LẶNG - Truyện ngắn Trương Hồng Phúc
Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016
Bắt đầu rơi, từng giọt nước cứ thế mà lã chã, nhả hạt leo lên đẫm cả mi mắt rồi hoen dần gỉ xuống hai gò má cao vồng, lúc nào cũng ửng đỏ.
Chị - người phụ nữ trạc tuổi đôi mươi, vậy mà những nếp nhăn trên vầng trán đã không còn đếm được, chúng đua nhau xếp li, từng li, từng li… cứ như là đang ghanh ghét với mái tóc mà cọng nào cọng nấy cứ xoắn quăn lại của chị. Đôi bàn tay thô kệch, ráp rúa lúc nào cũng được bảo bọc bởi đôi bao tay vải lỗ chỗ vết “gián cắn”.
Chẳng ai nhìn được tận mặt chị, vì khuôn mặt của người phụ nữ kia luôn ẩn nấp sau một lớp vải của chiếc khăn tam giác bắt chéo qua hai bên mang tai. Kín bưng. Có lẽ, chị sợ ánh nắng Sài Gòn táp đen làn da chị chăng? Thậm chí, ngay cả mái tóc, vầng trán của chị cũng bị che khuất bởi bóng rợp của chiếc nón lá “kợp kụa”, tả tơi. Nắng thì nhẹ đầu, chứ còn mưa thì thôi, khỏi phải cân kí gì cả, chiếc nón ấy chắc cũng phải nặng đến cả vài kg chứ chẳng ít. Thế mà chẳng bao giờ người ta thấy trên đầu chị là chiếc nón khác, lúc nào cũng là nó; sở dĩ người ta dám khẳng định như vậy là vì trên chóp nón có một gút chỉ đỏ chói và trên nền trắng đã mốc meo đen đúa cả đi có một hàng chữ viết lông xanh lè “CHÓ ĐIÊN”.
Lạ! Tôi thắc mắc? Mà cũng chẳng có ai cho câu trả lời, họ chỉ lắc đầu, cười nhạt rồi như một sự chế giễu con người ấy: “chắc nó điên”.
Một buổi chiều mưa dài, cái nắng gắt chói chang của ông mặt trời thành phố hình như đang bị lấn áp bởi những thứ âm thanh đan cài của sấm, chớp, sét… đùng… đùng… Mưa! Cơn mưa đầu hạ bắt đầu vươn mình lên trong không gian ồn ã, tấp nập của xe cộ, nhà máy. Và cứ như thế, ào ào… gió lộng. Trên nền đường khô khan chỉ ít phút trước đây bây giờ đã tràn đầy cả nước; ngập cả bánh xe, nhà cửa… Mấy bà bán hàng rong rối rít tìm cho mình một thềm hè cao cao hay một bậc thang chân cầu vượt nào đó để tránh mưa; mấy đứa con nít, học sinh cấp 3 tại trạm xe buýt thì ríu rít vừa cười vừa la hét tưng bừng, chúng nhảy lên cả thành ngồi đợi để không bị ướt, vài đứa nghịch ngợm thì chạy cả ra lòng đường nước ngập nửa mình mà đùa giỡn, tạt nhau. Bỗng, một đứa khựng lại – con bé nữ sinh đang còn khoác trên mình bộ áo dài trinh nguyên đẫm nước rít sát vào người, nó trân người, ánh mắt hướng lên mặt tái đi đầy sợ hãi, nó kêu lên thất thanh: “Ma... a... a…”
Rồi như thành tâm điểm của sự chú ý, mọi ánh mắt đều tập trung vào nó, chợt tất cả đều im bặt. Đang lúc nô đùa nó va phải một “bà lão” ve chai, như chưa hiểu ra chuyện gì nó đã ăn ngay một cái tát bừng người bởi bàn tay đầy mùi hôi thối.
- “Đồ mất dạy!” – bà ve chai phát lên câu nói chỉ ba từ rồi lẳng lặng quay đi đầm đìa trong mưa.
Hốt hoảng, lũ nhỏ chạy vội vây quanh lấy bạn mình, mặt ngơ ngác thắc mắc. Còn bà ve chai đã mất hút đâu rồi. Phóng ánh mắt của sự tò mò vào bà ve chai, tôi đã men theo nãy giờ. Dáng đi ấy không phải của một bà già. Lanh lẹ, bước chân nhấc rất nhanh, thoăn thoắt vượt qua dòng nước. Vẫn cứ thế, ông trời cứ phun dài những ngụm nước lớn, mưa càng ngày càng to. Tắm mưa – sở thích ngàn đời, đó là lý do mà tôi có thể kiên trì theo chân bà ve chai.
Đi mãi đi mãi, qua mấy con đường, đến một cây cầu nhỏ bắc qua “kênh bèo tây” (tôi tạm gọi như thế vì mới đặt chân đến đất Sài Gòn chưa đầy tuần lễ. Người kia dừng lại, tôi bất ngờ như kẻ ăn vụng bị bắt. Vẫn ánh mắt ấy, ánh mắt sắc lẹm nhìn cô bé nữ sinh kia bây giờ lại xuất hiện, nhưng với tôi, đó không phải là sự sợ hãi, mà đó là tính tò mò vốn có. Sững lại một chút, tôi nhanh ý cười trừ: “Con cho cô cái này”, nhanh trí tôi đưa chai nước khoáng đang cầm trên tay cho bà ta. Tiến lại gần tôi, giật mình, trố đôi mắt to tròn đen láy của mình lên phía trên chiếc nón tơi bà ve chai đang đội, tôi im bặt. “CHÓ ĐIÊN” – đập vào mắt tôi là hàng chữ sơn đỏ lè trên chiếc nón tả tơi. Sợ, tôi sợ thật. Chị trợn mắt, chẳng nói chẳng rằng giựt lấy chai nước trống không rồi gầm gừ phì tôi một cái, chị quay phắt đi bỏ lại ánh mắt tôi trông với theo. Chị đi rất nhanh, thoắt một cái đã lao từ trên kênh xuống mương nước phía dưới rồi mất hút.
Như hoàn hồn tôi chạy lại chỗ ấy, phóng mắt xuống phía dưới, ôi chao, đen ngòm, tanh tưởi, hôi thối… Không biết là bao nhiêu loại rác thải, xác xúc vật chết nổi lềnh bềnh, ngổn ngang. Nhìn xa phía nữa, bất chợt thôi thấy một mái chòi lá xơ xác, đìu hiu, cô quạnh, màu vàng quạch của nó như nổi hẳn lên khỏi đám cợn nước đen đúa. Tôi thấy chị, không phải chị, là chiếc nón, chiếc nón cời rách bươm: “CHÓ ĐIÊN”, đó là đặc điểm nhận dạng của chị. Tôi bật cười, “lạ, cái thứ người”. Rồi như phía đó là nam châm, còn tôi là sắt, tôi bị hút lấy bởi căn chòi ấy. Chị lom khom đổ hết những thứ trong bao ra, xếp xếp, nhặt nhạnh, phân loại…
Trời chiều đã ngả bóng, lạ thay Sài Gòn hôm nay khác quá, không ồn ã, tấp nập như mọi khi, đoạn đường tôi đang đứng chỉ lác đác vài chiếc cup cũ kỹ qua lại, tiếng máy nổ xạch xạch của vài chiếc xuồng máy phía dưới cũng chẳng làm náo động cả khu này. Ráng chiều vàng sau cơn mưa thác đổ đang soi mình trên khúc kênh sạm tối này. Tôi ngơ ngác, vẳng lại đâu đây bên tai tôi tiếng ai đó đang du dương nhẹ nhàng “tôi thèm làm người điên”.
Chị hát ư? Phải không? Trong không gian này đâu còn ai tĩnh ngoài tôi và chị. Đi dọc thành cầu, đến đoạn cuối tôi rẽ mình thoắt nhảy xuống dòng nước phía dưới, tôi không quen mùi này, mùi rác phân hủy xộc thẳng vào mũi tôi cay nồng. Như phản xạ tự nhiên, tôi ọe miệng rồi cố nuốt chút nước đang ứ trào ra cổ họng để quen với không khí. Rảo bước lựa đường tôi tiến về phía căn chòi:
- Chị ơi!
Đáp lại tôi không phải tiếng người, không phải là tiếng quát mắng, la hét mà đó là những cài phì miệng đáng sợ của chị. Cảm tưởng như những con rắn đang phun ra nọc độc để đuổi đối phương đi tự bảo vệ cho chính mình, hoặc là đang gầm gừ để cuốn lấy con mồi mà cấu xé, ăn thịt… tôi cũng chẳng thèm đáp lại chị, tôi trân mình phóng ánh mắt lạnh lùng, sắc lẹm nhìn chị. Thích thì chiều, tôi sợ à? Chị bắt đầu lên cơn, khi hù dọa mà con mồi không sợ chắc hẳn vật chủ quái ác kia sẽ đổi chiến thuật. Chị vơ bất cứ thứ gì bên cạnh để ném trả, ánh mắt như hờn căm ma quái. Chẳng thèm di chuyển để tránh né, tôi nghiêng người qua bên để không bị những thứ đồ kia làm vấy bẩn. Tiến đến chị tôi lật ngay chiếc nón kia, vứt bỏ chiếc khăn quấn ngang mặt chị.
Trời ơi! Chị gào lên, hét vang trời rồi ngay lập tức cúi gằm, bệt xuống ôm khuôn mặt giấu vào trong ngực, trong lòng. Đúng, tôi đã hiểu vì sao chị như thế, một thảm da trên khuôn mặt chị là sẹo, nó tràn lên bao lấy khuôn miệng của chị rồi lấp dần lên phía trên mũi, khuôn mặt đó tôi chỉ thấy đôi mắt là hoàn mỹ, là tuyệt diệu nhất thế gian. Hoen trên mi mắt chạy dài của tôi là hàng nước trong veo, mặn đắng; cũng như chị phía dưới đang gào khóc như oán, như hờn, như căm tức tôi. Chợt, chị vùng lên sấn vào tôi, dùng đôi tay rắn rỏi, thô ráp đầy những móng xước tơ cấu xé lấy đôi bờ vai tôi, chị ép khuôn mặt dị dạng của mình vào mặt tôi, hai mắt đỏ bừng căng trợn, tứa ra hàng ngàn tia nước đắng ngắt như lòng chị - tôi cảm thấy thế. Chị siết đôi bàn tay vào tận cổ tôi như siết chặt mạng sống của tôi bây giờ.
Ôm chầm lấy chị - tôi chắc là chị ghét, ghét tôi vô cùng, nhưng chẳng quan tâm, xoay khuôn mặt qua bên tôi ép đầu chị vào vai mình rồi khe khẽ gỡ từng ngón tay chị ra khỏi cổ. Lạ, lại rất lạ, chị mềm ra như một con rắn vừa bị người ta hút mất nọc độc. Rưng rức, chị khóc òa. Đập đập đôi bàn tay vào lưng tôi như oán trách. Hình như chị đang dựa vào tôi? Thật hay mơ? Tôi không nghĩ tôi lại có thể ôm chị - người đàn bà dị dạng đáng ghê tởm mà tôi chắc rằng bất cứ ai nhìn thấy chị cũng đều lánh xa vì hôi thối vì ghớm ghiếc.
Im lặng tôi vỗ về đôi vai chị rồi nhẹ nhàng tách chị ra, rùng mình chút sợ hãi. Tôi lại nhìn chị, quan sát, vết sẹo kia có thể là một vết bỏng, một vết sẹo để lại sau một vụ tai nạn nào đó mà khuôn mặt kia đã cày cụa, chà xát xuống mặt đường chăng? Tôi im bặt, quay lưng bỏ chạy, quá sợ hãi với những gì đang hiện ra trước mắt, hình như tôi bây giờ và trước đó chút tíc tắc là hai con người hoàn toàn khác nhau. Nếu trước đây ít phút tôi tò mò không chút e dè thì giờ đây tôi lại muốn rời xa ngay cái sẹo đó.
Nhưng có lẽ tôi không thạo đường bằng chị, tôi trước chị sau, thoáng chút chị đã đứng trước mặt tôi, cười man rợ, đau đáu bi thương. Chị kéo xềnh xệch tay tôi về chòi, chị tát tôi một cái đến điếng hồn rồi chị lại khóc, lại rấm rức. Hồi chút trở lại, nhìn quanh trong chòi tôi nhận ra chẳng có thứ gì đáng giá: một chiếc chõng tre, một cái bếp củi được xếp bởi 6 viên gạch chia làm 3 góc, chiếc nồi méo mó, han rỉ… thế nhưng chiếc rương sắt có lẽ được chị cất dưới gầm chõng là thứ mà tôi chú ý, trong đó có gì? Tôi tự hỏi mình.
Như hiểu ý, lẳng lặng chị kéo tay tôi lại phía đó, cẩn thận, nhẹ nhàng lấy chiếc rương ra, khẽ quẹt tay chấm nước mắt, chị vuốt bụi trên mặt rồi bung mở ra cho tôi nhìn. Quá bất ngờ và ngạc nhiên, trước mắt tôi là những bộ đồ hết sức sặc sỡ, lộng lẫy, bên góc nhỏ chiếc rương là bộ make up khá đầy đủ. Chị ngước mặt lên trời như tự nuốt dòng nước mắt vào trong nhưng chẳng thể nào đắp bờ được cho đôi mắt nông gặp mùa lũ về. Chị chỉ vào mình rồi hướng về những bộ cánh ấy, chị nhắm mắt như mơ mộng về một kí ức xa xôi. Bất giác chị mở ngực áo mình, bên phía ngực trái, lấy ra cuốn sổ bằng bàn tay đưa cho tôi, giàn giụa. Như tìm được vật báu, tôi lật nhanh mấy tờ đầu liếc mắt thật nhanh. Tuyệt đẹp, những hàng chữ thẳng thớm, đều đặn nối đuôi nhau hết trang này đến trang khác. Lật lại trang đầu tiên “Hoàng Hồng Hương” – tên chị? – tôi hỏi, chị gật đầu rồi giựt lại cuốn sổ, lật lật và dừng lại chị đưa cho tôi ý muốn tôi đọc trang đó, im bặt, xót xa trong cái chập choạng mờ tối, tiếng ếch nhái râm ran ộp o ngoài kia vẫn vẳng vào tai tôi, vo ve vài con muỗi nước cũng quẩn quanh mình nhưng chẳng con nào thèm đếm xỉa đến tôi hoặc chị. Quay qua tôi thấy chị bước đi, đến một góc chòi chị với tay rút ra cây nến thắp sáng và mang lại chỗ tôi như tiếp thêm ánh sáng. Ngước mắt mỉm cười với chị, tôi cúi xuống đọc tiếp tôi nghẹn lại, đột nhiên quặn thắt, đau đớn thay cho chị:
- “… số phận của một con đĩ là bị một lũ đàn ông dơ bẩn hãm hiếp, dù quen với nghề nhưng con đĩ đó vẫn còn là một con người...
Mụ đàn bà chó má, chính mụ tạt ca nước trăng trắng, cợn bọt vào mặt nó để nó gào lên thống thiết trong đau đớn tột cùng, mụ hủy hoại khuôn mặt của nó, rồi thả nó vào một bầy chó hoang dại, điên cuồng, liền mấy con xổ vào liếm láp, há hàm răng ghê rợn ngoạm lấy da thịt con đĩ, quằn quại, giật mạnh liên hồi nhưng như bất lực, nó chết lặng đi trong nỗi ám ảnh ngàn đời. Mãi cho đến khi tỉnh dậy, nó thấy nó ở trong căn chòi có duy nhất một cái chõng, một mình nó trần truồng được ai đó đắp trên mình chiếc áo lao động cũ rách, bốc mùi… úp trên mặt nó là chiếc nón tả tơi nó vẫn đội mang hàng chữ “CHÓ ĐIÊN”…”
Phải chăng đó là số phận của chị, hay là cái kết quả chung của những con đĩ yêu nghề đến phải đánh đổi cả cuộc sống của mình, đội lốt một con quỷ mà không được một mảy may cảm thông, chia sẻ? Cuộc đời của những con đĩ rồi cũng sẽ trôi dạt như bèo. Tôi cười nhạt, ngao ngán, rồi bước đi trong đêm, dưới ánh trăng vằng vặc soi đường. Trong căn chòi lúc này chỉ còn mình chị - một con đĩ không hơn không kém, đang cặm cụi xếp thêm từng cây nến rồi thắp bừng chúng lên như soi sáng và tìm ra ánh sáng cho cuộc đời đen ngòm như con kênh mà chị đang sống.
T.H.P
Tags:
TRUYỆN NGẮN,
Trương Hồng Phúc,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét