CÔ TÍM CỦA TÔI - Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây
Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016
Ngày mai, tôi đi học. Đây là lần đầu tôi đến trường để… học. Ôi, hồi hộp quá!
Cách nay mấy hôm, ba đi ruộng về, nằm toòng teeng trên võng. Hai chân đòng đưa cái võng lắc lư như con thuyền say sóng. Chẳng biết ba co duỗi chân thế nào lại vít phải tôi, khiến tôi té đánh phịch, ê ẩm cả mông. Nghe tôi xuýt xoa, ba cười, ra lệnh “Không sao! Hãy tự đứng lên! Cười!”. Lập tức, tôi bật dậy, thẳng người và cười. Ba cũng cười, khen “Giỏi! Xứng đáng là con ba!”
Ba tôi có cách dạy con rất ngộ, không giống ba của mấy đứa bạn láng giềng. Mỗi lần chúng tôi vấp ngã, ba bảo không được nằm lì ra đó mà khóc. Phải ngồi dậy và chuyển những tiếng hu hu thành hi hi… Bằng không, lãnh thêm một roi hoặc quì gối vài phút. Mấy người bạn của ba thường chê ông gàn. Con té đau thấu trời, không dỗ còn đánh thêm. Con đi chơi bị bạn ăn hiếp, đánh u đầu, về nhà còn bị phạt. Tôi cũng thấy ba kỳ thật nhưng không dám cãi. Mẹ tôi còn sợ ông, huống chi tôi!
Khi tôi nhe hàm răng sún ra cười, ba có vẻ hài lòng lắm. Ông ngoắc tôi đến gần, ôm tôi vào lòng, bảo “Lớn rồi! Phải cho con đi học thôi! Thích không?”. Tôi đáp to: "Dạ thích!”. Dù không muốn, Tôi vẫn phải vâng lời. Trong nhà, ba oai nhất. Cãi ông, ông quát toé lửa, chết khiếp mất. Nghe tôi trả lời hăng hái, ba cười vui vẻ, bảo “Ngoan lắm, đi chơi đi!”
Lủi ra vườn cây sau nhà, trèo lên nhánh cây vú sữa, tôi ngồi co ro như con khỉ rũ. Vui gì mà đùa giỡn chứ. Sắp phải đi học rồi. Rầu thúi ruột.
Ngôi trường nằm cách nhà tôi không xa. Đi hết một khoảng đường đất giữa hai luỹ tre xanh rì, rẽ trái một đoạn, rồi rẽ phải, băng qua bờ đất, dọc cánh đồng rồi lại rẽ trái là thấy mái trường thấp thoáng sau vòm cây phượng tươi tắn. Chỉ có nóc văn phòng lợp tôn dợn sóng, trắng toát. Mấy lớp học đều lợp lá. Tôi đã đến đây nhiều lần để đùa nghịch hoặc tò mò nhìn vào lớp. Mấy cái miệng ngoác ra, tròn vo, ê a theo cây thước chỉ bảng của cô giáo. Tôi thích cô Tím nhất vì cô đẹp, hiền và hay khóc. Không biết cô dạy giỏi hay dở mà chẳng bao giờ thấy cô được lên lớp hai. Năm nào cô cũng dạy lớp một. Tụi bạn kháo nhau, cái gì cô cũng sợ. Chỉ có chữ nghĩa là hay hơn tụi tôi mà thôi.
Tôi không tin nên lén đặt vào hộc bàn cô một con chuột con đỏ hỏn và được tận mắt chứng kiến cảnh cô sợ hải, thét lên một tiếng, mặt ửng đỏ, mắt trợn trừng một thoáng những giọt nước mắt lóng lánh đọng bên viền mi. Hai bàn tay cô ôm hai bên má và cặp môi mọng đỏ run run. Mấy đứa học trò nam cười rộ, mấy nhỏ học trò nữ thì… khóc theo cô. Sau đó, cô tra gạn: "Ai dám nhát cô?”. Học sinh im phăng phắc. Cô quát: "Ai?” Thằng Tân, bạn hàng xóm của tôi, học trò cô đứng lên méc: "Thưa cô, thằng Đan nó nhát cô đó!”. Nó chỉ tay ra ngay chỗ tôi đứng, hoảng vía, tôi bỏ chạy. Chiều đó, dì Hai dắt Tân qua nhà méc lại với ba. Ông gọi vào, bắt quì tàn một cây nhang rồi hôm sau còn phải theo mẹ vào lớp xin lỗi cô giáo. Cô mỉm cười, xoa đầu tôi “Không sao, sang năm đúng tuổi đến trường rồi, vào học với cô nhé!” Tôi dạ nhưng thầm nghĩ “Hổng dám đâu!” Thỉnh thoảng, tôi vẫn lẻn vô trường chơi. Ở quanh đây, không có chỗ nào mát mẻ, hấp dẫn bằng trường học. Trước cửa có hai cây phượng vĩ già cỗi, gốc to hơn vòng tay ôm của tôi. Tôi không thích nó lắm. Vì mãi đến mùa hè nó mới ra hoa, trèo lên hái hoa dễ bị té. Còn đợi gió lay, hoa rụng thì chán lắm. Những đoá ấy thường héo, không đẹp. Trong sân, trước mỗi lớp là một bồn hoa. Ôi thôi, đủ loại! Mấy anh học trò lớp lớn trồng toàn hoa đẹp. Ong bướm bay rập rờn, trông rất thích. Những đứa nhỏ trồng hoa xấu ỉn, đều là loại dễ mọc như hoa mười giờ, sao nháy, móng tay… Những thứ hoa nầy chỉ cần ngắt vài gốc hoặc một mớ ném lên nền đất dọn sẵn, vài bữa sau, mầm nhú lên lớn dần rồi ra hoa. Tôi thường lén ngắt trụi mấy nụ vừa hé để chọc tức cô Tím. Nhưng cô không tức lại bảo học sinh: "Các em đừng giận bạn ấy. Loại hoa mình trồng càng ngắt càng… mau trổ hoa”. Đúng như vậy, vài ngày sau, rõ ràng mấy cụm mười giờ cứ tới mười giờ là đỏ au màu hoa nở trên nền đất. Còn sao nháy thì xoè mấy cánh vàng ươm, nghiêng nghiêng dưới nắng. Mấy bụi hoa móng tay cũng không kém, đưa những móng hồng hồng lên trời.
Tôi cũng chưa chịu thôi phá phách. Nhà cô ở trọ gần bên một ngôi nhà mồ khá lớn. Đó là chỗ chôn ông Chánh Tổng. Nghe mẹ kể, ông nầy khi còn sống giàu có và độc ác lắm. Chết thế nào cũng thành quỉ. Ít ai đến gần. Nhưng tụi tôi thì không sợ. Tôi thường theo mấy anh lớn trong xóm tới đó chơi trò đánh trận giả. Chúng tôi bóc đất bùn, vò viên làm “Lựu đạn” để ném nhau. Thường thì ít đứa nào bị… chết. Chỉ có ngôi nhà mồ là bị “lạc đạn” luôn. Cái mã đá trắng bị ố đen phát khiếp. Một lần, đang đánh nhau thì cô Tím đi qua, phe địch im thin thít, tạm đình chiến. Nhưng bên “phe ta” lại xung phong. Tôi ném một quả lựu đạn. Sau một tiếng đánh phịch , tà áo dài trắng bê bết bùn. Cô đưa mắt tìm kiếm nhưng tôi đã núp vào sau mả. Cô buồn bã kéo vạt áo sau ra trước rồi gở những cục bùn chưa kịp rơi xuống. Rút chiếc khăn tay, cô lau nhẹ rồi thản nhiên về.
Hôm sau, cũng thằng Tân kể lại: "Cô biết mầy làm bẩn áo cô nhưng cô tha cho mầy đó.” - Tôi không tin.
Bây giờ, ba bảo tôi đi học. Mới vô đâu được học lớp hai. Phải vào lớp một thôi. Trường nầy có hai lớp một. Lớp kia của thầy Đạt. Nghe nói thầy khó lắm. Dù chưa thấy thầy đánh ai nhưng nhìn thầy cầm cây thước bảng to hơn cây thước may của mẹ, tôi đã thấy sợ. Vào lớp cô Tím, lỡ cô… trả thù thì chết!
Ngày khai giảng, tôi theo mẹ đến trường. Cũng con đường mọi ngày, hôm nay bỗng dưng khác lạ, nhộn nhịp tiếng cười nói trẻ thơ. Dọc đường đi, học trò từng tốp lũ lượt tới trường. Người nào cũng mặt quần áo mới, đeo cặp mới. Tôi cũng thế. Tôi diện chiếc áo trắng tinh, quần sọt xanh dương còn thơm mùi vải mới. Trên lưng tôi là chiếc cặp màu đỏ có hình Đô-rê-mon rất đẹp. Tôi mang đôi dép nhựa trắng, đội kết cũng màu trắng. Nó khiến cho màu da đen đúa của tôi thêm nổi bật. Vậy mà vừa trông thấy tôi, cô Tím khen: "Hôm nay, Đan đẹp quá! Cô xếp tôi đứng hàng sau cùng bên con trai vì tôi cao nhất. Không như những đứa trẻ khác, dù mới đến trường học tôi không khóc nghêu ngao mà giương cặp mắt kiêu ngạo nhìn quanh.
Sau khi chào cờ, thầy hiệu trưởng lên đọc cái gì đó, không rõ. Tôi đâu có nghe, chỉ lo lấy một cái que nho vẽ vằn vện xuống đất hoặc chọt vào hông thằng ngồi trước cho nó nhảy nhỏng. Ông trời cũng cắc cớ, đang vui, không khí trang nghiêm mà mặt trời lại buồn ngủ. Ông nhắm nghiền mắt. Gió thổi mạnh, trời tối sầm, mưa đổ bất ngờ. Không chuẩn bị, mạnh ai nấy chạy, tôi chạy theo cô Tím. Phòng học chật cứng người. Vài đứa bị giẫm phải chân, khóc thét. Ôn ào như cái chợ. Đã vậy, mái lá có nhiều chỗ thủng, nước dột, rơi tí tách lên đầu bọn tôi. Mát dễ sợ! Thích quá, tôi đưa đầu ngay giọt nước. Chẳng mấy chốc, tóc tai ướt nhẹp như vừa tắm gội. Cảm giác lành lạnh khiến cho tôi hắt hơi liền mấy cái. Nghe thấy, cô Tím liền đến bên, lấy chiếc khăn tay lau cho tôi. Cô còn xoa ít dầu gió vào ngực, vào lưng tôi nữa. Cô dặn: "Đừng nghịch mưa, kẻo bị cảm lạnh!” Tôi cảm động muốn khóc. Cô tốt với tôi quá! Vậy mà bấy lâu tôi cứ vô lễ với cô.
Tan học, trên đường về, tôi theo sau cô Tím. Con đường đất giờ đây trở nên mềm nhũn, ẩm ướt . Đôi giầy cao gót của cô sau mỗi bước mang theo một ít bùn, ném lên tà áo. Chiếc áo mới lấm tấm những vệt đen. Tôi xót cả ruột . Chợt nghĩ ra một cách. Tôi lấy tấm bảng con ra. Đi sát vào sau lưng cô, tôi đưa bảng ngang tầm bùn bay. Chúng vướng ngay vào bảng. Lũ bạn lại cười rộ. Cô quay lại, hỏi: Gì vậy các em? Thằng Tân lại méc: "Thưa cô, bạn Đan lấy bảng… che bùn”. Cô trợn mắt nhìn tôi nhoẽn miệng cười: "Chi vậy Đan?” Tôi mắc cỡ, ấp úng: "Thưa cô, em sợ bùn làm dơ áo cô”. Cô xoa đầu tôi: "Ngoan quá! Cô cám ơn em. Cất cái bảng đi, chút nữa về nhà cô giặt là sạch ngay, đừng lo!”
Ánh mắt dịu dàng của cô theo tôi suốt chặng đường về. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như thế. Tôi chờ ngày mai. Tôi sẽ đến trường sớm nhất để gặp lại cô. Chẳng biết cô có hiểu là tôi thương cô lắm hay không?
N.T.M
Tags:
Nguyễn Thị Mây,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét