CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 2) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017
CHƯƠNG 2
Thực ra ông Văn Hữu, Tổng Biên tập báo Đồng Quê không phải không nhìn rõ tim đen của ông Phó Tổng biên tập Nguyễn Trắc qua một số việc trong đó có việc cho cô Lệ Thủy một mình cai quản một xe lên Thành phố kỳ này. Nhưng khốn nỗi, do tính ông cả nể không dám nói thẳng ra mà cứ ỡm ờ, nửa phản đối, nửa không.
Anh chị em trong cơ quan phiền trách ông nhiều cũng ở chỗ này. Người ta bảo đó là biểu hiện của bệnh cầu an. Cầu an trong mọi lĩnh vực. Những người hay để ý dễ dàng tìm thấy mọi dẫn chứng để chứng minh. Nào là ông cầu an trong từng giấc ngủ. Tức là tối đến cứ đúng 9 giờ ông vào giường nằm, khi đó có bạn bè đến chơi ông cũng thẳng thắn báo cho biết để họ ra về. Ông cầu an trong cách ăn uống. Như không bao giờ ông ăn rau sống, sợ đau bụng, không ăn hột vịt lộn vì sợ ngu si, không uống cà phê sợ tổn hại thần kinh, không uống nước đá sợ có vi trùng. Còn cái món rượu thì phải nói ông sợ hơn tất cả. Nghe nói món này hồi trẻ ông cũng ghiền ghê lắm. Ấy thế mà về già ông từ bỏ được tuốt luốt. Thật là tài. Nhưng chắc chắn cái tài ấy không phải do lời ông bác sĩ khuyên ông rằng cái chứng bệnh tăng huyết áp của ông sẽ nặng thêm nếu trong máu ông luôn có thêm thành phần êtilic mà do một nguyên nhân ghê gớm khác. Ấy là một bức ảnh. Bức ảnh đen trắng, nhỏ thôi, hình như khổ sáu chín thì phải. Nguyên do là lần ấy đi công tác xuống xã, mải vui, ông đã quá chén và không hiểu thế nào mà một phóng viên dưới quyền ông đã “chộp” được cảnh ông đang nâng ly cối rượu đưa lên môi, cái tay vung lên như đe dọa đánh ai, cái con mắt thì long lên như mắt long thần ở đình chùa. Rõ ràng là ông Văn Hữu đang xỉn. Hôm sau cậu phóng viên mới giơ bức ảnh ra cho ông xem rồi vừa đùa vừa thật nói: “Ông mất gì, không tôi đem bức ảnh này nộp cho Thường vụ đấy!”. Nghe nói đến chữ Thường vụ ông sợ muốn teo bugi. Tỉnh ủy chả vừa mới ra thông tri cấm đảng viên uống rượu là gì. Bức ảnh này mà đến tay mấy ổng thì thật phiền cho ông. Thế là ông dứt khoát bỏ rượu từ ngày ấy. Chả chơi! Công lao kháng chiến mấy chục năm trời, bom đạn đế quốc quanh người còn chả chết mà bây giờ chả lẽ lại bị ngã kềnh vì ba cái rượu đế… cuốc lủi.
Đó là chuyện trà, chuyện rượu. Còn chuyện tình, chuyện gái gú? Người ta nói cho đến nay gần sáu chục tuổi rồi mà ngoài bà vợ hỏi han, cưới xin hẳn hoi, ông không lấy một miếng tình vắt vai, không có lấy một lần chạm tay vào một người đàn bà nào khác. Người hoài nghi nhất cũng phải công nhận như thế, bởi nhiều lần người ta bắt gặp trong những cuộc họp, nếu có bà nào, cô nào, xáp lại ngồi gần ông thì một là ông ngồi nhích ra xa, hai là ông đứng vụt lên lánh ra chỗ khác. Hình như ông sợ hơi hám đàn bà, được phụ trợ bởi mùi nước hoa thơm phức làm mê muội ông, không dể ông đủ minh mẫn mà viết văn, viết báo nữa. Nhưng cũng có thể ông sợ có ai đó nghịch ngợm lén đưa chiếc máy ảnh lên rồi “tách” một cái. Vợ ông không để ông yên đã đành mà mấy anh chàng, kiểu như Năm Trắc, đang ganh ghét ông, đang thèm muốn cái ghế của ông, sẽ mau chóng nắm lấy nó làm “vật ngang giá” để mặc cả với ông. Thế là cũng giống như việc uống rượu với những hệ lụy của nó, ông chả chơi.
Con người như ông mà lại ham mê việc viết văn làm thơ thì thật là lạ. Ham mê đến mức tự hành xác. Mấy chục năm trời ngày nào cũng như ngày nào, sáng đánh răng, rửa mặt xong, ăn uống qua loa, đóng chặt cửa lại, đút hai chân vào gầm bàn: Viết! Chiều, ngủ trưa xong lại đóng cửa, lại đút chân vào gầm bàn, lại viết. Cứ thế… cứ thế… Văn nghệ sĩ làm văn học nghệ thuật thời bao cấp giống như người đi câu. Nhà nước nuôi ăn, trả lương theo ngạch bậc đường hoàng, nhưng người đi câu thì tự do, đi câu hoặc không đi cũng được, câu được cá hay không, cá to hay cá bé, người trả lương không cần biết đến.
Tất nhiên kiểu sống như thế trang viết cũng chẳng được nhiều và câu chữ viết ra cũng nhạt hoét chẳng có gì gọi là đậm đà hơi thở, máu thịt của đời sống.
Ông Văn Hữu hình như không biết được điều ấy. Hoặc có biết nhưng ông lờ đi ra bộ không biết. Tất cả để ông theo đuổi một mục đích mà chả biết ông học được từ đâu. Ấy là, theo ông, viết báo là nghề còn viết văn là nghiệp, là viết cả ngàn bài báo rốt cuộc cũng chẳng để lại một vệt sáng trong đời bằng một bài văn, một câu thơ. Hàng ngàn bài bình luận về giá trị của sức lao động dù có đăng hết báo to báo nhỏ người đọc cũng sẽ quên ngay nhưng chỉ một câu thơ cũng là câu văn báo chí có vần “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” thì người ta còn nhớ mãi.
Với lại ông cũng đã già rồi, quỹ thời gian còn lại chả được bao nhiêu, không tranh thủ tận dụng thời gian lúc này thì còn chờ đến bao giờ nữa.
Ông luôn đóng cửa im ỉm là vì thế. Ông giao hết trách nhiệm điều hành, quản lý cơ quan cho ông Nguyễn Trắc là vì thế. Ông lờ đi mọi chuyện để ông Năm Trắc muốn làm gì thì làm cũng là vì thế. Và cái mà cả cơ quan ai cũng trách móc ông là vì thế.
Nhưng khốn nỗi cái sự “lờ” đi này không phải không có lúc nó quay trở lại dày vò ông. Âu đó cũng là cá tính của những người được coi là hiền lành. Ví dụ như trong câu chuyện hôm nay, sau khi miễn cưỡng đồng ý để Năm Trắc lấy xe cho Lệ Thủy lên Sài Gòn đón anh chàng Hào, ngồi nghĩ lại ông mới thấy hối hận về sự quyết định bồng bột của mình. Bởi thực ra, ông đã có ý định sẽ thân hành lên trên đó trực tiếp kiểm tra cái vụ làm ăn “liên doanh liên kết” của Năm Trắc xem thực hư thế nào, chứ lâu nay ông cũng đã nghe người ta xì xào bàn tán nhiều về chuyện này. Mặt khác Diệp Mỹ, con gái ông, nó cũng muốn quá giang xe ông đi lên thành phố một chuyến để làm việc gì đó, ông cũng đã nhận lời. Thế mà giờ đây, do tính cả nể, ông đã vội vàng từ bỏ ý định của mình. Càng nghĩ ông càng thấy lòng bứt rứt không yên. Đang suy nghĩ thì Diệp Mỹ từ cơ quan lại gọi điện thoại cho ông hỏi về cái việc đi Sài Gòn làm ông thấy cần phải có quyết định lại. Thế là mặt nóng bừng bừng như có luồng điện chạy qua người, ông bước vào phòng nói với Năm Trắc một câu xưa nay ông ít nói:
- Này, nếu lấy xe đi Sài Gòn để làm chuyện “liên doanh liên kết” thì tôi không đồng ý đâu nghe. Và như vậy, với tư cách thủ trưởng cơ quan, tôi bác bỏ hoàn toàn chuyến đi này.
Nguyễn Trắc chẳng phải tay vừa. Nghe thấy thế ông ta không thèm xuống thang dã nhạt mà còn dương dương tự đắc chống hai tay vào mạng sườn, cười khẩy:
- Vì sao?
Ông Văn Hữu không kìm nổi cơn tức giận:
- Vì không ai chấp nhận lối làm ăn này, kể cả các anh bên Ban Tuyên huấn!
Năm Trắc xì lên một tiếng:
- Ông lại đem Ban tuyên huấn hù tôi đấy phải không? Tôi xin nói để ông biết, cái đó chỉ hù dọa được những ai yếu bóng vía hoặc không có xương sống thôi, nghe!
Thiếu chút nữa, ông Văn Hữu đã ném cái ly đang cầm trên tay vào mặt Năm Trắc nhưng ông đã kìm lại được.
- Tôi không cho ông đem xe lên Sài Gòn chuyến này. Đó, tôi nói thế, còn ông muốn thưa lên đâu thì cứ việc thưa.
Mặt đỏ bừng, Văn Hữu loạng choạng đi vào phòng riêng rồi đóng sầm cửa lại.
Suốt chiều hôm đó ông cứ như người bị lên cơn sốt. Bứt rứt. Khó chịu. Làm gì cũng không thấy yên. Cái tính ông nó vẫn như thế. Tính tình của người lành hiền. Rõ ràng lẽ phải thuộc về ông và điều ông nổi nóng là có lý nhưng ông vẫn cứ thấy day dứt, thấy hối hận, ông thở dài liên tục. Trong khi đó, Năm Trắc lẽ ra phải là người băn khoăn nhất thì lại vẫn cứ như không, vẫn thản nhiên nói chuyện, đùa vui với mọi anh em trong cơ quan . Ông ta cũng chẳng cần nghĩ đến chuyện phải gặp lại Văn Hữu để cùng nhau thông cảm, cùng nhau dàn hòa. Cuối cùng, ông Văn Hữu, do không chịu nổi sự dầy vò trong lòng đã phải tự thân hành đến gặp Năm Trắc.
- Hồi trưa tôi nóng quá! Thôi, xí xóa nghe. Còn việc ông lấy xe đi Sài Gòn thì cứ tự nhiên…
Khổ, thế là ông Văn Hữu lại tự nhận khuyết điểm về mình, lại tự làm khổ mình, trong khi kẻ gây ra khuyết điểm lại được ông cho là đúng đắn. Và vì thế, Năm Trắc chả còn sợ sệt gì nữa. Lại vẫn nhơn nhơn tự đắc. Để rồi chiều hôm đó, ông ta đã có thể gọi cô Lệ Thủy vào phòng riêng nói nhỏ:
- Anh dành cho em toàn quyền sử dụng chiếc Matđa để đi đón thằng Hào. Em hãy cố gắng làm tròn cái điều chúng ta đã nhất trí, phải biến thằng Hào thành cái bia đỡ đạn cho chúng ta.
Biến thằng Hào thành cái bia đỡ đạn cho chúng ta! Hiểu chưa?
Tưởng Lê Thủy chưa “thấm nhuần” hết câu nhắc nhở đó, sếp Năm Trắc buộc phải nhắc lại.
(còn nữa)
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét