1. MÙA XUÂN - MÙA SUM HỌP!
|
Tết sum vầy - ảnh mạng! |
Mùa xuân, tiết trời ấm áp, muôn hoa đua nở, chim én tìm về thoi đưa như thể báo hiệu một mùa vui sum họp. Những đứa con xa quê vì cuộc mưu sinh đã đến hồi nghiệt ngã nhưng vẫn đau đáu một nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê đến khôn cùng.
Mùa xuân với cái tết cổ truyền đã góp nhặt hết thảy tình yêu, hi vọng, ước mơ, hạnh phúc sum vầy của biết bao mái ấm gia đình, trẻ thơ vui niềm vui áo mới, lì xì, người già vui niềm vui cháu con quây quần, hàng xóm láng giềng vui những câu chúc đầu năm...
Vẫn còn ở đâu đó, vì lý do bất khả kháng mà những đứa con xa quê chưa kịp trở về khiến cho bao người mẹ tiếng khóc nỉ non, bao người vợ đêm nằm ước gối vì vắng hơi thở chồng...
2. CÓ NÊN BỎ TẾT CỔ TRUYỀN?!
|
Tết của trẻ thơ - ảnh mạng! |
Tôi vừa bàng hoàng, cay đắng khi hay tin cái cô nhà văn trẻ Tuệ Nghi đòi bỏ tết cổ truyền với lý do vô cùng mĩ miều (để đất nước hội nhập và phát triển). Cũng là một cánh chim xa xứ từng giờ, từng phút mong ngóng ngày về để được sà vào lòng mẹ để nhận chút hơi ấm thiêng liêng tình mẫu tử, để được hôn lên mái tóc thơm hương bùn đất, rơm rạ... nhuộm trắng bởi sương gió thời gian gần hết cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, cái cô Tuệ Nghi kia sao lại gàn dở và lạnh lùng đến thế?
Sở dĩ con người được xếp vào lớp động vật thượng đẳng là bởi chúng ta có tư duy, có văn hóa, biết sẻ chia, quan tâm. Chúng ta cật lực lao động quanh năm là vì lẽ gì cơ chứ? Để kiếm tiền ư? Vâng, đúng là vất vả quanh năm là để tạo ra của cải vật chất, từ đó tạo nên giá trị thặng dư, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là giải phóng con người, mang lại hạnh phúc viên mãn cho con người. Nếu chỉ biết cày bừa mà không biết thu hoạch những đồng lúa chín vàng thì chúng ta khác chi con trâu, con ngựa... hoặc giả là những cổ máy vô hồn?
Nhưng cũng xin thưa rằng: không phải cứ bỏ cái tết cổ truyền là hội nhập, là phát triển xã hội. Bỏ tết cổ truyền thực chất để triệt để bóc lột sức lao động của hàng chục triệu người trên đất nước này.
Đấy là tôi chưa bàn đến việc nếu bỏ tết cổ truyền sẽ bóp chết nhiều ngành kinh tế liên quan như giao thông vận chuyển, du lịch, dịch vụ hàng hóa tết...
Người phương tây họ ăn tết tây, họ nghỉ lễ Giáng sinh kéo dài vài tuần. Cớ gì chúng ta vứt bỏ tích bánh chưng, bánh giầy của dân tộc, vứt bỏ cái nôi thi ca nhạc họa để chạy theo họ?!
Vì thế không nên, vạn lần không nên luận bàn về việc đánh đổ cái tinh túy văn hóa dân tộc!
3. NHÀ VĂN TRẺ TUỆ NGHI LÀ AI?
Tuệ Nghi tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc, sinh năm 1993 trong một gia đình bình dân ở Nha Trang (Khánh Hòa). Cuối năm lớp 8 mồ côi cha, theo mẹ vào TP. HCM sinh sống. Mẹ lâm bệnh, cô bé phải kinh qua đủ thứ công việc vất vả để mưu sinh từ rửa chén thuê, giữ em, phục vụ nhà hàng... Với nghị lực phi thường, cô học bổ túc văn hóa, tập tành kinh doanh và may mắn đổi vận. Sau đấy, cô lấn sân sang lĩnh vực viết lách và thu được kết quả nhất định. 20 tuổi kết hôn, 23 tuổi ly hôn.
Có lẽ vì cuộc đời trải qua quá nhiều biến cố cay đắng, tủi cực mà cô căm hận tết cổ truyền - ngày sum họp của mọi gia đình!
4. ĐÔI LỜI CÙNG TUỆ NGHI!
Tuệ Nghi mến!
Cho dù em thành đạt đến đâu, cho dù em giỏi giang tới đâu thì cũng đừng quên đi gốc rễ, cội nguồn em ạ! Dẫu cuộc đời này có những đoạn chông gai mình phải đi qua mặc chúng ta đều không muốn. Thì hãy cứ luôn bình tâm em nhé, đừng vì một chút tị hiềm, bốc đồng của tuổi trẻ mà nói năng sổ sàng. Nói như em, bỏ tết cổ truyền là để phát triển đất nước thì cái thứ văn chương được em viết ra cũng chỉ tổ làm hao tổn tài lực quốc gia, nó tốn hao tiền của xã hội mà chẳng mang lại một giá trị kinh tế nào em nhé!
Là nhà văn, chắc hẳn em phải hiểu rõ văn hóa là quốc hồn, quốc túy. Em có hiểu di sản phi vật thể là gì không? Nếu chưa thì chịu khó tìm hiểu thêm em nhé. Tôi tin với cái đầu nhạy bén như em sẽ sớm tìm được câu trả lời. Nếu như bỏ tết cổ truyền để phát triển đất nước như ý nguyện của em thì tôi tin rằng không lâu sau nữa việc giỗ tổ Hùng Vương, dâng hương liệt sĩ, cúng giỗ ông bà, đình chùa miếu mộ, nhà thờ, đền thánh... đều sẽ được xóa bỏ vì những điều ấy không mang lại giá trị kinh tế nào, có phải vậy không em?
Là nhà văn, lẽ ra em phải có một trái tim biết rung cảm chứ không lạnh như băng đâu. Nếu mẹ em biết được ý định của con gái dẹp bàn thờ tổ tiên chắc bà buồn lắm. Thật đáng thương thay cho bà!
Nhân đây tôi xin luận bàn một chút về việc rước ông bà ngày ngày tết để em hiểu thêm về văn hóa dân tộc em nhé! Ngày 30 tháng chạp cúng rước ông bà, ngày mùng 03 (hoặc mùng 04, mùng 05, mùng 06 tùy điều kiện mỗi gia đình) tháng giêng cúng đưa ông bà đi (cúng tạ). Thật ra không phải là đưa rước ông bà đâu. Vì nếu đưa ông bà đi rồi thì mỗi ngày ta thắp nhang cho ai nữa. Ngày 30 tết là ngày bắt đầu cuộc sum họp gia đình nên theo lễ, con cháu xin phép tổ tiên để dọn dẹp bàn tổ và nhang khói thường xuyên, cúng cơm bữa 3 ngày tết để tưởng nhớ, tri ân công sinh thành dưỡng dục. Ngày mùng 03 tháng giêng hết tết nên lại xin phép tổ tiên từ nay con lo việc mưu sinh nên không thể nhang khói thường xuyên nữa. Đấy là văn hóa "uống nước nhớ nguồn", là đạo lý tốt đẹp của dân tộc chứ không phải mê tín dị đoan đâu em nhé!
Cuối cùng anh khuyên em dù muốn làm nhà văn, doanh nhân hay gì đi nữa thì trước tiên hãy học làm người đã em nhé. Chúc em sức khoẻ, hạnh phúc và yêu thương mẹ em nhiều hơn!
THIÊN TÔN
Duong Nguyen
Trả lờiXóa21 tháng 2 2015 lúc 16:50 •
Nhân đọc: Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy là câu thành ngữ nói đến sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người trên trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.
Tôi nghĩ:
Câu nói là một quan niệm để mọi người tùy nghi lựa chọn. Tôi thì thường thấy dân mình thực hành nhất quán mấy ngày tết như sau:
Ba mươi cúng đón ông bà
Mùng một đóng cửa sang nhà lễ tiên ( nhà từ đường tổ tiên và chúc tết các người cao niên trong dòng họ)
Mùng hai thăm viếng đôi bên (nội, ngoại, sui gia...)
Mùng ba cúng tạ dưới trên an lành .
Đó là đúng công việc lễ ba ngày tết . Còn thời gian rãnh rỗi thì vui chơi, thăm bạn bè, hàng xóm, đi chùa, thăm quan , thăm sếp..., nói chung ngoài lễ, không có tình bắt buộc.
Tôi nghĩ đó là ý nghĩa quí báu của tết cổ truyền rất cần gìn giữ. Vì vậy Tết cổ truyền chỉ cần nghỉ 4 ngày là đủ. Còn để nó biến dạng nghỉ cho dài, ăn chơi cho nhiều, tiêu xài cho thoải mái/ vung vãi thì không nên; nếu để cái biến dạng kéo dài thật lợi bất cập hại/ hại cực kì thì nên bỏ Tết cổ truyền là có thể lắm chứ.