DÒNG SÔNG MÙ SƯƠNG - Truyện ngắn Phạm Hữu Hoàng
Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016
Năm nay, thời tiết đột ngột thay đổi. Sau rằm tháng Giêng, trời đang nắng nóng, bỗng dưng khí lạnh ùa về làm cho người ta có cảm giác như đang ở giữa đông. Không khí lạnh bao trùm, dai dẳng từ ngày này qua ngày khác. Mấy hôm rồi, sáng nào cũng vậy, lúc mờ đất, Lụy mở khóa cái cổng sắt của ngôi biệt thự, đẩy cánh cổng vừa đủ lách người qua, lầm lũi đi vào con đường đất nhỏ ra bờ sông, đến mỏm đất nhô trên mép nước ngồi lì ở đó. Sương tầng tầng lớp lớp đặc quánh trên mặt sông. Mặc sương rơi thấm buốt, Lụy cứ ngồi bó gối nhìn đăm đăm vào màn sương lạnh lẽo hoang mơ. Lần nào cũng vậy, Lụy nghe có tiếng động trong sâu thẳm mù khơi. Tiếng động âm âm một lúc rồi mất hẳn. Phải chăng tiếng động đó là ảo giác? Như những ý nghĩ huyền hoặc thường đưa Lụy vào mộng mị. Lụy cứ đắm vào mơ ảo cho tới khi sương dần tan, chỉ còn những bợn trắng mỏng la đà trên mặt nước. Bấy giờ, bên kia sông, hiện rõ một xóm chài dưới bóng dừa cằn cỗi, lèo tèo vài chiếc sõng úp rải rác trên bờ cát trắng. Một hình ảnh thân quen với Lụy, bởi xóm chài đó là nơi Lụy chôn nhau cắt rốn, bờ cát thoai thoải gắn với cả thời thơ ấu êm đềm. Nhưng chưa bao giờ Lụy nhìn cảnh vật ấy từ bờ bên này sông trong buổi sáng vắng lạnh sương tan với tâm tư trĩu nặng như lúc này.
Về làm vợ Hoan đã hơn một năm, sống cùng chồng trong ngôi biệt thự ven sông, biết bao lần, từ ban công tầng hai, Lụy vịn lan can trông ra dòng sông. Nhìn dòng chảy xuất hiện sau khúc quanh rồi mênh mang xuôi giữa đôi bờ. Nhìn mặt trời lên, nắng loa lóa ánh bạc trên mặt nước trong xanh hoặc đêm trăng dập dờn ánh vàng. Sống gần như khép kín trong ngôi biệt thự, dòng sông như người bạn thân thiết lặng lẽ đi bên cạnh đời Lụy.
Cho đến tối hôm đó, chứng kiến một sự thật trơ trần, dị hợm, Lụy bàng hoàng uất nghẹn. Vùi trong đống chăn nệm, Lụy thao thức, tức tưởi. Gần sáng, người mỏi mệt, chân tay rã rời, Lụy uể oải tới ngồi trước tấm gương bàn trang điểm. Một khuôn mặt ủ nhợt, mắt thâm quầng trân trân nhìn Lụy. Giật mình, Lụy thốt lên: “Là mình đây sao?”. Trong cảnh vắng vẻ cô tịch này còn có thể là khuôn mặt của ai được? Chỉ một đêm thôi mà mình đã thảm hại đến thế này rồi... Căn phòng trở nên ngột ngạt, bức bối... Chợt có tiếng gà gáy văng vẳng ngoài kia. Nơi heo hút vài căn nhà chòi, những thửa hoa màu nối tiếp, và điểm cuối là dòng sông. Bỗng Lụy có cảm giác những gợn sóng lăn tăn trên mặt sông dìu dịu mơn man khắp cả người. Dòng sông như réo gọi, thôi thúc. Không cưỡng lại được, Lụy bước trong sương lạnh như kẻ mộng du, thẫn thờ ra ngồi với dòng sông. Chỉ có dòng sông mới hiểu được và chia sẻ nỗi niềm. Chỉ có dòng sông mới mang nỗi quặn héo trong lòng gửi về nơi cuối trời thăm thẳm mù xa...
Lụy lớn lên trong cảnh nghèo khó, vừa học xong trung học phổ thông đã phải ở nhà giúp việc gia đình, rảnh rỗi lên “phây” kết bạn, lang thang mải mê trong thế giới ảo, chát chít tán gẫu. Sự trải nghiệm cuộc sống gần như không có gì. Nhưng bù lại, Lụy đẹp phơi phới như từ giới showbiz lạc đến cái xóm chài tanh nồng tôm cá. Chỉ riêng làn da trắng hồng mịn màng đã tạo ra sự khác biệt với đám con gái trong làng. Bọn con trai đeo đuổi chết mê chết mệt, lời ngon ngọt từ những cái miệng dẻo quẹo vẫn không xiêu được Lụy. Vì Lụy đã có cảm tình với Phần, thợ điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Tính Phần trầm, xuề xòa, chân chất. Phần thuê nhà ở một đường phố thị xã mở một cơ sở nhỏ sản xuất các đồ gỗ mỹ nghệ như phù điêu, tượng, lục bình đủ kích cỡ... Phải nói, Phần khéo tay, lại chăm chỉ. Đồ vật qua tay Phần chế tác rất tinh xảo. Từ nhỏ, Phần đã sống tự lập. Cha mẹ li hôn đã lâu, họ đã có gia đình riêng, ít quan tâm tới Phần. Lụy thường tới cơ sở gỗ mỹ nghệ của Phần ngắm nghía những mẫu vật trưng bày. Cơ sở có mấy chú nhóc học việc. Phần nói với Lụy: “Tụi nhỏ chẳng khác gì anh, mồ côi, nghèo khổ, không ai chăm sóc, học hành không tới đâu. Anh dạy cho cái nghề để mai sau còn có đường mà sống”. Đứa lớn nhất tuổi chừng mười sáu, tên Côi, kể với Lụy: “Ảnh lo cho bọn em đủ thứ. Đứa nào cũng coi đây là mái nhà của mình”. Nó cười hè hè khoe: “Ảnh khen tay nghề em khá rồi. Em vừa chạm xong tượng Phật Di Lặc ngồi gốc tùng được khách hài lòng”. Có lần, Phần đưa cho Lụy coi tượng vũ nữ Apsara Chămpa vừa làm xong theo đơn đặt hàng. Phần hồ hởi: “Anh chạm mới xong đấy. Này nhé, đầu đội mũ chóp nhọn nhiều tầng, mặt trái xoan, môi đang hé cười, mũi cao. Lụy coi anh chạm động tác múa có mềm mại, uyển chuyển không?”. Lụy lơ ngơ không biết phải trả lời thế nào. Phần giải thích thêm nét đặc trưng vũ điệu Apsara của người Chăm, động tác múa sống động tạo ra hình khối cân đối, cái hồn văn hóa Chăm qua bức tượng... Nhưng không cách nào Lụy hiểu được lời Phần nói. Phần trêu: “Em ngốc lắm!”. Lụy không giận chút nào. “Ngốc” cũng được, miễn là còn được hít cái mùi ngai ngái của những thớ gỗ mới xẻ và được ngắm cặp mắt trong veo của mấy “thợ” học việc nhí chạm, khắc dưới sự hướng dẫn của “thầy” Phần. Nhưng có điều lần nào cũng vậy, gặp Lụy, Phần vẫn thản nhiên như không hề có tình ý gì. Lụy hờn trách sự vô tình đó. Chắc là Phần đã yêu người khác rồi nên không đoái hoài tới mình? Ý nghĩ này cứ quấn riết trong đầu làm Lụy ngày thêm băn khoăn.
Không chờ Phần được nữa, biết chờ tới bao giờ, lại thêm sự thúc giục của ba mẹ, lời mẹ cứ rỉ rục bên tai: “Con gái có thì, gặp chỗ xứng thì lấy, tao thấy còn ai hơn nó nữa, việc gì phải kén cá chọn canh”. Mẹ muốn nói tới Hoan. Qua người dì mai mối. Người ấy nói riêng Lụy: “Dì thương cháu nên mới chỉ cho cái chỗ để sướng cái thân. Cháu ưng nó như chuột sa hũ nếp, là phước đức tu hành ba đời đó”. Lụy nghe riết cũng xuôi tai. Hoan là chủ nhân ngôi biệt thự lộng lẫy, kiêu hãnh giữa những ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ lè tè. Từ lúc ngôi biệt thự mọc lên phô ra cuộc sống nhung lụa, sang trọng thì đó luôn là niềm mơ ước, thèm muốn của người dân lam lũ bên kia sông mà quanh năm vẫn cứ cơ cực, thiếu thốn. Hoan đã ngoài ba mươi, là doanh nhân thành đạt, sở hữu một công ty xây dựng ăn nên làm ra ở thị xã. Hôm Hoan lái chiếc ô tô láng coóng rẽ vào xóm chài, chạy từ từ tới trước cổng sân nhà Lụy rồi dừng xe. Hoan đến “coi mắt” Lụy. Một sự kiện làm xôn xao cả xóm. Ngay từ phút đầu, dáng vẻ phong độ, lịch lãm của Hoan đã làm Lụy choáng ngợp. Khi chỉ còn lại hai người, không một lời đưa đẩy, Hoan tự tin nói như mọi thứ đã được lập trình sẵn: "Lụy bằng lòng lấy anh nhé!". Thấy Lụy còn phân vân, Hoan cũng không vội vàng: “Lụy cứ từ từ nghĩ cho kĩ rồi hãy trả lời anh sau”. Nghe Lụy báo tin Hoan hỏi cưới, Phần thoáng lặng người nhưng liền tỏ ra vui vẻ: “Chúc mừng em!”. Mắt Phần thật lạ như đang cố nén điều gì. Nhưng với Lụy, mọi thứ đã rõ và không còn gì để do dự nữa.
Đám cưới được tổ chức linh đình, Lụy đội khăn voan trắng, mặc chiếc áo cưới màu đỏ lộng lẫy, tay trong tay cùng Hoan bước trên thảm hồng, nghe bao lời trầm trồ chúc tụng, thấy bao ánh mắt ngưỡng mộ. Đêm đầu tiên làm vợ, Lụy hồi hộp, đợi chờ. Trong phòng ngủ, dưới ánh điện hồng dìu dịu, khi trút bộ com lê, Hoan bỗng trở thành con người khác. Cái vẻ đĩnh đạc, hoạt bát không còn nữa. Hoan trở nên lãnh đạm, nói với Lụy vài câu chiếu lệ chẳng đâu vào đâu. Rồi cơ thể bóng nhẫy của Hoan đè lên người Lụy, làm tình gượng gạo như một súc thịt ngồn ngộn vô cảm. Xong, Hoan lăn ra ngủ như chết. Lụy trở thành đàn bà với nỗi thất vọng như bị vết xước đầu tiên trong đời.
Dù mới cưới, Hoan có vẻ không hứng thú với chuyện chăn gối. Sau đêm động phòng, Hoan ra ở phòng riêng, cũng ở tầng hai, cuối hành lang. Lụy hỏi, Hoan trả lời: “Anh quen ngủ một mình. Với lại nhiều lúc phải làm việc tới khuya, cần yên tĩnh”. Rồi chuyện gần vợ cứ thưa dần. Có khi cả tháng Hoan không "yêu" vợ. Một đêm, Lụy đánh bạo qua gõ cửa phòng Hoan. Giọng Hoan nhừa nhựa: “Anh mệt. Có gì mai hãy nói. Em về phòng ngủ đi." Sáng, Hoan lầm lụi xách cặp lái ô tô đi làm. Tối về. Có khi hai ba ngày vắng nhà. Hoặc cả tuần. Không hề nói với Lụy một lời. Mối nghi ngờ trỗi dậy: "Sao Hoan lại đối xử với mình như vậy? Hoan có điều giấu giếm chăng?". Trong ngôi biệt thự, Lụy không phải động tay vào việc nhà. Chợ búa, bếp núc, giặt giũ thì đã có người giúp việc. Chăm sóc vườn tược cây cảnh thì có người làm công. Thỉnh thoảng, Hoan đưa tiền cho Lụy, mua sắm riêng tùy thích. Tiền Hoan đưa, Lụy vẫn giữ nguyên đó, vì từ lúc làm vợ Hoan, Lụy không có nhu cầu mua sắm gì. Đôi lúc, khách đến chơi, bà con nội ngoại, các thân hữu, Hoan tiếp ở phòng khách. Lụy cũng được tham dự. Cũng có khi, Hoan dẫn Lụy đi dự tiệc cưới, tiệc chiêu đãi hoặc cùng với Lụy về thăm nhà hai bên vào dịp tết, giỗ chạp... Những lúc đó, Hoan ân cần, quan tâm chăm sóc Lụy như người chồng rất mực thương vợ. Người ngoài cứ tưởng hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Lụy cũng lấy làm lạ về điều này.
Lụy ngày càng cô độc. Trước đây chưa bao giờ Lụy hình dung cuộc sống vợ chồng lại tẻ lạnh đến thế. Buồn! Lụy lại lên “phây” tán chuyện. Một lần như thế, nick name của Phần hiện trong ô cửa sổ. Thoạt đầu, Lụy do dự, muốn thoát cho xong. Còn gì để nói với Phần đây? Nhưng rồi không nén được cảm xúc dâng trào khi nhớ đến Phần, nỗi nhớ tiếc rưng rưng trong những đêm chăn đơn gối chiếc... Lụy hồi hộp kích vào. Sau lời chào, Phần ân cần hỏi han. Cuộc trò chuyện xoay quanh những kỉ niệm xưa, về bạn bè chung, về cuộc sống của Lụy. Dần dần, Lụy càng tin cậy ở Phần. Anh vẫn như ngày nào, bao dung, quan tâm đến Lụy. Khi có tâm trạng nặng nề, lời Phần động viên làm Lụy vơi được nỗi lòng. Lụy hỏi Phần sao không lập gia đình. Phần trả lời: “Sẽ chờ cho tới khi nào gặp người con gái giống Lụy. Không lẽ thế gian này không có người thứ hai sao?”. Lụy thắc mắc: “Vậy sao ngày trước anh lại hờ hững với em?”. “Anh không thể nói được. Nhưng rồi Lụy sẽ hiểu và thông cảm cho anh”. Lụy nói lẫy: “Vậy anh hãy chờ cho tới kiếp sau đi”. “Lụy có chắc như thế không?”. Lụy đùa: “Chắc chắn”. “Anh sẽ chờ cho đến khi đó. Quả đúng như thế thì ông trời luôn có sự công bằng, không để anh phải chịu thiệt thòi như kiếp này đâu”. Không nhầm lẫn được, Phần yêu mình. Rất yêu nữa là đằng khác. Và Lụy nhận ra Phần mang một nỗi u ẩn mà mình chưa biết. Lụy không kể cho Phần nghe về cuộc sống vợ chồng với Hoan dù đôi lần anh có hỏi đến. Phần biết thì cũng giải quyết được gì đâu. Lụy thở dài buồn bã. Những lần trò chuyện với Phần trên “phây”, Lụy giấu kĩ vào góc khuất như niềm vui nhỏ nhoi trong những ngày tháng đơn điệu.
Biến cố làm xáo trộn đời Lụy cũng chính từ cái khoảnh khắc mà những hoài nghi mơ hồ về Hoan bất ngờ được giải mã. Lụy ngồi bên mâm cơm chiều chờ Hoan đến sốt ruột. Lụy thường âm thầm ngồi chờ Hoan với sự kiên nhẫn như thế. Nghe tiếng còi ô tô quen thuộc, Lụy xem đồng hồ. Gần 9 giờ tối. Hoan và một gã trắng trẻo, ăn mặc diêm dúa tiến vào phòng khách. Cũng vừa lúc Lụy từ phòng ăn lên. Lụy đứng ở góc khuất nên cả hai không nhìn thấy. Hoan và gã kia đều chếnh choáng men say. Gã kia Lụy đã quen mặt vì có đến nhà vài lần. Cả hai bá vai bá cổ bước lên cầu thang. Cử chỉ thân mật của Hoan với gã trông thật chướng tai gai mắt. Quay lại phòng ăn, cất thức ăn vào tủ lạnh, dọn dẹp xong đâu đấy, Lụy trở lại phòng khách. Không biết gã kia đã về chưa? Qua khỏi đầu cầu thang, Lụy nhìn về cuối hành lang, thấy cửa ra vào phòng Hoan còn mở hé, ánh sáng lọt ra ngoài. Có lẽ vì say nên Hoan quên chốt cửa. Lụy đi tới đó. Có tiếng thở hổn hển trong phòng. Lụy khẽ kéo cánh cửa, bỗng sững sờ. Trên giường, gối chăn xộc xệch, Hoan và gã kia người không mảnh vải, đang quấn vào nhau. Hoan âu yếm vuốt ve, hôn say đắm, gã kia hưởng ứng nồng nhiệt. Những cái hôn thắm thiết mà Hoan chưa bao giờ dành cho mình. “Trời ơi! Hoan là...”. Bắt gặp cái nhìn của Hoan, Lụy dập cửa lại, ù chạy về phòng...
Trưa hôm sau, trái với lệ thường, Hoan đột ngột về nhà. Còn Lụy, lúc sáng, từ bờ sông về cứ ở lì trong phòng. Hoan vào phòng Lụy, ngồi vào chiếc ghế nệm dài, rút một điếu thuốc châm lửa hút, nét mặt căng thẳng. Lụy nằm trên giường, mặt quay vào tường. Tuy biết là có Hoan, nhưng vẫn im lặng. Hút xong điếu thuốc, Hoan đứng dậy, đến ngồi bên mép giường khẽ lay vai Lụy: “Anh muốn nói chuyện với em”. Hất bàn tay Hoan ra, Lụy nhổm dậy bước xuống giường lại ghế ngồi. Hoan tới ngồi ở ghế đối diện. Lụy lên tiếng: “Anh còn gì để mà nói đây? Sao lại lừa dối tôi?”. Hoan rầu rĩ: “Vì anh không còn sự lựa chọn. Lụy thử nghĩ xem, lúc nào anh cũng lo lắng không yên. Mọi người mà biết được anh là thế thì còn mặt mũi nào sống ở cái thị xã này nữa. Anh sẽ trở thành kẻ dị biệt, bị kỳ thị, mỉa mai, đàm tiếu. Tội nợ gì phải chịu nhục nhã như vậy”. Lụy uất nghẹn: “Vì vậy, anh lấy tôi là để tạo tấm bình phong che chắn chứ gì? Mà sao anh lại chọn tôi chứ không phải ai khác?". Hoan bình tĩnh trở lại: “Bởi em đẹp. Người ngoài sẽ thấy em tương xứng với anh nên không nghi kị. Em lại hiền lành, ngây thơ, không như các cô gái thành thị lõi đời nên dễ chấp nhận anh hơn”. Lụy vừa căm tức, vừa thương hại kẻ đã đưa mình vào cảnh ngộ trớ trêu. Hoan nhỏ nhẹ: "Thời gian qua, anh đã phần nào hiểu Lụy. Thật tình anh không muốn mất em. Lụy cứ ở trong ngôi biệt thự này, anh sẽ không để em thiếu thốn bất cứ thứ gì". Lụy chua chát đáp: "Để phải kéo dài những ngày tháng đau khổ mãi sao? Cái tôi cần nhất anh không thể có thì làm sao tiếp tục cùng chung sống được”. Nhưng nếu rời ngôi biệt thự này, Lụy không biết cuộc sống của mình sẽ như thế nào. Tình cảnh của Lụy bây giờ chẳng khác gì dòng sông mờ khuất trong sương. Lụy gục đầu xuống thành ghế. Hoan nói: “Mong Lụy thông cảm cho anh và giữ kín chuyện này nhé. Anh xin em đấy!”. Lụy không trả lời… Hoan lắc đầu, đứng dậy bước nhẹ ra cửa.
Ngồi trên mỏm đất bờ sông, nhìn màn sương chập chùng giăng giăng, có lần Lụy nghĩ tới sự nhỏ bé, vô nghĩa của đời mình, mường tượng cái cảm giác khi tan biến vào màn sương dày đặc ấy chắc dễ chịu hơn những gì trong hiện tại. Hoặc như nếu có đau đớn cũng chỉ một lần duy nhất mà thôi, không phải kéo dài lê thê chẳng có điểm dừng. Ý nghĩ đó quyến dụ Lụy làm những sợi dây ràng buộc với cuộc sống cứ lơi lỏng dần. Mà cuộc sống này có còn ý nghĩa gì với Lụy nữa đâu mà quyến luyến... Lúc Lụy đang ủ ê chán chường thì chợt thấy bóng người từ trong sương hiện ra... Rõ dần... Lụy thảng thốt: “Phần!”. Rũ những hạt sương bám đầy người, Phần bước lại gần. Lụy ngạc nhiên: "Sao anh đến đây?". "Bởi anh lo cho Lụy, không thể để em một mình trong tuyệt vọng”. Lụy bồi hồi xúc động, muốn ùa vào vòng tay Phần, nép vào ngực anh thổn thức rồi ra sao cũng mặc. Nhưng dòng cảm xúc ấy không vượt qua được cái ranh giới vô hình mỏng manh. Lụy buồn bã nhìn Phần rồi trỏ vào màn sương trước mặt: "Em muốn đi vào đó". Phần hỏi: "Để làm gì?". "Vì em muốn thế". "Em đừng tự dối lòng nữa. Em đang muốn trốn chạy Hoan". "Anh biết hết rồi sao?". "Nhiều hơn những gì em nghĩ". Lụy giàn giụa nước mắt: "Em phải làm sao đây?". Phần khẩn khoản: "Nghe anh, hãy quay nhìn lại đi". Bất giác, Lụy nhìn ra sau. Phía ấy là ngôi biệt thự. "Không! Em kinh sợ! Nơi ấy thật khủng khiếp!". “Em phải đối mặt với nó". "Vì sao?". "Vì có đối mặt, em mới vượt qua được. Phía trước vẫn còn bao nhiêu điều tốt đẹp”. “Nhưng em cô đơn lắm. Phần ơi! Giúp em với!”. Phần buồn rầu nhìn Lụy, cái nhìn nồng ấm yêu thương... Bóng Phần bỗng mờ dần rồi biến mất. Lụy hoảng hốt:“Anh Phần! Anh Phần!...”. Tiếng kêu của Lụy lạc lõng trong sương...
Sáng sớm, Lụy lại ra bờ sông như thường lệ. Nhưng khác với mọi lần, màn sương đã biến đâu mất, đất trời quang đãng. Ngỡ ngàng, Lụy ngồi xuống mỏm đất quen thuộc. Tiếng động âm âm nghe rõ ràng hơn. Lụy hướng mắt về phía ấy. Đó là tiếng cây sào khua nước đưa chiếc sõng từ từ cập vào bờ. Trên sõng có một đôi vợ chồng trẻ làm nghề chài lưới. Thỉnh thoảng, người vợ ngồi trước đầu sõng nói một câu gì đó. Người chồng vừa chống sõng vừa cười phá lên vui vẻ. Tới mép nước, người chồng ghìm sào, người vợ bước xuống nước, chụp đầu mũi sõng kéo lên bờ. Người chồng cong lưng đẩy phía đằng đuôi. Chiếc sõng đã nằm hẳn trên bờ cát. Cả hai khiêng sõng úp vào cái giá đỡ gần đấy rồi chồng tay cầm sào, tay xách lưới, vợ mang giỏ đựng cá hối hả trở về cho kịp buổi chợ sớm. Cuộc sống đôi vợ chồng ấy tuy mộc mạc đơn sơ mà ấm áp lạ lùng. Sau những gì đã trải qua ở ngôi biệt thự, bây giờ, Lụy không còn mong muốn nào hơn thế. Còn gì bằng khi được sống trong mái nhà êm ấm với người mình yêu thương. Bất giác, nhớ đến nụ cười hồn hậu của Phần và mùi ngai ngái ở cái cơ sở gỗ mỹ nghệ, Lụy đứng dậy đi một mạch tới đó. Lụy cắm cúi bước, lòng rạo rực niềm vui khi về lại nơi quá đỗi thân quen. Vừa tới cửa, thằng Côi và bọn nhỏ chạy ra đón. Lụy nhìn quanh rồi hỏi: “Anh Phần đâu?”. Nghe hỏi, thằng Côi bật khóc, tụi nhỏ liền thút thít theo. Côi nghẹn ngào: “Ảnh mất rồi!”. Lụy chết lặng như không tin ở tai mình nữa, miệng lắp bắp: “Ảnh mất... mất hồi nào? Sao... lại mất?”. Gạt nước mắt, thằng Côi đáp: “Chừng nửa tháng. Ảnh mắc bệnh đã lâu. Nhưng không cho ai biết, sợ mọi người lo lắng. Rồi bất ngờ ra đi sau cơn đột quỵ”. Lụy ôm mặt nức nở: “Trời ơi! Vậy mà em không hề hay biết. Thì ra, đây là lí do ngày ấy anh không đến với em. Cả đời anh chỉ lo cho em, chăm sóc tụi nhỏ. Giờ anh không còn, mình em đơn độc biết trông cậy vào ai? Tụi nhỏ sẽ sống như thế nào?”. Gương mặt Lụy thêm ảo não... Mãi một lúc sau, Lụy mới trấn tĩnh, rút khăn lau nước mắt. Thằng Côi cũng nín khóc, lo lắng nói: “Hồi còn sống, có lần ảnh tâm sự với em, nếu ảnh có bề gì thì em phải trông coi cơ sở và chăm lo cho mấy đứa nhỏ. Khi đó, em không để tâm vì ngỡ ảnh đùa. Nào ngờ đây là lời dặn dò của ảnh trước lúc đi xa. Liệu em có đảm đương nổi không?”. Lụy vuốt nhẹ mái tóc ca rê lởm chởm của nó rồi dịu dàng bảo: “Em tự tin và vững vàng lên, phải xứng đáng với anh Phần và thực hiện được di nguyện của ảnh”. Lụy nói với Côi hay là nói với chính mình? Giọng Lụy bỗng rắn rỏi: “Côi đừng lo. Chị sẽ ở bên cạnh các em”. Côi hỏi: “Vậy còn ngôi biệt thự ấy?”. Lụy quả quyết: “Chị không bao giờ trở lại nơi đó nữa”.
P.H.H
Tags:
Phạm Hữu Hoàng,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét