NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY: HỒ DZẾNH - Bài giới thiệu của Trịnh Bửu Hoài
Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016
Nhà thơ Hồ Dzếnh
Kỳ 22:
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HỒ DZẾNH (1916 - 2016)
H Ồ D Z Ế N H
Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, còn gọi là Hà Anh. Ông là người Hoa nên đọc theo giọng Quảng Đông, Hà Anh là Hồ Dzếnh. Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cha là người Quảng Đông, tên Hà Kiến Huân, sang định cư ở Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19, làm nghề bán thuốc dạo và gặp cô lái đò người Việt, tên Đặng Thị Văn, ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Hai người kết duyên và nhờ chăm chỉ làm ăn nên mở được xưởng gỗ ở đường Hạc Thành, Như Xuân; sinh ra ba người con trai và Hà Triệu Anh là con út.
Nhà thơ Hồ Dzếnh thời trẻ
Hồ Dzếnh được gia đình lo cho ăn học và năm 15 tuổi ông rời làng lên Hà Nội học tiếp bậc trung học, đi dạy tư kiếm sống, có khi vào làm công trong hiệu buôn Hoa kiều và bắt đầu làm thơ viết báo từ năm 1931. Đến năm 1937, thơ văn của ông đã xuất hiện nhiều trên các báo: Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật…
Thủ bút và chân dung Hồ Dzếnh (ký họa của Hoàng Lập Ngôn)
Năm 1947, Hồ Dzếnh kết hôn với một người rất ngưỡng mộ thơ ông là Nguyễn Thị Huyền Nhân, nhưng chẳng may cô mất sớm vì bệnh dịch tả vào tết Đoan Ngọ năm 1950, mới 20 tuổi. Đây là thời kỳ gian khổ nhất của cuộc đời nhà thơ. Ông phải bôn ba trên đường kháng chiến, không có điều kiện chăm sóc vợ con đang xuôi ngược mưu sinh trong cảnh nghèo túng. Vợ mất, ông ôm đứa con đang èo uột đi xin sữa mong cứu đứa bé. Năm 1950, sau khi vợ con mất ông vào Sài Gòn tìm anh là Hồ Triệu Bích, có tiệm buôn xe đạp ở đường Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu. Ông vẫn hành ghề viết báo. Năm 1954, ông trở ra Hà Nội và đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Hồng Nhật. Trong thơ ông còn bóng dáng một nàng thơ, đó là bà Hồng Phúc, người sau nầy góp phần cùng gia đình ông sưu tầm và xuất bản một số lai cảo của ông.
Ở Hà Nội, ông vẫn làm nghề báo và sáng tác văn thơ. Ông bắt đầu nổi tiếng và được bạn đọc mến mộ khi tập thơ Quê ngoại ra đời năm 1942, với những dòng thơ chân phương nhưng truyền cảm, phóng khoáng một cách nhẹ nhàng, lãng tử. Ông còn viết văn và có nhiều tác phẩm xuất bản từ năm 1940. Có một số cuốn ông ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Tập truyện ngắn Chân trời cũ xuất bản năm 1943 do Thạch Lam đề tựa, đã gây tiếng vang trong văn giới. Ông là một trong số ít hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi mới thành lập năm 1957.
Ông bị bệnh xuất huyết dạ dày và suy thận mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại nhà riêng ở phố Hòa Mã, Hà Nội.
Ông để lại các tác phẩm chính: Dĩ vãng (truyện vừa, 1940), Quê ngoại (tập thơ, 1942), Những vành khăn trắng (truyện dài, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1942), Tiếng kêu trong máu (truyện dài, 1942), Một chuyện tình 15 năm về trước (ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1943), Chân trời cũ (tập truyện ngắn, 1943), Hoa xuân đất Việt (tập thơ, 1946), Cô gái Bình Xuyên (truyện vừa, 1946), Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất).
Ngoài ra, ông còn nhiều thơ văn đăng rải rác trên các báo và một số vở kịch đã công diễn nhưng chưa xuất bản.
Một số bài thơ của Hồ Dzếnh được các nhạc sĩ phổ nhạc, chắp cánh cho thơ ông đi vào lòng người như bài Màu cây trong khói, còn có tên là Chiều, được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ với lời thơ bay bổng, rất nhẹ rất mỏng nhưng bàng bạc vô cùng: Tôi là người lữ khách. Màu chiều khó làm khuây… Hay sâu lắng thi vị như: Nhiều lần tôi nghĩ bao la. Đời là quán khách, tôi là giấc mơ… (Chuyến tàu đời).
Gia đình nhà thơ Hồ Dzếnh
Tôi xin giới thiệu bài thơ của Hồ Dzếnh được nhiều người biết đến, cũng với những vần điệu như ru đời vào nỗi niềm của mình: Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa... Đó là bài Ngập ngừng, được nhiều nhạc sĩ như Anh Bằng, Minh Duy, Hoàng Thanh Tâm… phổ thành các bài hát: Anh cứ hẹn, Ngập ngừng, Em cứ hẹn.
TRỊNH BỬU HOÀI
N G Ậ P N G Ừ N G
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
HỒ DZẾNH
Tags:
NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY,
TẠP BÚT,
Trịnh Bửu Hoài,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét