EM LÀM ĐƯỢC RỒI CÔ! - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân
Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016
Lê Hứa Huyền Trân
Nhớ, tặng cô Liệu
Phải bảy năm sau ngày cô mất tôi mới đến viếng mộ cô. Chẳng phải vì tôi đã quên cô mà vì trong suốt những năm ấy, tôi chẳng đủ can đảm để đến viếng cô, để đến nói với cô ước mơ mà ngày xưa cô đã gầy dựng cho tôi cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được. Cũng bởi vì tôi không đủ can đảm để đối diện với cô, không đủ can đảm để đối diện với niềm tin cô đã giành cho mình…
Cô là giáo viên dạy Văn cấp ba của tôi, cô là người Huế, nên ngay khi cô bước vào lớp và cất lên những lời giảng đầu tiên học trò trong lớp đã xôn xao. Ngày đó, khối lớp 10 mới vào trường nên được chọn giáo viên cho mình, nếu buổi học đầu tiên mà cảm thấy giáo viên đó không thích hợp thì có thể đổi giáo viên và lớp chúng tôi đồng loạt kiến nghị đổi cô. Ắt hẳn cô rất buồn, hôm sau đứng lớp cô nói những lời mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ:
Bây giờ hãy để cô dạy các em thử một tuần. Sau một tuần nếu các em vẫn muốn giáo viên khác thay thế cô thì cô không còn gì để nói. Cô biết vì giọng cô khó nghe nên mấy đứa nghĩ rằng khó tiếp thu, nhưng đừng lo, cô sẽ nói chậm lại để các em có thể nghe rõ hơn.
Và trong suốt một tuần sau đó bằng tất cả nội lực của một nhà giáo già, cô giảng từng chút, phát âm từng con chữ rõ ràng cốt để chúng tôi nghe. Và không ai bảo ai, chắc hẳn trong đôi mắt chúng tôi lúc bấy giờ đều vô cùng ân hận trước quyết định nóng vội của mình. Sau này, khi nhắc lại với cô, cô vẫn hay cười: ”Vào được trường chọn đã là khó, đứa nào cũng muốn mình có được sự tiếp nhận tốt nhất nên điều đó là lẽ thường. Cô cũng biết được khác miền sẽ khó tiếp thu hơn nên cô cũng sẽ cố gắng điều chỉnh”. Cô gắn bó gần gũi với chúng tôi đến độ chúng tôi có thể kể cho cô nghe những lắng lo thường nhật của mình, từ chuyện cãi nhau với bố mẹ, đến những vấn đề mới cảm thấy thinh thích một ai đó cho đến chuyện có những bất đồng với những đứa bạn thân.
Nhưng có một đứa luôn giữ khoảng cách với cô, thậm chí không hề hé răng với cô nửa lời, đó là tôi. Là con gái nhưng tôi rất ít nói và lạnh lùng. Tôi ý thức được điều đó khi con bạn thân của mình nói với tôi: "Tới tận giờ tao vẫn chẳng hiểu mày nghĩ gì trong đầu cả”. Tôi vẫn hay tự nhủ mình khép lòng lại vì từ nhỏ đã thiếu thốn tình thương ba mẹ, người dong ruổi theo những chuyến hàng xa. Và rồi lâu dần, sự kiêu hãnh trong tôi càng không cho phép mình được tâm sự với những thiếu thốn mà mình đang mắc phải.
Em ghét cô à? – Tôi đi học sớm và vừa vặn cô đi ngang qua lớp tôi thấy tôi ngồi một mình trong đó rồi hỏi.
Ơ, sao cô hỏi vậy? Ai lại ghét giáo viên của mình?
Thế em có thích cô không?
Em... không rõ.- Thấy cô hơi buồn, tôi ra chiều có lỗi – Em xin lỗi.
Sao lại xin lỗi? Cô biết chắc một điều là em không ghét cô, còn thích thì có nghĩa là chưa, cứ từ từ rồi mở lòng ra với cô nhé.
Nói thế rồi cô quay lưng bước đi, lúc ấy tôi mới bắt đầu chú ý đến cô. Tôi bắt đầu hay nhìn cô hơn, mái tóc đã điểm bạc, chắc độ vài ba năm nữa cô về hưu, và một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú về văn chương. Mỗi khi cô kể chúng tôi nghe những câu chuyện, cô như sống trong nhân vật khiến chúng tôi có thể nhập tâm rõ ràng.
Trường tôi khi ấy cũng chọn ra đội tuyển thi văn như bao trường khác. Tôi cũng có tên trong danh sách, Các học sinh sẽ nằm trong đội tuyển đào tạo suốt mấy tháng cho tới khi chuẩn bị có kì thi sẽ xét điểm học lực tất cả các môn xem có đủ tiêu chuẩn không rồi đi thi. Cô bảo tôi vào đội tuyển, lúc ấy tôi thấy mình rất hãnh diện, cái cảm giác vào đội tuyển giống như được thừa nhận năng lực của mình, vì thế tôi đã ra sức học, thế nhưng sát ngày đi thi, tôi là người duy nhất của đội tuyển bị đánh rớt. Vì đến khi xét điểm, điểm học lực môn Hóa của tôi khá tệ không đủ sức xét duyệt. Tôi hụt hẫng đến nỗi bỏ ăn và thậm chí còn tránh gặp cô.
Khi tôi lên mười một cô đưa tôi vào đội tuyển Văn lần nữa và thậm chí giờ còn theo dõi việc học môn Hóa của tôi. Suốt những ngày tháng tôi nằm trong đội tuyển, có những đứa ngưỡng mộ tôi, có những đứa dèm pha vì cho rằng tôi được cô nâng đỡ dù tôi không có thực tài. Cô hay nói với tôi: Em có chất văn trong người, dù cái chất văn đó phù hợp với việc “sáng tác” hơn là gò bó trong khuôn khổ nhà trường.
Cái “sáng tác” mà cô nói nghĩa là cái phóng túng tự do, cái tự mình nghĩ ra không theo một đề tài nào, cái tự cảm xúc thôi thúc, nó khác với văn học nhà trường ở những đề tài thường nhật và vốn có phần đơn giản và theo một khuôn khổ chấm điểm nào đó hơn.
Cô biết văn học nhà trường với những đề tài đó không phải là thứ em muốn hướng đến, nhưng cô vẫn đưa em vào đội tuyển vì cô muốn bồi dưỡng chất văn trong con người em. Cô hi vọng sau này em sẽ trở thành một nhà văn viết những tác phẩm thật hay.
Điều cô nói, tôi hiểu, tôi ở trong đội tuyển không phải để đi thi mà để hun đúc thứ vốn có trong con người mình, cứ thế thời gian trôi qua. Tôi cũng miệt mài với năm cuối cấp, với sáng tác và cô cũng không dạy tôi nữa cho tới khi tôi nghe tin cô bị bệnh nhập viện. Căn bệnh nặng tới mức cô được chuyển về Huế, các bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư vòm họng. Lớp tôi hoang mang, tôi cũng thế, cả lớp xếp một ngàn con hạc bỏ vào hũ thủy tinh gửi ra Huế mong cô sớm bình phục. Tôi vẫn còn nhớ lúc tôi đang học thể dục, một cuộc điện thoại gọi đến, là của cô. Tiếng được tiếng mất, cô nói với tôi: ”Cô không sao. Nói mấy đứa cô vẫn khỏe. Còn em, cô mong em lên đại học chọn con đường đúng đắn, cô muốn thấy em thành một nhà văn”. Tôi câm lặng.
Vài hôm sau, tôi đến trường, cái Phương vừa thấy tôi đã nhìn dáo dác, tôi hỏi: ”Mày nhìn gì vậy?”, ”tao nhìn xem cô có bên cạnh mày không?”, rồi nó òa lên khóc nức nở. Lớp tôi cũng khóc, tôi chợt hiểu ra sự tình, rằng cô đã mất.
Cô mất trước khi tôi thi tốt nghiệp. Suốt bốn năm đại học, tôi xa nhà, xa quê, không viếng mộ cô được. Năm năm sau, tôi cố gắng xin việc ở một nhà xuất bản nhưng bất thành nên vào làm một công ty nhỏ, hổ thẹn với cô, tôi trốn biệt. Năm thứ sáu, tôi vẫn chỉ là một người viết quèn, không dám đem những tác phẩm mình gửi đến hương hồn cô. Đến năm thứ bảy, khi được nhận vào làm trong một tòa soạn, thỏa ước mơ viết tôi mới đến viếng mộ cô. Trên di ảnh cô vẫn nở nụ cười thật tươi nhìn tôi, như chờ đợi, như cỏ đã úa màu, tôi thốt lên: "Em đã làm được rồi, cô đã đợi em lâu rồi có phải không?”
L.H.H.T
Tags:
Lê Hứa Huyền Trân,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét