CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 3) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017
Chương 3
Cách đây bốn năm, Lệ Thủy là học sinh lớp 12 của trường Huỳnh Mẫn Đạt, cái trường trung học phổ thông duy nhất của cái thị xã ven biển này. Ấn tượng khó phai mờ về ngôi trường ấy với Thủy là những tà áo trắng chảy dài theo đường phố mỗi khi tan trường mà Thủy thường gọi đó “dòng sông trắng”, là hàng phượng vĩ chạy dài suốt dãy nhà 15 phòng học. Hàng năm cứ vào độ sắp nghỉ hè là ở đây lại cháy rực lên một màu đỏ như lửa. Lửa từ mặt trời dội xuống hay từ những con tim trẻ trung sôi nổi của tuổi học trò bốc ra? Nhiều hôm chẳng cứ gì những giờ ra chơi mà ngay trong các tiết học, lúc các bạn đang chăm chú nghe giảng và các thầy giáo đang miệt mài, cặm cụi với cục phấn trắng, với chiếc bảng đen và những câu phát ngôn được lặp đi lặp lại đến nhàm chán: “Hiểu chưa? Phải không nào?” Thủy vẫn thản nhiên lơ đãng nhìn ra ngoài. Cô đang bay bổng trong tưởng tượng. Cô đang nghĩ ra những câu chuyện, những mối tình. Cây phượng kia đích thực là do một cô gái có cái tên là Phượng chết đi hóa thành. Mà cô ấy vì sao phải chết nhỉ? À là vì cô ta yêu nhưng không lấy được một người con trai tên là Nắng. Bởi thế sau này khi cô chết rồi, mỗi lần gặp nắng thì lửa tình từ trái tim cô lại bốc lên. Nó bốc thành ngọn lửa cháy rực không gian. Kể ra người xưa cũng buồn cười thiệt. Không lấy được nhau thì chết. Việc quái gì phải thế? Ngày nay chả còn ai phải chết vì tình nữa. Vậy thì câu chuyện trên phải đổi thành thế này. Anh con trai tên là Nắng kia yêu nhiều cô gái quá. Nhưng anh ta cứ giấu ém những người yêu của anh ta và với cô nào anh ta cũng nói rằng: “Anh yêu em và chỉ yêu có mình em thôi”. Anh ta lừa dối giỏi lắm nên cô nào cũng tưởng thật. Chỉ có Trời, tức ông già đẻ ra anh biết được chuyện này, mới giận dữ bảo anh ta rằng: “Giấu những cô gái nhẹ dạ thì được chứ giấu tôi là không xong đâu. Tôi sẽ cho tất cả những nụ hôn mà anh đã dành cho các cô gái kia hiện thành những bông hoa”. Thế là bao nhiêu nụ hôn là bấy nhiêu bông hoa nở rộ. Và, trong số những cô gái này, Phượng là cô gái được anh yêu nồng nàn nhất. Những nụ hôn mà anh dành tặng cô đã trở thành bó đuốc khổng lồ cháy rực mãi với không gian và thời gian.
Yêu mãnh liệt đến thế là cùng. Lệ Thủy cảm thấy vui vì câu chuyện cô vừa nghĩ ra. Bất giác cô mỉm cười một mình.
- Em Thủy nhắc lại lời tôi vừa nói!
Câu nói của thầy giáo như một quả lựu đạn nổ chát chúa bên tai làm Thủy giật thót người. Bàng hoàng trở về với thực tế lớp học, Thủy đứng phắt lên. Trong cơn hốt hoảng, Thủy nhớ một cách lờ mờ rằng hình như thầy giáo vừa nhắc đến chị Dậu và anh Pha.
- Thưa thầy! Thầy vừa kể lại mối tình đằm thắm giữa chị Dậu và anh Pha ạ.
Cả lớp cười ồ lên. Con Thủy động trời này đúng là đang thả hồn lên tận chín tầng mây. Chị Dậu của ông Ngô Tất Tố thì có liên quan gì đến anh Pha của cụ Nguyễn Công Hoan.
Thầy giáo không giữ nổi vẻ nghiêm nghị, cũng phải cười theo. Và thế là Thủy cũng hết cả sợ, cũng nở cặp môi đỏ mọng tươi rói, cười theo. Một nụ cười nửa vời, e e thẹn thẹn, nửa như hối hận nửa như thách thức, nửa như lễ độ nửa như lả lơi… Kết quả là thầy giáo văn, một người đàn ông còn khá trẻ lại xa vợ con, phải đứng ngây như tượng gỗ trước vẻ đẹp kinh hoàng của cô học trò thơ mộng.
- Thôi em ngồi xuống. Bận sau tôi cho điểm một đó nghe!
- Giá bọn mình thì ăn trứng ngỗng lâu rồi.
Con Thư ngồi bên cạnh Thủy, một đứa bạn gái không may không được trời phú cho cái vũ khí biến không thành có như Thủy, đã xì xào bên tai một câu như thế.
Thủy đưa mắt nhìn ông giáo trẻ một lần nữa. Từ đấy trở đi cô cứ hồi hộp , vẩn vơ những ý nghĩ đâu đâu.
Cho đến một hôm Năm Trắc đến trường. Một tấm bảng đen được dựng ngay ngắn trước cổng, viết nắn nót mấy dòng chữ: “Nhà trường thông báo đến toàn thể học sinh lớp 12 biết: Đúng 7 giờ tối nay phải có mặt đầy đủ tại trường để nghe nhà báo Nguyễn Trắc, phó Tổng Biên tập báo Đồng Quê, nói chuyện chuyên đề: “Thơ tình yêu với tuổi trẻ”.
Chà, một chủ đề diễn thuyết khá hấp dẫn đây. Vấn đề thì có vẻ hay đấy nhưng không biết người nói chuyện là ai, có tài cán gì không, hay lại ê a nhai lại mấy bài trong sách, chán phèo. Bọn học trò kháo nhau, đoán già, đoán non.
Nhưng rồi nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, rốt cuộc tối hôm đó toàn bộ tám lớp 12 đều có mặt đầy đủ trước sân trường khi mới 7 giờ kém 15. Kỷ luật nhà trường thì ai còn lạ gì nữa. Đứa nào liều lĩnh không chịu đi nghe hãy coi chừng. Ngày mai chuẩn bị tinh thần ăn điểm 1 điểm 2 hoặc nếu không cũng là đi vét cống vét mương xung quanh trường. Còn nếu đi trễ thì cũng thế. Kỳ bình hạnh kiểm cuối tháng hãy sẵn sàng mà nhận mức yếu.
Tối hôm đó học sinh được ngồi theo đội hình từng lớp, trông xa cứ như những liếp khóm, liếp khoai mà ở cuối hàng nổi lên những cây cột. Đó là những thầy cô giáo đứng sừng sững để giám sát học trò.
Lệ Thủy ngồi ở hàng ghế đầu. Ánh sáng của ngọn đèn trăm wat có làm cô chói mắt nhưng điều đó chả sao. Có khi lại còn hay là khác. Ánh mắt của Thủy sẽ được sáng hơn, long lanh hơn. Đó là còn chưa nói đến độ đỏ của đôi môi. Đôi môi ấy dưới ánh đèn càng tươi càng mọng.
Năm Trắc bước lên bục nói chuyện sau lời giới thiệu khá xôm tụ của thầy hiệu trưởng. Ông Năm Trắc cũng còn trẻ. Già lắm cũng khoảng bốn mươi lăm. Dáng cao to. Ăn mặc chải chuốt. Đôi mắt mơ màng ẩn sau chiếc kính hai tròng. Vì ông chưa cất lời nên chưa nhận xét ông qua lời nói được nhưng nhìn vẻ bề ngoài thì thấy rõ là một con người trí thức, hay nói đúng hơn, một con người dù quá tuổi thanh niên lâu rồi nhưng vẫn có thể làm rung lên những con sóng trong lòng các cô gái trẻ.
Lệ Thủy đưa mắt nhìn nhanh Năm Trắc một cái rồi lại cúi xuống cuốn truyện đang đọc dở dang của mình. Lúc đầu thì cô cố tình không để ý gì đến những chuyện xung quanh nhưng sau nghe mấy tiếng thì thầm bên cạnh có lượng thông tin quá nhiều nên cô thấy không nên bỏ qua.
- A, tao biết ông này rồi. Một cây tán gái có hạng đó mày. Ông ấy là chú, là bác gì đó anh Nguyễn Hào là học sinh trường này mấy năm trước. Nghe đâu hiện nay đang học báo chí ngoài Hà Nội.
- Thằng cha dê có tiếng đó mày. Coi chừng không chừng bọn mình có đứa chết vì lão đó.
Có tiếng cười khúc khích. Thủy thấy nong nóng nhột nhột ở đằng sau gáy.
Năm Trắc đã mở đầu bài diễn giảng của mình. Giọng ngòn ngọt, âm ấm. Phát âm theo giọng địa phương nhưng không nói ngọng. Không nói “viết” là “giết”. Mới mở đầu mà nghe đã thấy hấp dẫn. “Tôi tới hầu chuyện các bạn trẻ!”. Ờ, được đấy. “Những lời tôi nói hôm nay chẳng qua do tôi góp nhặt được từ những bài văn, bài giới thiệu trên báo, trên sách của các nhà văn, nhà phê bình văn học. Nếu có điều gì bổ ích cho các bạn thì đó là công lao của các nhà ấy, còn nếu nhạt nhẽo, buồn tẻ thì là do tôi. Mong các bạn hiểu cho điều ấy!”
Ừ, được đấy chứ! Đám đông cười ồ lên. Có cậu khoái quá vỗ tay rối rít. Không ai không quay sang chia niềm vui này với người bên cạnh… Nói chuyện phải thật như thế mới được. Lâu nay, cái đám đông luôn được các thầy coi như đàn cừu này đã chán ngấy vì quá quen thuộc với những lời rao giảng cao đạo của các bậc ra vẻ nhà hiền triết, khi lớn tiếng mỉa mai: “Đáng lý bài này hôm nay tôi phải giảng cao hơn nhưng giờ đây trước mặt bằng nhận thức chung ở đây, tôi đành hạ thấp bài giảng xuống một mức, để các anh các chị có thể lĩnh hội được “nên câu nói mở đầu lúc này của ông Năm Trắc đã thổi vào một luồng gió lạ, làm không ai không cảm thấy mình được mát thêm.
Từ đó diễn giảng thu hút được hầu hết cử tọa. Cho đến khi ông ta nói thế này: “Tình yêu ư? Là cái gì nhỉ, khó nói quá! Từ ngàn xưa người ta đã nhiều lần định nghĩa tình yêu nhưng chưa ai giải thích cho trọn nghĩa được. Thôi, chúng ta hãy tạm thời bằng lòng với định nghĩa sau đây của nhà thơ Xuân Diệu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu…
Thì lập tức Năm Trắc thống lĩnh toàn bộ buổi nói chuyện. Những tràng vỗ tay vang lên như pháo đêm giao thừa. Nhất là khi Năm Trắc khoe rằng, khi Xuân Diệu còn sống, chính ông, chứ không phải ai khác đã được nghe nhà thơ nhắc nhở rằng lâu nay người ta hay đọc sai câu thơ của ông. Đáng lẽ nó là “bằng mây nhẹ nhẹ” hai dấu nặng, lại cứ đọc thành “bằng mây nhè nhẹ” , mất đi của ông một dấu nặng, thành ra câu thơ nó nhẹ hều, hời hợt hẳn đi. Các em cứ thử đọc xem. Nào chúng ta cùng đọc nhé. “Bằng mây nhẹ nhẹ” rồi nào “bằng mây nhè nhẹ” có phải hai câu khác hẳn đi không nào. Cả sân trường nhốn nháo hẳn lên. Các em học sinh thi nhau đọc lại lời Năm Trắc.
Riêng Thủy vẫn cứ dửng dưng. Bài thơ này cô đã chép vào sổ tay từ lâu rồi, từ năm còn học lớp 9 kia.
Trong buổi nói chuyện hôm đó Năm Trắc còn nói đến một cái ý mà đến giờ này Thủy còn nhớ. Tình yêu có cái gì lạ lắm các em ạ! Hình như nó không nói mà lại nói nhiều. Nói xuôi mà là ngược. Nói không mà lại hóa ra có. Từ chối mà lại là nhận lời. Như bài thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Bính:
Nhà em cách sáu quả đồi
Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em…
Thì rõ ràng cô gái này tuy nêu khó khăn mà lại muốn nói về thuận lợi. Bảo anh đừng yêu em mà lại mong anh yêu em. Vì sao tôi nói vậy? Nào các bạn hãy cùng tôi điểm lại những con số. Từ sáu (6) quả đồi, xuống đến ba (3) ngọn núi rồi xuống đến đôi, tức là 2 cánh rừng. Rõ ràng cô gái cố ý giảm dần khó khăn cho anh con trai. Nên khi cô nói nhà em xa cách quá chừng thì người ta thấy không còn xa nữa và khi cô van “anh đừng yêu em” thì chính là cô nói ngược lại: Hãy yêu em đi!
Thơ là thế đó các bạn ạ! Tình yêu là thế đó các bạn ạ!
- Hoan hô! Diễn giả nói hay quá!
Cả sân trường xôn xao. Cả ngàn người nói râm ran khiến nhiều lần Năm Trắc phải đứng ra gõ tay cộc cộc liên tục vào chiếc micro mà vẫn không sao dẹp yên được.
Cuối buổi Năm Trắc hỏi một câu bâng quơ:
- Ở đây có bạn nào thích làm thơ không?
Một câu hỏi nghe nói cuối buổi nói chuyện nào ông ta cũng nêu lên. Chính Thủy cũng lơ mơ nghĩ về điều ấy. Vậy mà hôm nay không hiểu sao Thủy lại nghĩ câu hỏi ấy ông ta dành riêng cho cô. Tim Thủy đập hơi khác lạ. Nhưng rồi cô lại cảm thấy mình vô duyên. Năm Trắc trong khi miệng hỏi nhưng mắt ông ta có nhìn vào Thủy đâu. Như vậy là ông ta chưa biết gì về chuyện Thủy hay lén làm làm thơ!
- Đâu! Lệ Thủy đâu?
Lệ Thủy như thấy tim mình như nổ bùng ra làm cho máu chảy ngược lên mặt, dồn vào hai vành tai. Mọi ngày ngổ ngáo là thế mà sao nay lại thế? Các bạn đổ xô mắt vào Thủy. Thế là Thủy lủi ra đằng sau rồi chạy biến vào trong khoảng tối mịt mùng cuối dãy phòng học. Vừa chạy Thủy vừa nghe thấy có những tiếng cười, tiếng nói đuổi theo.
- Chạy rồi ! Chạy rồi!
Và rồi đêm ấy Thủy cứ bâng khuâng mãi. Hình ảnh ông Năm Trắc có đôi mắt cười cười sau hai tròng kính cứ chập chờn, lởn vởn trước mặt. Tình yêu là cái gì nhỉ? Là cái vô hình mà lại hữu hình, Là không mà là có, là… là… hàng trăm thứ ngược đời… Ông Nguyễn Trắc chả nói thế là gì. Vậy thì cái đang nhen dần lên trong cô lúc này là cái gì? Có phải là tình yêu không? Ồ, chắc là không phải đâu. Ông ấy đáng tuổi cha chú của mình. Nhưng tình yêu là vô biên, là không có giới hạn mà. Ông ấy chả mới nói thế là gì? Ôi, giá thế này… ôi, giá thế nọ. Một tiếng tắc kè rơi tõm trong đêm. Mấy tiếng chuông đánh của chiếc đồng hồ treo trên tường. Làn gió vào nhà đem theo mùi hương dìu dịu của hoa ngọc lan trên cây trước cửa nhà… Tất cả những cái đó là gì. Chắc cũng là một nhân tố trong cái tình yêu đang đến với cô đêm nay…
Hôm sau Nguyễn Trắc đến nhà Thủy. Bất ngờ. Hoàn toàn bất ngờ như việc Thủy phát hiện ra ở ông một kho tiềm tàng về những lý thuyết của tình yêu.
Thủy thoáng bàng hoàng, mặc dù cô đã tự xỉ vả: “Làm gì mà rối lên thế. Coi chừng con người già dặn này bắt trúng mạch mày rồi đó.”
- Sao thầy kiếm được nhà em?
Thủy thấy ông ta cười. Không trả lời thẳng vào câu cô hỏi mà lại nói lảng sang chuyện khác.
- Đó là nhờ ở một thứ giác quan!
Nói rồi ông ta đưa mắt nhìn Thủy. Chỉ nhìn riêng Thủy thôi và lại còn cười nữa. Kiểu này thì rất dễ bị bà mẹ Thủy, một người rất khó tính, đánh giá không ra sao. Thủy phải vội vàng chạy vào nhà trong bảo với má:
- Má ra nhà ngoài chơi . Có ông nhà báo đến thăm nhà ta!
Thủy ở lì nhà trong không ra nhà ngoài nữa. Thủy lắng tai nghe cuộc đối thoại bên ngoài.
- Nhà ta được mấy người hả thím?
- Hiếm hoi lắm! Chỉ có tôi và con Thủy.
- Còn chú?
- Ổng đi đánh cá. Suốt năm suốt tháng ở trên biển ấy.
- Tôi là nhà báo thím ạ. Hôm qua tôi có tới trường cấp ba nói chuyện, được các thầy giáo cho biết em Thủy nhà ta rất giỏi văn thơ nên hôm nay tôi tới gia đình để trước hết là thăm, sau là muốn được xem xét những bài văn, bài thơ do em Thủy làm ra để còn có kế hoạch bồi dưỡng cho em thành một nhân tài cho đất nước sau này.
- Dạ, đa tạ tấm lòng thầy giáo. Khổ, nếu thầy hôm nay mà không đến nhà cho biết như thế thì rồi tôi còn la rầy oan cháu. Con gái con lứa gì mà suốt ngày cứ thơ thơ thẩn thẩn, viết viết, ghi ghi cái gì ở mãi tít trên lầu ấy. Tôi nghĩ, con gái thế là hư, là dễ bị người ta lôi kéo vào con đường trụy lạc lắm, chớ tôi đâu có biết là cháu nó làm văn làm thơ như thầy nói đâu. Vậy hóa ra làm thơ làm văn cũng là làm cách mạng hả thầy?
- Cách mạng quá đi chứ thím! Mà còn là thứ cách mạng cao cấp nữa kia!
- Dạ, nếu vậy để tôi kêu cháu ra ngoài đây để gặp lại thầy ạ!
Bà Hai Thơm đi vào nhà trong. Thủy cũng chỉ chờ có thế để có lý do đi ra.
Thủy gật đầu chào Năm Trắc. Cô không chào thành tiếng bởi biết chào thế nào. Còn Năm Trắc thì nhìn cô với một ánh mắt khác thường. Cứ như vừa cháy lên một ngọn lửa.
Sau khi kỳ kèo đòi được xem tập thơ của Thủy mà do mắc cỡ cô không đưa ra, Năm Trắc đành chữa ngượng bằng cách hỏi qua chuyện khác:
- Năm nay em định thi vào trường Đại học nào?
Thủy không trả lời. Cô cứ mân mê lọn tóc trên tay. Bởi cô thừa biết hôm nay ông này đến nhà cô không phải vì chuyện ấy. Bà Hai Thơm lúc ấy vừa từ trong nhà đi ra đã trả lời thay cô:
- Cái con này câm hay sao mà thầy hỏi lại không trả lời. Thi với cử gì được hả thầy? Tôi nghe chúng nó nói con Thủy nhà tôi thuộc đối tượng 12, 13 gì đó, mà loại này thì dù có học giỏi đến đâu cũng không len vào đại học được đâu.
Mắt Năm Trắc chợt sáng lên. Ông ta vừa chộp được một thời cơ:
- Thế hả thím? Nếu vậy thì đúng là khó đấy. Hay là thím cho em ấy học hết lớp 12 rồi đi làm ngay.
- Cảm ơn thầy. Nhưng cũng khó đấy. Nhà có vây cánh gì đâu, xin đi làm dễ gì người ta nhận.
Năm Trắc tiến thêm một bước nữa.
- Làm ông nọ bà kia thì khó, chứ làm những công việc bình thường thì khó gì! Vậy, tôi hỏi thật, thím có đồng ý cho em làm phóng viên nhà báo không nào?
Bà Hai Thơm có vẻ ngần ngại:
- Việc ấy là việc khó. Không chắc cháu có làm nổi không. Với lại nghề này phải đi đứng nhiều, tôi e không hợp với thân con gái như cháu.
Năm Trắc liền chơi nước cờ cao hơn:
- Cái đó thì tùy thím thôi. Chứ tôi nói thiệt, số sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí ra trường đến nay không tìm được việc làm còn ế nhệ đầy đàn đầy đống kia kìa. Không tin tôi mở cặp lấy đơn xin việc của bọn chúng cho thím xem.
Năm Trắc định mở cặp thật. Thấy thế , bà Hai Thơm tưởng thật, đã giẫy nảy, xua xua tay:
- Ấy, thầy đừng làm thế! Tôi là cái gì mà khiến thầy phải bận tâm.
Năm Trắc vẫn tiếp tục bài diễn văn của mình:
- Thím nên nhớ, sở dĩ tôi muốn xin cho em Thủy vào làm báo vì tôi mến cái tài văn thơ của em. Thím chưa biết đấy thôi. Chứ ở nước ta hiện thời không có nghề nào ngon ăn hơn nghề làm báo đâu. Một cái nghề vừa có tiếng lại vừa có miếng. Tức là vừa có tên tuổi, được mọi người biết đến, lại dễ kiếm tiền. Hiện nay ở ta có lẽ chỉ có nghề làm báo là được ăn cả hai mang. Đã có lương như mọi ngành nghề khác mà lại còn có tiền nhuận bút.
Cái ông này xạo hết chỗ nói. Đã biết văn thơ của người ta hay dở ra sao mà bảo người ta có tài văn thơ. Thủy nghĩ thế. Nhưng rồi cái vị ngọt của những lời có cánh vừa rồi đã làm cô mau chóng quên hết. Bà Hai Thơm cũng đã xiêu lòng:
- Thôi được, nếu thầy nói thế thì tôi cũng tán thành nhưng cũng xin thầy để xem cái ý của cháu nó ra sao!
Cả hai người đều nhìn về phía Thủy làm cô không biết nói gì nữa.
- Dạ… vậy thì chú xin cho cháu vào làm báo chú nhé!
Thế là ít lâu sau, Lệ Thủy nghiễm nhiên trở thành phóng viên bậc 1 của báo Đồng Quê.
Thủy không ngờ từ đó cô bắt đầu lạc vào trận đồ bát quái giăng tứ phía như lưới nhện của Năm Trắc. Chết nỗi những sợi dây dần dần quấn chặt lấy người cô như tơ nhện quấn con ruồi lại toàn là những “sợi nhớ, sợi thương”, những ngón nghề mà Năm Trắc mệnh danh là sáng tác, là văn chương, nghệ thuật…
Sau này, mỗi lần nghĩ lại, Thủy lại tự nhận ra bước đường ăn cháo lú của cô nó diễn ra đúng như người nghiện thuốc lá, hoặc cao hơn, nghiện chất kích thích. Lúc đầu nạn nhân còn lắc đầu quầy quậy: “Không chịu đâu! Không chịu đâu!” Nhưng khi bập môi vào thấy nó êm êm khoai khoái mặc dù còn bị ho sặc sụa… Rồi dần dần thì… chỉ thấy nó mê ly, bay bổng và thiếu nó là trống đi một khoảng không gì bù đắp được…
Hết chương 3
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét