Nhà thơ Vũ Hoàng Chương
Kỳ 16:
V Ũ H O À N G C H Ư Ơ N G
Vũ Hoàng Chương là tên thật, ông sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định, quê gốc làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Thiếu thời, ông học chữ Nho ở nhà rồi học tiểu học tại Nam Định. Năm 15 tuổi ông ra Hà Nội học trường trung học Albert Sarraut và đậu tú tài năm 1937. Ông vào học trường Luật, nhưng chỉ được một năm ông nghỉ học đi làm ở Sở Hỏa xa Đông Dương với chức vụ Phó kiểm soát, phụ trách đoạn đường sắt Vinh – Na Sầm.
Năm 1941, ông rời Sở Hỏa xa trở lại Hà Nội học cử nhân Toán, rồi lại bỏ nửa chừng và đi dạy học tư ở Hải Phòng. Lúc nầy ông viết nhiều thơ và kịch. Ít lâu sau ông trở về Hà Nội cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính lập Ban kịch Hà Nội. Năm 1942, công diễn vở kịch thơ Vân muội của Vũ Hoàng Chương tại nhà hát Lớn Hà Nội. Cũng trong năm này ông quen với Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người kết hôn vào năm 1944.
Thủ bút Vũ Hoàng Chương
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Vũ Hoàng Chương về Nam Định và tổ chức cho Ban kịch Hà Nội diễn vở Lên đường, kịch thơ của Hoàng Cầm. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cùng gia đình di tản về Thái Bình, mở lớp dạy học. Năm 1950, quân Pháp bố ráp vây bắt người trong gia đình nên ông bỏ về quê rồi trở ra Hà Nội mở lớp dạy toán, sau đó dạy văn. Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, định cư ở Sài Gòn, tiếp tục sáng tác văn chương và dạy học. Năm 1959, ông đoạt giải Văn chương toàn quốc của miền Nam Việt Nam với tập thơ Hoa đăng. Cũng trong năm này ông được cử đi Bỉ dự hội nghị Thi ca Quốc tế. Liên tục các năm 1964, 1965, 1967 ông được tham dự hội nghị Văn bút Á châu tại Băng-Kok (Thái Lan), Văn bút Quốc tế tại Bled (Nam Tư), Abijan (Côte d’voire). Từ năm 1969 đến năm 1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam (miền Nam). Năm 1972 ông đoạt giải Văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông lâm bệnh mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.
Từ 1940 đến 1974 ông xuất bản khoảng 10 tập thơ, trong đó có những tập nổi tiếng như: Thơ say (1940), Hoa đăng (1959), Ta đợi em từ ba mươi năm (1970), Đời vắng em rồi say với ai (1973)… ba vở kịch thơ trong năm 1944: Trương Chi, Vân muội, Hồng điệp và tạp văn Loạn trung bút (1970), hồi ký Ta đã làm chi đời ta (1974)…
Sinh thời, Vũ Hoàng Chương có nhiều nỗi đam mê, mê đến thành say: Say rượu, say đàn, say ca, say tình, say thuốc phiện, say nhảy đầm… và cái say lớn nhất là say thơ. Cái say của người xưa dù với hình thức nào cũng rất tao nhã, thi vị để cuối cùng trở thành chất liệu cho những vần thơ tuyệt tác: Em ơi lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai… (Đời vắng em rồi say với ai). Đời vắng em rồi say với ai là bài thơ của Vũ Hoàng Chương được rất nhiều người biết và thuộc, nhưng tôi muốn giới thiệu một bài thơ khác của ông cũng dạt dào, sâu lắng và truyền cảm không kém: Mười năm trăng cũ ai nguyền ước. Tố của Hoàng ơi, Tố của anh… Đó là bài Mười hai tháng sáu, cảm xúc từ câu chuyện tình dang dở của ông và Trần Tố Uyển.
TRỊNH BỬU HOÀI
Thư pháp Vũ Hoàng Chương
MƯỜI HAI THÁNG SÁU
Trăng của nhà ai? trăng một phương!
Nơi đây rượu đắng mơ đêm trường
Ờ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi! hỡi nhớ thương!
Là thế! là thôi! là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh!
Tháng sáu, mười hai, từ đấy nhé
Chung đôi, từ đấy nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi!
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai
Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của ai?
Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi
Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta dương lửa đốt tơi bời Mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ, xừ, xang, xế, bàn tay điên cuồng
Kiều Thu hề trọn kiếp thương!
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ, xang, xế, xự, xang, hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên
Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà nghe lửa bùng
Xế, hồ, xang… khói mờ rung
Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét