
Nhà thơ Yến Lan
Kỳ 4:
Y Ế N L A N
(Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan: 02/03/1916 - 02/03/2016)
Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, bút hiệu khác: Xuân Khai. Ông sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916 tại xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình Nho học. Mẹ mất sớm, học xong trung học ông phải dạy tư kiếm sống và đi vào con đường văn chương. Ông viết khá sớm và nhanh chóng nổi tiếng, truyện ngắn đầu tay của ông ký bút hiệu Xuân Khai được giài nhất của báo Thanh Nghệ Tĩnh. Sau đó hàng loạt truyện ngắn của ông xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ năm và nhiều tờ báo khác. Ông cũng viết kịch và lập đoàn kịch mang tên Yến Lan đi lưu diễn nhiều nơi. Khi tham gia phong trào thơ mới, ông có nhiều bài thơ được đọc giả yêu thích nên sau nầy theo hẳn con đường thơ. Ông cùng với ba nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Quách Tấn hợp thành Bàn Thành Tứ Hữu vang danh ở đất Bình Định. Ông và Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên khởi xướng Trường thơ loạn, gây ấn tượng trên văn đàn lúc bấy giờ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia và giữ nhiều chức vụ ở Bình Định như Ủy viên Văn hóa cứu quốc, Ủy viên Văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ, Trưởng đoàn kịch Kháng chiến… Sau 1954 ông tập kết ra Bắc công tác ở nhà xuất bản Văn Học, tham gia nhóm Nhân Văn giai phẩm… Sau ngày hòa bình 1975, ông trở về Bình Định làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật. Ông mất ngày 5 tháng 10 năm 1998 tại Bình Định, để lại nhiều tác phẩm thơ và kịch như: Bóng giai nhân (kịch thơ 1940), Gái Trữ La (kịch thơ 1943), Những ngọn đèn (thơ 1957), Tôi đến tôi yêu (thơ 1965), Lẵng hoa hồng (thơ 1968), Giữa hai chớp lửa (thơ 1978), Én Đào (truyện thơ 1979), Thơ Yến Lan (thơ 1987), Cầm chân hoa (thơ 1991), Thơ tứ tuyệt (tuyển tập 1996)…
Yến Lan lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lan và có 6 người con, 3 trai 3 gái. Sinh thời ông rất yêu thương, chăm sóc vợ và các con rất chu đáo. Bà Lan có người bạn gái chí thân tên Yến, hai người là tri âm tri kỷ và có tâm nguyện lạ lùng là sau nầy sẽ lấy chung một người chồng. Chuyện đời không thể xảy ra như mơ ước, bà Lan kết duyên với chàng trai Lâm Thanh Lang, còn bà Yến thì không biết lưu lạc về đâu. Nghe được câu chuyện tình bạn cảm động của vợ, ông lấy tên hai người làm bút hiệu: Yến Lan.
Thơ Yến Lan rất đẹp bởi sự mượt mà, lắng đọng và truyền cảm; đôi khi hào sảng đến ngậm ngùi: Nào rót nữa, uống đi. Nguồn say còn lai láng. Chén nhớ hãy rót đầy. Chén mừng đừng để cạn… (Uống rượu với bạn đồng hương). Yến Lan có nhiều bài thơ hay, tôi xin giới thiệu bài thơ quen thuộc, đã làm nên tên tuổi của ông trong làng thơ: Bến My Lăng với những vần điệu lãng mạn nhưng tinh tế với một nỗi niềm bàng bạc, khôn nguôi: Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng. Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng...
TRỊNH BỬU HOÀI
Nhà thơ Yến Lan bên vợ và con gái đầu lòng
BẾN MY LĂNG
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng...
YẾN LAN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét