Khi chiếc phi cơ của hãng hàng không Vasco chạm bánh vào phi đạo của sân bay Cỏ Ống, tôi biết chắc rằng mình đã thực sự thực hiện được tâm nguyện của 45 năm trước. Một cảm giác lâng lâng khó tả. Năm 1970, khi ngồi chờ lên tàu để trở lại đất liền, với tâm thế của một người tù chính trị, nhìn núi cao trước mắt, nhìn hàng dương lặng lẽ u uất trĩu buồn, tôi nhủ thầm với mình: ta nhất định trở lại đây một cách hiên ngang của kẻ chiến thắng.
Thế rồi, với bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, lời hẹn năm xưa đành gát lại. Thật ra, cũng có một vài dịp, được cơ quan cho đi theo dạng tham quan du lịch, nhưng không may lại gặp lúc đau bệnh ngặt nghèo, nên rồi đành... hẹn lại lần sau.
Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, và mình cũng đã nghỉ hưu được vài năm, sức khỏe hình như có phần phục hồi trở lại, nên quyết định cùng đòan “Chiến Sỹ Cách Mạng Bị Địch Bắt Tù Đày” tỉnh Bình Dương “ trở lại chiến trường xưa” một chuyến. Cũng may, nhờ là thành viên của ban tổ chức nên hình như vị bác sỹ của Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh cũng “châm chước” chăng”? Cách ngày đi khoảng một tuần, đoàn tham quan du khảo được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Nhìn nhiều cụ trên 70 tuổi - đặc biệt là các cụ nữ vui vẻ bước ra khỏi phòng khám mình thấy an tâm. Ôi! Các vị ấy còn qua được thì mình chắc ăn thôi. Hơn nữa, vài năm gần đây mình cũng đã đi máy bay nhiều có gì mà lo. Ấy vậy, nhưng khi vừa đo huyết áp xong, vị bác sỹ nhìn mình ái ngại: Huyết áp anh cao quá, 17/9 làm sao đi được. Tôi ngạc nhiên: “Tôi bình thường, có nghe gì đâu”. “Trước giờ anh đã từng uống thuốc huyết áp chưa?” “Chưa, có lẽ do nãy giờ loay hoay chụp hình nên huyết dao động hay sao đó”. “Thôi, tôi kê đơn anh mua thuốc uống vài ngày xem sao”.
Rồi thôi, tới ngày đi tôi cũng không được gọi kiểm tra lại và tôi cũng chẳng uống viên thuốc huyết áp nào. Tôi biết, sự dao động của huyết áp thường khi lại đến từ một bệnh khác, đó là rối loạn tiêu hóa, mà chỉ có mình mới nghiệm ra sau nhiều năm đấu tranh với bệnh tật.
Bởi vậy, khi phi cơ đáp an toàn xuống sân bay Cỏ Ống, tôi và cả đoàn vẫn bình thường, khỏe mạnh. Tôi hiểu rằng chúng tôi đã chiến thắng bước đầu: vượt qua được tuổi già và bệnh tật. Tôi nhanh chóng bước xuống đầu tiên để kịp ghi lại hình ảnh đoàn xuống máy bay. Những chiếc khăn quàng cổ tung bay phần phật trong gió trời lồng lộng như tôn lên hình ảnh những người chiến binh đang bước qua khải hoàn môn. Trong tâm thế của người chiến thắng, Côn Đảo hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh kỳ vĩ nhưng thân thiện. Biển xanh tít tắp và rừng nguyên sinh bạt ngàn vẫy tay chào đón những người con trung dũng năm xưa trở về nguồn cội. Còn cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí nơi đây “dễ thở quá ”. Quả thật chưa có nơi nào trên đất nước này tôi đã đi qua mà có được không khí trong lành như ở đây. Chiếc xe đưa mọi người từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện lỵ như bay bay giữa trời mây và biển xanh tít tắp, hay lòng người bay bay trong niềm vui vỡ òa ngày trở lại.
Chưa đầy 3 ngày ở Côn Đảo, nhưng cũng cho chúng tôi những cảm nhận khó quên. Khi tôi rời khỏi nơi này năm 1970, những nhà tù chỉ có số: 1, 2, 4, 5, 6... Tôi ở nhà tù số 6- trại 6. Đây là trại tù được dựng tạm bằng nhà dù và sạp nằm cho tù bằng cây rừng, chung quanh là nhiều lớp kẽm gai. Không tù túng bức bối như những trại tù từ số 1 đến số 5, nhưng trại 6 lại hứng chịu đủ mọi biến thiên của thời tiết từ nắng - gió đến nóng - lạnh vì nó lồ lộ giữa trời như một trại lính dựng tạm. Thế nhưng tù nhân thì không ở tạm. Có người đã nhiều năm sống trong “trại lính tạm” này. Bởi vậy, chỉ ở đây mới có những bữa cơm pha cát. Vào mùa gió nhiều, khi ăn cơm chan canh, thì dưới đáy chén thường còn lại một lớp cát. Không phải người ta cố tình cho cát vào gạo, mà có lẽ vì những cơn gió quá lớn và liên tục đã mang cát bụi đi khắp nơi, đổ vào bất kỳ những chỗ nào có thể. Nói thế để thấy, mỗi trại tù có những kiểu khó khăn riêng. Nhưng bây giờ nó chỉ còn trong ký ức của những người đã sống nơi đây, còn trên thực tế nó không còn hiện diện vì đã mục rã theo thời gian. Gần nửa thế kỷ còn gì.
Vậy là tôi không còn được đến nơi mình đã từng sống một thời gian khá dài. Nhưng đoàn chúng tôi cũng được thăm lại một số nhà tù cũ như Trại Phú Tường, Phú Hải... Nơi đây trong những ngày đầu đến Côn Đảo, chúng tôi cũng đã được “nếm trải” trước khi chuyển chính thức đến trại 6. Cái lạnh buốt da của gió biển và nền xi măng trần trụi; cái mùi hôi hám của sản phẩm vệ sinh tồn ứ trong không gian nặng mùi tử khí hơn sinh khí là những gì tôi cảm nhận về các trại này. Thật ra không phải chỉ có vậy. Hôm nay trở lại đây mới thấy hết những hình phạt ác nghiệt mà anh chị ở những trại này gánh chịu. Có những nữ tù suốt đời không còn khả năng sinh sản vì đòn tra tấn độc ác; có những người tù vĩnh viễn nằm lại nơi đây vì chuồng cọp, chuồng bò, lò vôi, cầu tàu, hòn cau, bảy cạnh... Hai chục ngàn “sinh linh đang trú ngụ" ở nghĩa trang Hàng Dương là con số của những cái tát tai vào chế độ thực dân đế quốc, đồng thời lại là những tràng vỗ tay kiêu hãnh của hàng triệu hàng triệu đồng bào yêu nước Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh. Nếu nhà tù với những huyền thoại được viết bằng máu và nước mắt, thì nghĩa trang Hàng Dương lại trở thành bản anh hùng ca tuyệt vời ngân vang những âm ba cao vút: Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thời... Họ đã đến, đã ở lại đây và mãi mãi trong lòng dân tộc.
Ngoài những “kỳ quan” về lịch sử, một điểm nhấn khá ấn tượng của Côn Đảo hôm nay là cảnh quan và môi trường. Hầu hết những con đường chính của Côn Đảo hôm nay đều được trải nhựa khang trang sạch đẹp. Những hàng cây bàng rợp mát ven đường không hề muốn che giấu nét sù sì cổ tích của mình. Không gian ở những cung đường này như lắng lại, như suy tư về một thời nghiệt ngã đã qua hay để chiêm nghiệm về một bước đi cho Côn Đảo hôm nay: Truyền thống hay hiện đại? Có vẻ như tôi đã lạc đề: truyền thống và hiện đại có gì mâu thuẫn nhau đâu, phải không? Chỉ cần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến đâu đi nữa mà đừng để truyền thống mai một, thì Côn Đảo vẫn là Côn Đảo. Có khi là Côn Đảo ở tầm cao mới thì sao.
Mong được như vậy, nhưng tôi vẫn lo. Những nhà hàng khách sạn bây giờ không còn ít như xưa. Nhiều nhà hàng khách sạn 5 sao, siêu sao khác đang thi công ồ ạt hứa hẹn một Côn Đảo sầm uất không xa. Chỉ mong sao “rác rưởi" của ngành công nghiệp du lịch không làm ô uế cái hồn của một “... Côn Sơn đi dễ khó về...”
Có những cuộc hẹn, lời thề không bao giờ thực hiện được. Tôi may mắn đã trở lại Côn Đảo đúng vào dịp kỷ niệm 40 ngày hòa bình thống nhất đất nước. Có thể nói mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng chí đồng đội khác- đặc biệt là những người vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ, bài viết này xin như một nén hương thơm tri ân và vinh danh những người con trung dũng kiên cường của đất nước.
Tháng 9/2015
V.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét