NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY: ĐÔNG HỒ - Bài giới thiệu của Trịnh Bửu Hoài
Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016
Nhà thơ Đông Hồ
Kỳ 21:
Đ Ô N G H Ồ
Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác, sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ, nhằm ngày 10 tháng 3 năm 1906, tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên (nay là thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Thuở nhỏ, ông còn có tên Lâm Kỳ Phác. Cha mẹ mất sớm, ông sống với người bác ruột là Lâm Hữu Lân, rồi bác gái cũng sớm qua đời nên ông chỉ tới trường học được vài năm. Năm 16 tuổi ông phải về nhà và tự học.
Nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết
Nhiều thế hệ gia đình ông sinh sống bên bờ Đông Hồ, một trong mười thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tiên, nên ông lấy bút hiệu Đông Hồ. Ngoài ra, ông còn ký các bút danh: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh.
Đam mê văn chương, nên dù ở vùng đất xa xôi tận cuối trời Tây Nam, Đông Hồ vẫn nghiên cứu và sáng tác gởi đăng trên các báo từ Nam ra Bắc: Đông Pháp thời báo, Phụ Nữ tân văn, Việt Dân, Tự Do, Mai, Nam Phong tạp chí, Văn Học tạp chí, Khai Trí tiến đức, tập san Tri Tân… Ông cùng ba người bạn thân là Lư Khê, Trúc Hà, Mộng Tuyết (sau là vợ ông) lập nhóm Hà Tiên tứ tuyệt.
Trong vòng 10 năm, từ 1923 đến 1933, ông viết nhiều cho Nam Phong tạp chí. Ông được văn đàn chú ý trong thời gian nầy và văn giới xếp ông vào nhóm Nam Phong.
Năm 1926, Đông Hồ mở Trí Đức học xá ở Hà Tiên, chủ trương dạy Quốc ngữ, thu hút nhiều học viên ở địa phương. Thậm chí, học viên ở xa cũng dự học qua lớp hàm thụ.
Tượng Đông Hồ tại Nhà lưu niệm ở Hà Tiên
Năm 1935, tạp chí Nam Phong đình bản, Đông Hồ đứng ra thành lập tuần báo Sống xuất bản ở Sài Gòn. Nhưng chỉ được một thời gian phải đình bản vì thiếu kinh phí. Năm 1936 ông trở về Hà Tiên sống ẩn cư, mãi tới năm 1945 mới trở lại Sài Gòn.
Năm 1953 Đông Hồ làm giám đốc Nhân Loại tập san xuất bản tại Sài Gòn. Đây là tờ báo của Nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang do ông thành lập từ năm 1950. Hoạt động đến năm 1964 thì các cơ sở nầy tạm ngưng, ông về trú ẩn tại Quình Lâm thư thất ở Gia Định. Lúc nầy, ông nhận lời làm giảng viên trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ngoài giảng dạy, ông còn đăng đàn diễn thuyết về văn học, có thơ văn đăng thường xuyên trên các tạp chí Văn, Bách Khoa, Văn Hóa nguyệt san…
Ông mất tại Sài Gòn ngày 25 tháng 3 năm 1969, khi đang đứng trên giảng đường ngâm bài thơ Trưng Nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang. Trong phút giây cao hứng ông bị đứt mạch máu não, ngã quỵ rồi hôn mê trên tay học trò và được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cái chết của ông thật đẹp, nhà thơ chết vì thơ.
Sinh thời ông đã xuất bản các tác phẩm: Thơ Đông Hồ (Nam Kỳ thư quán, Hà Nội 1932), Linh Phượng (Nam Kỳ thư quán, Hà Nội 1934), Cô gái xuân (Vị Giang văn khố, Nam Định 1935), Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương, Sài Gòn 1960), Trinh trắng (Bốn Phương, Sài Gòn 1961), Truyện Song Tinh (Bốn Phương, Sài Gòn 1962). Sau khi ông qua đời, gia đình cho xuất bản thêm các tập: Bội lan hành (Quình Lâm, Sài Gòn 1969), Ức viên thi thoại (Mặc Lâm, Sài Gòn 1969), Đăng đàn (Mặc Lâm, Sài Gòn 1969). Ngoài ra ông còn xuất bản một số sách về giáo dục.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài bên mộ Đông Hồ - Hà Tiên, 2006
Cuộc đời tình duyên của Đông Hồ khá lận đận. Người vợ đầu là Thái Linh Phượng được người bác đứng ra cưới hỏi khi ông còn rất trẻ. Chẳng may, bà mất sớm để lại cho ông đứa con gái nhỏ. Sau đó, người bác làm mai mối ông cho con gái của người bạn thân là Lâm Nhàn Liên và đi đến thành hôn. Nhưng rồi bà Liên cũng lâm bạo bệnh và qua đời. Ông chắp nối với người em vợ là Lâm Thái Út, tức nữ sĩ Mộng Tuyết, cho đến cuối đời.
Thơ Đông Hồ giản dị, chân thật, truyền cảm; da diết tình với người, với cảnh, với đời. Nhiều người ngưỡng mộ ông qua các bài Mua áo, Cô gái xuân… Đây là những bài thơ chân chất nhưng dạt dào tình yêu thương: Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó. Ngắn dài, người mới tựa bên vai (Mua áo). Tôi thích những bài thơ khẩu khí, đậm chất giang hồ, phóng khoáng của ông hơn: Chim bằng cánh mỏi trời thu hẹp.
Ngựa ký chân sa đất gập ghềnh… Tôi xin giới thiệu một bài giàu tâm cảm, phong phú hình tượng, mang hơi hướm cổ thi nhưng diễn đạt sinh động của Đông Hồ: Bội lan hành…
TRỊNH BỬU HOÀI
B Ộ I L A N H À N H
Mảnh nguyệt năm tàn vương mỏng manh
Theo con thuyền nhỏ thả lênh đênh
Đêm nay thuyền ghé bờ Vô vọng
Để sáng mai qua bến Bất bình
Kinh cạn sông cùng chèo lúng túng
Đường lầy ngõ tắt bước lanh quanh
Chim bằng cánh mỏi trời thu hẹp
Ngựa ký chân sa đất gập ghềnh
Cá chậu chim lồng chưa thoát khỏi
Miệng hùm nọc rắn sẵn bên mình
Đêm đêm thuyền ngửa lòng trăng gió
Chẳng đón trăng duyên chẳng gió tình
Mối hận tơ vò lòng cố quốc
Giọt sầu mưa ướt lệ gia đình
Tây yên nước sớm mờ sương khói
Viễn mộng trôi theo cánh lục bình
Nước chảy ngẩn ngơ niềm nguyện ước
Bèo trôi man mác ý phiêu linh
Tuế trừ cơm nuốt mùi chua xót
Lạt lẽo hương gòn vấn mái tranh
Chèo mất may còn duyên thấy lại
Thuyền chìm thôi hết kiếp thông minh
Giao thừa Kinh khủng qua Bi thiết
Hồn lạc bơ vơ nẻo Trúc thành
Tìm bóng Thân yêu nguyên đán cũ
Sương hoa lã chã lệ bình minh
Muôn Hương vườn ngậm muôn thê thảm
Mái Nguyệt Lầu Sao xuân vắng tanh
Giấy mực để đau lòng chữ nghĩa
Tài hoa chi lỡ hẹn bình sinh
Phấn son hoen ố màu tro bụi
Vàng ngọc đành đem lẫn sỏi sành
Đậm nhạt quê xưa rừng nắng xế
Chiều hôm sương gió áo phong phanh
Trời buồn qua những ngày tang tóc
Trùm giải khăn sô xót viễn hành
Ôi! có quên sao đêm giã biệt
Mưa tàn trăng gác núi chênh chênh
Rễ bèo từ đó theo chân sóng
Trăng khuyết rồi trăng lại nửa vành
Cứ dõi theo hoài bờ bến mới
Trăng tròn in đáy nước long lanh
Tin nhà không gởi nhờ chim nhạn
Vận nước còn treo sợi chỉ mành
Ngước mắt bốn phương mù khói lửa
Cúi đầu bảy thước thẹn thư sinh
Lánh Tần đâu có nguồn hoa thắm
Tìm Tống đây không mảnh đất lành
Vượt khỏi bờ lau qua cửa chợ
Tuyết sương bạc trắng mái đầu xanh
Trời Ngô rớt lại lời tiêu oán
Gieo rắc thương lòng giọt ớt chanh
No đói ăn nhờ cơm nửa bữa
Nhớ thương chờ gặp giấc năm canh
Chẳng may làm khách chơi thời loạn
Sao chẳng ngu si hưởng thái bình
Mắt chẳng che đi tai chẳng lấp
Vỡ lòng trót học chữ kiên trinh
Sông trôi lai láng xương vô định
Tạo hóa nào đâu đức hiếu sinh
Tấm lụa non sông nà nõn quá
Chia năm xẻ bảy để tan tành
Âu vàng ngựa đá ai mong mỏi
Giép mũ ai làm chuyện đảo khuynh
Sáu tỉnh trăm năm còn để hận
Chưa mờ chín chữ bức minh tinh
Hang sâu tàn úa hương vương giả
Đã chật sông Mê bóng ngạc kình
Ưu liệt vũ đài trò thế giới
Lưỡi còn không nói chuyện tung hoành
Thơ ơi! Cao cả nguồn trong sạch
Chảy đục lầm chi giữa chiến tranh
Để tủi thương cho hồn nghệ sĩ
Thơm tho vùi trộn với hôi tanh
Bạn bè thăm hỏi trong ly tán
Ngóng gió ngàn phương chẳng mối manh
Dằng dặc sông dài sầu cuộn cuộn
Bâng khuâng trời rộng nhớ mông mênh
Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải
Núi Thái lông hồng chở trọng khinh
Thương nhớ mài mòn viên khối lỗi
Vườn lòng mưa gió tiết điêu linh
Lạnh lùng một buổi chiều hoa rụng
Ai nhặt hồn hoa chấp lại cành
Lạc bước ngập ngừng trong ánh sáng
Náu mình theo gió bụi Kinh thành
Gái buôn đâu biết hờn vong quốc
Bên nước còn vang khúc hậu đình
Ngàn Thủ lỗi thề Vi đắng lắm!
Thành Cai Tứ diện Sở ca thanh!
Máu rơi nức nở thiên ai oán
Thổn thức nghìn thu tiếng phẩm bình
Sông Dịch chửa lên cơn gió lạnh
Chùm lan sông Mịch hát ngông nghênh
"Tâm thư dục phó hà đo đạt
Cựu sự thê lương bất nhẫn thinh
Thương thủy trọc hề trạc ngã túc
Thương thủy thanh hề trạc ngã anh".
Xuân phân, Bính Tuất
21-3-1946
ĐÔNG HỒ
Tags:
NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY,
TẠP BÚT,
Trịnh Bửu Hoài,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét