CHIẾC GUỐC MÀU HUYẾT DỤ - Truyện ngắn Ngô Thuý Nga
Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016
Ngô Thuý Nga
K tới. Mang theo cát bụi trong đôi mắt như đã khóc từ ngàn năm. Vẫn câu chuyện cũ khơi dậy từ ngày này năm trước, vẫn hoang tâm. Anh thấy chới với, hình như cuộc sống ngày càng tẻ nhạt, K nói. Ừ. Nhưng đêm nay không mưa - tôi gật đầu bằng một câu trả lời chẳng ăn nhập gì. K lặng im. Tôi nhìn ngọn cau già đòng đưa ngoài cửa sổ. Người phụ nữ ngồi bàn bên cạnh đốt điếu thuốc, thổi làn khói coang queo và thở dài. Bỗng dưng, tôi muốn khóc. K vẫn trầm lặng trong vòng tay khoanh trước ngực. Tôi đọc ngôn ngữ cơ thể, thấy có gì đó đang vỡ nát trong K, trong tôi, và hình như trong cả làn khói thuốc người phụ nữ vừa thả vào cuộc đời.
***
K rút trong ví ra hình một bé gái khoảng chừng tám, chín tuổi, đưa cho tôi: con gái anh đó... Tôi chẳng kịp nhận ra mắt K đỏ hoe. Khuôn mặt cô bé trong tấm hình thánh thiện như hạt cát lặng lẽ mỉm cười trên sa mạc. Lúc sau, trên tay tôi chỉ còn lại giọt nước nhạt nhòa, không biết của K hay của tôi, chỉ nhớ, hình như tôi không khóc. Hoặc có thể những giọt nước mắt đã chảy ngược lên tóc, như những đêm tôi nằm dài trên tấm nệm giữa nhà, lặng nghe hai con thạch sùng đuổi nhau ở một góc tường nào đó trong bóng đêm. Những giọt nước mắt đã chảy ngược lên tóc, rối mù. Còn nhớ hồi ở Đà Lạt, tôi âm thầm bước bên K, không nắm tay, không khoác bờ vai. Trời nhuốm lạnh như những ngày đông ở quê nhà. Tôi muốn nói gì đó với K, nhưng không thể mở lời. Cảm giác như nghe tiếng reo của những hàng thông ngoài kia, đã ồn ã quá với những người đã từng bấu ngón chân trèo lên đỉnh cô độc. Sau cùng, không ai bảo ai, tôi và K ngồi lại trên chiếc xích đu chơ vơ nơi cuối vườn hoa. Tôi đưa hai bàn tay lên miệng, cố tìm chút hơi ấm còn sót lại trong góc lòng chưa bao giờ thôi hoang trống. K rút trong túi áo khoác ra một tấm hình đen trắng, có những vết nhòe làm mờ đi gương mặt người đàn ông ốm nhom ốm nhách trong đó. Tôi liên tưởng đến những giọt nước mắt. K chỉ người phụ nữ mặc chiếc váy cưới lộng lẫy và có đôi mắt rất sắc, ngậm ngùi: vợ anh… Tôi lại liên tưởng đến những giọt nước mắt, và tự sắp xếp một câu chuyện buồn giữa K và người phụ nữ có đôi mắt sắc kia. K trầm lặng từ lúc đó, chỉ có những tiếng thở dài, thi thoảng vỡ giữa tiếng thông reo và hơi lạnh len lỏi dưới gót chân.
Đêm đó, tôi không ngủ.
Đêm đó, tôi kéo lê chiếc ghế ra ngồi ngoài ban công, nhìn mãi về phía tiếng reo, chẳng biết vui hay buồn của hàng thông ngoài kia. Người phụ nữ có đôi mắt sắc, ném cho tôi ánh nhìn như mũi kim của cây thông châm vào da thịt. Tôi đưa bàn tay ra trước gió, nắm lấy một nùi hư vô, rồi lặng lẽ khóc.
Đêm đó, tôi chờ một tiếng gõ cửa, không phải của K, mà của một người đàn ông khác, cũng chẳng biết tại sao…
Con bé… theo mẹ nó đi tu ba năm rồi. Câu nói của K làm tôi giật mình. Tấm hình trong tay vẫn còn nguyên giọt nước mắt. Tôi để mình trôi tuột vào thế giới của K, một cách vô thức hay tỉnh táo cũng không biết nữa. Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng nữa. Bằng cách nào đó, tôi đã rúc vào cuộc đời K, lặng lẽ ăn chùm bóng tối trong căn nhà nhỏ bên mé sông, nơi người phụ nữ có đôi mắt sắc đang nhìn K đầy ẩn ý.
***
Từ rút chiếc dép đang đi dưới chân lên, ném bốp vào di ảnh người đàn ông có đôi mắt to và gương mặt khắc khổ để trên bục tủ.
- Ông muốn đưa đi đâu đưa, đừng có để nó trong cái nhà này – Từ vừa nhìn K đay nghiến, vừa giơ ngón tay chỉ thiên về phía tấm ảnh nằm lặng lẽ dưới nền nhà.
K nhìn những mảnh vỡ của tấm kính nằm vung vãi ngay dưới chân mình. Gương mặt người đàn ông nhìn K khắc khoải và không một cái chớp mắt. Chiếc dép của Từ kiêu hãnh đè lên mấy mảnh vỡ thủy tinh. Chiếc dép vẫn còn vẹn nguyên và thơm mùi nhựa mới. Từ ném cho K cái nguýt dài ba thước, và cái trề môi khinh bỉ trước khi bỏ vào trong buồng, không thèm nhặt lại chiếc dép kiêu hãnh kia. Tiếng chim lợn vang lên thảng thốt ở đâu đó trên không trung. K đứng chết lặng, tìm kiếm một điểm nhìn nhưng thấy mọi thứ đều quá đỗi mơ hồ, mơ hồ như chính cuộc đời của K, mà hình như, đến bây giờ K mới mập mờ nhận ra, chẳng biết đã quá muộn hay chưa. Bần thần, K cúi xuống nhặt di ảnh người đàn ông ấy lên, lặng lẽ đối diện với ánh nhìn khắc khoải ấy, lặng lẽ bước ra sân. Trăng mười ba ban phát cho đêm tối chút ánh sáng lợt lạt, lạnh lẽo, nhưng không sắc nhọn như ánh nhìn Từ ban phát cho K lúc nãy. K cầm di ảnh áp vào ngực. Hồi lâu, mới ngẩng cổ lên trời. Tiếng chim lợn trở lại, rải vào đêm vài tiếng “éc… éc” rồi mất hút trong không gian. Con trăng không còn nữa. Chút ánh sáng xanh lợt lạt không còn nữa.
- Ba… chuyện đến nước này con cũng không còn cách nào khác. Không có nơi thờ tự ba cho đàng hoàng, thôi thì, ba cho con đốt di ảnh của ba cho đỡ mang tội…
K lặng lẽ đi lại góc sân. Trong ánh sáng leo lét lọt qua khe cửa, K nhìn gương mặt người đàn ông trong di ảnh lần nữa, bàn tay run run chạm vào mắt, mũi, và khóe miệng ông, rồi bắt đầu châm lửa. Ánh sáng của ngọn lửa trộn lẫn trong thứ ánh sáng vàng võ, nhạt nhòa hắt qua khe cửa. Ngọn lửa liếm một đường dài qua trán người đàn ông trong khung ảnh, rồi lặng lẽ xóa nhòa vẻ mặt buồn buồn khắc khoải ấy. Con trăng le lói trườn ra khỏi đám mây, lại hắt thứ ánh sáng lợt lạt xuống khoảnh sân thoang thoảng mùi hoa bưởi. Gương mặt K trầm mặc. Có nỗi đau nào vừa sà xuống đôi mắt K, hoang vu và vô định. K đưa tay chùi mắt, rồi hốt hết bụi giấy vừa đốt, im lặng bước ra ngõ. Con kênh đào thênh thang chảy, thi thoảng vài cánh lục bình lại lững lờ trôi qua. Rồi sẽ có một lúc chúng cập bến, hoặc tìm thấy một nơi nào đó để nương tựa đời mình, không trôi vô định nữa. K rồi cũng thế, rồi cũng tìm thấy nơi nương tựa, hoặc đợi ngày trở về với cát bụi, với cội nguồn, thế là kết thúc một kiếp người. Khi cành lục bình trôi qua, K lặng lẽ buông tay. Bụi giấy theo cơn gió rơi xuống mặt nước, và theo cánh lục bình trôi đi. K ngồi xuống bên bờ kênh, nhìn theo bụi giấy tan dần trong dòng nước màu phù sa, mông lung nghĩ về cuộc đời, nghĩ về người phụ nữ đã bước vào đời mình, bao lần làm rách rồi vá lành những vết thương lớn nhỏ. Những mảnh vá chằng chịt quá, vẫn làm K đau nhói mỗi khi trở trời. Hồi đó, Từ như bông tra màu ngà lặng lẽ buông mình bên nhánh sông. K vẫn thường ngồi nơi thượng nguồn, nhìn những bông tra nối đuôi nhau trôi qua trước mặt, có gì đó man mác như phận người, như K. Đôi khi, K nghĩ mãi không ra vì sao sợi dây ràng buộc hai người với nhau cứ ngày càng lỏng lẻo và mong manh, mà lại dai dẳng không chịu đứt, để chia cắt, để trả tự do cho hai đầu. Phải chăng, cuộc sống hôn nhân là vậy? Từ tin trên đời này, mọi sự đều do Đức Chúa trời sắp đặt, và Từ chỉ việc làm theo ơn trên đó mà thôi, không phải phân vân hay suy nghĩ nhiều làm gì, vì mình không thể nào thay đổi được. Ngay cả sự gặp gỡ tình cờ, và cả đám cưới của Từ với K cũng vậy, cũng do một tay Đức Chúa trời sắp xếp. Còn sự gãy đổ đang ngày càng trầm trọng này, thì do ai? Có khi nào Từ nghĩ về điều đó, như K? Lại là do Đức Chúa trời ư? Hay là do niềm tin của con người mong manh quá, mà lòng vị tha lại có giới hạn? Hương bưởi vẫn thoang thoảng trong hương đêm. Tiếng côn trùng gọi nhau rỉ rả. Thấy không, đến côn trùng còn muốn có nhau, sao con người khi có nhau rồi lại muốn hắt hủi? Tự dưng K thấy lòng mông lung lạ. Bỗng có bàn tay trẻ nhỏ đặt nhẹ lên vai K. Giật mình, K quay lại, bé Tâm đứng cắn môi nhìn chằm chằm vào K, bàn tay bé nhỏ từ từ bỏ xuống.
- Ba… con sợ… Mẹ… mẹ đập phá chén bát. Ba…
Mẹ đập phá chén bát? Bé Tâm gật đầu, mặt mếu xệch. K đứng dậy rồi bế bé Tâm, rẽ màn đêm đi về phía ngôi nhà còn leo lét ánh đèn. Xóm nhỏ đã ngủ yên, chỉ còn lại vài tia sáng thức mệt mỏi phả ra từ nhà K. Mùi hoa bưởi vẫn thoang thoảng, nhưng nghe ma mị và uẩn ức, không còn nồng nàn mùi xóm làng nữa. K lật đật chạy vào. Từ nằm xoài trên nền nhà. Máu từ cổ tay loang ra và dính bết lên tóc. Bé Tâm khóc thét lên, rồi úp mặt vào lưng K. Gỡ con bé ra, K lao vội lại chỗ Từ. Trên gương mặt bầu bầu ấy, đôi mắt sắc đã nhằm nghiền, chỉ có những đường máu đã bắt đầu khô lại và đổi màu.
Từ rạch mặt?
Từ chối bỏ sự sống?
Bé Tâm rón rén tiến lại. Ba… sao mẹ lại làm vậy, hả ba? Mẹ ghét ba con mình hả ba? Mẹ không muốn ở với ba con mình phải không ba? K chẳng còn đủ tỉnh táo để ngước nhìn con bé xem vẻ mặt ngây thơ hay già dặn vừa thoáng qua. Trên nền nhà, những mảnh vỡ của chén bát và đồ đạc nằm chơ vơ, lặng lẽ như quy luật con người đã sắp đặt sẵn cho nó. K đỡ Từ ngồi dậy và gắng gượng bế cô lên. Vẫn là đêm tối hoang vu. Vẫn là mùi hoa bưởi ma mị. Chỉ có tiếng thút thít của bé Tâm rớt lại phía sau lưng, nơi khoảng tối đang lan dần ra mãi.
***
K trầm ngâm nhìn ngọn cau già đòng đưa ngoài cửa sổ. Người phụ nữ ngồi bàn bên cười một mình. Nụ cười như mảnh ly đang vỡ. Chân người phụ nữ nhịp nhịp theo lời bài hát ư ư trong cổ. Tôi cố lắng nghe giai điệu ấy, lúc chơi vơi, lúc lại nồng nàn, rồi bất giác tôi nhìn thấy chân mình cũng bắt nhịp với người phụ nữ ấy. Bức tranh trừu tượng treo trên tường ném vào mặt tôi mớ hỗn độn. Mỗi lần ngồi góc quán này, nhìn lên bức tranh này, tôi đều vắt óc nghĩ xem người họa sĩ thực ra muốn ký thác điều gì trong bức tranh ấy? Một con mắt. Một bàn tay. Một cái búa. Và những vệt màu như vệt xước. Nếu con mắt kia là tôi, và bàn tay kia là cái bóng của tôi, thì tôi sẽ mang những vệt xước ấy trở về với khôi nguyên, khi mà cây búa kia chưa là những lời nói găm vào lòng. Còn nếu tôi là những vệt xước, còn cái bóng của tôi là con mắt, thì tôi sẽ dùng bàn tay ấy vứt luôn cây búa kia đi, để tìm lại một con mắt khác nữa.
K lặng lẽ nhìn tôi, lặng lẽ tìm bàn tay tôi trên ghế. Tôi để yên, cũng không biết tại sao. K kể về cuộc tình vừa đi vào dĩ vãng, buồn, và… không khác nhiều những cuộc tình tôi đã từng nghe. Nhấp xong ly café, K nói: Anh bỏ thuốc rồi. Cô ấy không thích anh hút thuốc và uống café nhiều. Tôi lặng im nghe hết câu chuyện và mường tượng về gương mặt cô gái ấy. Kể xong, K quay sang: Trước yêu em thì em nói mình giống nhau quá, em chỉ có tình thân chứ không yêu được. Giờ yêu cổ, cổ lại bảo mình khác nhau quá nên em nghĩ nên chia tay. Lòng dạ đàn bà thiệt khó đoán hơn dò sông lấp bể. K bật cười. Tôi cũng thế, mà chẳng biết vì sao. Thà cứ quen với sự cô đơn, chắc anh sống vậy cả đời quá. Nay em đừng có bắt anh quen người khác nữa. Hai lần rồi, tội anh lắm…
Ly café đã nhạt thếch. K khuấy tan những viên đá còn lại, không uống. Gần tới sinh nhật em nữa rồi, nhanh quá. Năm nay… không biết trời có mưa nữa không. Tôi cười, nghe dĩ vãng xốc vào sống mũi. Đêm tháng 9, K chạy mấy chục cây số, dúi vào tay tôi chiếc bánh kem đã ướt nhẹp và hai giò phong lan, rồi lại lật đật chạy về. Trời thì vẫn tầm tã mưa.
Ừ. Tháng 9… tôi ngồi nghe gió ngủ vùi trên tóc, lặng lẽ xếp lại những góc lòng… Người phụ nữ bên cạnh đã thôi hút thuốc. Cô nhìn mông lung xuống đôi guốc màu huyết dụ. Lại cười. Vẫn là nụ cười như mảnh ly đang vỡ. Tôi cũng có đôi guốc màu huyết dụ. Nhưng giờ đây, nó chỉ còn một chiếc. Tôi nhớ mang máng đã gửi chiếc còn lại cho T trong chiều mưa lất phất, tôi tình cờ đi ngang bưu điện thành phố. Vẫn là kiến trúc cổ. Vẫn là tông màu thường xuất hiện trong những giấc mơ bay. Tự dưng, tôi nhớ T quay quắt. Chẳng còn gì có thể gửi cho T nữa cả, ngoài chiếc guốc màu huyết dụ T đã có lần hôn lên nó. Đó là lần cuối tôi và T giận nhau. Tôi khóc thảng thốt. Tôi đuổi T ra khỏi cuộc đời tôi. T đã khóc. T đã quỳ xuống nâng bàn chân có đôi guốc màu huyết dụ của tôi, và hôn lên đó. T bảo khi nào em đánh rơi mất một chiếc, thì hãy đuổi anh đi. Chừng nào anh tìm thấy chiếc kia cho vừa bàn chân em, thì em đừng có hòng đuổi anh ra khỏi cuộc đời em nữa. Tôi quay lại nhìn T, đôi mắt thâm quầng, đôi môi mệt mỏi. T cá độ. T mang con tim tôi đi cầm cố để trả nợ cho người ta. Hôm đó là sinh nhật tôi, sinh nhật thứ hai mươi lăm. Cái tuổi tôi vẫn thấy mình mỏng manh như con sóng. Vết thương trong lòng tôi cứ rộng dài thêm ra, rồi vỡ òa. Khi bàn tay T cởi bỏ đôi guốc màu huyết dụ, tôi đã quỳ xuống, đối diện với T. Em xin anh, anh thương em thì buông tha cho em. Tôi nhớ mình đã nói câu đó, như vô thức. T quỳ xin tôi tha thứ và quay lại. Tôi thì quỳ xin T hãy thương tôi mà buông tha cho tôi…
Tôi vẫn cứ ngỡ rằng, nỗi đau gắn kết người ta lại với nhau. Tôi vẫn đinh ninh rằng, sự sẻ chia khiến người ta muốn gần gũi nhau thêm, muốn đan một bàn tay vào một bàn tay, để thấy vững lòng, để thấy mình không cô lẻ. Nhưng hình như, tôi lại sai lầm. Đôi khi, chẳng biết vô tình hay hữu ý, ta tự đẩy người mình yêu thương ra khỏi tầm với, rồi tự đày đọa mình trong nỗi đau xé vụn. Tôi giật mình nhận ra, yêu thương và đau đớn đôi khi là một. Tôi chẳng còn nhận ra ranh giới đâu nữa. Đêm tự cấu mình. Tôi tự cấu tôi, từng vết cấu đau đến run người và nghẹn thở. Tôi không nghĩ nỗi đau lại khiến mình khó thở đến thế. Tôi bắt đầu nghĩ về sự giải thoát, nghĩ về một hốc tối nào đó để chui vào và tiếp tục cào cấu đời mình, nghĩ về cách lãng quên và… cái chết. Yêu thương là thế sao? Yêu thương khiến người ta nghĩ tới những cánh hoa màu hồng và gai nhọn màu đen. Yêu thương khiến người ta nghĩ tới chiếc váy cô dâu và chiếc hài của đêm tối. Cả yêu thương và đau khổ, đều giày vò ta đến nát nhàu…
Tôi bắt đầu tin rằng, im lặng là cách sẻ chia tốt nhất.
Và… tôi im lặng từ đó. Thi thoảng, vẫn nhớ T. Vẫn nghĩ về T. Thi thoảng, T vẫn nhắn tin, vẫn nói những câu không đầu không cuối. Mình cưới nhau đi, em. Anh cần em mà. Tôi nghe, và im lặng. T vẫn gọi tên tôi, vẫn nhắc về những kỷ niệm. Tôi lại nghĩ tới bức tranh trừu tượng trong quán café ấy, quán café chưa một lần ngồi với T. Bao giờ thì T tìm được chiếc guốc màu huyết dụ cho tôi? Đời nào T tìm được! Khi tiếng chuông giáo đường vang lên trong chiều thành phố nhiều gió, tôi nhặt lại kỷ niệm cũ, những buổi chiều tôi quỳ bên nghe T cầu kinh. Chẳng biết ai xui khiến, tôi vào bưu điện, cúi nhặt chiếc guốc đang đi dưới chân mình lên. Chiếc guốc màu huyết dụ. Cô nhân viên bưu điện nheo mắt nhìn tôi, lạ lẫm. Tôi thản nhiên đẩy chiếc guốc về phía chị, thản nhiên cười: em điên mà. Chị bật cười, lắc đầu rồi đi kiếm hộp cho tôi gói chiếc guốc lại. Gửi xong xuôi, tôi cười với chị rồi xách chiếc guốc màu huyết dụ còn lại ra về. Chị nhân viên gọi với: Em ơi! Tôi quay lại, chị tháo đôi dép màu mưa dưới chân để trước mặt tôi. Em đi vào. Không biết nữa, tự dưng tôi nói: Em điên mà, rồi ôm chầm lấy chị và khóc. Chị lúng túng. Mọi người nhìn tôi và chị như hai kẻ ngoài hành tinh vừa rớt vào trái đất. Tôi thảng thốt: Ôm em đi. Thế mà chị ôm thật. Chị bảo, em lạ quá. Tôi lặp lại: Em điên mà. Chị bật cười. Ừ. Điên. Rồi tôi chẳng còn nhớ gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi mơ hồ nghe mùi hoa ngọc lan, mùi hương tôi vẫn thường lén mở cửa sổ và trèo ra ngoài ban công khi ngồi một mình trong góc quán café ấy để đưa bàn tay mình ra nắm níu. Tường vôi trắng. Chiếc màn gió trắng. Nệm và drap giường trắng. Tôi với tay lấy mảnh giấy trắng trên mặt tủ. Ngoan nghe cưng. Đừng có điên nhiều như hôm nay nữa, chị sợ đó. Ngọc lan nở rồi, ngoài khung cửa kìa, trắng muốt. Tôi nhìn theo ra khung cửa. Ngọc lan trắng muốt trên những tán lá đã nhạt màu. Sực nhớ, tôi ngồi bật dậy tìm chiếc guốc màu huyết dụ. Chỉ có đôi dép màu mưa của chị sóng đôi bên nhau. Tôi hoang mang. Y tá đã vứt của tôi? Hay chị quên mang theo khi đưa tôi vào căn phòng ngập mùi thuốc này? Tôi không biết. Nhìn bộ đồ bệnh nhân không biết ai đã mặc vào người mình, tôi mở cửa sổ và cầm theo đôi dép của chị nhảy ra ngoài.
Phải. Tôi trốn viện.
Tôi đi tìm chiếc guốc màu huyết dụ.
Khi trở lại bưu điện, thì không thấy chị đâu. Người nhân viên ngồi thế chỗ chị nhìn bộ đồ bệnh nhân trên người tôi, bảo chị bệnh, chắc nghỉ vài hôm. Tôi thất thểu ra về. Chiếc guốc màu huyết dụ rời bỏ tôi từ đó. Sau này, tôi mua thêm mấy đôi màu huyết dụ nữa, nhưng chẳng bao giờ ướm thử nó vào chân.
Tôi bất giác nhìn xuống chân mình, không còn đôi guốc màu huyết dụ nữa, mà là đôi giày thể thao trắng muốt. Chẳng biết từ bao giờ, tôi thích mang giày thể thao, và dần từ bỏ những đôi guốc khiến đôi chân người phụ nữ thêm quyến rũ. Sau lần trốn viện, tôi cắt tóc. Cũng chẳng biết tại sao. Tôi thay đổi phong cách ăn mặc, từ những chiếc váy dịu dàng và thùy mị, biến thành những bộ đồ bụi bặm và… lạ. Bạn bè trố mắt nhìn tôi thay đổi 180 độ mà không ai biết lý do. Tôi cũng thế. Bỗng dưng, nghĩ mình phải làm mới mình. Phải khác. Và… tôi từ bỏ tôi của những thói quen cũ, để trở thành tôi bây giờ, vẫn hiền, nhưng lỳ hơn, điên hơn, và bất cần hơn. Bàn chân người phụ nữ bàn bên rất đẹp, có lẽ, nhờ đôi guốc màu huyết dụ. Tàn thuốc còn rớt lại trên bàn chân ấy. Bàn chân có mùi khói thuốc.
Tôi vẫn hình dung về gương mặt người phụ nữ vừa chia tay K. Má cổ thương anh lắm. Đứa con gái cổ cũng quý anh nữa. Giọng K như làn khói thuốc người phụ nữ phả vào đêm lúc nãy, còng queo rồi vỡ tan. Tôi im lặng nghe hết câu chuyện. Tự hỏi nếu mình là người phụ nữ kia, rồi có bỏ K mà đi như thế không? Tôi cần sự bình yên, còn người phụ nữ kia cần gì tôi không biết. K là mẫu người khi yêu ai, sẽ hết mình vì người đó, sẽ bằng mọi cách làm cho họ hạnh phúc và vui. Chỉ có điều, K sống tình cảm quá, nặng tình quá. Tôi không biết có phải vì thế mà người phụ nữ kia thấy chông chênh? Đàn bà, đôi khi họ cần thực tế hơn là những lãng đãng của người viết, như K, và như tôi. Lần trước, nghe lời tôi, K cũng qua lại với người phụ nữ tuổi Thân. Nghe đâu đi chơi với nhau được hai lần thì chia tay. Tôi trừng mắt nhìn K. Không hề trách móc, mà K thú nhận: Tại… lúc anh hôn cổ, anh cứ nghĩ tới em… K khóc. Khóc rất thật. Tôi ghét K yếu đuối. Bỗng dưng, tôi muốn tát vào mặt K, rồi bỏ đi. Nhưng nghĩ gì đó, hoặc không nghĩ gì, tôi đứng dậy, đi lại phía bàn người phụ nữ kia, xin một điếu thuốc. Người phụ nữ nhìn tôi từ đầu tới chân. Tôi tỏ ra sành sỏi, ngậm điếu thuốc lên miệng. Người phụ nữ cười khẩy, cái điệu cười như mảnh ly vỡ, đưa điếu thuốc hút dở lên mồi thuốc cho tôi. Tôi rít một hơi dài, ngậm đầy khói trong miệng, chẳng hiểu nghĩ gì lại nuốt chững vào bụng. Không chịu được, tôi ho lên sặc sụa. Người phụ nữ lại cười khẩy. Tôi chạm phải chiếc guốc màu huyết dụ của cô. Hơi thuốc trong cổ vẫn nồng lên. Tôi cười gượng gạo rồi trở về chỗ ngồi. K nhìn tôi, khóc.
- Anh xin em, khổ quá.
- Em xem mùi vị khói thuốc như nào, mà đàn ông thường nghiện.
- Em đừng vậy nữa. Nếu em muốn… anh sẽ bước ra khỏi cuộc đời em, miễn sao… em yên bình.
- Em chỉ muốn cuộc đời không xa lạ với mình. Khói thuốc… cũng là đời mà.
- Anh… đau lòng.
- Nỗi đau… cũng là cuộc đời.
Tôi không nói nữa.
K không nói nữa.
Tôi cởi chuỗi hạt đeo trên tay đưa cho K: Khi nào nhớ em, thì nghĩ tới nó - rồi bước nhanh ra khỏi quán, mà chưa biết sẽ đi đâu. Căn phòng chỉ còn lại K và người phụ nữ có đôi giày màu huyết dụ.
Từ đó tới giờ, tôi chẳng còn tin tức gì của chị, người đã tặng tôi đôi dép màu mưa.
Từ đó tới giờ, tôi chỉ đi qua, mà không một lần ghé vào bưu điện thành phố, xem chị còn làm ở đó hay đã nghỉ hẳn.
Ký ức về T thì vẫn còn, dù buồn, và có khi hụt hẫng. Hôm đám cưới đứa bạn học chung, T hỏi em đi không. Tôi suy nghĩ, rồi gật đầu. Tôi chọn chiếc váy may theo kiểu truyền thống, cổ cao, trông giống chiếc áo dài cách tân. Bạn tôi gật đầu, kêu nhìn chững chạc và người lớn hẳn. Tôi cười trừ, tính bước đi thì nó níu lại, mày tính để mặt mộc thế tới đám cưới sao? Tôi đáp gọn lỏn: ừ. Nó đẩy tôi ngồi vào ghế, lấy phấn son bôi bôi trét trét lên mặt tôi, rồi chìa cái gương: tự coi đi chị Hai. Tôi nhìn, và hốt hoảng, chạy vào nhà tắm rửa mặt. Nó giận, nói câu nước đôi rồi bưng tô chè vừa trề môi vừa ăn. Nghĩ sao đó, tôi cầm thỏi son, tô một lớp nhẹ, nháy mắt với nó rồi dắt xe đi. Nó không quên ném cho tôi một câu trắng trợn. Người như mày thì chó yêu. Con gái không ra con gái, con trai không phải con trai. Học cánh làm điệu đi mà lấy chồng bà nội. Tôi khựng lại, không dưng lại nhớ cuộc điện thoại tối qua của T. Em lấy anh không? Tôi đoán T say nên cúp máy. T lại gọi, bảo mình cưới đi. Tôi tháo cục pin điện thoại ném vào hộc bàn. Tới đám cưới, gặp lại nhiều bạn thời đại học, vui, nhưng vẫn không quen chỗ ồn ào. Tôi đảo mắt nhìn quanh, không thấy T. Không dưng, lòng bất an đến lạ. Con Hiền chơi ác, thấy tôi thất thần, nó gắp trái ớt bỏ vào chén cho tôi. Có biết gì đâu, như vô thức, tôi gắp trái ớt bỏ vào miệng, ăn như thật, lát sau mới thấy cay xé lưỡi. Cả bàn cười ầm. Tôi vớ ngay ly bia của con nhỏ bên cạnh, uống cạn một hơi. Cả bàn lại được trận cười thứ hai. Tụi nó xúm lại trêu tôi, thất tình hay sao nhìn khổ sở vậy. Con Hiền trố mắt, tao không tin mày lại biết uống bia. Tôi quay sang cắn vào vai nó. Con chó, dám chơi ác tao. Nó đang tính đưa tay nhéo tôi, thì dừng lại, đứng lên đon đả lấy ghế thêm. Tôi ngước nhìn lên. T và cô gái có đôi mắt u buồn chào mọi người rồi ngồi xuống bên cạnh nhau. Tôi lờ mờ đoán ra mọi chuyện, có cục gì đè nén nơi lồng ngực. Khó thở. T gắp thức ăn cho cô gái có đôi mắt u buồn ngồi đối diện tôi. Cuộc điện thoại tối qua lại tái diễn ngay trước mắt. Giọng T vẫn ngà ngà say. Em lấy anh không? Mình cưới nhau đi.
Hôm đó, tôi chạy xe về một mình, lòng hoang mang đến lạ. Đôi khi, lòng người như lá úa, và tôi đã chẳng thể cứu rỗi được niềm tin. Đúng là một tên ngốc mới đi tin lời người đã từng lừa dối mình nhiều lần, làm mình khóc đến nghẹn. Tôi tăng tốc, chạy như điên, và suýt tông vào cụ già quảy đôi gánh hàng rong băng qua đường. Tôi khóc, cũng chẳng biết tại sao.
Từ đó, tôi thầm nhủ sẽ chẳng bao giờ đoái hoài đến T nữa. Thế mà T vẫn cứ nhắn tin, vẫn than thở. Tôi bực, chửi thẳng vào mặt T rằng anh là thằng đàn ông không ra gì. Anh làm em khổ đủ rồi đấy, đừng có làm thêm một người con gái nào khổ nữa, tội nghiệp người ta. T cười khẩy, rằng ăn cơm hoài cũng ngán chứ em, lâu lâu vẫn thèm… bún. Tôi tát T, đau điếng. Anh là đồ tồi.
Giờ cơm lạt và bún thiu, anh chọn đi.
Cơm…
Cơm sống hoặc chết đói, anh chọn đi.
Cơm…
Tôi tát T thêm cái nữa. Anh vẫn dẻo miệng như xưa, chỉ làm tội mấy đứa con gái. Tôi đứng dậy, ném cho T cái nguýt dài, rồi đi. T chạy theo, ôm chầm lấy tôi từ đằng sau. Cứu rỗi anh lần này nữa đi, em… Xin lỗi, em biến thành quỷ rồi, thiên thần chết rồi, vì họ cũng cần một trái tim. T buông tay. Tôi bước đi không nhìn lại.
Từ đó, tôi và T bặt tin mây ngàn.
***
K mất tích. Tôi chẳng thể nào liên lạc được với K, một mẩu tin nhỏ cũng không. Cách đây mấy ngày, K gọi, giọng như vỡ đôi: Vợ anh… vừa mới gọi anh lên chùa làm cam kết từ nay không liên quan gì tới vợ con nữa. Tôi cáu: Ủa, li hôn rồi thì liên quan gì nữa? Giọng K lại vỡ ba: Chưa… Đã làm thủ tục gì đâu. Đang yên đang lành thì cổ bỏ đi, rồi về đưa con đi, chứ… có li hôn gì đâu em. Tôi điên: Ủa, chứ giờ anh muốn lấy vợ, thì làm sao? Không li hôn thì ai làm đăng ký kết hôn cho anh được? Giọng K vỡ tư: Thôi, anh không lấy vợ nữa đâu. Anh sống vậy cả đời, rồi ráng viết lách được gì thì viết. K cúp máy. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng mênh mang của màn đêm trong hơi thở K, hay trong hơi thở của chính tôi không biết nữa. Bất giác, tôi lại nhớ người phụ nữ mang đôi guốc màu huyết dụ ngồi hút thuốc trong quán café ấy. Rồi tự gán ghép cô với K, biết đâu, đó lại là duyên phận. Có tiếng mưa lắc rắc trên mái nhà. Tôi tắt điện, nằm nghe đêm đen thì thầm dưới mưa, tự hỏi mình tại sao không thể mở lòng với K, không thể đến bên K như một người vợ, hay chí ít là người tình? Tôi chẳng phân biệt tuổi tác, ngoại hình và những thứ bên ngoài cũng không. Cuộc sống này là tạm bợ, thân xác của con người cũng là tạm bợ nốt, nên tôi chẳng bao giờ bám vào những thứ tạm bợ ấy mà làm khổ mình. K có tình, có những nỗi buồn và cô đơn của người viết. Nhưng chẳng hiểu sao, mỗi lần ngồi bên K, đối diện K, trò chuyện với K, tôi cứ thấy lòng mình hoang trống. Nghe những câu chuyện đời của K, chỉ thấy thương và muốn che chở cho K. Lắm khi, thấy mình như một người chị, hay người mẹ của K, cứ có cảm giác tội tội, thương thương, cứ thấy K mong manh như bông cỏ may trước cơn gió mùa. Giờ thì K mất tích, bỗng dưng cứ thấy cồn cào, chẳng thể nào mà gọi tên được cảm xúc cứ xáo trộn bên trong. Hình ảnh con gái K thánh thiện trong bộ áo lam với ánh nhìn hun hút hiện rõ trong đêm tối, ngay trước mắt tôi. Đầu óc tôi quay cuồng trước khi ngủ thiếp đi.
Đêm đó, tôi đã mơ.
K đến, với chiếc guốc màu huyết dụ trên tay, và một thân hình tơi tả.
- Anh tìm mãi mới thấy. Em đánh rơi ở nơi kỳ lạ quá.
- Ở đâu?
- Nơi đầu nguồn cơn mưa và sợi khói.
- Anh điên à?
- Nơi khổ đau tột cùng của con người?
- Anh làm sao vậy?
- Anh đã rất khổ sở. Nhưng phải, nỗi đau là cuộc đời, và anh không muốn mình xa lạ với cuộc đời.
Tôi giằng chiếc guốc màu huyết dụ trên tay K, vứt mạnh xuống con kênh đục ngầu ngay đó.
K thét lên, rồi vội vã lao xuống theo chiếc guốc ấy.
Tôi té sấp trên cầu sợ hãi.
Giấc mơ tôi đang nhập nhằng thì bị gián đoạn bởi tiếng gõ cửa dồn dập, càng lúc càng gấp gáp. Tôi lại nhớ tới cuộc đời K, sinh ra đã cô đơn, khi có vợ con rồi vẫn cô đơn. Rốt cuộc thì, ai rồi cũng chỉ còn lại một mình.
Tiếng gõ cửa lại liên hồi, nghe như những giọt mưa vội vã rớt để tái sinh, chẳng biết trong hình hài một giọt mưa khác, hay là đám mây, là con sóng nhấp nhô ngoài khơi xa ngàn năm khát bờ. Còn tôi thì chẳng biết mình đang khát điều gì. Không chịu được âm thanh lóc cóc dồn dập ấy nữa, tôi ngồi bật dậy.
Căn phòng này, chỉ hai người biết tới, mà chưa một lần nào bước vào bên trong. Tôi mở chốt cửa, mắt bỗng mờ đi với hình hài trước mắt mình – đang xách chiếc guốc màu huyết dụ. Tôi chẳng còn nhận ra đó là T hay là K nữa…
N.T.N
Tags:
Ngô Thuý Nga,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét