NỖI BUỒN TÍM NGẮT - Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây
Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016
Mẹ tôi có ba người con. Tư Long là đứa con út chịu nhiều bất hạnh nhưng cũng là đứa con hiếu thảo nhất. Lúc nó lên năm, trong một lần bị sốt cao được mẹ đưa vào bệnh viện cấp cứu. Người ta đã cứu sống nó nhưng một chân bỗng dưng teo tóp. Khi trở về nhà, mỗi bước đi của em tôi như đang vẽ lên mặt đường những dấu chấm phẩy nguệch ngoạc, xiêu vẹo. Mẹ tôi khóc ngày khóc đêm khi nhìn khuôn mặt ấu thơ vẫn hồn nhiên cười nói. Mẹ bảo thằng út đã gánh hết nhọc nhằn vất vả cho hai chị.
Có lẽ đúng như vậy. Chị hai tôi rất xinh đẹp. Mái tóc đen dầy, mượt mà chảy dài, bồng bềnh như một dòng suối nhỏ, ôm lấy chiếc lưng thon. Nụ cười chị duyên dáng lạ lùng, nó khiến cho khuôn mặt chị bừng sáng và làm người đối diện cũng vui vui. Chị hiền hậu, lạc quan, dễ gần nên bà con láng giềng đều quí mến. Chị hai tôi học không giỏi nhưng rất may mắn. Vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông đã xin được việc làm và được phân công làm thư ký đánh máy. Cũng chính tại đấy, chị đã gõ những giai điệu lạ lùng vào tim ông trưởng phòng vốn có tiếng lạnh lùng. Chị làm tan chảy lớp băng giá, phục hồi nét trẻ trung trên khuôn mặt già trước tuổi của ông ta. Chị nhanh chóng xóa tan mặc cảm bị phụ tình trong lòng ông trưởng phòng và hai người đã nhanh chóng kết hôn. Họ sống rất hạnh phúc và hiện giờ định cư ở nước ngoài.
Tôi là một cô gái xấu xí nhưng học giỏi. Tối ngày, tôi thích chúi mũi vào trang sách hay gò lưng giải những bài toán hóc búa. Tôi mê học ngoại ngữ còn hơn các cô gái mê những bộ váy áo thời trang, xinh đẹp. Có lần nửa đêm chẳng biết mơ thấy gì mà tôi ngồi bật dậy xổ một tràng tiếng Anh làm cả nhà vừa hoảng vía vừa tức cười. Mẹ lo tôi rồi sẽ hóa điên… vì học. Và sẽ trở thành một bà cô già dở hơi. Nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được bổ nhiệm làm giáo viên một thời gian thì có “một gã khờ… ngọng nghịu đứng làm thơ" rồi tự phổ nhạc, gửi tặng tôi. Những giia điệu tràn đầy cảm xúc yêu thương đã nhanh chóng cưa đổ… con mọt sách, lôi nó vào lãnh địa của tình yêu. Tôi yêu mãnh liệt còn hơn chị hai và đã nhanh chóng lên xe hoa về nhà chồng. Chúng tôi cũng rất hạnh phúc dù đời sống còn khó khăn, chật vật.
Tư Long, em trai út của tôi cũng có khuôn mặt khá đẹp. Sóng mũi cao và mắt sâu. Dù vậy, vẫn không bù được khiếm khuyết của dáng dấp. Đôi chân khập khiểng đã đẩy em tôi vào ngõ hẹp của cuộc đời, tạo cho em tôi nỗi đau dai dẳng cho đến khi đầu bạc. Tư Long cũng chăm học nhưng kết quả thường không dược như ý. Nó viết chữ đẹp và có nhiều tài vặt. Với những phế liệu trong gia đình, nó đã chế biến chúng thành những vật dụng dễ thương, hữu ích. Mẹ tôi bảo nó có đôi tay vàng nhưng số phận lại đen đủi. Tư Long phải chật vật lắm mới leo lên đến bậc Trung học phổ thông rồi dừng lại ở đó. Thay vì cho nó học một nghề nào đó để sau này tự nuôi sống bản thân, mẹ tôi lại lo chuyện cưới vợ cho con. Đó là sai lầm lớn nhất của mẹ. Bà chọn một cô gái cũng đẹp người nhưng ít học, chăm làm nhưng cộc tính. Dù bản chất em dâu tôi không xấu nhưng cách nói không cần suy nghĩ đã tạo cho người đối diện cảm giác bức bối, ngột ngạt không cần thiết. Giai đoạn đầu hôn nhân của em tôi cũng hạnh phúc. Mẹ tôi lo việc buôn bán để nuôi con và dâu. Hai đứa chỉ giúp việc nhà. Khi có con đầu lòng, em tôi mừng lắm. Nó cảm thấy hạnh phúc như nhân lên gấp mấy lần nhưng cuộc sống dần dần trở nên khó khăn. Có thêm một nhân khẩu bé xíu vậy mà nhu cầu sinh hoạt tăng lên rất nhiều. Đôi vai gầy của mẹ tôi oằn thêm gánh nặng. Mẹ không hề than thở, buồn khổ mà lạ là em dâu tôi bỗng kêu ca mình vất vả, thiếu thốn. Em tôi bắt đầu loay hoay trong mặc cảm vô dụng. Nó bắt đầu theo mẹ ra chợ kiếm sống. Khi sương đêm còn phủ mờ cây cỏ, nó đã dậy giành dọn hàng lên xe rồi đẩy ra chợ. Mẹ tôi đi bên cạnh cứ phải nhắc chừng chỗ nầy ổ gà, chỗ kia có vũng nước đọng. Hai mẹ con buôn bán đến tối mịt mới về nhà. Rồi đứa con thứ hai ra đời, cuộc sống của em tôi bắt đầu tuột dốc, bất hạnh. Em dâu tôi thường ca cẩm, càu nhàu mỗi khi gặp mặt chồng, thậm chí còn dằn mâm, ném chén. Đến một lúc, như nước đã tràn ly, em tôi thóat ra ngoài bằng rượu. Nó bắt đầu không thích về nhà. Sau khi đẩy xe hàng về đến đầu ngõ nó giao lại cho mẹ rồi lê la ở quán rượu cho đến khi say mèm. Nó bắt đầu biết chưởi thề, văng tục và vung tay lên khi bị vợ mắng mỏ. Để cứu vãn tình thế, mẹ tôi giao gian hàng lại cho vợ chồng Tư Long. Bà lui về nhà lo chăm sóc hai cháu. Bà nghĩ làm vậy vợ Tư Long sẽ có đồng ra đồng vào, sẽ bớt thấy khổ sở. Nhưng đó lại là sai lầm thứ hai của mẹ. Khi được trực tiếp kiếm ra tiền, em dâu tôi càng coi khinh chồng và cả mẹ chồng. Cảm thấy họ là những người đang ăn bám vào mình và tự cho mình có quyền hoạnh họe tùy thích. Cô ta thường lớn tiếng chê mẹ chồng giặt quần áo cho mình chưa sạch, ủi quần áo không thẳng nếp, nấu ăn mặn đắng. Ban đầu, mẹ khóc. Riết rồi thành quen, bà nuốt nỗi buồn vào trong tim, giấu kín không để con trai biết sợ nó khổ thêm. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, thúng không thể úp miệng voi. Tiếng dữ… đồn xa. Chị hai tôi hay được, cùng chồng về thăm mẹ, cho tiền và lo thủ tục rước mẹ tôi ra nước ngoài ở với chị.
Mẹ đi rồi, em tôi một mình gồng gánh việc nhà. Nó trở thành một người nội trợ giỏi giang, chăm sóc con chu đáo. Mỗi ngày, nó đưa con đến tận trường rồi mới quay về lo dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ... Đến giờ, lại đến trường rước con. Nó thường bảo đây là giai đoạn hạnh phúc vì đã tự đưa con những bước đi đầu tiên đến lớp. Hai đứa bé đều học giỏi, ngoan ngoãn. Em dâu tôi cũng bớt dằn vặt vì mẹ và chị thường gửi tiền cho Tư Long tiêu xài, không phải nương nhờ vợ.
Rồi hai đứa con Tư Long trưởng thành, tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định. Bỗng dưng chúng cảm thấy xấu hổ khi có một người cha chỉ biết lo việc nhà, không tự mình kiếm ra tiền. Chúng không nhớ thời thơ ấu ai đã cõng chúng vượt qua những vũng lầy dọc đường đến lớp, không nhớ ai đã thức thâu đêm chăm sóc chúng khi chúng ngã bệnh, không nhớ ai đã nhịn ăn, nhịn mặc nhường phần tiền của chị gửi cho để chúng được ăn ngon, mặc đẹp hơn. Không nhớ ai đứng dưới trời mưa tầm tã hồi hộp chờ rước chúng ở những ngày thi… Chúng không nhớ tất cả những gì em trai tôi dành cho chúng. Có lần, em tôi hỏi: "Chị ơi, đâu có đứa nào cho em tiền hay nuôi em đâu mà sao chúng lại khinh em?” .Tôi thật vụng về, không biết trả lời sao mà chỉ lặng lẽ khóc.
Sau một cơn bệnh nặng, mẹ tôi trở nên lãng trí. Bà quên hết mọi điều, mọi thứ. Chị hai đưa mẹ hồi hương vì muốn sau này mẹ được an nghỉ nơi quê nhà. Thật lạ, mẹ tôi lại nhận ra và nhớ tên Tư Long. Em tôi mừng quýnh. Từ đó, nó theo mẹ như hình với bóng. Nó giành việc chăm sóc mẹ già. Nó vui nỗi vui của mẹ, buồn cái buồn của mẹ. Nó thường đưa mẹ đi dạo mát dọc bờ sông với hy vọng cảnh cũ sẽ giúp mẹ phục hồi trí nhớ. Rồi hai chân mẹ yếu dần. Chiều nào Tư Long cũng để mẹ ngồi lên xe lăn rồi đẩy dọc phố, ven sông. Mái tóc bạc phơ của mẹ và cái dáng đi khập khiểng của em tôi vẽ lên trời chiều nỗi buồn tím ngắt.
N.T.M
Tags:
Nguyễn Thị Mây,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Chào nhà văn Nguyễn Thị Mây,
Trả lờiXóaVẫn đọc đều sáng tác giản dị, chân tình của một cách viết riêng của nhà văn. Truyện ngắn này tỏa sáng tình mẹ bao la cho người con út. Đoạn kết lại buồn gợi nhiều suy ngẫm...
Có thêm việc này: nhà văn hồi âm cho tên thật, địa chỉ để tôi gởi sách tặng thay cho lời xin lỗi lời hẹn cho một bài viết...
Nguyễn Nguyên Phượng