường đi
làm về, chứng kiến câu chuyện thương tâm của một người mẹ đang quỳ lạy khóc
lóc, van xin con trai mình trở về nhà sau thời gian bỏ đi cùng đám bạn, trong
khi anh ta vẫn một mực phớt lờ, không hề quan tâm. Chợt lòng tôi se sắt. Giá
như anh ta hiểu được mẹ cần anh ta như thế nào, tôi tin chắc anh sẽ không làm
như vậy. Tôi lại lan man nghĩ về cuộc đời, về gia đình, về những người xung
quanh tôi, và về mẹ. Tôi thấy mình là kẻ diễm phúc hơn bao người khi còn mẹ. Song
xã hội hiện đại với những bước tiến của văn minh lại có những bước thụt lùi về
đạo đức, đặc biệt trong cách đối nhân xử thế, giữa con cái với bậc sinh thành.
Biết bao người mẹ bị ruồng bỏ, xua đuổi khỏi nhà vì bị xem là gánh nặng cho
những đứa con; bao người mẹ phải vào viện dưỡng lão, đi ăn xin, lang thang,
không nơi nương tựa; bao người mẹ lại trở thành nạn nhân của chính đứa con mà
mình đứt ruột sinh ra, nuôi dưỡng.
Tôi tự hỏi làm
sao để mọi người hiểu hết được nỗi khổ đau của người mẹ khi bị con cái ngược
đãi, làm sao cho những đứa con hiểu rằng cuộc đời mỗi chúng ta ai rồi cũng sẽ
phải trải qua những ngày buồn thảm nhưng những ngày buồn thảm nhất có lẽ là những
ngày chúng ta không còn được nhìn thấy mẹ!
L.T.X (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét