Nhà thơ Nguyễn Bính
Kỳ 7:
N
G U Y Ễ N B Í N H
Nguyễn
Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, còn có tên Nguyễn
Bính Thuyết trong thời gian sống ở Nam bộ. Ông sinh năm
1918 tại thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, huyện Vụ
Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân từ một gia đình Nho
học, nhưng nhà nghèo, mẹ bị rắn độc cắn mất lúc
Nguyễn Bính chỉ mới chào đời được vài tháng, nên
tuổi thơ ông khá vất vả, hơn mười tuổi đã phải
theo người anh cả là Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác lên
Hà Đông, Hà Nội kiếm sống. Từ đó, cuộc đời ông
quen gót giang hồ, xuôi Nam ngược Bắc.
Thuở
nhỏ, lúc còn ở nhà Nguyễn Bính được cha là ông đồ
Nguyễn Đạo Bình, còn được gọi là Cả Biền, dạy
chữ; sau theo học thêm với người cậu ruột là Bùi
Trình Khiêm, thuộc nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nguyễn
Bính làm thơ rất sớm, từ năm 13 tuổi, bài đầu tiên
đăng báo là Cô hái mơ. Sau đó, tập thơ Tâm hồn
tôi của ông được giải thưởng của Tự Lực Văn
Đoàn vào năm 1937. Từ đó, thơ ông in nhiều trên các báo
và được người đọc ngưỡng mộ, nhiều người thuộc
và nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc phổ biến
khắp nơi. Thời hoàng kim của thơ ông là giai đoạn 1940
– 1942 với 7 tập thơ được xuất bản, trong đó có
những tập được người yêu thơ nhiệt tình đón nhận
như: Tâm hồn tôi, Lỡ bước sang ngang,
Mười hai bến nước, Người con gái ở lầu hoa…
Trong khi dòng thơ mới đang cuộn chảy trên thi đàn Việt
Nam, Nguyễn Bính vẫn giữ phong cách chân quê, mộc mạc
và chính ông làm mới dòng thơ nầy qua những vần thơ
giản dị, chân tình nhưng hàm xúc, truyền cảm, rất dễ
đi vào lòng người đọc: Gió mưa là bệnh của trời.
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng (Tương tư).
Hai người sống giữa cô đơn. Nàng như cũng có
nỗi buồn giống tôi (Người hàng xóm)…
Năm 1943, Nguyễn Bính lại vào Nam và đi đến tận cùng
tây nam Tổ quốc. Ông lang thang trên nhiều vùng đất của
Nam bộ và năm 1947 ông tham gia kháng chiến chống Pháp,
phụ trách Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh Rạch Giá và đảm
nhiệm nhiều chức vụ khác. Năm 1954, ông tập kết ra
Bắc, làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1956,
ông chủ trương báo Trăm Hoa và xuất bản liên tục hàng
chục tập thơ. Năm 1958, Nguyễn Bính trở về sinh sống ở
quê nhà Nam Định và sau đó vào công tác ở Ty Văn hóa
Nam Định. Năm 1965, chiến tranh lan ra tới miền Bắc, ông
theo cơ quan di tản về huyện Lý Nhân. Ông qua đời đột
ngột vào ngày 20 tháng giêng năm 1966, nhằm ngày 29 tết
(không có 30) cuối năm Ất Tỵ, tại xã Công Lý, huyện
Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Trong
thời gian lưu lạc, ông yêu và cưới hai người vợ đầu
tiên ở miền Nam. Sau khi tập kết ra Bắc, ông có nhiều
vần thơ nhớ nhung về hai người vợ nầy trong các tập:
Gửi người vợ miền Nam (xuất bản năm 1955), Đêm
sao sáng (xuất bản năm 1962). Tình cảm của ông thật
tha thiết và lãng mạn: Trời còn có bữa sao quên mọc.
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em… (Đêm sao sáng).
Hơn
30 năm sáng tác, Nguyễn Bính để lại một sự nghiệp đồ
sộ gồm cả ngàn bài thơ và nhiều truyện thơ, kịch
thơ, chèo… cùng với 20 tác phẩm đã xuất bản.
Nguyễn
Bính có nhiều bài thơ hay, được nhiều người biết
đến, thật khó chọn một bài tiêu biểu. Tôi xin giới
thiệu bài thơ đậm hào khí một thời lưu lạc của
Nguyễn Bính, và cũng là một bài giang hồ độc đáo: Hỡi
ơi trời đất vô cùng rộng. Ta biết tìm đâu một
mái nhà… Bài thơ nầy cùng với bài Hành phương Nam
chứng tỏ Nguyễn Bính không chỉ là một nhà thơ chân
quê.
TRỊNH
BỬU HOÀI
ĐÊM MƯA ĐẤT
KHÁCH
Một
thân lận đận nơi trời xa
Nằm nghe mưa rơi trên mái nhà
Gió bắt vào thu đầy tiếng lá
Đời tàn mộng đẹp tiếc xuân qua
Long đong mưa nhỏ gieo từng giọt
Vắng lặng không nao một tiếng gà
Chờ nửa vầng trăng, trăng chẳng
lại
Đêm dài đằng đẵng đêm bao la…
Cũng may cho những người lưu lạc
Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà
Mấy tháng chưa nguôi sầu hận cũ
Nằm đây chăn chiếu của người ta
Đĩa đèn chết đuối thân hồ hải
Chung Tử đi rồi lẻ Bá Nha
Khá thương nghìn dặm thân làm khách
Nằm đọc Liêu Trai bạn với ma
Run run song ngỏ bàn tay lạnh
Phảng phất giường đen, dải áo là
Bữa mộng ân tình say đến sáng
Bài thơ tâm sự nghĩ không ra
Chuyến đò thân thế đưa toàn hận
Bãi cát phù sinh đổi tháp ngà
Đổi thay gớm mặt người thiên hạ
Giường mộng thương cho gái nõn nà
Đất khách Mai Sinh cười phụ bạc
Đêm dài Hàn Tín mộng vinh hoa
Ở đã không đành đi cũng dở
Thân này há ngại chuyện xông pha
Sàng đầu kim tận từ hôm đó
Tráng sĩ vô nhan cực lắm mà
“Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”
Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà!
Có như mắt Tịch xanh mà uổng
Đất khách cùng đường ta khóc ta
Mưa mãi mưa hoài mưa bứt rứt
Đêm dài đằng đẵng đêm bao la…
Sài Gòn 1943
NGUYỄN BÍNH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét