Thi sĩ Tản Đà
Kỳ 5:
T Ả N Đ À
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 20 tháng tư năm Kỷ Sửu, nhằm ngày 25 tháng 5 năm 1889 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây; nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông sinh ra bên dòng Đà Giang, dưới chân núi Tản Viên, nên lấy bút hiệu là Tản Đà.
Ông sinh ra trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng, gốc người Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tổ tiên Tản Đà có nhiều người làm quan giúp nước, như Nguyễn Công Thể là Tả thị lang Bộ Lại, Thượng thư Bộ Lễ… Đến triều Nguyễn, các bậc trưởng lão trong tộc họ có ý bất hợp tác, không ra làm quan, chỉ làm đồ Nho, nên cuộc sống có phần sa sút.
Cha Tản Đà là Nguyễn Danh Kế vì không chịu nổi sự nghèo khó nên vừa làm thuê vừa đi học, thi đậu cử nhân và ra làm Tri huyện Nam Sang thời Tự Đức, rồi Tri phủ Lý Nhân, Tri phủ Xuân Trường, thăng lên Án sát Ninh Bình thì qua đời.
Nguyễn Danh Kế tuy làm quan nhưng vẫn quen cách sống phong lưu tài tử. Khi làm Tri phủ Xuân Trường ông phải lòng một đào nương tài sắc ở Nam Định là Nhữ Thị Nghiêm, sau đó hai người lấy nhau và sinh ra bốn người con. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu còn có tên cúng cơm là Cửu, người ta thường gọi là “Ấm Cửu” hoặc “Ấm Hiếu”, là con thứ tư cũng là út của bà Nghiêm, nhưng là con trai thứ mười một trong số mười một người con trai của Nguyễn Danh Kế và ba bà vợ.
Cha mất khi Tản Đà mới lên ba. Sau đó mẹ lại rời gia đình trở lại nghề ca hát nên ông được người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Tái Tích đùm bọc, nuôi dưỡng và cho ăn học. Năm 1912, Tản Đà trượt khóa thi ở Nam Định, tan mộng cử nhân và mất luôn người yêu là cô gái họ Đỗ ở phố Hàng Bồ. Chứng kiến người yêu lên xe hoa, Tản Đà đau khổ gần như điên loạn, đi vào nơi thâm sơn cùng cốc tự đày đọa bản thân. May nhờ Nê Xuyên Nguyễn Thiện Kế, anh rể cùng cha khác mẹ là một nhà thơ trào phúng có tiếng thời bấy giờ, đưa ông về tá túc tại nhà Bạch Thái Bưởi, một người giàu có. Ở đây ông được đọc bộ Tân thư, bắt đầu có niềm tin cuộc sống và vun đắp ước mơ, lý tưởng; dần quên đi nỗi buồn khoa cử và tình duyên.
Tản Đà bắt đầu viết những bài triết luận đăng trên Đông Dương tạp chí từ năm 1915 và cũng lập gia đình trong năm này. Sau đó ông làm thơ và được đọc giả hâm mộ, bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn. Đi vào văn chương trong buổi giao thời giữa thơ cũ và thơ mới, Tản Đà bắt nhịp được cả hai bằng sự tài hoa của mình. Từ năm 1916 đến khi qua đời, ông xuất bản gần 30 tác phẩm đủ thể loại: thơ, truyện, luận thuyết, triết học, nghiên cứu, kịch, giáo khoa, dịch thuật…
Tản Đà mất tại nhà ở đường Cầu Mới, Ngã Tư Sở, Hà Nội vào ngày 20 tháng tư năm Kỷ Mão, nhằm ngày 7 tháng 6 năm 1939. Có một điều trùng hợp hi hữu là Tản Đà sinh và mất đều vào ngày 20 tháng tư âm lịch.
Tản Đà thích sống ngao du, rong chơi cho thỏa chí, như ông tự sự: Trời sinh ra bác Tản Đà. Quê hương thời có cửa nhà thời không (Thú ăn chơi). Trên con đường phiêu bạt ấy, ông có thú uống rượu và ăn ngon. Làm thơ say có thể nói ông là số một với nhiều câu để đời: Đất say đất cũng lăn quay. Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười? (Lại say). Một người như thế thì “chơi” chắc chắn thành công hơn “làm”, nhưng chính sự mê chơi nầy đã giúp Tản Đà hiểu được cõi mênh mông rộng hẹp của thiên hạ: Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Đất bốn nghìn năm vẫn trẻ con (Mậu Thìn xuân cảm). Trong cơn say ông ngạo mạn, khinh bạc tất cả, tưởng chừng như chán đời như thực ra ông rất yêu đời, ông cần có đời để sống mà chơi và say: Đời là chỗ bắt người ta phải sống (Nhàn tưởng).
Rong chơi và say rượu đã hình thành nên một tính cách của Tản Đà, và từ đó có thêm nhiều vần thơ tuyệt tác trong kho tàng văn học Việt Nam. Thú ăn chơi của Tản Đà rất tao nhã và không giới hạn, không tận cùng: Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi. Nhưng khi chơi đã thì: Đời dẫu cho thôi, tớ chửa thôi… Xin đọc tiếp bài thơ Còn chơi để hiểu cách chơi của Tản Đà.
TRỊNH BỬU HOÀI
C Ò N C H Ơ I
Ai đã hay đâu tớ chán đời,
Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi.
Chơi cho thật chán, cho đời chán,
Đời chán nhau rồi tớ sẽ thôi.
Nói thế, can gì tớ đã thôi,
Đời đương có tớ, tớ còn chơi.
Người ta chơi đã già đời cả,
Như tớ năm nay mới nửa đời.
Nửa đời chính độ tớ đương chơi,
Chơi muốn cho sao thật sướng đời.
Người đời ai có chơi như tớ,
Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi.
Chơi văn sướng đến thế thì thôi,
Một mảnh trăng non chiếu cõi đời.
Văn vận nước nhà đương buổi mới,
Như trăng mới mọc, tớ còn chơi.
Làng văn chỉ thiếu khách đua chơi,
Dan díu, ai như tớ với đời.
Tớ đã với đời dan díu mãi,
Muốn thôi, đời cũng chửa cho thôi.
Đời đương dang díu, chửa cho thôi,
Tớ dám xa xôi để phụ đời.
Vắng tớ bấy lâu đời nhớ tớ,
Nhớ đời nên tớ vội ra chơi.
Tớ hãy chơi cho quá nửa đời,
Đời chưa quá nửa, tớ chưa thôi.
Tớ thôi, tớ nghĩ buồn cho tớ,
Buồn cả cho đời vắng bạn chơi.
Nào những ai đâu, bạn của đời?
Sao mà bỏ vắng, ít ra chơi?
Chờ ai chờ mãi, ai đâu tá?
Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi?
Nếu tớ như ai: cũng ngán đời,
Đời thêm vắng bạn, lấy ai chơi?
Cuộc đời tớ nghĩ chưa nên ngán,
Nếu ngán thời xưa tớ đã thôi.
Tớ nhớ năm xưa nửa ngán đời,
Nghĩ đi, nghĩ lại, lại ra chơi.
Mê chơi cho tới thành dan díu,
Đời dẫu cho thôi, tớ chửa thôi.
Nghĩ tớ bao nhiêu, lại nghĩ đời,
Nghĩ đời như thế, dám nào thôi.
Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi,
Chơi mãi cho đời có bạn chơi.
Tớ muốn chơi cho thật mãn đời,
Đời chưa thật mãn tớ chưa thôi.
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng!
Dù chóng hay lâu tớ hãy chơi.
Trăm năm, tớ độ thế mà thôi,
Ức, triệu, nghìn năm chửa hết đời.
Chắc có một phen đời khóc tớ.
Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi.
Trăm năm còn độ bấy nhiêu thôi,
Ngoài cuộc trăm năm tớ dặn đời.
Ức, triệu, nghìn năm đời nhớ tớ.
Tớ thôi, tớ cũng hãy còn chơi.
Bút đã thôi rồi, lại chửa thôi,
Viết thêm câu nữa hỏi đời chơi:
"Lộng hoàn" này điệu từ đâu trước,
Họa được hay không? Tớ đố đời.
TẢN ĐÀ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét