CHUYỆN BAO ĐỒNG - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016
Nhà văn Phùng Phương Quý
Từ Cầu Trung tới chợ Mới chừng bốn cây số, đường trải nhựa phẳng lì, hai bên xum xuê lá điều biêng biếc. Nắng đổ lửa, mặt đường rung rinh bốc khói. Chiếc xe đạp cà tàng lúc chạy, lúc dừng. Người ngồi trên xe là ông già chừng sáu mươi tuổi, xơ xác chiếc áo xanh bạc màu, đen đúa, ốm nhách. Cây tầm vông dài cỡ sải tay vừa chọc xuống đường, cục nam châm cột phía đầu gậy dính thêm hai cây đinh rỉ, cong queo. Chúng bị ném vô chiếc thùng gỗ sau xe. Bánh xe loạng choạng lăn tiếp, mồ hôi rớt xuống bắp đùi rám đen.
Bà Tư rót ly trà đá, dằn trước mặt chồng.
- Coi chừng cảm nắng chết bất tử đó. Sao ông lo chuyện bao đồng không hà! Nói ông hay, tôi mà dẹp gánh bánh canh là nhịn đói luôn.
Ông già quạu cọ:
- Bà mới thiệt nhiều chuyện. Tôi đi lượm đinh, mắc mớ chi tới ai? Bà dẹp gánh, tôi ghé hàng xóm xin ăn chớ sợ hả?
Bà hạ giọng:
- Là nói vậy! Chứ ông kỳ quá. Đang chạy xe ôm, tự dưng lang thang trên đường như lão khùng.
Tên ông là Tư Đen. Mười năm trước người ta kêu là Tư xe đạp ôm. Hai năm nay kêu là ông Tư Lượm đinh. Nghề lượm đinh không có tiền, nhưng có căn cớ của nó. Một lần, ông gặp người phụ nữ chạy xe honda bị cán đinh té ngã. Chính ông ẵm người phụ nữ lên xe, đưa đi cấp cứu. Sau này, nghe tin cổ chấn thương sọ não, tàn tật suốt đời. Lần nữa, vừa đạp xe tới cầu Trung, ông bắt gặp hai vợ chồng nông dân bị lủng ruột xe, người chồng đang cự thằng vá xe dạo:
- Tôi biểu chú vá chớ biểu thay ruột hồi nào? Mà ruột xe quỷ gì giá trên trời vậy?
- Con c…! Ruột bể tùm lum làm sao vá? Có trả tiền hay không nói một tiếng. Đ.M! Tôi đốt xe ông bây giờ nè!
Cuối cùng thì nó móc túi vợ chồng kia trăm rưởi ngàn. Ông Tư dừng xe lại coi mà không giúp được gì. Rồi ông bỏ nghề xe đạp ôm, quay qua nghề lượm đinh. Ông đạp xe trên đường, thấy cây đinh nào là dừng lại lượm. Sau thấy cách đó mất công quá, ông kiếm cục nam châm cột vào đầu cây tầm vông đi rà đinh. Hai năm, thùng đinh của ông Tư hơn hai chục kí. Những chiếc đinh rỉ sét hình chữ L, chữ Z hoặc quăn queo như con trùn, lẫn lộn với những ron, bù loong, ốc vít rơi rớt trên đường. Bà Tư giục ông bán thùng đinh cho ve chai mà ông không chịu. Từ ngày xuất hiện ông già lượm đinh, hình như những người chạy xe máy trên đường thấy yên tâm hơn.
- Trên Viện câm điếc, mấy bữa nay lại có người bị té xe, lủng bánh vì đinh tặc!
Nghe tin đó, ông Tư nổi nóng. Tổ cha tụi “ác ôn”. Nó ngán ông nên chuyển địa bàn chớ gì? Hôm sau, chiếc xe đạp và cây gậy tầm vông của ông Tư tà tà chạy lên Viện câm điếc. Ngày đầu, ông Tư lượm được bọc đinh nặng cả kí. Một thằng mập cởi trần ngồi trong quán sửa xe, nói vóng ra:
- Rảnh quá ha! Coi chừng té lọi giò đó ông già!
Ông kéo chiếc nón kết xuống lau mặt, cây gậy chĩa về bên trái, cây đinh 10 liền bám vắt vẻo trên cục nam châm. Một cây đinh màu xám nằm ngóc đầu, cục nam châm rà tới rà lui mà nó không dính. Ông xuống xe lượm bằng tay. Hèn gì! Cây đinh bốn cạnh bằng nhôm.
Hôm sau, trời muốn kéo cơn mưa sớm. Nắng đang gắt bỗng dịu đi rồi mát mẻ. Cái ổ gà nằm cách lề đường chưa đầy mét xuất hiện. Ông Tư dừng xe, thử phán đoán. “Chỗ này tụi nó sẽ rải đinh, vì người chạy xe sẽ không chạy sát mí dễ bị té, mà bọc phía giữa mặt đường để tránh ổ gà. Nếu rải đinh khúc đó, nhất định người chạy xe dính chấu”. Ông cầm cây gậy bước tới. “Ngay chóc!”. Bốn cây đinh nằm rải rác cạnh ổ gà. Ông cười, thầm chửi mấy thằng “đinh tặc”. Tiếng nẹt ga xe máy bên kia đường làm ông Tư hoảng hồn, nhảy thối lui vô lề cỏ. Hai thằng con trai tóc nhuộm đỏ chạy xe vút qua, thằng ngồi sau vung tay về phía lòng đường. Ông Tư kịp nhận ra đó là một nắm đinh, chúng còn kêu lạch cạch trên mặt đường trước khi nằm im chĩa mũi nhọn về mọi phía. Chiếc xe đạp vòng trái, lăn bánh về nơi hai thằng vừa đi qua. Tổ cha tụi “ác ôn”! Ông Tư cất tiếng chửi. Quá nhiều đinh trên đường, ông phải ngồi xuống dùng tay gom lại mà hốt vô thùng. Hai bàn tay quýnh quíu, rớm máu, trong lòng dấy lên nỗi lo lắng. Đây là địa phận mới, không quen thuộc như khu vực cầu gần nhà mình. Nếu tụi nó kiếm chuyện với ông thì sao? Như để chứng minh cho nỗi lo lắng kia, một tiếng “rẹt” của xe máy ngang tai ông Tư. Vai ông hứng trọn cú đạp, cả người bật ngửa, bàn tay phải đè lên bãi đinh, đau nhói. Đó là cảm giác cuối cùng của ông Tư sau khi gáy bị đập vô chiếc xe đạp.
Chiếc xe máy chở cần xé đầy nhóc chôm chôm chín đỏ chợt dừng lại. Người phụ nữ ngồi chồm hổm phía trước nhảy xuống.
- Ai như ông Tư lượm đinh mình ơi!
Người chồng chống cây tó xe xong, bước tới nâng ông già dậy. Đầu ông máu chảy đầm đìa, giữa bàn tay phải một cây đinh đâm lút.
- Ông Tư đây chớ ai! Bữa nay xuống tới đây lượm đinh hả? Ổng xỉu rồi! Má mầy tháo cần xé xuống. Lẹ lên!
Hai vợ chồng vội lên xe, đỡ ông Tư ở giữa rồi chạy ngược hướng vừa tới. Ông Tư ngồi xuội lơ hai cánh tay, đầu gục lên vai người đằng trước. Chiếc xe chạy ào qua cổng bệnh viện huyện, thẳng vô phòng cấp cứu. Ẵm ông Tư chạy vô, người chồng la lớn:
- Bác sĩ! Cấp cứu! Cấp cứu!
Cô y tá trực đủng đỉnh bước ra, chỉ tay về phía chiếc giường đặt ở hành lang, bảo đặt ông già nằm lên đó. Vừa nằm lên giường, ông Tư chợt tỉnh, mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Người chồng kéo tay cô y tá, thúc giục:
- Cô băng bó cầm máu giùm ông Tư, rồi chích cho ổng mũi ngừa uốn ván nghen!
Anh ta quay qua ông Tư, mừng rỡ:
- Bác Tư tỉnh rồi hả! Hên quá! Tới bệnh viện rồi. Nằm nghỉ đi, vợ chồng tui đi hốt mớ chôm chôm rồi quay lại liền.
Chiếc xe rú ga, chạy vội về nơi vừa xảy ra tai nạn. Chị vợ hốt hoảng:
- Cần xé chôm chôm mất tiêu rồi mình ơi!
- Kỳ vậy! Lúc đó mình để dẹp vô lề đường rồi mà?
Chiếc xe đạp của ông già, nó cũng biến đi đằng nào. Anh chồng nổi cục, chửi thề um sùm. Chị vợ khuyên:
- Thôi! Lỡ gặp ngày xui xẻo, mất hơn ba trăm ngàn nhưng cứu được ông Tư.
Hai người quyết định quay lại bệnh viện. Ông Tư nằm thiêm thiếp trên giường, vết thương trên đầu chỗ máu khô quánh bám lên tóc, chỗ vẫn ri rỉ thấm ra. Anh chồng la lên:
- Trời đất! Nãy giờ chưa ai băng bó cho ông già hả? Bác sĩ đâu?
Một người đàn ông mặc bờ-lu trắng, mắt mang kính cận bước ra, hỏi lạnh tanh:
- Anh là người nhà của ông già hả? Nãy giờ đi đâu chưa đóng viện phí?
- Người ta cấp cứu thì cứu đi chớ. Viện phí nộp lúc nào không được!
Cô y tá hồi nãy trờ tới:
- Tới quầy thu viện phí, nộp năm trăm ngàn lẹ lên!
Anh chồng đỏ mặt muốn gây lộn, nhưng chị vợ nắm áo kéo ra. Chị lặng lẽ tháo đôi bông tai, bước tới quầy thu viện phí.
- Trong bóp còn có mấy chục. Em thế đỡ đôi bông tai để họ cấp cứu cho bác Tư. Mình về lấy thêm tiền đi, tiện kiếm nhà nói cho bà Tư hay.
Ông Tư về nhà với vết sẹo tròn rúm ró giữa lòng bàn tay. Bà Tư hình như không muốn nín nhịn nữa. Bà nói lớn lắm, kêu ông là kẻ lo chuyện bao đồng. Bữa đó không có vợ chồng chú Năm (hai người đi bán chôm chôm) thì ông chết dọc đường rồi. Ông Tư vội lục đục kéo thùng đinh rỉ trong bếp ra, kêu ve chai tới bán.
- Ba mươi lăm kí ông Tư!
Năm ngàn một kí, tổng cộng được một trăm bảy lăm ngàn. Ông Tư bần thần. Vậy thôi hả? Còn thiếu hai trăm nữa mới đủ trả nợ. Bữa ở bệnh viện, hết ba trăm rưởi là tiền Năm chôm chôm thanh toán giùm. Bà Tư thấy chồng bán thùng đinh thì an ủi:
- Từ từ rồi tính! Tôi chỉ còn đủ tiền cơm thuốc cho ông ít bữa thôi.
Vậy mà số ông Tư hên. Công an huyện tới nhà tặng giấy khen kèm năm trăm ngàn đồng vì vụ lượm đinh. Cả xóm tròn mắt. Thấy chưa! Cứ nói ổng lo chuyện bao đồng. Ông Tư thì thở phào.
Nửa tháng sau, lại thấy dáng lòng khòng, ốm đen của ông Tư nghiêng ngả trên chiếc xe đạp mới. Chiếc thùng gỗ ràng phía sau xe, cây gậy tầm vông có cục nam châm lần này dài và nhẹ hơn. Ông lại bắt đầu công việc tỉ mẩn, mắt dõi chăm chăm tìm những cây đinh rải rác trên đường. Lần tái ra quân này, ông lượm được cả kí. Chợt ông lẩm bẩm: “Ủa! Sao mớ đinh này trông quen vậy ta?”.
P.P.Q
Tags:
Phùng Phương Quý,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét