Cô gái ngồi bàn đối diện góc bên trái bước thong thả đến phía bàn Huyên, đầu hơi cúi, mái tóc đổ xuống lòa xòa – từng bước chậm nhưng chắc, trông còn rất trẻ. Nàng tiến lại gần, đứng bên Huyên: “Em chào thầy!”.
Chống hai cùi tay lên mặt bàn, Huyên ngước nhìn thẳng vào gương mặt đang nở một nụ cười thân thiện, cũng đang nhìn anh lạ lẫm:
- Xin lỗi, cô có nhận lầm không?
- Dạ, không…
- Tôi không làm nghề dạy học cơ mà?
- Nhưng – cô gái cười hồn nhiên, có thời gian thầy làm “gia sư”, đúng không?
- À! Huyên cười – chuyện vặt vãnh làm thêm kiếm chút tiền ấy, đâu được xứng đáng để cô gọi là “thầy”?
- Em xin lỗi, em nghe người xưa có dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” cơ mà? Nàng lại cười, huống chi thầy đã dạy em suốt một mùa hè!
- Cô ở Sài Gòn?
- Thưa không. Trước đây em và gia đình sống ở Qui Nhơn…
Huyên gắng nhớ lại, chỉ có một mùa hè duy nhất anh quyết định về quê sống với chị vào năm cuối đại học, anh có nhận dạy thêm hai môn toán và Anh văn cho hai chị em con một nhà thầu khoán nổi tiếng giàu có ở thị xã qua sự giới thiệu của cậu một người bạn, để đỡ gánh nặng cho chị. Nàng là Miên chăng?
- Em là Miên…
- Dạ… Vậy là thầy đã nhớ ra em! Miên cười, hai má lún đồng tiền.
- Hơn hai mươi lăm năm rồi, còn gì? – Huyên thở dài - chợt cười, em đang ngồi với ai vậy?
- À! Với cô bạn cùng công ty… Nàng quay nhìn sang bàn người bạn đang theo dõi mình - không sao đâu thầy. Tụi em là bạn thân, gặp nhau hằng ngày mà…
- Em ngồi chơi một lát được không?
- Dạ, được…!
Miên kéo ghế ngồi đối diện Huyên, vẫn ánh mắt nhìn thẳng, như hai tia sáng soi rọi vào Huyên, không chớp! Huyên thoáng nhớ lại đôi mắt ngày xưa mỗi khi cắm cúi vào tập vở, thỉnh thoảng ngước nhìn lên, bắt gặp đôi mắt Huyên như chạm phải lửa, vội vàng cụp xuống; đã hơn hai mươi lăm năm rồi mà vẫn ngời sáng những tia chớp kỳ diệu.
- Em uống chút gì nhé?
- Dạ…
Chờ cô hầu bàn mang ly cam vắt ra đặt trước mặt Miên, quay vào – Huyên nói:
- Em gọi “anh” cho thân mật, nhé?
- Dạ…
- Em vào Sài Gòn thăm chơi hay sao?
- Thưa không, em làm việc ở đây đã ba năm rồi…
- Còn trước đây?
- Em sống với gia đình ở Đà Lạt, anh ạ!
Hai người cùng nhìn nhau, im lặng.
- Em xin lỗi, còn anh - sau mùa hè dạy em, anh làm gì, ở đâu, mà em không hề biết tin tức? Miên khẽ cười - em có đến thăm nhà chị Phụng ở khu Sáu, nhưng hình như chị không còn ở đó nữa?
Vừa ngắm nhìn lại khuôn mặt Miên bây giờ, vừa nghĩ nhớ lại cô gái của tuổi 16 trước đó; anh cảm thấy cuộc biển dâu đã làm đồi thay nét hồn nhiên nơi Miên, nhưng không thể làm suy suyển tấm chân tình ngày nào. Hai mươi lăm năm – một tình cờ, đời sống giống như vòng quay duyên mệnh, khó có thể ước tính, dự đoán được! Mà đời sống, lại đôi khi, chịu tác động mãnh liệt do những giây phút tình cờ nhiệm mầu ấy…
- Anh đang nghĩ gì vậy? Miên cười hiền, còn nhớ ánh mắt “trộm nhìn” đùa nghịch ngày nào không?
- Anh rất nhớ, và cảm thấy rất khó hiểu em ạ! Huyên cười dễ dãi.
- Em khó hiểu, hay anh?
- Cả hai…
Buổi sáng ngồi bên nhau chưa được một giờ, nhưng dĩ vãng đã đưa Miên đến gần Huyên như đã bên nhau từ thuở nào. Những kỷ niệm một thời được bày tỏ không giấu giếm với những tiếng cười thanh thản, tươi trẻ, đã khiến Huyên cảm thấy rất hạnh phúc sau bao năm lận đận, lầm lũi, an phận.
Huyên chợt liếc nhìn cô bạn Miên đang ngồi tư lự một mình, cảm thấy mình đã làm phiền cô ta khá nhiều! Huyên nhắc Miên đến với cô bạn đang ngồi chờ, mà nàng đã quên bẵng.
Anh lấy ở túi áo đưa cho nàng tấm carte visite, rồi chào tạm biêt nàng…
Miên đứng dậy đưa tay về phía Huyên – anh không bắt, mà nắm lấy, đưa lên môi hôn…
Gương mặt Miên chợt đỏ hồng…
Năm 1978 Huyên lập gia dình với Liên - cô kế toán của công ty Điện lực thị xã, cùng nơi anh đang công tác với chức vụ phó phòng kỹ thuật. Năm 81, trong kỳ biên chế sắp xếp lại nhân sự, Huyên được lãnh đạo “động viên xin nghỉ việc”. Lời nói ngắn gọn của viên trưởng phòng nhân viên tuy rất nhẹ nhàng, nhưng Huyên nghe như tiếng gầm của cơn bão nổi! Mấy năm thắt lưng buột bụng làm việc cật lực trong thời khó khăn để rồi nhận lấy lời “động viên” đơn giản mà quá đau xót! Huyên tự nhận biết lý do anh phải làm đơn xin nghỉ việc, thay vì nhận tấm giấy sa thải phũ phàng. Hai mảnh giấy ấy tuy tên gọi khác nhau, nhưng cùng một mục đích.
Cầm mảnh bằng kỹ sư điện đi gõ cửa nhiều nơi, nhưng máy móc, điện đài lúc nầy đâu cần bằng lúa gạo, khoai bắp? Chị Huyên cũng vừa được phường mời lên làm việc, và khuyên nên “thu xếp để đi kinh tế mới sản xuất” trong tuần trước. Ông phó chủ tịch phường nói: “Bà con trong phường đã bình chọn gia đình thiếm thuộc vào diện đi kinh tế mới đợt 2…”. Chị đã vội bán đổ tháo căn nhà gom góp một đời, thu gọn ít vật dụng, cùng hai đứa con nhỏ lên chiếc xe GMC chờ sẵn để đến vùng núi rừng cao nguyên Pleiku mà chị chưa hề nghe tên, cùng vài chục hộ trong phường. Chồng của chị vào năm 71 cũng đã chết ở miền vùng núi hiểm trở ấy mà không tìm được xác!
Tiễn chị lên xe, mà Huyên cảm thấy như cuộc chia ly sẽ ngàn trùng xa cách!
Sau nhiều lần cầm đơn đi xin việc không kết quả, Huyên đã nghĩ đến việc phải vào Sài Gòn, để tìm cơ hội sinh sống. Sài Gòn luôn là nơi có thể dung nạp những kẻ thất thế, những mảnh đời cô độc. Anh nói ý định ấy với Liên – nàng trả lời: “Dễ thôi, anh đi đâu thì cứ đi nhưng phải mang cả hai đứa nhỏ theo!”. Một thân ra đi chưa biết sẽ ra sao, đem theo hai con nhỏ thì xoay xở thế nào? Huyên nhận ra sự thay đổi của Liên trong vòng hai năm nay, với những câu nói ngắn ngủi mà hóc hiểm, thách thức; làm anh thêm khổ tâm. Anh đang cần sự chia sẻ, cảm thông, để vượt qua cơn dông tố của cuộc đổi thay dâu biển của đời sống, nhưng Liên đã thản nhiên, lạnh lùng! Nàng là cháu của giám đốc, tương lai đang mở ra tươi sáng, chứ đâu đang lần mò vào ngõ cụt như anh? Có ai đã thương người hơn thương mình trong thời buổi này?
Huyên dần nhận ra sự thơ dại của mình về mơ ước tuổi trẻ mà Liên đã vẽ ra trước đây cho anh trong những bức thư hẹn hò rằng sẽ có “một túp lều tranh hai quả tim vàng”; là không hề có thực! Đời sống ngày càng bức bách, điên đảo, tha hóa, làm sao quả tim yếu mềm kia sẽ còn nguyên vẹn mãi để lóng lánh ánh vàng? Không thương yêu nhau, không hy sinh vì nhau, thì sự chia ly ắt sẽ đến thôi! Một mái gia đình không thể dung chứa hai trái tim giá lạnh.
Sau ngày ly hôn với Liên vào cuối năm 1990, Huyên dẫn theo hai con tìm lên Krông Chro thăm chị, nhưng chị đã quay về thị xã Pleiku sống nhờ nhà người chị chồng, để ngày hai bữa ra chợ kiếm sống nuôi con, khi đôi bàn tay gầy yếu của chị không thể chặt phá rừng hoang bao đời làm rẫy. Chị đã nấn ná cầm cự với nắng, gió, cơ cực để bám vào đất, cho đến ngày đứa con nhỏ 6 tuổi của chị mất, vì bệnh sốt ác tính; chị mới bỏ rừng ra đi…
Gặp chị, Huyên vội vã gởi cho chị một ít tiền đã dành dụm để chị làm vốn mở quán tạp hóa nhỏ ven đường, và xin gởi hai con cho chị nuôi giúp. Cầm gói tiền của Huyên trong tay mà đôi mắt chị rưng rưng, hoe đỏ. Ngày hai bữa thì chị sẽ lo cho cháu ăn no được, nhưng làm sao cho chúng vui khi mới ở vào tuổi lên sáu, lên tám mà đã sống không có cha mẹ bên cạnh?
Chị ấm ức khóc. Huyên đã nói với chị đến lần thứ ba trước khi lên xe vào Sài Gòn: “Chị yên tâm coi sóc giúp hai cháu, em vào lo ổn định việc làm, chỗ ăn ở, rồi sẽ quay về đón hai cháu ngay thôi!”.
Miên học xong cử nhân kinh tế thì gia đình tổ chúc đám cưới cho nàng với cậu con trai người bạn thân của cha Miên, tên là Hy - chủ một đồn điền trà, café ở Lâm Đồng. Nàng nghe nhiều người kể, yêu thương rồi cưới nhau, cũng đâu có gì chắc mãi mãi bên nhau trăm tuổi? Nhưng, sau tám năm sống với Hy không sinh con, khiến Miên đau buồn hơn với hy vọng tình yêu và hạnh phúc sẽ đến sau ngày cưới bất ngờ. Miên khổ tâm hơn là Hy ngày càng cách xa nàng nơi căn biệt thự riêng ở Blao được xây dựng sau mấy mùa bội thu café vào năm 95. Nàng sống ở Đà Lạt một mình với người giúp việc – ngôi nhà của cha mẹ Hy để lại cho vợ chồng Miên, trước ngày sang Mỹ đoàn tụ với hai người chị Hy đã định cư từ sau năm 75. Nhà cửa thì to lớn, mà tình thương thì trống không, lạnh lẽo. Người ta dễ chen chúc sống trong một ngôi nhà tranh nho nhỏ, mà rộn rã tiếng cười, hơn sống trong sự trống vắng lặng lẽ nơi ngôi biệt thự sang trọng. Đà Lạt là xứ sở của muôn hoa tươi thắm, quang cảnh thơ mộng, hữu tình; nhưng Đa Lạt chỉ dành chỉ những đời sống hạnh phúc, những cặp đôi mặn nồng yêu thương, chứ không phải là nơi của những kẻ cô độc, bất hạnh như Miên. Hằng ngày sống giữa Đà Lạt ngàn hoa đua sắc, mà nàng luôn cảm thấy chính mình đang là một cánh hoa héo tàn! Nàng oán trách cha mẹ đã không cho nàng kịp có thời gian sáng suốt để quyết định lấy cuộc đời mình. Nàng vẫn biết, bậc cha mẹ nào cũng luôn mong muốn cho tương lai con sung sướng, nhưng thước đo hạnh phúc của họ chỉ là sự giàu có, mà cuộc đời đâu đơn giản như đo đạc ruộng vườn, nhà cửa? Nàng lại cảm thấy đời mình như tấm ván đã được đóng thuyền, như con cá tội nghiệp đã mắc câu rồi…
Hy tiếp tục sống ở căn biệt thự giữa đồi thông trong khu đất của vườn trà cách biệt, với đám bạn không rõ từ đâu, ngày càng nhiều, thâu đêm bày tiệc truy hoan la liệt. Nghèo hèn ở giữa phố chợ không ai màng đến, còn giàu sang ở trong rừng như Hy, khách vẫn luôn đông! Miên đã bất ngờ đến thăm Hy hai lần, lần nào nàng cũng cảm thấy cuộc sa đọa của Hy và đám bạn khiến nàng xa lạ, hụt hẫng. Lần đầu, nhìn vào từ ô cửa sổ, Miên chỉ thấy ánh đèn lờ mờ, một đám nam nữ hỗn độn, chăm chú nhìn lên màn hình 100 inch đặt trên cao giữa phòng đang mở một cuộn băng sex. Miên lạnh người, lặng lẽ quay ra đường mòn, trở về Đà Lạt. Lần thứ hai, nhìn thấy Hy đang ôm ấp một thiếu nữ trẻ tơ; gặp Miên, Hy đã nói thẳng: ”Em cần gì thì cứ phone cho anh, không cần phải xuống đây nữa!”.
Miên nhớ lại lần sau cùng nhắc Hy cùng đến bệnh viên Từ Dũ để xin làm các mẫu xét nghiệm nguyên nhân hiếm muộn cho cả hai người, nhưng Hy đã la lên: “Cô có muốn, thì cứ đi. Tôi không cần con kiến gì cả!”.
Nhìn thấy Miên ngồi co ro im lặng một góc giường, Hy đã hằn học: “Cô muốn có con, thì cứ mang con về đây, tôi nuôi cho!” – rồi bỏ đi xuống Blao, suốt mấy tuần không về. Miên viết đơn xin ly hôn, nhưng Hy không chịu ký. Nỗi khao khát được làm mẹ, về một đứa con bên đời sống tẻ nhạt, đã làm Miên suy kiệt từng đêm. Nàng tự đếm tuổi mình, từng năm, với những cơn ác mộng… Nàng tự dằn vặt mình với những khao khát, những ước mơ, những ảo ảnh đến bơ phờ, ngơ ngẩn! Lần đầu tiên trong đời người con gái, Miên cảm thấy luôn khao khát được yêu thương, được ân ái như bao người con gái khác quanh mình, nhưng đã gần hết nửa đời người nàng vẫn lặng im với nỗi chịu đựng đau xót! Nàng đã luôn tự trách: “Sao phận mình hẩm hiu, bất hạnh đến vậy?”
Cuối cùng, Miên đã nghe theo lời khuyên của cô em gái, quyết định về Sài Gòn sống với em, và xin được một chỗ làm ổn định ở công ty thương mại dịch vụ Shentex Saigon từ năm 97. Cô em gái cũng đã đưa Miên đến bệnh viện Từ Dũ để khám và chẩn đoán bệnh hiếm muộn, nhưng từ kết quả phụ khoa, làm Pap’s, siêu âm, nội tiết, đến chụp HSG của Miên đều cho kết quả rất tốt! Nàng đang ở vào tuổi bốn mươi…
Huyên cũng đã chọn quán Tulips để gặp lại Miên lần thứ hai. Nơi đây, lần đầu tiên sau bao năm tháng thăng trầm, phiêu bạt, Huyên đã gặp Miên như một duyên lành còn lại cho đời mình.
Miên trong bộ váy mầu huyết dụ ngời sáng, tươi trẻ, đang bước lại.
Huyên đứng dậy:
- Chào em…
- Anh khỏe không?
- Khỏe! Anh rất vui gặp lại em…
- Em mới là ngươi vui nhất đây…
- Thôi, chúng ta cùng “cảm ơn nhau” đi nhé!
- Suốt đêm qua nhận được tin nhắn của anh, em không ngủ được – Miên khẽ cười.
- Sao giống anh vậy? Huyên cười hồn nhiên - khi đọc câu “Em rất hạnh phúc” anh tưởng như đang có em bên cạnh. Cảm giác như lần hẹn hò nhau đầu đời…
Một phút ngồi nhìn nhau.
- Miên ơi, giá thuở trước anh viết cho em cái thư tỏ tình, thì em tính sao? Huyên nhìn soi lên gương mặt bầu bỉnh, điểm phớt chút son phấn trắng hồng của nàng.
- Còn tính sao nữa? – Miên cười nao nức, em cũng rất mến thương anh, bộ anh không biết sao?
- Có biết, rất nhớ đôi mắt len lén nhìn lên của cô học trò…
- Tự nhiên chứ bộ… Miên cúi mặt, mái tóc đổ xuống.
- Thì anh cũng nói tự nhiên thôi! Một giây suy nghĩ, nhưng nhà em giàu quá…
- Giàu hay nghèo đâu có ăn nhập gì đến tình yêu của anh? – Miên lườm Huyên, lúc ấy anh đang có cô sinh viên nào ở Sài Gòn đang chờ rồi, phải vậy không, nói thiệt đi?
- Bây giờ thì đâu còn gì để anh “nói dối” với em nữa. Suốt tuần qua đêm nào anh cũng đã nói với em qua điện thoại: “Anh rất yêu quý em, Miên ạ!”
- Huyên ơi, anh biết đó – đời em đang rất cần anh…
Huyên cầm lấy bàn tay Miên, đưa lên môi hôn. Anh lại nhớ những lần “hôn em”qua điện thoại hay tin nhắn trước khi lên giường ngủ - và được đáp lại “hôn anh” rất ngọt ngào.
- Anh rất hạnh phúc…
- Cảm ơn anh, anh yêu!
- Em nhớ gọi cho anh mỗi đêm như cũ nhé!
- Anh gắng thức theo em được không?
- Dĩ nhiên là được, cho tới lúc nhìn thấy em ngủ say…
Xế chiều, quán vắng.
Khi chia tay, Huyên đứng dậy, ôm hôn Miên thật lâu, thật nồng nàn…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét