CỔ TÍCH ÁO TRẮNG - Truyện ngắn Đỗ Duy Hoàng
Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016
Đỗ Duy Hoàng
Đêm… Từng tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối nghe lộp bộp. Đâu đây trong không trung rả rích từng tiếng ca du dương của những ca sĩ côn trùng. Có lẽ đấy là những sự sống duy nhất còn sót lại trong màn đêm u tịch. Trời càng về khuya như càng chùng xuống thấp hơn. Màn đêm buông thõng đến từng con ngõ vắng đến lặng ngắt. Từng cơn gió rít qua làm những cành lá va vào nhau lạch cạch. Những dấu hiệu mùa đông đã về nghe rét mướt cả vòm trời đêm.
Cách đây ngót hơn 20 năm, bầu trời cũng ảm đạm, hiu hắt như thế này. Ngôi trường cô Vy giảng dạy đã bị bão cuốn bay chỉ trong một đêm. Sáng hôm sau, thức dậy trong nỗi kinh hoàng. Cô giáo trẻ nhìn ngôi trường vách nứa mái tranh, chỉ còn chỏng vó cái nền đất ẩm ướt. Thế là cô trò vùng cao hiu hắt gió đông này phải chặt cây nứa, đan cây tre xây lại ngôi trường cho kịp những buổi học i tờ, của những con chữ ê, a của những đứa học trò thân thương.
Tốt nghiệp trường sư phạm, mang trong mình nghiệp nhà giáo, tình nguyện đến vùng cao để giảng dạy. Cô giáo Vy mang trong mình hành trang của sự hăm hở và bầu nhiệt huyết tràn đầy, cùng với con tim sẵn sàng cống hiến với từng con chữ học trò. Bỏ lại sau lưng cuộc sống phố thị, và những mối quan hệ thị thành, dẫu vẫn biết sẽ lắm gian lao trên hành trình đến với bản cao. Nhưng ý chí và niềm thương yêu đã vượt lên trên tất cả.
Bước về trường trong sự ngỡ ngàng của cô giáo trẻ. Trường học chỉ có vỏn vẹn hai gian nhà tranh vách nứa. Một dãy hai phòng làm phòng học, mỗi phòng lại chứa đến vài lớp trong cùng một buổi học, do số lượng học sinh mỗi lớp vốn không nhiều, cộng cả trường chỉ có 4 giáo viên. Nên lớp ghép diễn ra như một điều tự nhiên của lớp học miền cao. Dãy còn lại vừa là phòng Ban giám hiệu vừa là phòng nội trú cho các giáo viên.
Sau mùa mưa bão, cả ba giáo viên ở trường đều lần lượt ra đi vì không chịu nổi cái khắc nghiệt của vùng cao qua đỗi thiếu thốn này. Rồi giáo viên mới về thay thế cũng lần lượt ra đi, chỉ còn mình cô giáo Vy ở lại. lòng hoài nghi đến mơ hồ, liệu người ra đi tiếp tục có phải là mình, nhưng cứ nhìn những cô bé, cậu bé mắt ngấn nước nhìn những thầy cô yêu quý lại về miền xuôi, nhìn sự sung sướng được đến trường hằng ngày của lũ trẻ. Và những ước mơ đến bé bỏng của những đứa trẻ ở nơi đây khi có được quyển vở hay cây bút, tất cả những điều ấy giống như một ma lực níu giữ cô giáo Vy ở lại. Gia đình một hai bắt cô trở lại miền xuôi, bởi lẽ thân gái nào có thể chịu được những gian nguy nơi đầu sóng ngọn gió như vậy. Rồi mối tình đẹp của cô giáo trẻ với chàng trai thành thị hào hoa đã chờ đợi cô ròng rã, không thể kiên nhẫn hơn được nữa đã khăn gói lên tận trường mong đón được cô về:
- Vy về với anh đi Vy
- Nhưng ở đây lũ trẻ rất cần em, anh à. Mong anh hiểu cho em!
Cô giáo Vy trả lời trong sự nhớ thương dồn nén đến vỡ òa, dẫu yêu thương vẫn còn nhưng biết bao điều phải đối diện, rồi ai sẽ dìu dắt lũ học trò nhỏ nơi đây. Lòng cô giáo Vy se thắt lại.
- Em xin lỗi, anh hãy quên em đi, anh hãy tìm hạnh phúc cho riêng anh, em không thể về cùng anh được rồi, bọn trẻ cần em.
- Nhưng anh cũng cần em như thế! Về xuôi em cũng hằng ngày đến trường để tiếp tục giảng dạy.
- Không thể đâu anh. Vì em đi thì bọn trẻ ở đây biết đâu sẽ nghỉ học giữa chừng. Trường giờ chỉ còn hai giáo viên, em đi chắc lũ trẻ nghỉ học thật quá.
Ngậm ngùi chia tay mối tình đầu, với biết bao mộng ước lứa đôi cao đẹp vì một ngày mai, một cuộc sống của hạnh phúc, của một gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ. Nhưng đổi lại cô vẫn nhận được tiếng cười tràn đầy của lũ trẻ nơi đây. Có gì chúng cũng đem đến cho cô giáo, từ bẹ măng rừng đến tô cháo ốc… ấm lòng giữa trời đông. Những ngày lũ về, bọn trẻ không thể đến trường vì chiếc cầu tre bắt ngang qua suối bị lũ cuốn phăng đi. Cô cùng dân bản lại làm những chiếc cầu mới. Những lúc mưa bão không có gạo để ăn, cô lại phải ăn măng tre, rau rừng để sống. Những thầy cô đến lại đi, và không bao giờ trở lại. Bao lâu rồi, cô chẳng thể nhớ nổi, vì chẳng có ai đủ yêu thương để gắn bó với nó bằng cả tuổi thanh xuân như cô giáo Vy.
Hai mươi năm đã trôi qua, cuộc sống dân bản bây giờ đã khác, điện đã vào tận mỗi nhà, đường đã được bê tông hóa. Đã không còn những chiếc cầu tre cheo leo như rơi xuống bất cứ lúc nào bắt qua dòng suối, nhưng những khó khăn vẫn đầy ắp nơi cuộc sống vùng cao. Cô giáo Vy bây giờ không còn là một cô giáo trẻ, tóc tết bím hai bên bây giờ đã là một người giáo già, tóc hoa râm, búi cao, đôi mắt đen ngày nào giờ đây phải mang một đôi kính to khụ. Thời gian đã lấy đi của ta biết bao nhiêu thứ tốt đẹp: tuổi trẻ, sắc đẹp, sự nhanh nhẹn, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, bầu nhiệt huyết vẫn luôn căng tràn trong trái tim người giáo đã trọn đời cắm chữ cho cây núi vùng cao đâm chồi những hoa thơm - như vừng dương soi sáng cả núi rừng.
Đã biết bao thế hệ học trò được cô dìu dắt, có người đi xa, có người ở lại tiếp tục công việc bao đời nay vẫn làm, nhưng hình ảnh cô giáo Vy đáng kính vẫn luôn ngự trị trong trái tim của họ. Cô như ngọn đuốc luôn cháy sáng giữa núi rừng vùng cao này.
Tích tắt… tích tắt... tích tắt… thấm thoắt đông lại về, sương lại phủ trắng những vùng đồi và gió lại mạnh mang theo cái lạnh đầu mùa. Sáng nay trường đón một tin vui như chào đón một sự tái sinh. Pờ Hồ, cậu học trò nhỏ của cô giáo Vy năm nào, giờ đã đi làm ăn xa, cuộc sống dư dả, nhưng tấm lòng lúc nào cũng hướng về quê hương, nguồn cội. Đã trở thành một Mạnh Thường Quân mong muốn xây dựng một ngôi trường khang trang, cho lũ trẻ học hành tốt hơn. Nhớ lại năm nào bố mẹ Pờ Hồ vì gia đình khó khăn đã không cho cậu đến trường nhưng chính cô giáo Vy đã đến nhà thuyết phục bằng được. Ngày chuẩn bị mặt bằng xây trường mới, cô giáo Vy mang ra cuốn sổ tiết kiệm 20 năm dành dụm từng chút đồng lương nhà giáo ít ỏi của mình. Cô muốn góp sức xây trường, muốn được là một phần của ngôi trường như tấm lòng của mình. Thầy Hiệu trưởng nhận món quà từ tay cô Vy mà nước mắt nghẹn ngào.
Cuộc sống không bao giờ đứng yên một chỗ, nó luôn luôn vận động và dịch chuyển. Nhìn ngôi trường giờ đã đổi thay, như cánh rừng thay áo mới, đâm chồi nảy lộc khi xuân về.
Cô đã nghĩ đến tuổi xế chiều sẽ trở về miền xuôi, để sống những ngày còn lại trong vòng tay gia đình. Nhìn “người cũ” giờ gia đình đã đầm ấm, đã bao lần cô chạnh lòng thổn thức. Đã đi hết gần nửa đời người, nhưng cô vẫn một thân lẻ bóng. Dẫu không cô đơn nhưng làm sao không buồn tủi, khi bạn bè cùng trang lứa không con cái ẵm bồng thì cũng cháu con đề huề. Cô không được thiên chức làm mẹ, nhưng cô có những đứa con bao giờ cũng cần cô chăm sóc. Chính quyền địa phương đã xây cho cô một ngôi nhà nhỏ xinh xắn cạnh trường, có lẽ đó là sự tri ân mà cô dành cho mảnh đất nơi đây. Cô đã nuôi dưỡng những mầm non cho đến ngày kết quả. Sự đổi thay của hóa công không ai lường hết được.
Giờ đây khi tuổi đã xế chiều, cô sẽ được sống trong vòng tay của những đứa con ngày đêm ríu rít. Bao năm rồi nhưng những đứa con mỗi ngày cô chăm sóc vẫn không chịu lớn, để mẹ hiền phải ngày đêm lo toan, vất vả.
Liệu giữa cuộc đời này còn xuất hiện cổ tích. Biết đâu đấy giữa màu trắng tinh khôi của học trò sẽ có một câu chuyện cổ tích đẹp giứa cuộc sống đời thường hiện đại. Và biết đâu cổ tích lại chẳng là cô - như một bà tiên của núi rừng luôn tỏa nắng - vừng dương không bao giờ tắt nơi đây.
Đ.D.H
Tags:
Đỗ Duy Hoàng,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét