NHỮNG ĐÊM MẤT NGỦ - Tản văn Ngô Thuý Nga
Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016
Cây bút trẻ Ngô Thuý Nga
Có những khoảng thời gian, tôi hoàn toàn mất ngủ, cũng không biết vì sao. Cứ nằm trong bóng đêm thế, rồi mường tượng trần nhà bắt đầu mọc lá và đơm bông, những loài hoa bé tí tẹo màu trắng, như những ngôi sao lấp ló trên bầu trời. Tôi nằm im nghe chúng hát hò, nhảy múa, và giận nhau vì những chuyện rất trẻ con. Đáng yêu lắm. Chúng hay kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối, không nội dung, chỉ đơn thuần những cảm xúc ngọt ngào, mặn đắng, và thi thoảng chúng lại thủ thỉ về những vệt xước cũ bây giờ đã lành. Rồi, chúng lại nắm lấy tay nhau nhảy múa và ca hát. Tôi cười khúc khích trong đêm, không chắc rằng mình đang mơ hay vẫn còn thức.
Cũng có khi, tôi nghe thấy hơi thở mình hát khe khẽ, những bài hát tiếng Phạn hay tiếng Pali gì đó. Thật khó để hiểu chúng có ý nghĩa gì, nhưng nghe rất quyến rũ và an yên, như những lời ca của nước Ấn. Tôi lại mỉm cười, nhịp nhịp theo bài hát đang vang lên từ bên trong. Những đêm như thế, thấy thời gian dịch chuyển theo những giai điệu du dương, khi khoan khi nhặt, khi chầm chậm, khi lướt qua như một cơn gió vô hình. Tôi vẫn lắng nghe tiếng hát của chính mình, tiếng hát của bản thể khôi nguyên mà không phải lúc nào cũng nghe thấy được. Âm thanh ấy toát ra từ sự im lặng tột cùng. Tôi đã ngờ ngợ, rằng mình đang thức trong đêm, hay đang lạc vào một thế giới vô hình và trừu tượng nào đó…
Có đêm, bỗng dưng thấy mình có thể ngủ được, hai mí mắt hơi ríu và nặng xuống, tôi nhắm mắt một cách ý thức để vỗ giấc ngủ, nhưng rồi giật mình khi nghe bầy côn trùng khóc rỉ rả từng tràng. Tôi lặng yên nghe ngóng, sợ hơi thở mình sẽ át mất tiếng khóc kia. Bỗng thấy lòng buồn đến lạ. Bầy côn trùng đang tiễn đưa một con mối mỏng phận rơi xuống mặt nước, vẫy vùng đến lúc đôi cánh lìa khỏi lưng vẫn không sao thoát được. Thế là nàng bất lực từ bỏ cuộc đời trong hối tiếc. Tiếng gào khóc thảm thương kia, chắc là của người bạn tình. Y bảo rằng nàng không còn nữa, thì liệu cuộc sống này còn có ý nghĩa gì? Nhưng không phải vì thế mà y buông xuôi, chết dần chết mòn trong nỗi buồn và hối tiếc. Y sẽ sống tốt hơn, sống cho đáng sống, bởi, y sống nốt quãng đời của nàng nữa. Những người bạn khác, lặng lẽ đặt bàn tay lên vai y cùng cái gật đầu tin tưởng. Đám tang nàng mối diễn ra trong sự trang nghiêm và tình cảm. Họ đặt lên mộ nàng một bông hoa tím hoặc trắng, bé như sợi chỉ vẫn thường khâu những mảnh vá lại với nhau. Tôi nằm yên cho đến khi đám tang kết thúc, thấy không cần ngủ nữa cũng đủ sức lực và niềm vui cho ngày mới. Tụi nó, bầy côn trùng bé nhỏ, vừa dạy tôi biết cách yêu thương...
Cũng có những đêm, tôi tịnh không nghe một âm thanh hay cuộc trò chuyện nào như thế. Đó là những đêm tâm tôi vọng động và bị những nỗi buồn vây kín. Những lúc như thế, tôi bị cơn lũ kỷ niệm cuốn trôi đi. Những buồn tủi và vết thương lòng tưởng đã lành lâu nay bỗng dưng thức dậy, bưng mủ làm tôi sốt mê man. Tôi chẳng thể nào mà thoát ra được. Cứ xoay mòng và vật vã trong dòng ký ức ấy. Tôi mệt rã rời và thấy mình đang vỡ vụn ra từng mảnh. Thế là, mệt quá, tôi nằm nhắm mắt chiêm bái nỗi buồn. Tôi sống với nó, chui vào bên trong nó, đi đến tận cùng xem thực chất nó là cái gì mà khiến tôi mệt mỏi và rệu rã đến thế. Và rồi... tôi đã tìm ra ngọn nguồn của nó, trong lặng yên hoàn toàn. Từ đó, tôi không còn sợ nỗi buồn và cô đơn nữa.
Có những khi, tôi đi ngủ với niềm vui cuối ngày, và cũng thức trắng. Chẳng thể nào chợp mắt được một khoảnh khắc nào cả. Chẳng biết làm gì, tôi cũng nằm chiêm bái niềm vui. Tôi sống với nó, cảm nhận nó. Niềm vui khiến mình hài lòng và dễ chịu, cảm giác khoan khoái và thỏa mãn. Nhưng… hình như nó hời hợt, không sâu, không thúc ép ta phải đi cho tới tận cùng xem bản chất của nó là gì. Niềm vui thường qua nhanh, và không để lại ấn tượng gì nhiều. Có lẽ, đó là lý do tại sao khi một người làm ta vui, ta ít nhớ đến, ít gợi nhắc về nó, còn ngược lại, một nỗi buồn người nào đó gây nên, đặc biệt là những người ta thương yêu, lại ăn sâu trong ta đến vậy. Chẳng dễ gì mà quên được. Lâu lâu, nó lại tự quay về, tự làm ta đau thêm nhiều lần nữa. Và có lẽ, đó là lý do tại sao các nhà văn nhà thơ hay viết về những câu chuyện buồn, những nỗi buồn và đau đớn vướng vất khắp nơi, đeo bám cả người viết lẫn người đọc.
Có đêm, tôi ngồi đối diện với bóng tối, đối diện với chính mình, và cùng nhìn về nỗi buồn ngày hôm đó. Nhớ có lần, hình như trong một bài giảng về văn hóa phương Đông, thầy tôi đưa ra câu chuyện về đứa bé sinh ra tại sao không cười mà lại khóc? Thầy hỏi, phải chăng đó chính là dự báo về cuộc đời? Nếu nó sướng, nếu nó không khổ, không khó, thì chắc hẳn con người sinh ra sẽ không cất tiếng khóc đầu tiên. Rồi có hôm học triết học, ông thầy khẳng định, đời là bể khổ, nên để vượt qua nó thì con người phải tìm cách diệt khổ, từ khổ đế, đến tập đế, để diệt đế và cuối cùng là đạt đến đạo đế. Hồi đó, tôi còn chưa hiểu gì nhiều, tất cả như một đám mây mơ hồ, khi mờ khi tỏ, ngang qua rồi tan biến, có khi tụ lại thành mây đen. Sau này, khi trải đời hơn, khi tìm hiểu về đạo Phật nhiều hơn, tôi dần dần hiểu hơn về Tứ diệu đế. Tôi biết được rằng, mọi buồn vui đều do tâm mình mà ra. Cùng một vấn đề, nếu mình thấy nó đơn giản thì nó sẽ đơn giản, còn mình nhìn nhận nó phức tạp, thì ắt hẳn nó cũng trở nên phức tạp thôi.
Con người thường dễ buồn, dễ nổi giận hay bực tức, là vì ai cũng mang trong mình cái tôi quá lớn. Ai cũng muốn người khác làm theo ý mình, cũng muốn phải thể này thế kia, nên khi họ làm trái ý ta, hoặc không đúng như ta đề ra, thì tự dưng lòng ta thấy khó chịu, thấy buồn bực nặng nề. Dần dần, tôi nhận ra rằng, chẳng việc gì phải bắt người khác phải khác họ mà làm theo ý mình. Cứ hãy chấp nhận mọi chuyện xảy ra, và nhìn nó theo hướng đơn giản nhất, thì có lẽ mọi chuyện cũng sẽ trở nên dễ dàng, tâm mình cũng bớt sân si.
Có những đêm mất ngủ như thế, tôi cứ đi hoang hết nơi này chỗ nọ, từ những hoang tâm trong ký ức, đến những điều xa xỉ của tương lai. Và… cũng có những đêm, tôi để mình tự do hoàn toàn. Không khởi niệm, không gò ép mình chạy theo suy nghĩ. Tôi nằm yên lắng nghe nó, ghi nhận nó, và để nó lần lượt trôi qua, rồi tự mình chìm vào thinh không lúc nào không biết. Có lẽ, cảm giác an yên là vậy.
Ngô Thúy Nga
Tags:
Ngô Thuý Nga,
TẢN VĂN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét