NGÀY XƯA CON NGỖNG TÍM - Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây
Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016
Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Tôi lấy cây thước gạt mạnh trái banh. Nó lăn ra khỏi đáy tủ. Chợt nhìn thấy một cuốn sổ đầy bụi bám, tôi nằm rạp xuống kéo nó ra rồi mở dần từng trang giấy đã ngả màu vàng úa. Toàn là những con số. Chắc là sổ tính tiền của mẹ tôi! Một tờ giấy rơi ra. Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy đó là một bức tranh vẽ bằng mực tím hình con ngỗng đang lội trên mặt ao. Hình vẽ đơn sơ nhưng sống động y như con ngỗng thật.
- Cái gì đó Dy?
Tôi giật mình nhìn lên. Ông ngoại tôi đã đứng cạnh từ bao giờ.
- Tranh con ngỗng nè ngoại!
Ngoại nheo mắt hỏi:
- Ai vẽ vậy?
Tôi đáp ngay, không chút do dự:
- Con vẽ đó!
Ánh mắt ngoại sáng lên xen lẫn nét giễu cợt:
- Con vẽ hồi nào vậy?
Tôi ấp úng:
- Dạ, lâu rồi. Bị lạc mất, bữa nay mới kiếm được.
Ngoại nghiêm nghị tiếp:
- Con coi chừng nhà! Ông ngoại đi chợ. Vẽ lại đi. Lát nữa về ngoại coi.
Bất giác, tôi rùng mình. Làm sao bây giờ? Chỉ vì ham được tiếng khen mà tôi lỡ nói dối. Làm sao vẽ được con ngỗng đẹp như vậy? Ngoại sẽ không bỏ qua đâu! Tôi nhớ lại chuyện cũ:
... Một hôm, được lãnh bảng danh dự hạng nhất mang về, tôi hãnh diện nói với chị Hai và thằng Út:
- Trong nhà nầy, em học giỏi nhất!
Đến trưa, ngoại lấy ra mấy củ khoai lùi. Bốn ông cháu ngồi ăn. Ngoại bỗng hỏi:
- Dy có thích nghe kể chuyện không?
Tôi nháy mắt với chị Hai và thằng Út:
- Dạ, con thích lắm! Ngoại kể cho tụi con nghe đi!
Ngoại nhìn ra khoảng sân chan hòa ánh nắng. Giọng ông trầm ấm, thu hút:
- Chuyện xảy ra tại một vùng đất xa xôi. Ở đó, người ta chuộng võ nghệ hơn văn chương, chữ nghĩa. Ai cũng tranh đua học võ. Hàng năm, nhà vua tổ chức đấu võ để tuyển chọn nhân tài. Người thắng cuộc rất vinh dự và được mọi người nể sợ.
Năm ấy, anh chàng thắng cuộc cũng được mọi người sợ như sợ cọp. Đi đâu hắn cũng huênh hoang: Ta đây Đệ nhất anh hùng! Thỉnh thoảng, hắn ra tay đánh đập những người làm trái ý để thị uy. Dần dần, những nơi hắn thường lui tới không còn ai dám bén mảng qua lại. Hắn bực lắm vì thấy mọi người dường như muốn xa lánh mình. Chợt nhớ đến ngày 23 Tết, đưa ông Táo, chợ đông người. Hắn cùng hai đứa học trò đi vào chợ. Vừa nhác thấy hắn, mọi người khép nép tránh ra cho hắn đi. Hắn càng thêm tự đắc. Nhưng kìa! Một ông lão nhà quê đang ngồi bó gối dựa lưng vào tường. Nét mặt ông rầu rầu, có lẽ vì mớ cau tầm dung ế ẩm trước mặt. Chẳng lẽ ông lão có trông thấy hắn ta mà ông vẫn ngồi yên không động đậy. “Đệ nhất anh hùng” bước tới, hách dịch hỏi:
- Cau ngon không?
Ông lão mừng rỡ đáp:
- Bẩm quan, ngon lắm!
- Ta thích cau thật cứng ăn mới dòn.
- Dạ, đây là loại “Cau Tầm Dung” trồng trên núi. Cứng lắm, bẩm quan.
- Để ta xem.
Hắn cúi xuống cầm một nhánh cau rồi lần lượt bóp nát từng trái. Mọi người kinh hoảng suýt soa còn hắn ta thích chí hét:
- Lão già láo thật! Cau mục mà dám nói cau ngon. Ta sẽ trị tội nhà ngươi.
Hắn ném mạnh buồng cau vào mặt cụ già. Ai cũng đinh ninh rằng ông lão sẽ bị trúng đòn. Nhưng, lạ lùng làm sao! Nhanh nhẹn chưa từng thấy. Bàn tay trái ông gạt mạnh buồng cau. Bàn tay phải ông thọc sâu vào bức tường nhẵn nhụi phía sau lưng và rút ra một viên gạch, trông dễ dàng như rút một lá bài trong bộ bài. Tiện tay, ông lão phóng thẳng viên gạch vào mặt tên hống hách. Ông nói lớn:
- Vậy nhà ngươi thử cắn viên gạch này xem nó có mục không?
Viên gạch đập mạnh vào miệng làm hắn bị gãy mất mấy cây răng. Máu chảy xuống cằm. Xấu hổ lẫn tức giận, hắn nhảy xổ đến định nắm tóc đánh cụ già. Nhưng ông ta đã né sang bên và vung tay bẻ quặt cánh tay hắn ra sau. Hắn kêu lên đau đớn. Hình như lúc này cả chợ đều quên mất việc mua bán mà bu lại xem đông nghẹt. Họ vỗ tay reo hò. Vài người khác ném khăn nón lên trời hoan hô. Ông lão nói:
- Từ nay, nhà ngươi nên nhớ câu “Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”. Đừng ỷ tài hà hiếp nhân dân nghe chưa?
Rồi cụ đập mạnh một cái. Hắn té chúi nhủi xuống đất. Hai tên học trò lật đật tới đỡ hắn dậy rồi len lén cõng hắn dông mất. Từ đó, không còn ai trông thấy hắn nữa. Có lẽ vì nhục nhã nên hắn đã bỏ xứ ra đi.
Nhà vua hay chuyện nên từ ấy bãi bỏ việc đấu võ. Ngài ra lệnh cho dân phải học cả văn lẫn võ. Vì, người toàn diện phải có cả tài lẫn đức.
Ngoại kể đến đây thì tôi biết ngay là ông răn dạy mình. Tôi bèn hỏi:
- Câu nói của ông lão nghĩa là gì vậy ngoại?
- Ý ông lão muốn nói: Người giỏi thì có người giỏi hơn. Hôm nay con học được hạng nhất nhưng biết đâu tháng sau con hạng nhì hay tệ hơn nữa. Ngoại có đọc được câu này: “Những điều ta biết chỉ là giọt nước. Những điều ta chưa biết là cả một đại dương”. Con nên học thuộc câu đó, đừng khoe khoang mãi xấu lắm!
... Hôm nay, tôi lại phạm một khuyết điểm là đã nói dối ông. Tôi vò đầu bứt tai một hồi. Chợt tôi nghĩ ra một cách: quăng trái banh trở lại góc tủ và chạy đi rửa tay, xong tôi lấy ngay cuốn tập nháp với cây bút chì. Tôi tập vẽ.
Eo ơi! Con ngỗng đầu tiên của tôi trông chẳng khác nào con cò bị vặt trụi lông. Còn cái mỏ và con mắt thì nằm sát bên nhau. Trông nó thật tức cười! Tôi vội lật qua trang khác rồi vẽ con ngỗng thứ hai. Con ngỗng này có cái mỏ hơi giống nhưng cái đầu thì nhỏ quá! Lông nó dựng đứng như bị trúng gió độc. Hai mắt thì ti hí. Nó đang nằm ngâm mình dưới nước. Bực tức, tôi xé vụn tờ giấy. Thế rồi con ngỗng thứ ba, thứ tư... đến con thứ mười thì ông ngoại đi chợ về.
Vừa đặt cây dù xuống bộ ván, ông cầm ngay cuốn tập nháp của tôi lên. Nhìn ánh mắt ông, lòng tôi tràn ngập một niềm vui khó tả. Ông nói:
- Con ngỗng này đẹp hơn con ngỗng hồi nãy.
Ông vuốt tóc tôi:
- Con ngoan lắm! Con không như những đứa trẻ khác không ham danh, ham tiếng mà giành lấy công lao của kẻ khác. Con có thể trở thành họa sĩ.
Ôi, ông ngoại tôi! Tôi xấu hổ rươm rướm nước mắt, không thốt nên lời. Có lẽ ngoại tôi muốn nhắn nhủ với tôi rằng, có làm thì mới có hưởng. Và, chắc ngoại tôi muốn an ủi tôi, chớ con ngỗng tôi vẽ làm sao đẹp bằng tấm tranh tôi đã lượm được. Nghĩ vậy, tôi liền nói:
- Sao con thấy con ngỗng nầy xấu hơn.
- Không đâu! Con ngỗng của con vẽ giống y như thật. Còn con ngỗng kia giống con ngỗng trời. Con nầy mập mạp, sắc lông mượt mà. Ngoại thích con ngỗng con mới vẽ hơn.
Thế là từ đó tôi mê vẽ. Ngoại đã khuyến khích tôi thật nhiều. Hôm tôi đưa hình cái chén mới vẽ ra, chị tôi ôm bụng cười, thắng Út ngây thơ hỏi:
- Anh vẽ cái thau hả?
Ngoại cười cười nói:
- Bậy nè! Cái chén đó, cái thau đâu có vẽ bông hoa như vậy. Cái chén nầy lớn đựng được nhiều cơm hơn chén thường.
Còn tấm hình con cá sấu, mẹ tôi nói:
- Dy vẽ con ếch giống ghê!
Cả nhà được dịp cười muốn vỡ bụng. Thấy tôi chực khóc, ngoại nói:
- Mẹ con không có cặp mắt thẩm mỹ. Nhìn phụng ra gà. Con đừng nản. Thử cho mẹ con vẽ coi. Chê thì dễ chớ làm thì biết. Con cứ cố gắng sẽ thành công.
Dy ngừng kể. Anh moi tìm hộp quẹt trong túi áo. Đốm lửa lóe sáng cho tôi nhìn thấy đôi mắt đượm buồn của anh. Anh nói tiếp:
- Tôi bắt đầu vẽ từ đó.
Tôi lên tiếng tìm hiểu:
- Bức tranh nào anh đắc ý nhất?
Dy nâng ly cà phê lên uống cạn. Trầm ngâm một lúc, anh chỉ cho tôi xem một bức tranh và nói:
- Hôm ấy, tan học về. Mới tới đầu ngõ, tiếng khóc, tiếng người xôn xao làm tôi lo sợ bàng hoàng. Tôi chạy nhanh vào nhà và trông thấy ngoại tôi đang nằm oằn oại trên bộ ván. Người xoa bóp. Người lo rang muối. Ông Tư, y tá ở cạnh nhà, đang lúi húi chà xát bàn chân của ngoại. Tôi bước tới, nghẹn ngào:
- Ngoại ơi, ngoại sao vậy?
Mẹ tôi vội đẩy tôi ra nói nhỏ:
- Đừng con! Đừng làm rối!
- Ông ngoại sao vậy? Tôi lặp lại câu hỏi.
- Ngoại trèo lên nóc nhà quét máng xối. Không biết sơ ý thế nào lại té xuống ngay hàng rào bị gãy chân, chảy máu đầu.
- Trời ơi! Biết có sao không?
- Chắc không sao! Nhưng mà đau lắm!
Tôi lui ra sau bếp, ngồi xuống ngạch cửa, nhìn ra sân. Ánh nắng cuối ngày gay gắt khác thường. Tôi nhìn trân trân vào cái hàng rào.
... Thì ra, bức tranh với đống gạch vụn và cái hàng rào bị gãy gục kia lại mang một kỷ niệm sâu sắc của Dy. Tôi lên tiếng hỏi, sau khi nghe Dy kể xong câu chuyện:
- Còn những đóa hoa hồng là sao?
- Đó là linh hồn của ông tôi!
Ánh mắt Dy chùng lại. Tôi hối hận quá. Phải chi tôi đừng tò mò. Nhưng biết làm sao? Không phải chỉ có mình tôi muốn tìm hiểu những gì ẩn náu sau những bức tranh của anh. Anh được mọi người mến phục. Tranh của anh có nội dung, đường nét lạ lùng, mới mẻ, gây nhiều cảm xúc đối với người xem. Tôi hỏi tiếp:
- Anh có học vẽ với ai không?
- Không! Ông ngoại tôi là người đầu tiên gieo vào lòng tôi niềm say mê nghệ thuật. Ông không dạy tôi cách vẽ. Nhưng, nhờ những lời khuyên răn của ngoại tôi mà tôi nghĩ ra rằng, sáng tạo và lòng say mê sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp tôi tìm tới những giá trị đích thực ở đời.
Anh mỉm cười nhìn lên ngọn cây sao đong đưa trước gió.
N.T.M
Tags:
Nguyễn Thị Mây,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét