LUNG LINH TRĂNG RỪNG - Truyện ngắn Nguyễn Văn Học
Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016
Nhà văn Nguyễn Văn Học
Cảm giác đầu tiên của tôi lần đầu đến chợ tình là một sự thất vọng. Không còn vẻ trữ tình như vô tuyến, sách báo nói. Một số người dân Sa Pa bảo chợ tình mai một, mất vẻ hoang sơ như trăng treo trong rồi, nó bị thương mại hóa. Thanh niên nam nữ kéo về đây để ăn nhậu, để bán mua, ồn ào. Chợ tình không còn là nơi hẹn hò đôi lứa. Tôi háo hức đến và thất vọng. Chẳng lẽ về không hay sao. Tôi vào quán nhậu gọi vài món. Đêm chếnh choáng say và sương đỏng đảnh. Tiếng khèn vắt vẻo biểu diễn cho khách xem và thu tiền. Định tạm biệt đêm chợ, bắt xe ôm về trường học Tả Van, chợt tôi ngửa cổ nhìn lên trời thấy trăng sáng quá. Quyết định tản bộ một đoạn, mải mê nghĩ về một người trong quá vãng thì đã đến dốc núi từ lúc nào, tôi tự nhủ: Sẽ vượt sáu cây số về Tả Van.
Tôi vừa đi vừa huýt sáo, một bài hát tiếng Anh trong đĩa Tình khúc bất tử. Tiếng sáo giữa núi rừng đêm trăng thanh khiến bước chân nhanh hơn, hứng khởi và miên man, điệu sáo cứ du dương ca vút lên không trung ngập tràn ánh trăng. Tôi còn đọc thơ cho mình nghe, trăng nghe, rừng núi nghe. Vầng trăng kia, có lẽ cũng đẹp như mảnh trăng trong truyện ngắn của một nhà văn nọ ngoài chiến trường, mà từ thời phổ thông tôi đã đọc. Lúc này tôi cảm giác trăng soi sáng hơn cho khu rừng mình bước. Tôi đứng lại nhìn xung quanh, tức thì ánh sáng kia vụt tắt, chỉ còn là ánh trăng bình thường. Tôi nghĩ chắc mắt mình có vấn đề, nhưng khi bước đi thì lại có cảm giác gần bên mình tỏa rạng một luồng sáng lạ, không chỉ đơn thuần có ánh trăng. Tôi quay lại, ánh sáng vụt tắt, và hình như có tiếng bước chân. Dừng hẳn lại một lát, có người tiến lại gần. Là một cô gái, khoảng cách giữa tôi và cô ngắn dần.
Cô gái vận đồ người dân tộc Giáy, trông hấp dẫn lạ thường, đoán chừng cô độ đôi mươi. Sao cô lại đi một mình trong đêm tối nhỉ? Tôi đánh bạo:
- Chào cô, sao một mình đi trong lúc này?
Trả lời tôi là một giọng nói giống người Kinh hơn người Giáy:
- Anh cũng đi một mình đấy thôi. Anh đi được sao em lại không?
Lời cô khiến tôi suýt bật cười. Tôi hỏi nhà. Cô nói ở bản Phù - Nhung xã Tả Van. Vậy là chúng tôi cùng đường. Cô có nụ cười tươi rói, hai con mắt long lanh như dính nước.
- Cô có thường đi buổi tối thế này không?
- Không, chỉ hôm nay thôi. Em trốn nhà xuống chợ mà. Tưởng chợ có gì vui, không ngờ chẳng có gì cả, em bỏ về.
Tôi thắc mắc về chuyện tại sao em phải trốn nhà. Cô gái nói vì cha cấm. Bao ngày háo hức đến chợ tình. Ngờ đâu đã không còn như trước. Chắc cô cũng thất vọng, ôm một vết thương lòng như tôi. Đi bên cô, tôi cảm giác trăng sáng hơn, sáng đến mức có thể nhìn rõ nụ cười và hàm răng ấy. Tôi đùa:
- Đi cùng em, trăng sáng hơn thì phải.
Cô nói:
- Vì em là Nguyệt mà. Nguyệt là trăng nên sáng - cô cười - chỉ anh là người thứ hai biết điều đó thôi, vì em chưa bao giờ đi trong đêm với ai khác. Cha em không muốn em yêu đương ở đây. Ông tốt, riêng điều này thì hơi cứng nhắc.
- Cha em làm nghề gì?
- Cha em hằng ngày vào rừng hái thuốc, bốc thuốc cứu người. Bệnh viện huyện đều đặn hàng tuần về mang thuốc đi. Em cứ thắc mắc, cha em vất vả vậy để làm gì. Lẽ ra, với tài của ông, hai cha con có thể có một cuộc sống sung túc. Nhưng... lúc nào cha em cũng một vẻ u hoài.
Hai cha con Nguyệt là người Kinh về Tả Van sống từ lâu. Ngôi nhà nằm dưới chân đồi trồng nhiều cây thuốc, cũng là cái “rốn” đựng được rất nhiều ánh trăng. Mùi thảo dược tỏa ra thơm phức. Mỗi mùa ngô đến, hương thảo dược, hương ngô quyện vào hương trăng tạo thành rừng hương thơm diệu kỳ. Nguyệt là con độc nhất của cha. Trước đây, ông từng có một đời vợ, có mình Nguyệt. Ông vì tận hiến cho y dược, chỉ lo cứu người mà quên mất việc phải làm giàu cho gia đình. Vợ ông đã bỏ đi tìm cuộc sống khác. Ông cay đắng nuốt nỗi đau.
Từ bỏ vùng quê trung du Phú Thọ, ông mang theo cô con gái bé bỏng tìm về định cư ở Tả Van, nơi ông cho là thuận lợi để kiếm tìm và phát triển nguồn thảo dược, cung cấp cho cuộc đời. Khi về Tả Van ông vẫn là một chàng trai đẹp mã dù qua một đời vợ, là niềm mơ ước của nhiều cô gái vùng này. Cô người Giáy bản bên say ông từ lần gặp đầu tiên. Hình như ông cũng rung động. Cô gái tự nguyện đi hái thuốc cùng. Gỗ khô lửa bén. Không lâu sau hai người làm đám cưới, hiểu hoàn cảnh ông, đằng gái phá lệ, giảm thủ tục. Lúc đó Nguyệt lên bốn, người mẹ kế rất thương yêu cô. Mẹ cũng là người xinh nhất bản. Ông thầy thuốc không hề để ý đến điều đó. Các chàng trai trong vùng tức giận, tìm cách hại thầy thuốc. Mấy chàng giữa đêm đến phá vườn thuốc, đêm thứ hai định lẻn thì bị trưởng bản phục bắt được. Cách này không được, họ tìm cách khác. Vợ thầy thuốc đi chợ, đám thanh niêm bày trò trêu ghẹo, rồi đón một ông thầy bùa cao tay về đánh bùa giúp. Vợ thầy thuốc cứ cười hềnh hệch, đi đứng ngả ngớn lả lơi, không còn ý thức. Thầy thuốc thấy vợ mình có những biểu hiện, đôi lần mắng mỏ. Nhưng rồi, ông hiểu đã có chuyện chẳng lành xảy ra. Điều đó do bùa ngải thuốc mê. Ông liền tìm cách chữa trị, bao đêm ngày vất vả nhưng vô hiệu. Vợ ông không khỏi mà còn nặng thêm. Một hôm vợ ông bật khỏi giường, lao ra bờ suối rồi không về nữa. Có người nói cô đi theo những tay buôn lậu vùng biên giới, có người lại bảo thi thoảng vẫn thấy cô lang thang ngoài chợ. Hễ nghe ai nói, ông lại cất công đi tìm, đều không thấy. Định kiện, nhưng kiện ai, kiện thế nào, chứng cứ đâu? Tất cả những điều đó khiến ông hoang mang.
Ông thường leo lên núi và ở đó một mình, khóc không để ai biết. Xa xăm ông nghĩ về người vợ cũ ở quê, và vì sao cô lại bỏ ông. Đôi lúc, ông gần như biến thành người khùng, nói năng lảm nhảm...
Kể đến đây, Nguỵêt gần như khóc. Chúng tôi đã đến đầu Tả Van, trăng gác trên đỉnh núi rồi, sáng vành vạnh, như thể hai chúng tôi đang tắm ở biển trăng. Đoạn đường dài thành ra quá ngắn. Nguyệt xin phép rẽ vào bản, về trước kẻo cha cô đi Bắc Hà về tới. Cô hẹn sáng sau sẽ nói chuyện nốt về cha mình.
Sáng sau tôi háo hức đến chỗ hẹn đầu bản Phù - Nhung, chính là bờ suối nhưng đợi chồn chân cũng chẳng thấy Nguyệt. Cô quên chăng hay có chuyện gì bận bịu, cũng có thể cô cố tình đùa bỡn tôi. Cố đợi qua chiều vẫn không thấy, tôi liều tìm đến nhà ông thầy thuốc. Vừa bước qua cái cổng gỗ đã thấy mùi thảo mộc thơm ngan ngát. Căn nhà vắng tanh. Tôi gọi: “Ông chủ ơi, ông chủ ơi”.
Không có ai trả lời, chỉ có tiếng lạch cạch trong một căn phòng hẹp bằng gỗ. Tôi tiến lại gần. Bên trong có tiếng hỏi vọng ra: “Ai đấy?”. Tôi nói tên mình. “Anh Sáng hả?” thì ra là Nguyệt, cô bị trói ở trong phòng. “Anh hãy phá cửa để cởi trói cho em ra, cha em nhốt em vào đây”. Tôi đạp, cái cửa ọp ẹp bật tung. Nguyệt bị trói vào cây cột do tối qua trốn đi chơi. Thoát khỏi sợi dây trói lằng nhằng, Nguyệt hốt hoảng:
- Nhanh lên anh ơi, cha em đi tìm bọn buôn thuốc phiện.
Tôi chạy vụt theo Nguyệt. Cô nhanh thoăn thoắt như con sóc nhỏ băng qua đường mòn. Tôi toát mồ hôi chạy theo, miệng thở tai thở ngực đập, chỉ thấy bóng núi rừng đổ sập phía sau. Vừa chạy vừa leo chừng năm cây số thì đến một bãi đất rộng, có hang sâu. Chỗ này cỏ bầm dập, chứng tỏ vừa có nhiều người vừa ở đây. Nguyệt hốt hoảng tìm xung quanh. Lát sau, cô thấy cha mình nằm bất động ở một góc trên vạt cỏ nhầy nhụa. Đỡ ông ngồi dậy, trên người đầy vết máu, mắt ông đầy căm giận, miệng thở phì phò. Sát chỗ ông nằm còn con dao quắm cắm chặt mũi xuống đất. “Cha liều quá, làm sao cha đánh được chúng, chúng tha giết cha là may...”. Ông thầy thuốc thều thào: “Chúng không giết tao thì tao giết chúng, chính chúng đã cướp mẹ kế con khỏi tay cha!”. Tôi cùng Nguyệt đưa ông già về. Đêm, ông nằm mê man bên đống lửa. Miệng ông luôn lẩm bẩm không thành tiếng. Hai chúng tôi canh cho ông ngủ. Giữa đêm, Nguyệt kéo tôi ra vườn nói chuyện.
- Cha em tìm hiểu và đã biết chuyện mẹ kế phản bội rồi anh ơi. Mười mấy năm qua ông đi tìm để rồi biết được bà ấy giả vờ như vậy, thăm dò lòng dạ cha em rồi bỏ đi. Mười mấy năm cha em mòn mỏi, khóc thương, nghĩ bà bị kẻ gian làm bùa mê bắt mất. Bà theo lão Kiểng cũng là người Kinh buôn thuốc phiện để kiếm tiền tiêu xài. Yêu cha em, bà ấy nghĩ ông có nhiều của cải. Đi tìm tin tức, biết được điểm của chúng, cha em cầm dao đến tận hang ổ, kết cục là...
Tiếng ho khù khụ của ông thầy thuốc lan ra bên ngoài. Ông đã tỉnh, chúng tôi chạy vào. Nhìn tôi, ông hỏi: “Anh là bạn con Nguyệt?”. Tôi gật. Ông mỉm cười, cái cười như bông hoa mới hé trong nắng sớm. “Vậy là con Nguỵêt cũng có bạn, tôi cứ nghĩ... Vậy là may rồi”.
Lê lết ngồi dựa lưng vào cột, ông bảo tôi ngồi đối diện, nói tiếp:
- Tôi đã bắt con bé chịu khổ, không cho chơi với bất kỳ ai vì lo sợ nó bị hại. Suốt những năm qua, tôi sống và còn làm được việc là vì nó. Chính con gái đã tỏa ra ánh trăng hy vọng cho tôi. Nó học xong cao đẳng y, cũng về bên bố để cùng nghiên cứu, làm thuốc.
Sau khi bị kẻ xấu đánh đập, ông thầy thuốc đã nghĩ thông nhiều điều. Ông để con gái được tự do có bạn. Sự xuất hiện của Nguyệt trong quãng thời gian này khiến tôi xốn xang. Tôi cũng như ông thầy thuốc, có một đời vợ, nhưng chưa có con và ôm một vết thương sâu hoắm. Tôi về dạy học ở vùng núi này để trốn quá khứ và hơn một năm qua sống khép mình. Tôi ngại tiếp xúc với phụ nữ, nhất là những người thực dụng. Vì chính vợ cũ tôi cũng thực dụng, bị cám dỗ bởi giàu sang nên bỏ tôi sau gần hai năm chung sống. Tôi với ông thầy thuốc có gì giống nhau chăng? Và sự xuất hiện của Nguyệt trong cuộc đời đã làm thức dậy những khát vọng trong trái tim nguội lạnh của tôi.
***
Thêm một mùa trăng tắm đẫm thung lũng ngô. Nguyệt cũng thắp cho cuộc sống của người giáo viên như tôi thêm ý nghĩa. Cha cô ủng hộ hai đứa, ông chấp nhận quá khứ của tôi và trao Nguyệt cho tôi. Nguyệt cũng bỏ qua chuyện tôi đã có vợ. Em nói chỉ cần một tình yêu chân thành của tôi, để không chỉ hai đứa hạnh phúc, mà cha cũng yên lòng.
Đám cưới giản dị mà vui. Nguyệt đã sống không chỉ cho riêng mình, mà chuyển tải cả những khát vọng của cha, làm điểm tựa tinh thần cho cha. Tôi được giao nhiệm vụ làm hiệu phó, Nguyệt được học hành tử tế, học từ cha, kiến thức nhiều, là thầy thuốc đắc lực giúp cả vùng. Chúng tôi hăng hái làm việc. Tôi nể Nguyệt, em vì người bệnh mà đi bản đến mòn vẹt cả những đôi giày chỉ trong thời gian ngắn. Không biết em lấy đâu nhiệt huyết, để chữa trị và thắp sáng cho nhiều người đến thế. Còn riêng tôi, vẫn tin đêm gặp đầu tiên đó Nguyệt mang trong mình nguồn năng lượng kỳ diệu và chỉ tôi mới nhận ra thứ ánh sáng đó. Mặt khác, em đã tỏa cả ánh trăng linh hồn và nụ cười, tưới vào tôi, để tôi thêm ý nghĩa giữa vùng núi xanh miên man kỳ diệu này.
N.V.H
Tags:
Nguyễn Văn Học,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét