CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 5) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Chương 5
Nguyễn Hào nhìn lại chiếc đồng hồ treo trên tường nhà ga hàng không một lần nữa. 12 giờ 10 phút. Như vậy là anh đã ngồi đây nửa giờ rồi và không biết phải chờ ở đây bao lâu nữa. Anh đã bắt đầu thấy nóng ruột. Những hành khách của chuyến bay sau cũng đã rồi khỏi nhà ga đi hết vào thành phố. Nguyễn Hào lơ đãng nhìn ra ngoài. Ngoài sân chỉ còn vài ba chiếc xe rù rì đi lại. Trời mỗi lúc một nắng. Ánh nắng chói chang, gay gắt. Mau thế đó. Vừa mới cách đây mấy tiếng đồng hồ, anh còn co ro trong chiếc áo len dài tay có chiếc cổ áo to sụ ra che kín đến tận cằm rồi còn khoác thêm bên ngoài một chiếc áo măng - tô bằng da mà vẫn chưa cảm thấy hết lạnh. Thế mà giờ đây, áo măng – tô đã cởi rồi, chiếc áo len cũng cởi nốt mà vẫn còn thấy nực nội.
Hào phóng mắt nhìn xa về phía cổng sân bay. Vẫn chưa thấy chiếc xe nào đi tới. Lạ nhỉ. Hay là có chuyện gì đột xuất xe không lên được? Hay xe bị ban dọc đường? Để đốt thì giờ Hào mở túi lấy một cuốn sách định đọc. Nhưng không sao đọc được. Chữ nghĩa cứ chạy đi đâu. Hào cất sách vào túi rồi thơ thẩn đến quầy bán sách trong phòng chờ. Vào giờ này quầy không đông khách nên Hào có dịp quan sát tỉ mỉ những sách báo, tạp chí bày bán trên giá và treo lủng lẳng ở các sợi dây chăng ngang chăng dọc. Lâu nay ở Hà Nội anh cũng được nghe nhiều đến sự bùng nổ của báo chí, ấn phẩm ở các tỉnh phía Nam nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh mà bây giờ anh mới được chứng kiến tận mắt tuy chỉ là một vài cái quầy sách nhỏ. Quả là phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc thật. Đủ loại báo: báo tháng, báo tuần, báo ngày. Đủ loại tạp chí, đặc san, tập san, phụ trương… khuôn khổ to cũng lắm, khuôn khổ nhỏ cũng nhiều. Trong số tờ này có nhiều tờ lúc còn ở trường Hào đã đọc hoặc đã thấy. Nhưng lúc đó là thấy lẻ tẻ. Còn bây giờ thấy nó đứng bên nhau, thành đội ngũ, Hào mới thấy nó hùng hồn, lớn mạnh. Nhưng cái lớn mạnh của báo chí hiện nay, Hào nghĩ, hẳn không phải là sự đa dạng về hình thức, về khuôn khổ mà là về những vấn đề, những nội dung nó đề cập, nó phản ảnh. Chẳng cần đọc kỹ từng bài, chỉ cần đọc lướt qua các tên bài cũng đã thấy rõ ràng cái binh chủng báo chí hiện nay hùng hậu, lớn mạnh, và sắc bén hơn lúc nào hết. Nó đã thật sự trở thành vũ khí đắc lực của Cách mạng, thành tiếng nói chân thực của quần chúng. Báo chí hiện nay rõ ràng không có né tránh nữa. Nó đã dám xông thẳng vào sự thật, bóc trần và phanh phui sự thật.
Song, trong cao trào bùng nổ của sự đổi mới báo chí này, không thể không nhắc đến một hiện tượng không lành mạnh mà dư luận cả nước lâu nay đã lên án nhưng vẫn không sao chấn chỉnh, dẹp bớt đi được. Đó là sự đua nhau nở rộ như cỏ dại mọc sau cơn mưa những ấn phẩm được mệnh danh là đặc san, phụ trương, những loại mang danh một tờ báo chính thống nhưng lại nói chuyện tầm phào hoặc đại diện cho một địa phương nhưng lại nói chuyện trên trời dưới biển mãi tận đâu đâu…
Nghĩ thế nên sau khi xem hết lượt các tờ báo, Hào ngó đến các tập san, tạp chí, phụ trương. Anh nhìn lướt qua các tờ bìa rồi bỗng bật cười lên một mình. Trời ơi, có hẹn hò gì không mà lại dồn về đây cả một biển ái tình thế này… "Nói chuyện tình yêu…”, “Yêu nhau nên biết”, “Khi người ta yêu nhau”… "Bí ẩn của tình yêu…” rồi “Yêu và sống”. Lại nữa: “Nói với tuổi 15”, “Nói với tuổi 17”, “Nói với tuổi 20”… Rồi lại kìa: “Đêm tân hôn”, “Sau ngày cưới”, “Trong ngày cưới”. Đủ cả. Mỗi cuốn đều in ngoài bìa một tấm ảnh màu cỡ lớn, khi thì một cô gái tuổi thanh xuân hơ hớ phô bộ ngực căng phồng ra khiêu khích mọi người, lúc thì một cặp nam nữ thanh niên đang từ từ giáp hai khuôn mặt vào nhau như báo hiệu cho người đọc rằng: "Này, chuẩn bị xem chúng tôi sắp sửa hôn nhau đó”.
Hào nhớ lại trong một lá thư gần đây gửi cho Hào, ông chú Nguyễn Trắc cũng đã “khoe”: “Báo nhà đang đổi mới tư duy, sẽ phá bỏ đến tận gốc lề lối quan liêu bao cấp bằng cách cho bung ra mọi mặt. Đại để là sẽ mạnh dạn cải tiến nội dung và hình thức tờ báo cho nó hấp dẫn, được nhiều người ưa thích. Sẽ cho in nhiều phụ trương, nhiều đặc san về tình yêu, về bóng đá, về các mốt thời trang. Như vậy, trong một thời gian không xa, báo nhà sẽ hạch toán được, sẽ có lãi nộp cho ngân sách, sẽ không còn ngửa tay xin tiền của Nhà nước nữa. Anh chị em viết lách hoàn toàn có thể sống bằng ngòi bút của mình...”
Bất giác Hào bật lên mỉm cười một mình làm cô bán sách thấy vậy lại tưởng anh chàng đẹp trai này đang cười mình hoặc quầy hàng của mình một điều gì lên tinh nghịch hỏi lại:
- Anh cười gì vậy?
Sợ bị hiểu lầm, Hào phải thanh minh ngay:
- Không… ấy chết… xin lỗi cô… Tôi cười là cười những tờ đặc san này.
Cô bán sách bỗng dưng thấy có người nói trúng ý nghĩ của mình lâu nay nên cô đã bộc bạch ngay:
- Ai mà chả muốn hàng mình bán chạy. Nhưng nó phải chạy theo kiểu nào kia, chứ loạn xà ngầu lên như thế này thì bọn em cũng chả thích đâu. Em định viết một lá thư góp ý gửi đăng báo thì may sao lại có người viết rồi. Đây anh xem đây.
Cô gái chìa ra một tờ báo mới phát hành. Cô còn cẩn thận chỉ tay vào chỗ có đăng bài ấy. Thấy bài báo khá dài, anh liền mượn đem về chỗ ngồi của mình để đọc.
LẠM PHÁT BÁO
… Báo ở đâu mọc ra nhiều thế? Xin thưa, ngoài “vốn tự có” của thành phố ta, các tỉnh xâm nhập về cũng bộn. Nói giao lưu văn hóa thì đáng hoan nghênh, nhưng còn vấn đề… nhằm vào thị trường của thành phố (bốn triệu dân) để hốt bạc… Có báo địa phương nhưng nội dung chả có gì phục vụ địa phương, những người viết thì toàn ở thành phố, giấy nhà in cũng thuộc về thành phố, ra báo chủ yếu để bán và kiếm lời ở thành phố. Nếu như các tờ báo hay, nội dung thiết thực, bổ ích thì không nói làm gì. Đằng này có những tờ báo chủ đề này, chủ đề kia kỳ thực bên trong chứa toàn bài vở tầm phào, kém chất lượng, nói chung là rất dỏm, chỉ nhằm vào tâm lý tò mò của đám trẻ mới lớn hoặc thị hiếu dễ dãi của một số người mà thôi.
Đọc đến đây, Hào vừa dừng lại để tìm đoạn tiếp ở trang sau thì bỗng thấy hai con mắt bị tối sầm lại.
Khi anh phát hiện ra có bàn tay nào đó bịt chặt lấy mắt anh thì cũng là lúc anh nhận ra mùi thơm thoang thoảng của kem dưỡng da phụ nữ.
- Diệp Mỹ phải không? Diệp Mỹ?
Vừa quậy anh vừa gào to lên. Nhưng đáp lại anh vẫn là sự im lặng đến khó hiểu.
Hào vờ vĩnh dẫy dụa ra khỏi cái vòng tay ấy nhưng càng dẫy nó càng thít chặt hơn.
Lát sau hai bàn tay mềm mại ấy mới được buông ra. Hào dụi mắt và trong cái nhìn còn lốm đốm quầng trắng quầng xanh anh đã nhận ra một làn môi rất tươi. Một hàm răng rất trắng và đều… ẩn dưới làn tóc đen xoắn rối phải nói là rất đẹp.
- Thủy! Làm anh cứ ngỡ…
- Cứ tưởng Diệp Mỹ phải không? Thôi, em xin lỗi nghe!
Hai người ngồi bên nhau. Thủy buồn ra mặt:
- Bị vỡ mộng buồn lắm phải hôn anh? Thôi mà, đừng buồn nữa, chị Diệp Mỹ của anh mắc bận không đi đón anh được đâu!
Cô cố nhấn hai tiếng “mắc bận” để đánh vào lòng tự ái của Hào.
- Công việc báo chí ở nhà có gì mới không em?
Câu đầu tiên lúc ngồi trên xe Hào đã hỏi ngay Thủy như thế. Thủy tự ái, trách luôn:
- Lại báo với chí! Anh không hỏi em được một câu khác sao?
Nhận ra sự sơ suất rất đáng trách của mình, Hào liền sửa chữa bằng cách đưa mắt ngắm Thủy từ đầu đến chân:
- Em mập ra nhiều đó!
Không ngờ câu nói ấy lại càng làm cho Thủy buồn hơn. Cô nguýt dài rồi dẫy nẩy lên như đỉa phải vôi:
- Cái anh này! Chẳng khen người ta lấy một câu lại còn dểnh mỏ ra chê!
Hào thấy lúng túng. Chà, với những cô gái thế này khó nói chuyện quá. Thôi, không hỏi nữa có lẽ hay hơn. Anh quay sang bác Mười, lái xe:
- Bác vẫn khỏe chứ?
Bác Mười cười vui:
- Cảm ơn anh, tôi vẫn khỏe… Vẫn đều đặn ngày hai buổi dẫn lối đưa đường cho các thủ trưởng.
Hào vỗ tay vào đùi bác Mười:
- Bác vẫn còn nguyên lối nói hóm hỉnh năm xưa!
Bác Mười ghé đầu sang phía anh nói nhỏ:
- Ở với các nhà báo không biết ăn nói thì cứ chịu thua thiệt hoài... Nói vậy chứ hồi này cơ quan ta hoạt động nhiều, in ấn nhiều, đi lại nhiều nên tôi cũng có vất vả hơn trước.
Hào quay sang Thủy:
- Vậy là hồi này báo mình in nhiều, phát hành nhiều lắm hả Thủy?
Thủy ghé người cho sát Hào hơn:
- Dạ! Nhưng không phải là báo. Mà là những thứ này!
Thủy rút ra chồng sách để ở phía sau xe ra một cuốn đưa cho Hào. Cuốn sách, khoảng 20 trang, bìa nhiều màu và có dòng chữ rất lớn: NGHỆ THUẬT YÊU ĐƯƠNG kèm theo một dòng chữ khác chạy bên dưới: “PHỤ TRƯƠNG BÁO ĐỒNG QUÊ”. Đè lên trên những dòng chữ ấy, trải rộng hết tờ bìa là bức ảnh một cô gái… nhan sắc khá đẹp.
Mặc dù biết đó là ai rồi, Hào vẫn giả bộ hỏi lại:
- Trời, ảnh ai mà xấu như ma thế này?
Bác Mười hóm hỉnh:
- Đố anh biết đó?
Lệ Thủy giật nhanh lấy cuốn sách, giấu kín nó vào ngực rồi lên giọng dằn dỗi cho cái miệng phụng phịu đến là hay:
- Anh cứ dơ mãi ra, mắc cỡ thấy mồ. Khổ, em có muốn chụp ảnh đâu nhưng chú Năm Trắc cứ bắt em phải chụp…
Hào thấy bực mình về cách làm ăn của ông chú.
- Vậy đã có ai có ý kiến về những tờ báo kiểu này chưa?
Thủy ngập ngừng:
- Hiện giờ thì chưa! Vả lại có ai biết gì đâu mà nói. Vì mình in và phát hành đều ở trên này hết mà.
- Còn chú Tám Hữu?
Thủy cười lớn:
- Chà ông ấy cũng phản đối dữ đấy! Nhưng làm gì nổi. Xu thế thời đại mà!
Bỗng "rét” một cái, chiếc xe đột ngột lạng đi để tránh một xe khác chạy lấn chiếm phần đường bên này. Thủy xô người ngã vào vai Hào.
- Vậy làm ăn thế này có lợi lộc gì không Thủy?
Thủy miễn cưỡng trả lời:
- Lời chứ… không lời thì ai ngu gì mà làm!
Cô ấy giận rồi! Hào nghĩ. Đã vậy thì anh không thèm bắt chuyện nữa. Từ đó anh ngồi im. Bác lái xe thấy thế đã chủ động phá thế im lặng:
- Ôi, cũng là lời trên giấy tờ, sổ sách thôi!
- Nhưng anh em vất vả hơn thì là cái chắc phải không?
Hào chọc lại Thủy làm cô đang ngả người trên ghế xe phải bật dậy:
- Vất vả cái khỉ gì? Bài vở người ta viết. In ấn người ta lo. Phát hành, buôn bán người ta làm. Nộp lưu chiểu, thanh toán nợ nần người ta tính. Tóm lại người ta làm hết. Mình chỉ chờ in xong là đánh xe lên đây lấy ít cuốn đem về biếu và nhận tiền chia chác phần trăm thôi mà…
- Vậy cái người ta cần ở mình là gì?
Hào nhìn Thủy như muốn bảo: “Tôi biết hết rồi. Cô thử trả lời tôi xem sao?” Thủy biết ý đó. Nhưng cô vẫn cứ trả lời như với một người không biết:
- Là ở cái danh nghĩa xuất bản, tức là cái tên ghi ở dòng cuối bìa một. Đó, họ chỉ thiếu cái đó.
Hào mỉa mai cười giễu:
- Tức là mình bán “danh” hay còn gọi là bán giấy phép cho người ta. Nói cách khác người ta mua được mình.
Thủy lắc đầu:
- Hợp tác kinh doanh mà! Sao anh lại nói vậy?
Hào cười rồi nói thêm:
- À, còn chuyện này nữa chứ, tôi nói chưa hết: Sách in xong ngoài việc nhận tiền chia chác mình sẽ còn phải làm thêm một việc nữa, ấy là chuẩn bị ra tòa thay cho họ, phải không Thủy?
Thủy cười:
- Đâu có chuyện đó được! Anh thì lúc nào cũng nhát như thỏ đế…
Chiếc xe dừng lại trước cửa một khách sạn.
(Còn tiếp)
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét