DƯỢNG ÚT - Truyện ngắn Đào Phạm Thuỳ Trang
Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016
Nhà văn Đào Phạm Thuỳ Trang
- Thật tình thì tui cũng không biết nói sao nữa… tui và cả gia đình vợ tui, cả họ nhà tui cảm… ơn… ơn… hic… hic…
Hắn quẹt nước mắt, đôi chân mày đỏ rần lên. Đàn ông đàn ang gì tóc lấm chấm muối pha tiêu rồi mà khóc hả trời?
- Thôi thôi, không biết nói thì đừng nói. Ráng lo cho thằng nhỏ hết sức là tốt rồi. Còn tụi tui người dưng trớt, bịnh có bịnh giùm được đâu, chỉ không phải biếu không đâu đấy…
- Tui đâu dám xin không! Mà thiệt… không nhờ thằng Trần bệnh thì tui cũng chưa biết cầm trăm triệu ra sao nữa là…
Có ai như hắn không, bệnh tật là điều có ai muốn, vậy mà nói “… nhờ bệnh”.
Hắn khai bốn ba tuổi, đứa con lớn của hắn mới sáu tuổi, mà hắn đã nuôi thằng Trần bảy, tám năm nay. Hắn xem Trần như đứa con lớn nhất trong nhà, bởi ngày hắn cưới vợ, (là dì út của Trần) thằng bé tám tuổi ấy cứ kêu hắn là “ba” ngọt sớt. Đêm tân hôn, thằng nhỏ còn xách gối vô giường nằm chung với cô dâu chú rể. Vợ chồng mới, vui đâu chưa thấy, chỉ thấy bà già già vợ hò hét một phen thằng nhỏ mới chịu xách gối ra ngoài, vợ thì mặt bí xị ‘từ nhỏ giờ đêm nào nó cũng ngủ với em hết anh à…”.
Trần là con người chị ruột của vợ hắn. Lầm lỡ tuổi mới lớn rồi người ta không thừa nhận. Sinh con xong, để lại quê cho mẹ già, chị ấy đi lấy chồng xứ khác, nói để “đổi đời”, để cho “họ lé mắt” vì chê chị mày nhà nghèo không cưới. Nói đi là đi biệt. Đi từ thằng nhỏ mới ba tháng tuổi. Cô em gái Út mười bốn đã phải thay chị làm mẹ của đứa cháu xíu xiu. Tã, sữa, tắm táp, ị tè… “bà mẹ” tuổi trăng kịp tròn ấy đều phải lo. Thôi thì không sao kể hết cảnh nhà khốn nạn của nó. Bà ngoại già, hết đi làm vệ sinh nhà cửa cho người ta thì nhận hạt điều về bóc vỏ lụa, đan bồ, chẻ nan vĩ... Làm gì cũng có thằng cháu bò bò theo chân phá như giặc. Nhưng bà cũng ráng làm, với mong ước con Út học xong lớp 9 để mai này có đi làm công nhân công nhiếc gì cũng dễ.
Buổi sáng dì Út nó đi học, chiều ở nhà giữ cháu, nách tới cơ sở may gia công gần nhà, xin cắt chỉ, vô bọc đồ… để kiếm tháng vài trăm phụ mẹ. Trời phật ngó xuống nên thằng nhỏ đang tuổi lục lăng mà biết nghe lời Út lắm, cứ ngồi im mỗi khi Út nói “Để Út làm việc chút”.
Khi thằng nhỏ bập bẹ nói, thấy người ta gọi ba kêu mẹ, nó cũng bắt chước gọi dì Út bằng mẹ. Không nỡ “đính chính” nên cả nhà để nó kêu cho… ngọt.
Nhưng tới khi dì nó có bạn trai và chuẩn bị kết hôn thì… đàng trai trù trừ. Có người họ nhà trai còn cười chú rể “Trai tơ cưới gái…”, mày cưới con đó, tao không đi dự nhé, mất mấy trăm tiền mừng. Cha mẹ chú rể chỉ có hai thằng con trai, thằng lớn ra riêng, còn thằng Út, tính kiếm chút dâu về ấm nhà ấm cửa, ai ngờ nó đi thương đứa “qua một lửa” nên ông bà tuyên bố luôn: cãi lời cha mẹ thì tự cưới, tự sống.
Chỉ một mình hắn tin vợ (sắp cưới) của mình nói: rằng thằng bé kia tuy gọi là mẹ nhưng nó vốn là cháu. Vậy là đám cưới có một đàng gái, ba mâm bốn bàn gọi là tế cáo chòm xóm rồi hắn về ở rể. Sau tân hôn, hắn thưa với cha mẹ, vợ hắn là “con gái thiệt”, nhưng ông bà làm thinh, nói mát rằng “muốn làm mọi người ta tới chừng nào thì làm”. Vợ hắn biết được tình ý cha mẹ chồng, buồn tình liền biến đau thương thành sức mạnh là tỉ tê khuyên chồng chăm chỉ làm ăn.
Ngày vợ bán rau ngoài chợ huyện. Xế về cắt cỏ nuôi mấy con bò. Chồng làm thợ hồ, chiều chiều không nhậu nhẹt “giết thời gian” như bao người khác, mà bay về nhà dọn dẹp chuồng gà, bằm chuối nuôi vịt. Gà vịt nhà hắn có cả trăm con, nhưng khách tới, hiếm khi nghe mùi xú uế. Làm lụng như bán mạng để rồi một lèo bảy năm nay, mới sinh một đứa con nhưng của cải vợ chồng cũng được kha khá. Miếng đất thổ cư trăm mét vuông, hai chiếc xe xịn và một sạp cá mắm, rau cải to tầm tầm.
Thằng “con ngang hông” đã mười lăm. Học hết lớp 9 nó nằng nặc xin nghỉ để đi làm phụ ba mẹ. Nhờ trời, sức vóc nó cũng khá, không học nữa thì thôi vậy, thiếu gì kẻ học xói cả đầu mà có nên ông nên bà gì cho cam. Mày thích đi làm hả, ô kê, ba mươi giây, dượng Út sẽ xin cho mày chân lơ xe đò, ráng chịu chửi chịu mắng, mai này làm tài xế cho má Út mày nhờ.
Nói vậy chứ thằng nhỏ ở nhà cũng hết năm rưỡi mới bắt đầu nghiệp lơ xe.
Làm được hơn ba năm nay, đang học “lên tài” thì tai nạn gia thông xảy ra. Do tay tài xế chính xỉn, bảo nó “lái giùm chút xíu”. Thì lái, chập chững, rề rà… cũng qua được mấy khúc cua. Rồi chiếc xe tải “ba thùng” ở hẻm lao ra. Hai bên xử lý không kịp, tông trực diện. Tài xế bên kia “đi về nơi xa lắm”; tài xế chính bên này bị hất tung vào con lươn và định cư ở “thành phố buồn”. Chỉ có nó còn sống, nhưng chắc cũng không bằng chết, bởi nát đôi chân, tiêu tùng giấc mơ làm tài xế.
Không ai đền cho ai cả. Chỉ có người nhà nó là khổ. Dì dượng nó bán ngay một chiếc xe, mấy con bò, cả chuồng gà vịt… để nộp viện phí. Vẫn không ăn nhằm gì khi được bác sĩ cho biết rằng đôi chân này phải “lên thớt” ít nhất ba lần mới mong còn hình còn dạng. Vậy là bán tiếp miếng đất mà bao lâu nay họ dành dụm với cái giá “như bèo”. Đôi chân coi bộ đường được thì nhà… hết thứ gì để bán. Công việc của dượng Út cũng tạm ngưng từ ngày nó vào viện. Bởi cái sạp rau của dì vẫn phải duy trì, bà ngoại thì sức khỏe kém, thêm lo lắng khóc lóc nên thành nằm nhà luôn. Rồi dìu dắt, tắm rửa, bồng bế tên thanh niên gần sáu mươi ký ai làm? Hắn làm luôn. Chạy giấy tờ, lên mấy tầng lầu, đút sữa, đút cháo cho nó, nó vừa buồn ị vừa sốt… ai khác ngoài ông dượng này lo?
Nhưng khi nó thêm chứng viêm phổi, là sau khi nằm viện liên tục mấy tháng ấy, con vi khuẩn nào đó đã “lây chéo” vào cơ thể nó rồi. Nó không đủ sức khỏe làm tiếp ca phẫu thuật thứ ba. Phải diệt con vi khuẩn đó, mà thuốc đặc trị đâu có… sáu bảy chục triệu gì à! Rồi thêm cái mông nó nằm mấy tháng nay bắt đầu biểu tình bằng những mụt bóng nước, mới đầu thì như hạt tiêu, sau bằng hạt đậu phộng, rồi vỡ bụp mớ lầy nhầy…
Hắn không biết cầu cứu vào đâu nữa. Đã hơn một lần "đóng vai ác” là xin ông trời cho thằng nhỏ chết đi. Chết, là hết thở thôi chứ gì. Như vậy chắc sẽ nhẹ nhàng hơn sống mà không đi đứng được, luôn phải đối diện với những cơn đau thể xác và sự kiệt quệ của gia đình.
Nhưng tin nhà cứ luôn thúc giục. Anh ơi… anh à… ráng lo cho thằng Trần nghen, nó không khác gì con ruột em đâu… em mắc lo cho cái nồi cơm của nhà mình, chứ nếu không thì không dám đổ hết trách nhiệm lên mình anh như vậy. Anh ơi… anh à… bác sĩ nói sao rồi, trời ơi… thằng Trần mà chết, chắc em không sống nổi.
Nhiều khi hắn muốn văng tục. Mẹ họ, thì xuống đây mà hỏi bác sĩ nói sao đi! Ở đó mà nhắn tin não cả ruột. Nói gì á… nói có tiền là một phút ba mươi giây đó! Nhưng hắn thương vợ nhiều hơn. Trên đời liệu có mấy người dì thương cháu như vậy?
Rồi… hắn lân la trà thuốc với mấy đàn ông cùng bệnh viện mới biết anh A. bác B. cần một quả thận tương thích. Mà… mà phải là thật tâm “hiến” nhé, bù lại sẽ nhận một khoản bồi dưỡng nho nhỏ tầm… hơn trăm triệu.
Hơn trăm triệu? Vậy là dư cứu thằng cháu mình rồi. Hắn có tới hai quả kia mà, “từ thiện” một quả, chắc không "chết thằng Tây” nào đâu. Đổi lại, là cứu thằng nhỏ, rồi… chắc hắn cũng mạnh khỏe mà. Hoặc nếu không khỏe, không đi làm hồ nữa thì ở nhà nuôi gà, nuôi bò, nuôi vịt… chắc cũng đủ nuôi vợ con.
Tôi là người thân của người mà hắn định “hiến” một quả thận. Cả nhà tôi quyết định bồi dưỡng cho hắn trước. Vì người thân tôi đột nhiên sức khỏe không đáp ứng được ca phẫu thuật.
- Chị… hôm qua mớ mật ong rừng chị đưa, xức chỗ mông thằng nhỏ coi bộ khô mặt đó chị…
- Ừ. Mà anh cũng lo cho sức khỏe của anh nữa đó, sụm xuống là “báo toàn tập” luôn đó nghen!
- Chị nói… coi tôi vầy chứ khỏe lắm đó! Hì… hì… quên khoe với chị chứ bữa hôm có ông nằm bệnh ở đây bày, bên Bình Phước có người có sừng tê giác thật, mài cho bệnh nhân uống, bệnh gì cũng hết, tôi đã đi rồi.
- Hết nhiêu cha? Cái thứ đó mắc lắm, mà không chắc kết quả đâu!
- Có… vài trăm hà. Tôi ráng mài… mài… đến cả hai lít nước, đi về trong ngày. Nhưng sao thằng nhỏ uống bốn lần rồi mà chưa đỡ?
- Thôi nghen, đến đây rồi phải nghe lời bác sĩ, “ông” mà nghe búa xua là phí công vô ích à!
Hắn lại gãi gãi đầu như thầm bảo "có bệnh thì vái tứ phương thôi”.
Tôi đã đi xa bệnh viện rồi. Nhưng sao dáng người thâm thấp, nước da đen trạy và chắc nịch của hắn cứ ám ảnh tôi. Mái tóc “đinh ba phân” lấm tấm bạc đó nữa, chiếc quần kaki bạc thếch cùng chiếc áo đậm màu năm tháng hắn mặc kia. Toát lên đầy vẻ bặm trợn, bụi đời, mà tại sao trong lồng ngực hắn là trái tim nhân hậu vậy?
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Tags:
Đào Phạm Thuỳ Trang,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét