Nhà thơ Bích Khê
Kỳ 12:
B
Í C H K H Ê
Bích
Khê tên thật Lê Quang Lương, sinh ngày 21 tháng 2 năm Bính
Thìn, nhằm ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại quê ngoại làng
Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi; lớn lên ở
quê cha làng Thu Xà, huyện Tư Nghĩa, cùng tỉnh.
Bích Khê xuất thân
từ gia đình Nho quan. Ông nội là Lê Trọng Khanh, thời Tự
Đức đỗ cử nhân và làm quan tới chức Viên ngoại
lang, là người liêm chính, khí tiết. Mẹ Bích Khê là bà
Phạm Thị Đoan, gọi bà Từ Dũ là tổ cô. Bà có nhan sắc
nên được vua Thành Thái chọn tuyển vào cung nhưng bà
vội lánh mặt về Quảng Ngãi. Nơi đây bà đã gặp cha
Bích Khê là ông Lê Quang Dục, biệt hiệu Mai Khê, con
trưởng nam của ông Lê Trọng Khanh. Ông Lê Quang Dục gặp
bà Đoan là người vợ thứ hai, có được bảy người
con và Bích Khê là con út.
Bích Khê học tiểu
học ở Thu Xà, sau ra Đồng Hới học tiếp và lấy bằng
tiểu học Pháp Việt. Năm 1929 ông ra Huế học ở trường
dòng Pellerin và đậu trung học. Năm 1932 ra Hà Nội học
thi ban tú tài. Bích Khê học rất giỏi, nhưng dở dang vì
lòng thương người, ông bỏ học lấy tiền gia đình chu
cấp giúp đỡ, đùm bọc người bạn nghèo mồ côi.
Từ năm 1928, Bích
Khê đã làm thơ, ban đầu là những bài thơ Đường luật
và ca trù. Ông có bài đăng trên báo Tiếng dân
(Huế), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Đông tây
(Hà Nội)… có khi ký bút hiệu Lê Mộng Thu. Năm 1935 ông
gom được hơn 100 bài, gộp chung thành tập Mấy dòng
thơ cũ. Sau đó, ông chuyển sang làm thơ mới và tập
thơ nổi tiếng Tinh huyết ra đời năm 1939 với lời
tựa của Hàn Mặc Tử, bạt của Trọng Miên và do Trong
Miên đứng tên xuất bản.
Năm 1934, Bích Khê và
người bạn mồ côi cùng chị gái là Lê Ngọc Sương vào
Phan Thiết mở trường tư Hồng Đức để dạy học kiếm
sống. Trường đang tạo được uy tín và đông học sinh
đến học thì chị Ngọc Sương bị Pháp bắt vì tội
hoạt động cách mạng và giải về Quảng Ngãi giam giữ.
Người bạn mồ côi nhân cơ hội nầy loại Bích Khê ra
khỏi Ban quản trị để độc chiếm ngôi trường. Bích
Khê ngao ngán, buồn đời bỏ đi lang thang một thời gian
rồi quay về quê nhà Thu Xà vào năm 1936.
Hai năm sau, chị Ngọc
Sương ra tù, cùng Bích Khê trở lại Phan Thiết mở trường
tư thục mới lấy tên Quảng Thuận. Hai người mời ông
Lạc Nhân Nguyễn Quí Hương (sau nầy là chồng chị Ngọc
Sương), nguyên là thư ký tòa soạn báo Tiếng dân
và là nghị sĩ của Viện dân biểu Trung kỳ, vào cọng
tác với trường. Nhưng trường cũng chỉ tồn tại được
hơn một năm phải đóng cửa vì lý do chính trị. Lúc nầy
Bích Khê đã nhuốm bệnh, thường bị đau ngực. Ông về
quê rồi ngao du qua một số tỉnh miền Trung và vào Sài
Gòn.
Năm 1942, bị bệnh
phổi nặng, Bích Khê nhập viện điều trị tại viện
lao Pasquier. Được gần một năm, thấy bệnh không thuyên
giảm ông trở về quê nhà, về với núi Ấn sông Trà yêu
thương, về với vòng tay người mẹ hiền nồng ấm. Và
ông qua đời trên tay người mẹ hiền ấy vào ngày 17
tháng 1 năm 1946, nhằm ngày rằm tháng chạp năm Ất Dậu.
Cuộc đời tình cảm
của Bích Khê cũng lắm truân chuyên và phức tạp. Người
tình đầu của ông, cô gái mảnh mai ở Phan Thiết tên là
Song Châu. Cô là học trò của Bích Khê ở trường Hồng
Đức. Khi trường Hồng Đức lọt vào tay người khác,
Bích Khê ra đi thì mối tình ấy cũng tan vỡ. Sau đó một
thời gian, Bích Khê quen với một cô gái ở Mũi Né (Phan
Thiết) là Bích Thủy, từ Sa Kỳ vào, rất yêu thơ Bích
Khê. Hai người nảy sinh tình cảm nhưng Bích Khê vốn là
người mơ mộng còn Bích Thủy là người phụ nữ thực
tế, cứu cánh của tình yêu phải là hôn nhân. Khi trở
vào Phan Thiết mở trường Quảng Thuận, Bích Khê gặp
Ngọc Kiều, một học sinh của trường có gương mặt
xinh đẹp và phúc hậu. Bích Khê đã tỏ tình bằng thơ,
hai người yêu nhau say đắm nhưng mối tình nầy cũng
không trọn vẹn do gia đình Ngọc Kiều không chấp nhận
chàng thi sĩ nghèo Bích Khê. Khi Ngọc Kiều làm áp lực và
được gia đình đồng ý thì Bích Khê lại tự ái khước
từ.
Mối
tình nào cũng để lại dấu ấn trong tâm hồn Bích Khê
và ông có nhiều bài thơ viết cho những người tình của
mình. Bích Khê còn mang một mối tình đơn phương với
Minh Sim, người phụ nữ góa chồng và mất con, có một
thời theo chị em Bích Khê vào dạy học ở trường Quảng
Thuận. Khi sắp qua đời, Bích Khê mới thố lộ mối tình
thầm nầy với chị Ngọc Sương và nhờ trao lại một
xấp thư cho Minh Sim. Chị Ngọc Sương quá bất ngờ và
lúc đó Minh Sim lưu lạc nơi đâu cũng chẳng biết.
Bích
Khê có những người bạn văn rất thân thiết là Hàn Mặc
Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan và Trọng Miên. Ba
mươi năm ngắn ngủi trên đời và mười mấy năm sáng
tác, Bích Khê đã để lại các tác phẩm: Mấy dòng
thơ cũ, Tinh huyết (Trọng Miên xuất bản 1939,
Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản 1996), Tinh Hoa
(Nhà xuất bản Hội nhà văn 1997), Thơ Bích khê (thơ
tuyển, Sở Văn hóa và thông tin Nghĩa Bình xuất bản
1988).
Thơ Bích Khê trữ tình, lãng mạn và có sức sống điên
cuồng, mãnh liệt. Ông ôm cõi thực đi vào chiêm bao, đưa
chiêm bao vào chốn linh diệu của tâm hồn. Ô hay
buồn vương cây ngô đồng. Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh
mông (Tỳ bà), thơ mộng vô cùng nhưng có nhiều câu
rất táo bạo, ngất ngây: Nâng lên núm vú đời. Sữa
trăng nhỉ nhỉ giọt (Xuân tượng trưng), một
lối viết liên tưởng tượng hình và gợi cảm.
Tôi
xin giới thiệu một bài thơ tiêu biểu của phong cách
sáng tác Bích Khê: Nàng là tuyết hay da nàng tuyết
điểm. Nàng là hương hay nhan sắc lên hương. Mắt
ngời châu rung ánh sáng nghê thường. Lệ tích lại sắp
tuôn hàng đũa ngọc… Đó là bài Tranh lõa thể,
trích từ tập Tinh huyết.
TRỊNH
BỬU HOÀI
Thủ bút Bích Khê
T R A N H L Õ A T H Ể
Dáng tầm xuân uốn trong tranh
Tố Nữ,
Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi nầy?
Nàng
ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Ðến triển lãm cả tấm
thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết
điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt
ngời châu rung ánh sáng nghê thường;
Lệ tích lại sắp
tuôn hàng đũa ngọc.
Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái
tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú
nàng! hai vú nàng! chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm
ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!
Tôi
run run hãm lại cánh hồn si...
Ồ hai tay rơi chén ngọc
lưu ly,
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả,
Cho tôi nàng!
cho tôi nàng! tất cả…
Tôi miên man uống lại mộng
quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,
Một
tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.
Tiên nương hỡi! nàng
sống trên thế hệ,
Bóng thời gian phải quỵ dưới
chân nàng
Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng
tang!
Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh!
Cớ
làm sao nâng niu bầu giá lạnh,
Ấp tranh người, lơ
đãng ngắm thi nhân?
Hay nàng nhớ nhung các phượng đền
lân?
Hay nàng ước mơ tình trong trắng ngọc?
Ôi!
nàng ôi! Làm sao nàng chẳng khóc
Người thi nhân, vẻ
đẹp của khiêu dâm
Trăng thanh tịnh còn lóng
trong thơ câm,
Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ?
Ôi!
Nàng ôi! thốt lên, lời ngọc nữ,
Lời trân châu rúng
cả phím lòng tôi...
Ngọc Kiều! Ngọc Kiều! Ðến
cặp song đôi
Cho tôi đọ vẽ hương trời sắc nước,
Vẽ
huyền diệu ứ men say lướt mướt,
Vẽ yêu tinh dồn
giận thấu vô gan,
Ta thiếp đi - trong một phút mê
loàn
Xuống muôn đợt rồi bay lên tột bực...
BÍCH KHÊ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét