CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 4) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017
“Máy bay đang hạ dần độ cao để đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Quý khách chú ý thắt dây an toàn”.
Chỉ đến khi cô tiếp viên hàng không nói như thế, Hào mới chấm dứt những ý nghĩ về Diệp Mỹ mà từ lúc lên máy bay đến giờ anh không sao xua được khỏi đầu óc. Điều anh nghĩ đến nhiều nhất là bức thư của ông chú anh, ông Năm Trắc, gửi cho anh kể tội khá nhiều về Diệp Mỹ. Cứ theo lá thư thì hồi này, tức là từ khi bỏ nghề dạy học sang làm du lịch, Diệp Mỹ hư hỏng đi rất nhiều.
Anh không tin những lời ông chú nói. Bởi, hơn ai hết anh rất hiểu Diệp Mỹ.
Vào giữa năm anh đang học lớp 11 thì Diệp Mỹ từ một tỉnh miền Đông chuyển về học cùng trường với anh. Cô chuyển trường vì phải theo cha, ông Văn Hữu, đang làm giám đốc Đài phát thanh tỉnh về đây làm Tổng Biên tập báo Đồng Quê. Không hiểu sao, trong hàng chục lớp 11 của trường, Diệp Mỹ lại chuyển về đúng lớp của Hào khi anh đang làm lớp trưởng. Ngay từ khi mới gặp, Diệp Mỹ đã làm Hào thấy gần gũi và muốn kết thân. Trước hết là Mỹ viết báo tường rất hay. Không gì khổ bằng anh lớp trưởng khi mỗi lần nhà trường tổ chức thi báo tường. Không đốc thúc các bạn viết bài thì lấy gì mà lấp đầy tờ giấy to như cái chiếu. Đốc nhiều thì họ miễn cưỡng nộp cho cái gọi là ban biên tập toàn những thơ con cóc hoặc những câu văn ngô nghê hết chỗ nói. Thành ra không sướng gì bằng trong lớp có người giúp anh làm chuyện đó kể cả sáng tác và trình bày.
Người giúp anh vượt qua khó khăn ấy là Diệp Mỹ. Thêm một điểm nữa là Diệp Mỹ hát rất hay.
Điểm cuối cùng là Diệp Mỹ đẹp, một vẻ đẹp tự có. Là đôi môi đỏ chót không cần tô son. Và nước da trắng mịn không cần đánh phấn… là ánh mắt đẹp không cần loang loáng đung đưa… là cơ thể đẹp không phần thêm độn.
Tất cả những cái ấy đã dần dần dẫn đến tình yêu của cô với Hào vào những tháng cuối của năm lớp 12. Nhưng tình yêu của họ là tình yêu học sinh. Họ có thể viết cho nhau những bức thư dài đầy ngập những từ ngữ yêu đương nhưng nếu có chạm phải tay nhau thì cả hai đều đỏ nhừ mặt, mắc cỡ và đều có thể nhớ đến suốt đời.
Hết lớp 12, Hào được vào làm phóng viên cho tờ Đồng Quê. Anh làm báo được ít lâu thì cơ quan cử đi học đại học báo chí tại chức ngoài Hà Nội. Còn Diệp Mỹ thì cũng năm đó, sau một lớp sư phạm ngắn ngày, cô đi dạy cấp 2. Cô không được đi làm báo, mặc dù cô rất thích và có khả năng, chỉ vì bố cô, ông Văn Hữu, không muốn hai cha con cùng công tác trong một ngành, một cơ quan.
Cô rất bất đồng với cha vì chuyện này nhưng cũng chả biết làm sao được.
Hào xa Mỹ là từ ngày anh ra Hà Nội học. Anh cũng thường xuyên nhận được thư của Diệp Mỹ. Qua thư cô nói với anh thực tình cô không yêu nghề dạy học, không phải vì ngành này lương lậu không cao mà vì tính cô từ bé đã thích bay nhảy. Diệp Mỹ cho biết sắp tới cô sẽ chuyển công tác sang bên Công ty du lịch của tỉnh. Hào nghe nói thế thì cũng đành phải đồng ý từ xa chứ còn biết làm sao.
Vậy là Diệp Mỹ chuyển sang bên ngành du lịch. Từ khi chuyển sang bên ngành này nghe chừng cô vui hơn. Bằng chứng là cô rất hay viết thư cho anh kể về từng chặng hành trình của mình… Cô còn gửi cho anh những bức ảnh chụp những danh lam thắng cảnh cô từng dẫn khách tham quan. Thư nào Diệp Mỹ cũng tỏ ra rất vui, rất nóng lòng mong sớm đến ngày kết thúc khóa học để hai đứa lại được… bên nhau.
Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà vừa qua ông chú Năm Trắc lại viết cho anh một lá thư với nội dung như thế.
Máy bay đã dừng hẳn bánh trên đường băng. Hành khách nhộn nhạo thu gom hành lý để chuẩn bị xuống máy bay.
Ai sẽ là người ra đón anh đây. Hào mỉm cười nghĩ lại ngay trong cái chuyện hết sức đơn giản này vậy mà cũng có hai cách suy đoán khác nhau. Môt tuần trước, trong thư Diệp Mỹ còn bảo: “Hôm về, anh yên tâm, em sẽ lên đón!”. Nhưng chiều hôm qua thì ông chú Năm Trắc lại điện tín: “Sẽ có người đem xe lên đón cháu!”. Sao vậy nhỉ?
Hào ra khỏi máy bay. Không khí nóng bốc lên từ đường băng cứ chập chờn, lay động như những làn khói.
Hết chương 4
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét