“Ai
mất sẽ được
Ai
tìm sẽ thấy’’
Không
biết có đúng hay sai khi mà Văn đang đi tìm cái “mất’’
và tin rằng sẽ “được’. Còn tôi đang đi “tìm’’
và tin rằng sẽ “thấy”. Văn mất người yêu ba năm
rồi mà trên con đường rong ruổi vẫn chưa tìm lại
được. Tôi vượt nghìn trùng về nơi nối liền nhịp
đập con tim mới hay con tim bé nhỏ càng hằn sâu thêm vết
khuyết.
Văn
bảo, khi thấy tôi Văn đã sững sờ hết mấy giây. Sao
có người giống nhau đến thế? Giống cả nét mặt, nụ
cười, dáng đi… Và chỉ vì sự giống nhau thế mà Văn
đã bôn ba từ Đông Anh sang Gia Lâm rồi lại đến Tây Hồ
tìm tôi để được một lần nói hết nỗi niềm.
Các
cô gái ngồi đối diện chúng tôi trên tầng ba của cà
phê Bình trong căn phòng máy lạnh nhìn ra cầu Chương
Dương cao ngất cứ liên tục rít thuốc lá. Rồi lại ngã
người ra thành ghế thả những vòng khói ám ngoét ra
chiều sảng khoái lắm. Tôi cố kìm nhưng không nén được
tiếng ho vì khói thuốc không tan thể nào tan trong không
gian lạnh buốt thế này. Chắc Văn thấy tôi tội nghiệp
quá nên vài lần muốn đốt thuốc cũng chùn tay.
Tiếng
Văn ấm, nhỏ đều đều rằng chiều nay Văn lên tàu vào
Nam rồi. Văn hỏi tôi có “trụ” lại được hay không,
hay là cùng về cho có bạn, đường xa ngàn dặm mà có
người quen đi cùng cũng yên tâm lăm lắm. Tôi bảo “Em
ở lại”. “Ừ” giọng Văn trầm và đầy tâm trạng.
Nhìn
dáng Văn cao khều lần lũi khuất dần trên con dốc, kéo
sau lưng là chiếc va li to đùng bỗng dưng lòng tôi ray rứt
lạ. Nắng Thủ đô vàng ươm và gắt gỏng, cái nắng như
có thể xuyên thủng mọi thứ, thiêu cháy mọi ngả đường.
Phía
bên kia đầu dốc, cầu Chương Dương sừng sững những
thanh sắt to sầm càng rát bỏng hơn dưới ánh mắt như
cháy bỏng của người vừa dời bước. Dòng nước đỏ
phù sa dưới chân cầu, từng bãi ngô xanh ngát đang vươn
ngàn ngàn ngọn cờ hoa bay theo gió.
***
Đêm.
Tàu chuẩn bị vào ga Nha Trang rồi mà tôi vẫn không sao
ngủ được. Những nhịp lắc lư, rền rĩ vang cả đầu,
rồi tàu dừng lại để tránh đoàn tàu khác. Mỗi bước
rùng rình tiến về phía trước càng làm cho hành khách
không quen đi tàu lại hết một ngày đêm giam mình một
chỗ càng thêm bứt bối. Bây giờ tôi đã bắt đầu hối
hận cho sự đủng đỉnh của mình. Sao không chọn tàu 29
tiếng hoặc hơn một chút, chọn chi tàu 40 tiếng với lập
luận “càng đủng đỉnh càng dễ ngắm cảnh vật quê
hương” để bây giờ nhọc nhằn thế này. Người thanh
niên ngồi phía sau tôi hình như cũng không ngủ được,
anh ta đi đi lại lại rồi bắt chuyện hết người này
tới người khác nhưng ai cũng vật lộn với giấc ngủ
nên không nói quá ba câu. Hình như anh ta vừa lên ở một
ga nào đó cách đây không lâu, nếu không, mươi giờ qua
tôi đã biết anh ta rồi.
-
Cô bé, trên tàu ai bán sách báo mà mua vậy? Cho tôi mượn
chút có được không?
-
Được.
Tôi
trả lời cụt lủn và chìa tờ báo sang anh, dưới ánh
đèn không lấy gì làm sáng lắm của toa tàu, tôi thấy
anh nhìn mình rất lạ. Như dò xét, như chăm chú, như muốn
đếm bao nhiêu… vệt bụi bám trên mặt tôi vậy.
Sáng
hôm sau. Tàu vẫn chưa đến ga Hà Nội nhưng câu chuyện
giữa tôi và Văn- tên người thanh niên ấy- có thể nói
là thân thiết rồi. Văn hỏi tôi tới Hà Nội làm gì, ở
lại có lâu không, có định đi chơi đâu không, có bạn
bè gì cùng đi…? Nếu không có ai thì Văn tình nguyện
làm “hướng dẫn viên” cho tôi đi khắp phố phường
ngàn năm văn hiến. Tôi chu môi “Anh rảnh ghê! Tôi đi
học, ở lâu, nhưng chắc không có thời gian đi chơi như
anh!”. “Ai bảo bé là anh rảnh? Nhưng anh muốn đưa bé
đi chơi thôi”. “Cảm ơn. Nhưng chừng nào thế gian này
hết người quen tôi sẽ nhờ đến anh”. “Cô bé kiêu
kỳ quá đấy nhé!”. “Bây giờ anh mới bi... ế... ế... t
hả?”. Tôi dài giọng.
Chia
tay ở ga, mỗi người theo công việc riêng mình nhưng
chiều hôm sau Văn nằn nì mời tôi đi cà phê. “Để làm
gì. Tôi rất bận”. “Cô bé cứ cho địa chỉ. Anh sẽ
tới tìm. Không phải lo về thời gian”. Tự dưng có một
kẻ tự nguyện… “xin chết” tội gì lại không họ…toại
nguyện?
Vậy
mà Văn bảo, thật ra Văn cũng không có thời gian cho mối
quan hệ tưởng như qua đường thế này. Như em giống
người yêu cũ của anh quá! “Một kiểu tỏ tình bằng
phương pháp đòn bẫy đây”. Tôi cười thầm. Còn Văn
say sưa kể về Lệ- tên người yêu cũ. Cũng yêu nhau tha
thiết, cũng thề non hẹn biển, cũng thật thà tính đến
hôn nhân. Nhưng tình yêu có sâu nặng mức nào cũng không
qua được uy lực ngàn cân của mấy tay... thầy bói. Họ
phán rằng Văn và Lệ cưới nhau sẽ chết (?). Lời phán
vu vơ đó có sức nặng không ngờ, bao năm tháng yêu nhau
đã bị mẹ cha buột thành mây bay gió thoảng. Chuyện sẽ
không có gì đáng nói nêu sau đó ai cũng lấy vợ lấy
chồng. Nhưng không. Lệ của Văn sau nhiều năm tần tảo
cùng mẹ cha nuôi đàn em không lớn cũng không quen ai khác
nữa. Mười năm trôi qua, mùa xuân đời người đã đi về
phía mùa thu, cả hai đã đi hơn nửa đời người, lại
đặt vấn đề cưới xin với cha mẹ thì các đấng sinh
thành vẫn bảo rằng tuổi của họ cưới nhau sẽ…
chết. Hai năm qua thêm nữa vẫn không lay chuyển được
cha mẹ mà bỏ bao gia phong lễ giáo thì Lệ không dám. Rồi
một ngày cuối hạ, mái tóc như dòng suối của Lệ không
còn vướng bụi thế gian nữa. Văn đang đi làm xa, về
gặp lại thì trong mắt Lệ, Văn đã là một “thí chủ”
như bao người khác.
Những
ngày sau đó Văn như kẻ điên cuồng, cuộc sống này
không còn ý nghĩa với Văn nữa. Sao Lệ dại dột quá,
thì cứ để mỗi ngày được nhìn nhau sẽ “dễ sống”
hơn không? Bây giờ trong thâm u của lá rơi tĩnh lặng,
trong bươn bả bể đời, trong lọc lừa dối trá… chưa
biết rồi ai sẽ không thiết sống hơn ai.
Ba
năm trôi qua…. Không biết bao lần Văn trèo lên hàng trăm
bậc đá quỳ trước cửa chùa xin Lệ suy nghĩ lại, nhưng
lòng dạ ấy đã không còn vướng bụi luyến thương.
Tôi
kém Văn mười hai tuổi. Văn bảo dáng nhỏ nhắn của tôi
bây giờ rất giống Lệ của 10 năm về trước. Nhưng
dáng tôi thanh và nụ cười trong trẻo hơn, có lẽ công
việc hai người khác nhau. Nhưng trời ạ, ánh mắt tròn,
sâu long lanh sao mà giống nhau như hai giọt nước! Những
người có ánh mắt “biết nói” ấy, đa phần cuộc đời
rất hạnh phúc, nhưng sao Lệ lại… Tôi chợt buồn. Lệ
nào đó mình chưa một lần gặp, sao cuộc đời bất hạnh
thế kia? Còn mình?
Tôi
không kể Văn nghe vì sao tôi một mình bôn ba nghìn trùng
về phương Bắc. Để bây giờ mới biết, thời gian không
là liều thuốc hữu hiệu nhất khi còn tim chưa tròn nhớ
vẹn thương.
Nắng
Thủ đô vẫn rưng rức con tim, sự ngột ngạt như con
người bị nhốt vào chiếc thùng to sầm kín rịt. Tôi
cũng không nói cho Văn biết nhà trọ của mình, nhưng trớ
trêu thay Văn thuê đúng nơi mấy hôm nay tôi trọ lại.
Khi Văn hỏi “Em trọ ở nhà trọ nào? Tầng mấy”.
“Không để ý tên, do người bạn giới thiệu, em cũng
không ra ngoài nhiều, hình như là có cây phượng thật to
trước cổng. Em ở tầng 4, trước phòng có giá sách”.
“Sao giống nhà trọ anh quá vậy? Không khác chút nào,
chỉ khác là trước phòng anh không có giá sách”. “Chắc
là ngẫu nhiên thôi, như em và Lệ của anh”. “Ừ, có
thể. Thôi, chào em. Chúc công việc tốt đẹp. Trời ạ…
phải chi…”.
Rời
cà phê Bình, tôi chạy như bay về phòng trọ như kiểm
chứng lời Văn nói. Là tôi cố tình giấu đó thôi, phòng
tôi 404 cạnh bên phòng 405 của Văn đấy. Nhưng bây giờ
cửa phòng 405 đã mở rộng- một dấu hiệu của phòng
vắng khách. Văn đã đi rồi.
Tôi
chạy như bay xuống cầu thang, ra ngõ nhìn về phía đầu
dốc, cầu Chương Dương vẫn uy nghi và sừng sững. Trong
nghìn nghịt xe cộ đã không còn thấy bóng Văn đâu. Nắng
vẫn vàng như mật trải dài từ đầu dốc xuống dưới
chân tôi về phía cuối con đường…
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét