Đào Hiền sinh năm 1973, hiện là giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức (Hà Nội)
Thế
là, sau rất nhiều năm “theo chồng bỏ cuộc chơi”, tết Bính Thân này tôi đã có một
ngày xuân ấm áp bên xóm núi quê mẹ. Theo thời gian, hai mươi năm đã đi qua, cảnh
vật và con người có nhiều đổi thay, chỉ có con suối và rặng núi bên nhà vẫn chẳng
chịu khác xưa. Bâng khuâng, lặng nhìn những hòn cuội nằm im dưới đáy suối và đàn
cá ngược dòng xé nước tung tăng, lòng bỗng xao xuyến, trào dâng những tháng năm
đong đầy kỉ niệm của tuổi thơ... Vậy là, cứ thế, cứ thế... tháng giêng tuổi
thơ trong tôi, tháng giêng của quê mẹ trong lòng người xa xứ bỗng ùa về qua ngấn
lệ rưng rưng.
Tháng
giêng, Hà Giang quê mẹ đẹp lắm. Ấy là khi cát rét đã dịu đi nhưng có lúc vẫn còn
trỗi dậy ngọt ngào, cắt da cắt thịt. Tháng giêng hiện về, ấy là khi những tia nắng
ấm áp đầu mùa bắt đầu rung rinh bên những hàng rào trước cửa. Tháng giêng hiện về,
ấy là khi trồi non lộc biếc đang khẽ nở trong những làn sương đêm long lanh. Tháng
giêng hiện về, ấy là khi đào nở tưng bừng, thắm đỏ bên những đường đi hay bên
những hiên nhà. Tháng giêng hiện về, ấy là khi cây mai, cây mận hoa nở trắng rừng,
trắng núi. Tháng giêng hiện về, còn là khi tiếng chim hót líu lo, lảnh lót trên
những lùm cây dọc hai bên bờ suối. Tháng giêng ấy còn về trong những hạt mưa
bay lất phất, đọng lại trên nhưng búp chè xanh mơn nam và căng tràn nhựa sống,
thay cho những lá chè xoăn tít như đang ngái ngủ trong mùa đông ở mảnh vườn sau
nhà của mẹ.
Đấy là tháng giêng của tạo hoá.
Tháng giêng của đất trời. Nhưng trong tôi còn một tháng giêng khác. Tháng giêng
của tình người, tháng giêng của tình quê. Ấy là khi mỗi độ sang giêng, gió mưa
mùa xuân lại hòa vào bản hợp xướng róc rách của suối reo, thác đổ để cùng lòng
người được tống cựu nghênh tân. Tháng giêng về, bản làng tôi như được đổi thịt thay
da sau một mùa đông khô lạnh kéo dài. Bầu trời quê hương không còn u ám mà trở
nên trong xanh, sáng láng; như thể được mở ra rộng hơn mọi ngày; ngọn núi bỗng
như cũng cao hơn mọi khi, cỏ trong thung trồi lên tua tủa, trải ra xanh rợn
chân trời như là để mở lối cho những trai tài gái sắc của bản làng hội tụ với đủ
các sắc màu áo quần lung linh bên những cây đu, cột còn, trong tiếng hò reo của
chúng bạn. Tháng giêng quê mẹ còn là những đêm trăng quây quần bên bếp lửa tí
tách giữa sàn nhà thơm nồng men rượu ngô với những câu chuyện không đầu không
cuối lan man bất tận tới đêm khuya. Tháng giếng ấy, còn là những ngày đi làm
đổi công cùng chúng bạn bên những dòng suối, nương ngô, ruộng mạ sau ngày khai
hội Lồng Tồng.
Tháng giêng xóm núi quê mẹ chẳng
giống như dưới xuôi. Người vùng cao quê mẹ không nô nức đến chùa lễ phật cầu
may mà họ thường hay rủ nhau đi chơi chợ. Chợ vùng cao quê mẹ thích lắm. Những
chợ phiên đầu năm ở quê mẹ luôn rộn ràng và rực rỡ sắc màu của người muôn bản đổ
về. Lạ thay, người đi chợ nhưng việc bán và mua ở chợ ngõ hầu chẳng là điều
quan trọng nhất. Họ như là đi xem chợ, đi chơi chợ chứ chẳng phải là đến chợ để
bán bán, mua mua. Từ những sáng sớm tinh mơ, chợ đã có rất đông người. Già, trẻ,
gái, trai tất cả đều xúng xính trong những bộ trang phục lộng lẫy của muôn màu đỏ,
đen, xanh, trắng... Các trai bản múa khèn giữa chợ, các cô sơn nữ say sưa ngắm
nhìn, thi thoảng lại giơ tay áo che miệng cười duyên e ấp. Chưa đủ, tháng giêng,
chợ vùng cao quê mẹ còn có những người đàn ông quây quần bên chảo thắng cố sôi
sùng sục, nóng hôi hổi, bốc khói nghi ngút và bát rượu ngô nồng nàn thơm toả. Có
lẽ chẳng ở đâu có cái cảnh đáng yêu như chợ phiên quê mẹ. Ấy là cảnh những người
vợ dịu dàng giương ô che cho người chồng đang say rượu nằm ngủ trong chợ hay trên
phiến đá ven đường. Phụ nữ quê mẹ yêu lắm. Họ yêu thương và thuỷ chung, nhẫn nại.
Những ông chồng say rượu ngủ giữa chợ hay bên đường kia chẳng bao giờ bị vợ chê
đâu. Không những thế họ còn rất vui. Bởi họ luôn nghĩ và tự hào về chồng có nhiều
bạn, có nhiều bạn nên mới bị say ...
Vẫn
chưa hết, tháng giêng quê mẹ trong tôi còn có hình ảnh và hương vị của thịt lợn
treo bếp. Chẳng là, mỗi độ cuối năm, quê mẹ nhà nhà thịt lợn ăn tết. Lợn ở quê
mẹ hồi đó phần lớn là những chú lợn đen thả dông trên đồi, trong vườn. Nó không
to như lợn dưới xuôi đâu. Người đồng bào quê mẹ thường hay xẻ thịt để treo bếp ăn
dần. Kì lạ thay, chẳng cần phải dùng chất bảo quản hay tủ lạnh như ở dưới xuôi
bây giờ mà thịt ấy có thể để cả năm mà không bị hỏng. Món thịt treo bếp này rất
ngon. Đảm bảo rằng ai ăn cũng phải thích. Người quê mẹ làm thịt treo bếp thật cầu
kì và khéo léo. Ấy là con lợn khi được phanh ra, rửa sạch thì họ xẻ thành từng
miếng mà chiều dài theo mình lợn, chiều rộng khoảng bẳng khoảng ba ngón tay. Từng
miếng thịt ấy lại được rửa, bóp bằng rượu, tẩm ướp các gia vị như muối, ớt, gừng,
hạt dổi hay hạt mắc khén. Thịt ướp các gia vị qua đêm cho ngấm rồi treo lên trên
bếp trong mỗi nhà sàn. Bếp nhà sàn quê mẹ quanh năm đỏ lửa. Sức nóng âm ỉ dài lâu
của lửa và các loại gia vị làm thịt lợn chín dần. Khi thịt chín, phần nạc chuyển
màu sang đỏ, phần mỡ chuyển sang màu trong suốt. Khi dùng thịt người quê mẹ chế
biến thành nhiều món. Đồng bào ngâm thịt trong nước ấm, rửa sạch, thái thành những
miếng mỏng, rồi xào cải, xào lá tỏi, đặc biệt là xào với lá chanh. Khi thịt lợn
treo bếp xào với lá chanh thì mùi thơm của các lại gia vị như được đánh thức dậy.
Ăn miếng thịt người ta thấy có vị ngọt, vị bùi và mùi thơm của các loại gia vị,
thảo quả quện vào nhau trong cái mềm ngậy của mỡ, cái dai của nạc, cái giòn của
da. Bởi thế, khi xa quê, nhất là trong độ giêng hai, khi cái nắng ấm chưa đủ độ
xua tan cái rét thì món thịt treo bếp khoái khẩu ấy lại dễ hiện về trong nỗi nhớ
nguôi ngoai.
Tháng
giêng, cái tháng khởi đầu của mùa xuân yêu thương lại trở về trong niềm hoài hương
người xa xứ sao cứ dây dưa, se sắt. Tháng giêng, dẫu ngoài kia chim có lảnh lót,
véo von; dẫu tiết trời có nắng ấm, dẫu phố phường có dập dìu xe cộ thì từng khe
suối, từng lối đi, từng thửa ruộng bậc thang, từng cọn nước, từng món ăn của quê
mẹ cứ ùa về chẳng thể nào làm dịu bớt nỗi cô đơn, vắng lạnh trong những nỗi niềm
của kẻ tha hương.
Đ.H (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét