NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY: NGUYÊN SA - Bài giới thiệu của Trịnh Bửu Hoài
Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016
Nhà thơ Nguyên Sa
Kỳ 19:
N G U Y Ê N S A
Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút hiệu Hư Trúc, Lê Hải Vân. Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, người gốc Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế), dòng dõi quan lại. Ông cố là Thượng thư, từng giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong thời vua Tự Đức. Đến đời ông nội gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống.
Năm 17 tuổi, Nguyên Sa được gia đình cho sang Pháp du học. Năm 1953 ông đỗ tú tài rồi vào học khoa triết trường đại học Sorbonne. Ông bắt đầu sáng tác văn học và có nhiều bài thơ được bạn đọc chú ý. Ông gặp bà Trịnh Thị Nga và sau đó thành hôn với bà vào năm 1955 tại Paris. Năm 1956, hai vợ chồng đưa nhau về Việt Nam và định cư tại Sài Gòn.
Vợ chồng nhà thơ Nguyên Sa
Nguyên Sa dạy triết tại trường trung học Chu Văn An ở Sài Gòn và mở thêm lớp dạy tư môn triết luyện thi tú tài 2. Ông cũng được mời dạy tại khoa triết trường đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông còn mở trường tư thục Văn Học và Văn Khôi. Ngoài ra, ông được mời dạy tại một số trường trung học khác ở Sài Gòn.
Về hoạt động văn học, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại, cùng thời với tờ Sáng Tạo và Thế Kỷ 20. Thập niên 1960 – 1970, ông nổi tiếng trên văn đàn với tập Thơ Nguyên Sa tái bản nhiều lần. Nguyên Sa có nhiều bài thơ viết theo thể tự do, nhưng những bài thơ vần điệu của ông được người đọc ngưỡng mộ hơn như Áo lụa Hà Đông, Cần thiết, Tương tư, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa… và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chắp thêm đôi cánh cho thơ ông qua những bài phổ nhạc. Những vần thơ mượt mà, truyền cảm với ngôn ngữ giản dị nhưng hàm xúc, lãng mạn được giới trẻ yêu thơ bấy giờ yêu thích: Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường… (Tuổi mười ba). Ngoài thơ, ông còn xuất bản truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, bút ký, hồi ký, sách giáo khoa, biên khảo văn học và triết học…
Năm 1975 Nguyên Sa đi Pháp rồi vài năm sau đưa gia đình sang định cư ở California, Hoa Kỳ và mất tại đây vào ngày 18 tháng tư năm 1998. Những ngày cuối đời, ông viết một loạt thơ mang tính tự sự và triết lý về cuộc sống với một phong cách mới lạ. Có thể nói đây là một dòng thơ khác trong một giai đoạn khác của cuộc đời ông, nhưng vẫn là chất của Nguyên Sa: Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng sông. Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc của dòng sông. Vật nào cũng có hai nghĩa trang. Một vật bao giờ cũng có hai tên. Tên nó và tên ước mơ của nó… (Con sông).
Nói đến Nguyên Sa người ta nghĩ ngay đến dòng thơ tình đặc sắc của ông sau thời kỳ Xuân Diệu. Nói đến dòng thơ tình Nguyên Sa người ta nhớ ngay đến bài Áo lụa Hà Đông: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn. Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh… vừa trữ tình vừa lãng mạn và sống mãi trong lòng người yêu thơ…
TRỊNH BỬU HOÀI
Nguyên Sa (do Tạ Tỵ ký hoạ), và thủ bút
Á O L Ụ A H À Đ Ô N G
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Em không nói đã nghe lừng gia điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.
NGUYÊN SA
Tags:
NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY,
TẠP BÚT,
Trịnh Bửu Hoài,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét